Cốm gạo- món quà quê chạm vị tuổi thơ

07:09, 18/09/2017

Chẳng biết cốm gạo có từ bao giờ nhưng trong ký ức của những đứa trẻ nông thôn, món quà vặt đậm chất hương đồng gió nội là thứ khoái khẩu không thể thiếu trên "bàn tiệc" của những nhân vật nhỏ tuổi.

Chẳng biết cốm gạo có từ bao giờ nhưng trong ký ức của những đứa trẻ nông thôn, món quà vặt đậm chất hương đồng gió nội là thứ khoái khẩu không thể thiếu trên “bàn tiệc” của những nhân vật nhỏ tuổi.

Thấm thoát 2 thập kỷ trôi qua, nhanh như cái chớp mắt. Ngày ấy, thỉnh thoảng chạng vạng chiều đi học về, nghe trong bếp tiếng nổ lốp bốp, chạy ùa vào là thấy ngay chị Hai loay hoay làm cốm.

Thương nhớ kỳ lạ lắm! Có những điều đốt mãi chẳng thành tro…
Món quà quê gắn liền với tuổi thơ của nhiều đứa trẻ nông thôn.

Cắn miếng cốm giòn rụm, cảm thấy vị ngọt còn vương nơi đầu lưỡi cùng vị béo của dừa, đậu phộng, thoảng mùi gừng cay cay. Ngày ấy chỉ biết cốm của chị Hai vừa miệng nhất, ăn lấy, ăn để chứ không biết thế nào là ngon.

Sau này lớn lên, khi không tài nào tìm được hương vị cốm như của chị Hai làm, hỏi “bí kíp” chị mới bảo khâu quan trọng nhất để có miếng cốm ngon là khâu chọn lúa. Cốm phải làm bằng lúa nếp, lúa dẻo để có độ bung xốp, không bị cứng. Nếu chọn phải loại lúa kém chất lượng thì coi như mẻ cốm đó phải bỏ đi.

Trông có vẻ đơn giản nhưng quá trình làm cốm phải tỉ mỉ trải qua các bước rang, sàng, trộn, cắt. Tôi còn nhớ như in, trên chảo cát nóng đến hàng trăm độ, chị Hai nhanh nhảu rang đều tay trong khoảng 5 phút thì lúa sẽ nổ bung thành cốm.

Chị hai bắt tôi sàng đến sạch vỏ trấu, cùng lúc đó thì chị ngào loại gia vị đặc biệt để cốm đậm đà hương vị. Nước đường, mạch nha, chanh, nước cốt dừa… được nấu cho sánh lại, cho cốm vào rồi tôi với chị Hai kết hợp nhịp nhàng đảo cốm cho đều.

Sau khi cho cốm vào khuôn, thêm gừng xắt lát mỏng, đậu phộng rang vàng lên mặt, nén chặt trên khuôn rồi dùng dao cắt cốm thành thẻ. Công đoạn cuối cùng là đóng gói để cốm giữ được độ giòn.

Niềm vui của những đứa trẻ nông thôn ngày ấy là quệt vội giọt mồ hôi, ngắm mẻ cốm óng ánh như mẻ vàng vừa mới luyện xong rồi chia nhau ăn ngấu nghiến.

Ông nội tôi thì khá cầu kỳ, ông sẽ không ăn cốm nếu thiếu ly trà nghi ngút khói. Tôi còn nhớ hoài cái hôm bên hiên nhà mưa tí tách, ông ngồi vắt chéo chân trên cái ghế đẩu, nhấp ngụm trà, nhìn tôi giành cốm với mấy đứa trẻ trong xóm rồi nở nụ cười hiền.

Cây bàng già trước nhà đã qua 20 mùa thay lá. Ông nội không còn nữa, chị Hai về nhà chồng, mấy đứa trẻ trong xóm tứ tán làm ăn xa, lo cho cuộc mưu sinh. Mẻ cốm cùng hương vị ngọt ngào ấy chỉ còn trong ký ức của tôi.

Trải qua bao thăng trầm, món quà quê ngọt lành đã cùng những đứa trẻ lớn lên. Nó không bị lãng quên mà người ta còn bọc “áo” nhựa, gắn nhãn để trở thành đặc sản như làng cốm trên cù lao An Bình (Long Hồ- Vĩnh Long), làng cốm An Ninh (Cái Bè- Tiền Giang)…

Trong thời đại số, bạn chỉ cần lên mạng thực hiện vài thao tác nhỏ và mất chừng nửa buổi thì gói cốm sẽ đến tận tay, tận nhà... dù bạn đang ở thôn quê hay thành thị. 

Nhưng dù có ăn bao nhiêu món ngon vật lạ, dù có đi đâu, về đâu thì tôi cũng chẳng thể quên món cốm gạo giòn rụm, thơm thơm, béo béo của chị Hai, không quên nụ cười hiền của nội và nhất là tiếng cười giòn tan của mấy đứa bạn trong xóm khi giành mất miếng cốm có nhiều đậu phộng của tôi.

Thương nhớ kỳ lạ lắm! Có những điều đốt mãi chẳng thành tro…

  • Bài, ảnh: PHƯƠNG THÚY
Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh