Thú vị những bữa tiệc có một không hai nơi biển khơi

02:09, 07/09/2017

Nhiều người thường mặc định về cuộc sống ngư dân nơi biển khơi là cực khổ, thiếu thốn, dễ bỏ mạng... Nhưng sự thật lại khác hoàn toàn, nhất là khi ngư dân chuyển qua đi đánh bắt trên tàu vỏ thép 67.

Nhiều người thường mặc định về cuộc sống ngư dân nơi biển khơi là cực khổ, thiếu thốn, dễ bỏ mạng... Nhưng sự thật lại khác hoàn toàn, nhất là khi ngư dân chuyển qua đi đánh bắt trên tàu vỏ thép 67.

Những món sơn hào hải vị của đại dương như mực sống bóp chua, cá chủa bóp gỏi, da cá nhím... ăn chỉ một lần là nhớ suốt đời.  

Chế biến món cá chủa bóp tái trên tàu
Chế biến món cá chủa bóp tái trên tàu

Ăn cá đang nhảy

“Cá nè… dô!”, tiếng các ngư dân reo hò phía sau đuôi con tàu Quảng Ngãi đang chạy từ đất liền ra Hoàng Sa. Lưỡi câu thả sau đuôi tàu dính 2 chú cá chủa. Cá nhảy trên sàn tàu phát ra âm thanh bồm bộp và nhìn thật sướng mắt.

Khi tàu chạy, các ngư dân thả 2 sợi dây câu dài chừng 20m sau đuôi tàu để cùng tàu rẽ nước. Lưỡi câu buộc theo chùm vải luôn nhảy nhót trên mặt biển đã kích thích bầy cá chạy theo để đớp bóng, săn mồi.

Khi cá mắc câu thì bị kéo lướt trên mặt biển giống như người lướt ván. Có khi tàu đi vào vùng cá thì 3 - 4 con cá cùng mắc câu và thi nhau “lướt ván” trên mặt biển.

Ông Trung, ngư dân già trên tàu trầm trồ về con cá chủa to và nặng gần 3kg. Vào mùa đông, màu da cá chủa chuyển sang màu vàng óng.

Những chiếc vảy láng bóng và óng ánh ngũ sắc như màu của cầu vồng. Các ngư dân cho biết, thiên hạ thường nói là “dở như cá chủa”.

Nhưng nếu biết cách chế biến thì cá chủa có hương vị tuyệt hảo. Và để có được món ngon và trên bờ khó có dịp đánh chén, đó là làm thịt cá và chế biến ngay khi con cá còn đang giãy giụa bồm bộp trên sàn tàu.

Cá chủa được lạng thành lát mỏng, màu thịt trắng hồng. Thịt cá được bóp chua bằng vài trái chanh, trộn lẫn hành tây và rau thơm. Chỉ vài phút sau, mâm cá chủa tái được dọn nhanh ra sàn tàu.

Thịt cá chủa ngọt lịm và mát lạnh. Hương của gia vị càng làm cho món ăn trở nên độc đáo không gì sánh bằng.

Cá mú ở các nhà hàng thường làm món tươi sống chấm mù tạt cay, nhưng các ngư dân so sánh thì thịt cá chủa được chế biến ngay trên biển thành món ăn tái là ngon vô đối.

Ăn chưa hết mâm cá chủa thì tiếng hò la lại tiếp tục vang lên sau đuôi tàu. Thì ra tàu đi vào đúng luồng cá ngừ sọc dưa. Dây câu đã mắc vào 2 con cá ngừ to bằng bắp chân.

Các ngư dân vừa đánh chén xong bữa thịt cá chủa, tiếp tục quay sang bàn, trước giờ đánh lưới buổi chiều sẽ làm món thịt cá ngừ chấm bồ tạt cay.

Riêng thuyền trưởng thấy lưỡi câu ngoắc vào cá ngừ thì không toan tính chuyện ăn uống, mà quay sang dự đoán luồng cá. Con tàu được hạ tốc độ, máy dò cá được bật lên để kiểm tra tình hình luồng cá trong tọa độ.

Cá ngừ còn nhảy mang ra làm thịt thì khác với cá ngừ thường thấy trong đất liền. Đó là thịt cá màu đỏ hồng, hương vị ngon hơn nhiều so với cá đã qua ướp đá chở vào đất liền.

Vào những ngày gió đông thổi, cá ngừ liên tục vào lưới, mắc câu. Trong khoang thuyền lạnh, nồi canh cá ngừ bốc khói nghi ngút, vị ngọt và thơm.

Anh nuôi còn nấu một nồi cá ngừ rim với thịt lợn. Nồi thịt rim ăn càng lâu càng ngon. Kéo một hai mẻ lưới, các ngư dân lại chui xuống khoang sau nấu mì tôm đánh chén với cá ngừ. Lao động mệt nhọc càng thấy thấm vị ngon của cá ngừ tươi kho thịt.  

'Nhà hàng' đại dương

Tàu vỏ gỗ thường chật chội nên ngư dân không nảy sinh ra được nhiều ý tưởng lãng mạn. Từ khi bước sang tàu vỏ thép, đời sống của ngư dân đã có thay đổi bước ngoặt.

Trên tàu, vị trí đắc địa nhất mà các ngư dân hay ngồi sinh hoạt là lan can trước ca bin thuyền trưởng. Hàng ngày, ngư dân ngồi trước lan can để ngắm biển và bàn bạc những món ngon và sang trọng sẽ mang ra thết đãi anh em trước bữa ăn.

Buồng ngủ của ngư dân thường được bố trí ở tầng 2. Mỗi buổi sáng, các ngư dân chế cà phê hòa tan và ngồi ngắm biển qua ô cửa sổ. Cuộc sống trên biển vào mùa biển lặng khá thú vị. Nhưng mỗi khi biển gợn sóng, thời tiết chuyển làn thì đó mới là thời điểm được nhiều cá.

Tàu cá QNa 91327 TS của ngư dân Nguyễn Thanh Tiến ở huyện Núi Thành tỉnh Quảng Nam cũng có khá nhiều ngư dân nấu ăn ngon như một đầu bếp.

Khi tàu kéo lưới được một con cá thu dài hơn một sải tay và nặng chừng 8kg, các ngư dân không nâng niu bỏ cá xuống hầm để mang về bán, mà con cá này lập tức được đầu bếp là ngư dân Nguyễn Duy Thuận chế biến thành bữa ăn trưa.

Khi chuyển qua tàu vỏ thép, ngư dân có cuộc sống sinh hoạt nhàn nhã hơn (tàu vỏ thép của ngư dân Quảng Ngãi)
Khi chuyển qua tàu vỏ thép, ngư dân có cuộc sống sinh hoạt nhàn nhã hơn (tàu vỏ thép của ngư dân Quảng Ngãi)

Anh Thuận cho biết, “luật” ở mỗi nơi một khác. Có nơi đánh được cá ngon thì để dành bán kiếm tiền. Nhưng “luật” của ngư dân Kỳ Hà, đó là cứ con nào ngon nhất thì đem ra ăn, chủ tàu, thuyền trưởng cũng không được ý kiến.

Vì ăn con nào là ý của anh em bạn. Con cá thu được anh Thuận băm nhỏ và nhồi vào trái khổ qua để nấu một nồi canh to cho 14 ngư dân ăn cả ngày.

Khổ qua nhồi cá thu băm là món ăn lần đầu tiên trong đời tôi được thưởng thức. Nếu con cá thu này được bán tại các nhà hàng ở Sài Gòn thì có giá khoảng 2 triệu đồng.

Đối với các ngư dân đi đánh cá trên tàu vỏ thép ở Quảng Nam, mỗi người được luân phiên nấu ăn một ngày. Vì vậy ai cũng có tay nghề nấu ăn khá và có tài chế biến các món ngon của đại dương.

Buổi chiều, trước khi vào bữa cơm 30 phút, đầu bếp bê lên lan can hoặc nóc tàu một đĩa lòng cá, mực bóp chua, cá nướng… để anh em quây quần cùng đánh chén vài ly rượu, tăng thêm tình đoàn kết.  

Cả tàu ăn lẩu

Ngư dân Bình Định phần lớn làm nghề câu cá ngừ đại dương. Khi đi trên tàu này thì các thuyền viên thưởng thức món đặc sản là lòng cá ngừ.

Bộ lòng mang xào chua ngọt với dứa và hành tây sẽ có vị béo, ngọt và giòn. Món đặc sản dù ngon, nhưng có điều không ăn được dài ngày vì nhanh ngán.

Nhưng đây cũng là một trong những món được ngư dân xem như đặc sản của đại dương.

Đầu bếp chế biến nhiều món ngon và cầu kỳ nhất, đó là ngư dân đi trên tàu ở Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang. Khi tàu xuất bến thường mang theo một giỏ to trứng vịt lộn để chế biến món ăn như lẩu.

Mỗi buổi chiều, bàn ăn trải ngay ra trên boong tàu với những nồi nấu bốc khói nghi ngút. Món đặc sản trên tàu thết đãi ngư dân, đó là đẳng biển hầm với đậu xanh và trứng vịt lộn.

Đẳng biển có 2 loại, đó là đẳng kim và đẳng cá. Món đẳng tươi nấu lẩu ăn vào còn có tác dụng tăng sức dẻo dai, giảm đau lưng, mỏi gối.

Bữa cơm hàng ngày trên tàu cá vỏ thép
Bữa cơm hàng ngày trên tàu cá vỏ thép

Muốn ăn các loại sơn hào hải vị độc đáo nhất của đại dương thì đồng hành với các ngư dân trên tàu làm nghề lặn biển ở Quảng Ngãi.

Trong số các loại cá trên đại dương, cá sống dưới rạn san hô thường ngon hơn rất nhiều so với cá nổi trên mặt biển. Nửa đêm, khi các ngư dân vẫn còn đang ngụp lặn, một ngư dân được phân công làm đầu bếp vào nấu và nướng cá bò giấy, bò đen.

Không thể tả hết cảm giác thơm ngon khi được ăn các loại cá này. Hôm nào trên tàu tỏa ra mùi thơm lựng như gian bếp đang xào nấu món thịt gà Đông Tảo thì đó là món cá mặt quỷ. Hiếm hoi lắm ngư dân mới dám ăn cá này. Vì ở nhà hàng Sài Gòn, một con cá mặt quỷ có giá 3 triệu đồng.

Trong đất liền có nhiều đầu bếp giỏi, nhưng cách nấu món mực tươi đều sai lầm. Khi kéo mực lên, các ngư dân không luộc chín, vì hương vị ngon nhất sẽ tan ra nước. Ngư dân bắc nước sôi để nhúng mực chín tái, sau đó nêm gia vị và làm món mực cay. Cứ vài ngày ngư dân lại thết đãi nhà báo đi theo tàu một bữa mực tái ngon tuyệt. Mực tái có vị ngọt, dai, dẻo, thơm. Nếu so sánh thì món mực tái ngon gấp nhiều lần mực luộc

Theo NNVN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh