Đến hẹn lại lên, nhịp sống mùa nước nổi đầu nguồn đã sôi động trở lại. Theo con nước tràn đồng, ruộng đất no phù sa, bông điên điển nở vàng, bông súng ma vọt lên mạnh mẽ, lưới dớn giăng giăng đón cá tôm... Mà đâu chỉ "nhận" từ thiên nhiên ưu đãi, người dân đã tận dụng mùa nước nổi như một cơ hội hái ra tiền và quan tâm bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Đến hẹn lại lên, nhịp sống mùa nước nổi đầu nguồn đã sôi động trở lại. Theo con nước tràn đồng, ruộng đất no phù sa, bông điên điển nở vàng, bông súng ma vọt lên mạnh mẽ, lưới dớn giăng giăng đón cá tôm... Mà đâu chỉ “nhận” từ thiên nhiên ưu đãi, người dân đã tận dụng mùa nước nổi như một cơ hội hái ra tiền và quan tâm bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Đàn vịt chạy đồng di chuyển qua cánh đồng mới. |
Nhịp sống mùa nước nổi bắt đầu
Theo ông Nguyễn Văn Buôn- Phó Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp), gọi mùa nước nổi vì con nước ở sông Cửu Long không đổ về đột ngột, mà từ tháng 7 đến tháng 11 âm lịch, nước sông dâng lên từ từ rồi tràn đồng, “nằm” ở đó và rút xuống dần.
Năm nay huyện thông báo quyết định xả lũ và người dân đồng thuận. Bởi ai cũng thấy, nhiều năm không xả lũ đất thiếu phù sa, sâu bệnh phát sinh nhiều…
Đi qua nhiều cánh đồng Tam Nông, Hồng Ngự nước lên đồng trắng xóa. Trên cánh đồng xã Thường Lạc, người dân di dời lều trại vịt lên bờ đê cao, đàn bò vẫn nhởn nhơ gặm đọt cỏ non trên ruộng cho tới khi nước tới chân.
Hình ảnh đó cho thấy đối với người dân, con nước về đồng thật từ tốn và có đủ thời gian thích nghi với một nhịp sống mới kéo dài trong vài tháng tới. Mà từ trước đó nghe tin năm nay con nước lớn, rơm cuộn đã được cộ về sân dự trữ làm thức ăn cho đàn bò, trét chai xuồng, vá lưới, đan lợp mới… chuẩn bị đón con nước đỏ phù sa.
Khi mặt trời khuất đọt tràm, anh Lê Văn Hùng (ở xã Thường Lạc- Hồng Ngự) đã quảy bao đựng bẫy chuột ra bờ đê dọc con kinh Tứ Thường đặt chuột.
“Nước tràn đồng, chuột leo lên bờ kiếm ăn. Đặt 10 cái có tới 9 cái bẫy đập coi như trúng, mùa này chuột mập rất ngon”- anh Hùng nói mỗi đêm “đập” chừng vài chục ký chuột, sống khỏe.
Trên tuyến đê này, nhiều người “hành nghề” như anh, “thấy vậy chớ “phân địa bàn” hết à. Bẫy đặt giáp mí nhưng có ký hiệu hết, câu ếch cũng vậy, không ai đụng của ai”- anh Hùng vừa nói vừa chỉ chúng tôi phân biệt.
Nước tới đâu nhịp mưu sinh tới đó. Cánh đồng nước mới lé đé gốc rạ, vịt đồng vẫn còn kiếm ăn, người dân lượm ốc, bắt cua ngày cả bao. Đồng nước lên tới thắt lưng nhường chỗ cho lưới, dớn…
Trong khi đó, người dân ở xã Mỹ Hòa (huyện Tháp Mười- Đồng Tháp) đã kịp trục vùi đám sen già để đón con nước “nước tới đâu, cây sen vọt theo tới đó”.
Người dân Đồng Tháp Mười trồng sen mùa nước nổi. |
Đối với lão nông Nguyễn Văn Hào (xã Thường Lạc), mùa nước nổi còn là mùa chạy đồng “ăn” cá. Đã quen nhịp sống, nước về là ông chất lưới xuống xuồng qua đồng Thường Thới Hậu đặt dớn.
Khi nước dâng cao, ông cuốn lưới qua đồng Thường Lạc. Cắm sào lênh đênh trên đồng nước, chiếc xuồng làm nhà, cơm nước tự nấu để tiện thăm câu, lưới. Mỗi mùa nước nổi, ông theo con nước “chu du” qua mấy giang đồng, có chiếc radio bầu bạn nghêu ngao vọng cổ cho vui.
|
Theo ông Nguyễn Văn Hào, cá phân (loại cá nhỏ, cá tạp làm thức ăn cho cá lóc nuôi vèo) hiện chỉ 3.000 đ/kg, trong khi cá linh “móc hầu” (đã lớn bằng ngón tay út, có thể làm sạch bụng) giá cao gấp 10 lần. Do vậy, việc cấm khai thác cá nhỏ không ảnh hưởng những người lưới cá như ông Hào, mà còn có lợi khi cá lớn vào đồng sẽ nhiều hơn. |
Trồng bông điên điển, nuôi tôm trên ruộng
Mùa nước không chỉ là bồi dưỡng phù sa cho cánh đồng, mà còn là nguồn kinh tế của rất nhiều gia đình. Tại huyện đầu nguồn An Phú (An Giang), theo ông Phạm Thành Tâm- Phó trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT, mùa nước cá từ biển Hồ (Campuchia) tràn về nên nguồn cá rất phong phú, còn có cua đồng ngày cả tấn chở đi TP Hồ Chí Minh.
Dù vậy, nguồn thủy sản tự nhiên đang ngày càng ít đi, nên mùa nước nổi cũng là mùa làm ăn tất bật và ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản đã được quan tâm.
Đây là tín hiệu đáng mừng để không còn tình trạng đánh bắt “già không bỏ, nhỏ không tha” như trước nay.
Bởi theo cảnh báo của các nhà khoa học, cùng với nhiều nguyên nhân khác, nếu không ngăn chặn đánh bắt cá kiểu tận diệt từ bây giờ thì sẽ làm cạn kiệt nguồn cá thiên nhiên.
Chúng tôi ghi nhận người dân đánh bắt cá mùa nước nổi cũng đã hiểu chuyện mình làm khi “nhà báo đừng nói tui bắt cá nhỏ, mấy ông lãnh đạo kiểm tra mắt lưới, phạt tụi tui”, vậy là họ đã biết lỗi rồi.
Và khi nhận thức những nguồn lợi tự nhiên không còn vô tận, người dân đã có những cách làm ăn mới tận dụng mùa nước nổi hiệu quả hơn.
Theo ông Phạm Thành Tâm, bây giờ người dân chủ động trồng bông súng, điên điển chứ không đợi mùa nước ra đồng hái nữa, vì tính ra lời hơn nhiều so với trồng lúa.
Nông dân tính toán trồng xen, khi lúa Hè Thu vào giai đoạn trổ là trồng điên điển xuống, thu hoạch lúa xong thì điên điển cũng lớn lên vừa kịp nước về. Huyện An Phú cũng đã có đề tài nghiên cứu về giá trị kinh tế của cây điên điển trên ruộng lúa.
Còn tại huyện Hồng Ngự, nhiều năm qua các mô hình nuôi tôm mùa nước nổi hay trồng cây rau nhút, rau muống trên đồng đã cho thấy hiệu quả tích cực.
Cánh đồng Thường Thới Hậu B phóng khoáng đón nước tràn đồng. |
Ông Huỳnh Phú Em- cán bộ nông nghiệp xã Thường Thới Hậu A- cho biết, hiện xã có 2 điểm nuôi tôm mùa nước nổi. Có hộ thả 300.000 con tôm trong lưới bao quanh 50 công ruộng.
Mô hình thực hiện 5-6 năm nay, làm ăn cũng “lặn hụp” do chưa có kinh nghiệm nhưng 2 năm gần đây hiệu quả khá cao. Năm nay dự đoán sẽ trúng hơn năm trước, vì nước cao thì tôm càng dễ sống.
Bên cạnh, nhiều hộ cũng thả tôm bắt được từ dớn, luồng để “vỗ béo”. Anh Nguyễn Văn Linh (ấp Bình Hòa Trung, xã Thường Thới Hậu A) vừa thả 90kg tôm tự nhiên, hớn hở khoe: “Năm nay nước lên ruộng nhiều, thấy thuận lợi nên tui bung lưới nuôi tôm. Hy vọng mực nước vào đồng “đủ đẹp” để con tôm sống khỏe, lớn nhanh”.
Để tận dụng khai thác nguồn lợi mùa nước nổi mang lại, từ nhiều năm nay người dân xã Thường Thới Hậu A chỉ còn làm 2 vụ lúa và mở đồng cho nước tràn. Ông Phú Em cho biết hiện toàn xã 1.200ha đã ngập nước, đồng gò khoảng 2m, còn chỗ trũng thì ngập đến 3m.
|
“Những năm trước tỉnh An Giang đã có quy định về cỡ mắt lưới, nhưng bà con… phớt lờ mà ngành chức năng cũng không thể kiểm soát cả khu vực rộng lớn. Năm nay tỉnh quy định tới 31/8 mới được đóng đáy, nhiều trường hợp không chấp hành đã bị xử lý”- ông Phạm Thành Tâm cho biết năm nay tỉnh An Giang cấm đóng đáy trên sông bắt cá linh non nghiêm ngặt hơn. Còn tại huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp), ông Nguyễn Văn Buôn cũng cho biết huyện chủ trương không đánh bắt cá linh non và quy định từ 1/5- 31/7 cấm khai thác loài cá này. Ngành chức năng huyện cũng thường xuyên kiểm tra cỡ mắt lưới, ngư cụ đánh bắt trên sông, rạch. Tuy nhiên, theo ông Buôn, cá linh non đầu mùa giá quá cao nên không thể ngăn người dân đánh bắt triệt để, nhưng để bảo tồn nguồn cá này có khó cũng phải làm. |
(Còn tiếp)
Bài, ảnh: NHÓM PV KINH TẾ
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin