Câu chuyện cũ từ thế kỷ trước bỗng trở nên sinh động và lưu giữ mãi trong tâm trí các em nhờ phần thi "Ai nhớ nhiều nhất" từ việc ngắm nhìn các hiện vật, nghe lời kể và xem phim tư liệu.
Các em được nghe thuyết minh về lịch sử tại các phòng trưng bày. |
Các em học sinh Trường THCS Lê Quý Đôn (TP Vĩnh Long) vừa háo hức đến thăm Bảo tàng tỉnh.
Câu chuyện cũ từ thế kỷ trước bỗng trở nên sinh động và lưu giữ mãi trong tâm trí các em nhờ phần thi “Ai nhớ nhiều nhất” từ việc ngắm nhìn các hiện vật, nghe lời kể và xem phim tư liệu. Hoạt động ngoại khóa đã mang lịch sử đến gần hơn, bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước trong mỗi bạn trẻ.
Tỉnh Vĩnh Long vừa là điểm dừng chân tiếp theo trong hành trình rong ruổi mang tình yêu lịch sử đến khắp các tỉnh ĐBSCL của Bảo tàng Tôn Đức Thắng (TP Hồ Chí Minh).
Ông Trần Anh Tuấn- Trưởng Phòng Trưng bày và Tuyên truyền của Bảo tàng cho biết: “Trong thời đại mới, để các bạn trẻ quan tâm đến bảo tàng hay đọc lịch sử thì không thể vận động một cách khô khan.
Cần hình thức linh động, dễ nhớ hơn, đó là tạo nên một sân chơi để khuyến khích các em tìm hiểu. Mang chương trình giáo dục đến bảo tàng, nhất là ở vùng sâu vùng xa thiếu các sân chơi để các em vừa vui vừa học, tiếp thu những giá trị tốt đẹp của lịch sử dân tộc”.
Trên 100 em học sinh chăm chú lắng nghe thuyết minh về lịch sử truyền thống cách mạng của tỉnh Vĩnh Long rồi xem đoạn phim tư liệu về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng.
Đến phần thi “Ai nhớ nhiều nhất”, các em ngồi vào sàn thi đấu, dùng bảng viết trả lời 20 câu hỏi về nội dung vừa xem. Sàn thi đấu tràn ngập tiếng cười và những ánh mắt háo hức.
Em nào cũng vừa phấn khích vừa hí hoáy viết nhanh câu trả lời vào bảng. Câu hỏi về sự nghiệp, cuộc đời bác Tôn, về Long Hồ dinh, năm ra đời của tên gọi Vĩnh Long, về những bà mẹ Việt Nam anh hùng của tỉnh… không làm khó được các em.
Đến những câu hỏi hóc búa cuối cùng, nhiều bạn rời sàn đấu trong tiếc nuối, vừa rời đi là chạy ào đi tìm cô giáo hay các bạn khác tranh luận về đáp án của chương trình.
Em Huỳnh Đỗ Minh Thư (học sinh lớp 6/1) chia sẻ: “Ở trường, có rất nhiều bạn muốn tham dự nhưng không đến được, em thấy rất may mắn. Đây là lần đầu tiên em tới Bảo tàng tỉnh, được ngắm các hiện vật, được vui chơi với bạn bè. Ở nhà, em đã dành nhiều thời gian tìm tài liệu đọc trước, khi đến đây thì học thêm nhiều kiến thức bổ ích nữa”.
Cô Trần Thị Gọn Em- phụ huynh của em Nguyễn Gia Linh vừa đứng ngắm con thi vừa cười, tâm sự:
“Phụ huynh chúng tôi sẵn sàng đưa con tới những chương trình ý nghĩa như vầy để cháu biết văn hóa, lịch sử của ông cha. Người Việt phải biết sử Việt. Từ mấy đêm trước, con tôi đã ngồi cặm cụi lên internet tìm tài liệu, đọc sách. Trò chơi thế này rất hay, vừa vui mà còn giúp các con chủ động chịu khó tìm tòi”.
Sân chơi rèn kỹ năng và tiếp thêm lòng yêu nước, tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ. |
Em Đường Bội Nhuận là quán quân xuất sắc vượt qua gần trăm bạn còn lại. Cầm phần quà trên tay, em hào hứng: “Em đã đến Bảo tàng tỉnh rồi nhưng đi về thì em không nhớ được nhiều. Chương trình này thật sự rất hay, tụi em tiếp thu kiến thức lịch sử rất dễ. Em
Các em hào hứng tham gia phần thi “Ai nhớ nhiều nhất”. |
được tiếp thêm lòng yêu nước và biết ơn bác Tôn, những người đi trước vì cống hiến to lớn cho đất nước”.
Là người đồng hành cùng các em ở trường rồi đến sân chơi này, cô giáo chủ nhiệm lớp 6/2 Huỳnh Thị Thùy Trang cho biết từ buổi sinh hoạt ở lớp, các em đã hào hứng chuẩn bị, tìm hiểu trước, nghiêm túc tham gia.
“Chương trình là sân chơi bổ ích, mang ý nghĩa giáo dục. Qua cuộc thi, các em được trải nghiệm sinh hoạt tập thể, rèn luyện kỹ năng ghi nhớ, tự ghi chép, vững vàng, tự tin hơn trong vai trò là thí sinh. Đây sẽ là kỷ niệm đẹp với các em và cả những người làm giáo dục như chúng tôi. Chương trình nên tiếp tục duy trì hàng năm để các em được học tập, trải nghiệm”- cô chia sẻ.
Ai trong chúng ta cũng đều tự hào về những trang lịch sử hào hùng của dân tộc. Nhưng câu chuyện lịch sử có thể đi vào lòng người thì cần có sự chủ động tìm tòi và một cách truyền đạt sinh động.
Tình yêu lịch sử cần được nhân rộng vì đó không chỉ là môn học cơ bản, mà còn là môn học giúp giáo dục nhân cách, bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc.
Khi lịch sử thấm sâu vào ý thức mỗi người con đất Việt, tình yêu nước mới có sức lan tỏa, được trao truyền giữa các thế hệ, mỗi chúng ta mới có hành động cụ thể, thiết thực để góp sức xây dựng đất nước.
- Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG- PHƯƠNG THÚY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin