Lời thề của biển Tân Phụng

08:09, 25/09/2017

Có một làng ngư phủ hơn 300 tuổi trên dải cát ven biển huyện Phù Mỹ (tỉnh Bình Định). Dân làng đoàn kết tạo thành một khối vững chắc trước đầu sóng, ngọn gió. 

 

Có một làng ngư phủ hơn 300 tuổi trên dải cát ven biển huyện Phù Mỹ (tỉnh Bình Định). Dân làng đoàn kết tạo thành một khối vững chắc trước đầu sóng, ngọn gió. 

Với vẻ đẹp hoang sơ, Tân Phụng có nhiều tiềm năng khai thác du lịch
Với vẻ đẹp hoang sơ, Tân Phụng có nhiều tiềm năng khai thác du lịch

Thời chiến, họ dành dụm lương thực, cá tôm để nuôi bộ đội; tổ chức rào làng để cản bước quân thù. Hòa bình lập lại, nơi vạn chài đi theo tiếng gọi đổi mới, vun đắp xây dựng dải cát khô cằn thành phố biển phồn thịnh.

Rào làng đánh giặc

Qua 2 cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, những ngọn núi “cô đơn” án ngữ bên làng biển Tân Phụng (xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ) được bộ đội, du kích ta dùng làm thế trận chặn đứng nhiều cuộc đổ bộ của địch từ phía biển.

Cho đến nay, những chứng tích cách mạng hào hùng vẫn còn trên dãy Gò Dưa và hòn Đụn (làng Tân Phụng). Đã 85 tuổi nhưng cụ bà Nguyễn Thị Khánh vẫn còn rất minh mẫn.

Theo lời cụ Khánh, trong chiến tranh, ngôi làng Tân Phụng là căn cứ đóng quân của 4 “đời” giặc Pháp, Nhật, Đại Hàn và Mỹ.

“Chúng tôi hết rào làng đánh Pháp đến đánh Nhật, rồi quay sang đánh Mỹ để giành độc lập. Ngày đánh giặc, dân làng, bộ đội hy sinh cũng nhiều.

Những liệt sĩ được chúng tôi đem chôn cất cẩn thận ở ngọn núi Gò Dưa phía sau làng. Ngọn núi chôn cất vong linh tổ tiên, anh linh liệt sĩ, hôm nay được dân làng gọi là núi thiêng”, cụ Khánh tự hào kể.

Nhớ lại ngày rào làng đánh giặc, cụ ông Hồ Kim Anh (78 tuổi, xóm 1, Tân Phụng) bồi hồi kể: “Trong thời kỳ đánh Pháp và Mỹ, eo biển Tân Phụng này có 2 vọng đài là vọng đài các thợ và vọng đài nhân dân đặt trên đỉnh Gà Gô và mũi Vi Rồng (dãy núi Gò Dưa).

Hai vọng đài trên làm nhiệm vụ theo dõi, báo cáo tin tức của địch từ ngoài biển. Khi quan sát phát hiện quân địch, các vọng đài bắt đầu kéo cờ, địch đổ bộ vào làng thì sẽ kéo bồ lên.

Bồ được đan bằng tre nứa, sơn trắng, có 4 xương tre lớn để làm dây kéo lên, kéo xuống. Bồ kéo 3 lần là địch đã đổ bộ vào làng.

Ở trong làng, người dân dùng tre nứa chẻ chông rào làng, xây công sự. Địch bỏ neo, đổ bộ lên bờ là chúng tôi bắt đầu dỡ hết hầm chông, rồi từ phía trong ném lựu đạn chày ra đuổi giặc.

Bộ đội chốt ở trên núi, dân làng đánh bắt cá dưới biển, phối hợp với nhau khí thế hừng hực chống lại lực lượng hùng hậu của địch”.

Chung tay giữ rừng, biển

Ông Trần Thành Liên, Trưởng thôn Tân Phụng 1, lật lại gia phả của làng: “Cách đây trên 300 năm, tổ tiên chúng tôi từ ngoài Bắc di cư vào, chọn nơi đây để dựng làng làm nghề chài lưới.

Cũng vì thiên tai nơi đây khắc nghiệt, gió cát, bão biển kinh hoàng quá nên ông cha đã răn dạy con cháu phải bảo vệ những ngọn núi quanh làng.

Đời trước răn dạy đời sau, cứ thế trở thành hương ước, lời thề chung của làng. Núi có mũi Vi Rồng được tổ tiên chúng tôi gọi là núi Cấm.

Gọi vậy để răn cấm cháu con không được đụng đến, dù chỉ là một ngọn cây trên núi. Ai làm trái sẽ bị dân làng quở phạt.

Thế nên, khi sinh ra giữa vùng cát này, người ta đã ý thức được lời dạy giữ lấy rừng của người xưa. Nó cũng quan trọng như tập nói hay bước đi vậy”.

Để thêm phần thuyết phục, ông Liên dẫn chứng: “Trước đó, mỗi lần bão biển đi qua là núi Cấm trơ trụi, tiêu điều.

Cũng may có núi che chắn, chứ không thì dân làng này chết hết từ lâu rồi. Vào năm 1968, xảy ra cơn bão Nhâm Thân, bão đã càn quét ghê gớm, núi tan hoang sau bão.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, quân dân ta buộc phải chặt cây rừng để rào làng làm công sự chống giặc, rừng cây cứ thế lụi tàn dần. Hòa bình lập lại, dân làng mới có thời gian để phục hồi rừng cây ở núi biển”.

Nói như vậy để thấy, trước đây nơi làng biển đã phải chịu đựng nhiều thương tích do thiên tai và chiến tranh.

Ông Liên tiếp lời: “Khi no ấm trở lại, hưởng ứng phong trào trồng cây của Đảng, của Bác Hồ, bất kể già, trẻ trong làng đều lội bộ hàng chục cây số gánh giống cây dương về làng để gây dựng thành rừng dương bạt ngàn trên cát, che chắn bão cát mỗi khi có gió bấc”.

Núi Cấm Tân Phụng tựa như dải lụa xanh che chắn cho làng biển bao đời nay. Len lỏi vào rừng cây mới thấy hết được hệ sinh thái cuộn chặt, khắng khít đan cài lấy nhau.

Núi biển cũng có cái đặc biệt và khác với những dãy núi ở mạn ngược. Rừng cây nơi núi biển thấp, nhưng lại đan cứng vào nhau tạo thành một “trận địa” cây, chẳng gió bão nào phá được.

“Tân Phụng hôm nay là một làng biển giàu mạnh với 900 hộ dân, trên 5.000 nhân khẩu, phải tách ra làm 2 thôn Tân Phụng 1, Tân Phụng 2.

Mỗi thôn cử ra một tổ bảo vệ rừng, kết hợp với lực lượng kiểm lâm để tự bảo vệ những khu rừng xung quanh làng. Cứ 5 ngày chúng tôi phối hợp đi tuần một lần; 6 tháng tập trung lực lượng kiểm tra tổng thể...”, trưởng thôn nói.

Thật ra, nếu dân làng ở đây không đồng thuận, lập lời thề giữ rừng thì chẳng ai có thể giữ nổi 5.000 con người kia. Ở nơi đó, làng biển tự bảo vệ mình bằng cách giáo huấn, răn dạy con cháu phải tôn trọng thiên nhiên và bảo vệ cây cối...

Đối diện với ẩn họa khi gió cát, bão biển kéo về, gần 5.000 ngư phủ làng biển đã ý thức được rằng, nên đoàn kết để cùng nhau giữ rừng. “Lời thề của biển” như lời cảnh báo cho các buôn làng đang sở hữu những cánh rừng nơi mạn ngược.

Núi thiêng bên sóng

Tương truyền, trước đây ở dãy Gò Dưa có một hòn núi ngoảnh mặt ra biển. Sóng biển xô đá kết lại, tạo thành vi một con cá chép hóa rồng.

Sau đó, một vị tướng nhà Đường biết chuyện, đến và nhận ra nơi này có long mạch nên dùng kiếm chém đứt vi cá để yểm long.

Núi đá vỡ vụn thành những hòn son đá màu đỏ vương vãi khắp eo biển. Đá mài với nước ra màu son đỏ đậm. Về sau các sĩ tử đã tìm đến, nhặt lấy đá ấy mài làm mực bút thi thố để vận may tiến đạt hơn.

Theo năm tháng, sóng biển xô núi tạo thành một móc họng giống như miệng của rồng nên dân làng gọi đó là mũi Vi Rồng. Núi ấy là núi Cấm đang được ngư phủ làng biển Tân Phụng phục hồi, bảo vệ.

Theo chân một số cao niên nơi làng biển Tân Phụng men theo con đường mòn dọc núi Cấm dẫn ra mũi đá nhiều giai thoại. Mũi rồng là một tảng đá được sóng biển mài giũa thành họng, lưỡi, vi, vảy xếp lại thành tháp kỳ vĩ.

Theo lời cụ Hồ Kim Anh, địa thế của núi Cấm được người xưa gọi theo tuần tự long, lân, quy, phụng. Cụ Anh diễn nghĩa: “Câu đó để nói đến địa thế của núi Cấm này.

Theo lời dặn của người xưa, nghĩa là trước mặt hướng ra biển là rồng, sau nữa là lân, giữa mũi Rồng gọi là quy, hướng ra biển ta thấy có 2 vách, vách nhất và vách nhì gọi là phụng.

Ở hòn quy giữa mũi rồng, có mạch nước ngầm từ núi Cấm chảy ra màu xanh như ngọc vậy”. “Hôm nay, làng biển Tân Phụng đã giàu đẹp lên nhiều rồi, có thể ví như một phố biển phồn thịnh nhất vùng này.

Thế nhưng, điều khiến chúng tôi đau đáu nhất, đó chính là khao khát mở một con đường du lịch ra đây, để du khách có thể khám phá sự kỳ diệu của làng Tân Phụng…”, trưởng thôn Trần Thành Liên tâm sự.

Theo SGGPO

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh