Một lãnh đạo Phòng Kinh tế TX Tân Châu (An Giang) bảo rằng, sản xuất ngoài đê bị thiệt hại do lũ sớm nên đành phải chịu, chớ đến thời điểm này "lũ vẫn đẹp đấy thôi". Lũ "vẫn đẹp thôi" bởi những vùng trong ô đê bao vẫn sản xuất rất ung dung…
Các tin liên quan |
Một lãnh đạo Phòng Kinh tế TX Tân Châu (An Giang) bảo rằng, sản xuất ngoài đê bị thiệt hại do lũ sớm nên đành phải chịu, chớ đến thời điểm này “lũ vẫn đẹp đấy thôi”. Lũ “vẫn đẹp thôi” bởi những vùng trong ô đê bao vẫn sản xuất rất ung dung…
Nhiều diện tích sản xuất lúa đã được “bê tông hóa” đường dẫn nước, hỗ trợ tích cực cho việc canh tác. |
Ngày mùa rực nắng
Chuyến phà Tài Xỉu từ thị trấn Chợ Mới (An Giang) qua cù lao Tây (5 xã cù lao huyện Thanh Bình- Đồng Tháp) ngày nắng vàng rực rỡ. Người dân chỉ đường đến xã Tân Bình “ở trỏng đang gặt lúa đó”, mấy bác nông dân gặp nhà báo cũng hối thúc “hỏi gì hỏi riết, tui còn đi vô ruộng”…
Cánh đồng xã Tân Bình có 713ha đất, trong đó hơn 3/4 chuyên sản xuất nếp 3 vụ/năm- mà theo nhiều nông dân địa phương do “ăn ké người hàng xóm” là “huyện nếp” Phú Tân (An Giang) làm nếp lâu đời và diện tích lớn hơn.
Chú Phan Công Chính (Bảy Lâu)- Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Tân Bình- cho biết: “Làm nếp dễ ăn, năng suất cao lại dễ bán. Trước đây, tui có 20 năm làm lúa Jasmine nhưng giá cả bấp bênh, giờ chuyển qua làm nếp hiệu quả hơn. Làm nếp năm nào cũng thắng”.
Cánh đồng Tân Bình có 100% hộ nông dân tham gia hợp tác xã nên theo chú Bảy Lâu, cơ giới tập trung thu hoạch trong 3 ngày là xong.
Mặc dù ở đâu đó người dân thu hoạch “chạy lũ”, nhưng “ở đây đê bao chắc chắn rồi, chính quyền xã họp nhiều lần để xả lũ nhưng người dân không chịu. Vì trong ô đê bao mưa gì cũng không sợ, đặt bơm rút nước ra cái một, hiệu quả mà chi phí thấp”- chú Bảy Lâu nói- Thấy Tân Bình “làm bắt ham”, 4 xã còn lại của cù lao Tây hàng năm xả lũ cũng… muốn làm theo.
Nhưng năm nay, nếp không thắng mà “trở cờ”: “giá bán có 4.500 đ/kg so với năm ngoái giá 5.000- 6.000 đ/kg. Tui làm 32 công nếp, thu hoạch chỉ 14 bao/công (khoảng 600kg) thấp hơn năm ngoái nhiều”.
Than thở vậy nhưng chú Tư Lâm và nhiều nông dân vẫn vui vì thu hoạch trúng nắng, nếp đẹp màu, nên dự tính sẽ cày xới tiếp tục gieo sạ vụ mới mà không lo lũ tràn hay mưa bão.
Trong khi đó, cù lao Long Thuận (Hồng Ngự) cũng… khô queo. Theo những lão nông sống ở đây từ “cha sanh mẹ đẻ” như chú Ba Hạnh, chú Hai Tạo thì trước năm 2000, vùng này chống chọi với lũ gian khổ lắm.
Mùa lũ nước tràn đường đi, cả xóm phải xắn tay chất bao ngăn nước. Từ năm đó, đê bao được nâng cấp cao ráo, vững chắc và nay đã thành con đường nhựa phẳng lỳ xe máy chạy vù vù nhìn nước thấp tè dưới chân đê.
Đây cũng là điều kiện giúp Long Thuận hình thành vùng rau màu lớn nhất tỉnh Đồng Tháp với trên 210ha tại các ấp Long Hưng, Long Thạnh, Long Hòa, cung cấp các loại hành hẹ, củ cải, củ sắn… cho thị trường.
Nông dân cù lao Long Thuận đặt máy bơm sẵn sàng ứng phó mưa lũ trong ô đê bao. |
Theo anh Trương Tấn Tài- cán bộ nông nghiệp xã Long Thuận, đặc biệt nhờ thị trường Campuchia nên rau màu rất phát triển và khuyến khích người dân chuyên canh, nếu thuận mùa trúng giá lợi nhuận từ rau màu cao gấp 6-7 lần lúa.
Vì thế mà, chú Nguyễn Văn Tạo- trồng 4 công rau màu- cho biết: “Trồng màu cực nhưng thu nhập khá hơn lúa. Nhờ đó gia đình 5 người sống khỏe hơn. Từ hồi trồng màu đến giờ không hề bị ngập lũ”.
|
Đến nay, Chợ Mới đã chuyển dịch cơ cấu cây trồng 1.215ha. Diện tích cây ăn trái không ngừng mở rộng, trong đó, Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện đánh giá hiệu quả nhất là trồng xoài, hiện có 4.560ha (chiếm hơn 86% diện tích). Ngoài ra, tận dụng hệ thống đê bao khép kín, các xã Mỹ An, Long Kiến, An Thạnh Trung... đã chuyển đổi trồng mãng cầu ta, chanh, bưởi, cam. Kiến An là vùng chuyên canh rau màu lớn nhất tỉnh, hệ số vòng quay sản xuất 5- 6 vụ/năm, mỗi ngày cung cấp ra thị trường 80- 100 tấn rau màu các loại. |
Tươi mát “cù lao xoài”
Trùng hợp thú vị chúng tôi ghi nhận được là hầu hết cù lao ở các tỉnh đầu nguồn ĐBSCL đến nay đã có hệ thống đê bao khép kín từ sau lũ lớn năm 2000, chủ động sản xuất kể cả trong mùa mưa lũ và nông dân có lý do để “không xả lũ”.
Nếu cù lao Tây chuyên nếp cao sản vì luôn có đầu ra tốt, cù lao Long Thuận rau màu rộng mở tới thị trường Campuchia, thì cù lao Giêng (huyện Chợ Mới- An Giang) hơn chục năm qua còn được biết với tên gọi “cù lao xoài” tiêu thụ mạnh ở thị trường Trung Quốc.
Điều đó cho thấy đời sống sản xuất của một số vùng ở ĐBSCL đã không còn “sống chung với lũ”, mà tách biệt hẳn với nước nổi nhờ hệ thống ô đê bao khép kín.
Anh Dũng cho biết cù lao Giêng hầu hết trồng xoài Đài Loan và tiêu thụ ở thị trường Trung Quốc. |
Anh Nguyễn Tấn Dũng- vừa trồng xoài vừa làm thương lái ở ấp Trung Châu (xã Mỹ Hiệp- Chợ Mới), cho biết không dám nghĩ “cù lao từng làm lúa 2 vụ/năm, mùa nước lên chỉ đi bằng xuồng mà chỉ chừng 10 năm trở lại đây đê bao đã giáp cù lao. Bây giờ không biết lũ là gì”.
Nhưng càng bất ngờ hơn “chỉ khoảng 5 năm gần đây, cù lao Giêng đã được lên mô trồng xoài hết”, có lẽ nhờ đê bao kết hợp giao thông đường nhựa vận chuyển thuận lợi nên “ai cũng ham xoài”.
Mỗi công xoài cho thu nhập không dưới 20 triệu/năm, trúng giá có thể 50- 70 triệu đồng/năm. Anh Dũng đang trồng và “mua lá” khoảng 1.000 gốc xoài, chuẩn bị tưới thuốc xử lý “canh” thị trường Noel và Tết Nguyên đán.
Nhưng chị Nguyễn Ngọc Dung- chủ một vựa xoài- phang ngang biểu anh Dũng canh làm gì, xử lý cho ra thời điểm này xoài hiếm, bán xô ngon hơn và chị nhẩm tính “ở cù lao Giêng có hàng chục vựa xoài, thời điểm thu hoạch rộ thu mua 5-10 tấn/ngày.
Xoài chủ yếu “đóng” đi Trung Quốc, thường họ ăn loại 1, loại 2, còn loại 3, xoài cóc bán các chợ trong nước, nhưng lúc hiếm hàng như hiện nay, xoài nào đi Trung Quốc cũng ăn hết”.
Theo Phòng Nông nghiệp- PTNT Chợ Mới, cù lao Giêng có 3 xã (Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp, Bình Phước Xuân) đã chuyển toàn bộ diện tích đất trồng lúa sang trồng rau màu, vườn cây ăn trái, đạt lợi nhuận 180- 200 triệu đồng/ha. Nghề kinh doanh xoài cũng hình thành với hơn 50 vựa, điểm thu mua xoài.
Thế nên cù lao Giêng còn nổi lên như “cù lao tỷ phú”, xoài cù lao tiêu thụ khắp cả nước, đặc biệt rất nhiều vựa “đóng” xoài đi Trung Quốc.
Theo các chủ vựa, khoảng 80% sản lượng xoài ở đây là xoài Đài Loan, số ít trồng cát Chu, Hòa Lộc. Cù lao xoài được bao phủ một màu xanh tươi mát trù phú, trong đê bao khép kín, người dân không còn lo phụ thuộc con nước mà đã chủ động sản xuất theo nhu cầu thị trường.
Nhưng lại có mối quan tâm khác, do phần lớn xoài tiêu thụ thị trường Trung Quốc nên cũng không ít người lo… lỡ Trung Quốc không “ăn” biết bán xoài cho ai?
Theo ông Lê Văn Hùng- Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Đồng Tháp, toàn tỉnh có 30% diện tích có hệ thống ô đê bao đảm bảo chủ động sản xuất nông nghiệp. Đến nay, toàn tỉnh có 1.300 ô đê bao bảo vệ sản xuất nông nghiệp, với khoảng 7.800km. |
(Còn tiếp)
Bài, ảnh: NHÓM PV KINH TẾ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin