Chạy theo con nước đồng bằng

04:08, 15/08/2017

Chúng tôi ngược dòng lên đầu nguồn và cũng muốn tìm hiểu lý do vì sao con nước đồng bằng ngày càng trở nên "khó chịu" hơn!

Các tỉnh đầu nguồn ĐBSCL đã bắt đầu đón mùa nước nổi về. Con nước ngầu đỏ từ biển hồ Campuchia lại theo dòng Mekong đổ vào sông Tiền, sông Hậu đem tới nhiều sản vật cho con người và phù sa bồi bổ những cánh đồng.

Người dân đồng bằng có nơi hồ hởi đón con nước lên đồng; có nơi ung dung thu hoạch, gieo sạ lúa, rau màu vụ mới; nhưng cũng có nơi gọi con nước đầu mùa là lũ vì bất ngờ làm ngập hoa màu, ruộng lúa phải thu hoạch “chạy lũ”…

Thực tế đời sống người dân đồng bằng đã thay đổi rất nhiều và mùa nước nổi hầu như không còn hiền hòa như xưa nữa. Chúng tôi ngược dòng lên đầu nguồn và cũng muốn tìm hiểu lý do vì sao con nước đồng bằng ngày càng trở nên “khó chịu” hơn!

Kỳ 1: Đón nước về đồng

 Nước đang tràn tới cánh đồng Thường Lạc.
Nước đang tràn tới cánh đồng Thường Lạc.

Sau 2 năm mùa nước nổi không về, năm nay bà con ở đầu nguồn An Giang, Đồng Tháp đang khấp khởi mong chờ con nước sẽ tràn đồng… Với họ, con nước là “người bạn” là nguồn kinh tế quan trọng và bây giờ, đôi khi cũng là tai họa.

Bên anh hớn hở…

Sau vụ lúa vừa thu hoạch, cánh đồng xã Thường Lạc (huyện Hồng Ngự- Đồng Tháp) đã “bung” cống cho con nước đỏ cuồn cuộn từ kinh Tứ Thường tràn vào đồng, nước đã lên lé đé gốc rạ.

Còn phía bên kia kinh Tứ Thường (thuộc xã Thường Thới Hậu A, Thường Thới Hậu B) nước đã trắng đồng từ hơn tuần trước, mà theo người dân “trên ruộng giờ đã gần 2m nước”.

Ngoài ra, ông Nguyễn Văn Buôn- Phó trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Hồng Ngự- cho biết: Theo kế hoạch của huyện, đến ngày 5/9/2017 sẽ tiếp tục xả lũ 2.600ha của xã Thường Thới Tiền và Thường Phước 2. Các vùng này đã 5 năm mới có nước để lũ xả.

Theo con nước về, nhịp sống mùa nước nổi dọc kinh Tứ Thường đã bắt đầu. Người dân địa phương đã sẵn sàng lưới, lọp… cho mùa kiếm tiền mới.

Đang vá lại tấm lưới để chuẩn bị ra đồng, chú Trần Văn Trung (ấp Trà Đư, xã Thường Lạc) bảo năm nay nghe dự báo lũ về sớm mừng lắm, vì lâu rồi không có nước dâng cao. Mới đầu con nước mà cá đã về nhiều gấp 2- 3 lần so với thời điểm này năm trước.

“Nhà tui ở ruộng trông lũ về không lo thiếu đồ ăn, mà còn hái ra tiền từ lưới cá”- chú Trung nói thiệt tình. Cạnh đó, anh Vàng cũng đang sửa lại chiếc xuồng nhỏ để chuẩn bị ra đồng, hồ hởi: “Có nước là có cá, có thêm thu nhập. Tui hùn với mấy ông bạn đi ghe lưới, ngày “chạy” cũng kiếm vài trăm ngàn”.

Nhiều người dân dọc kinh Tứ Thường cho biết mùa nước về “được nhiều hơn là mất, vì bao năm đã quen sống chung với lũ”.

Trong khi đó, nhịp sống mùa nước nổi đến hẹn lại lên, mỗi người một cách khai thác: lưới, dớn giăng trên đồng, chỗ xăm xắp cắm câu ếch, bờ đê cao bẫy chuột…

Cậu bé Nhựt Hào tranh thủ còn mấy ngày hè đi đặt bẫy chuột, hớn hở khoe: “Mỗi ngày em bắt được 3- 4kg chuột đồng, rồi bắt thêm cua ốc, có thêm tiền mua tập sách. Xóm em nhiều bạn cũng đi bẫy chuột, câu ếch… Vui lắm!”

Cậu bé Nhựt Hào đặt bẫy chuột trên đê dọc kinh Tứ Thường.
Cậu bé Nhựt Hào đặt bẫy chuột trên đê dọc kinh Tứ Thường.

Nhiều người lưới cá chuyên nghiệp như chú Lưu Văn Tánh ở xã Thường Thới A. Chú có 5 luồng dớn, mỗi ngày chạy vài chục ký cá. Mỗi sáng, con trai chú chạy vô chở cá ra chợ bán, còn chú “cặm xuồng” luôn trên cánh đồng để tiện thăm lưới, đổ dớn. Năm nay “ăn cá” nhiều hơn năm trước…

… Bên nàng buồn hiu

Trong khi con nước về reo vui khắp cánh đồng Hồng Ngự thì một số địa phương đầu nguồn An Giang hay vùng Đồng Tháp Mười lại buồn hiu vì lo thu hoạch lúa, màu chạy lũ. Từ cầu Cồn Tiên (Châu Đốc), chúng tôi ngược lên các xã đầu nguồn biên giới huyện An Phú (An Giang), nước đổ về mạnh mẽ, đỏ quạch phù sa.

Ông Phạm Thành Tâm- Phó trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện An Phú- mô phỏng: “Đỉnh lũ năm nay cao hơn lũ năm 2011 từ 1-2 tấc chứ không thua”. Nhưng dự báo tháng 9, 10 âm lịch mới là đỉnh lũ nên việc phòng chống bảo vệ sản xuất, nhà cửa khiến địa phương không khỏi lo âu.

Huyện An Phú nằm “sát mép” sông Hậu, có 2 vùng sản xuất. Khu vực trong đê bao thuộc bờ Đông sản xuất được 3 vụ lúa, còn bờ Tây là vùng thoát lũ cho đầu nguồn nên không đầu tư đê bao chỉ sản xuất được 2 vụ.

Hiện ở huyện này thu hoạch gần xong. Tuy nhiên, do lũ về sớm nên người dân đã gặp rủi ro trong trồng lúa vụ phát sinh. Chính quyền địa phương đã tuyên truyền, khuyến cáo không nên gieo vụ 3 ở lúa và trồng các loại cây hoa màu trong dịp này ngoài đê bao nhưng người dân không nghe.

Chính vì vậy, theo bà Trần Ngọc Nga- cán bộ văn phòng xã Vĩnh Hội Đông, trên địa bàn ấp Vĩnh An có gần 60 hộ canh tác ngoài đê bao bị thiệt hại với gần 70ha lúa mất trắng do lũ.

“Nhiều năm trước, vụ lúa này thắng lợi do lũ về muộn, về ít thậm chí không về. Tuy nhiên, năm nay do lũ bất ngờ về sớm hơn gần 1 tháng nên bà con trở tay không kịp. Mặc dù khi phát hiện lũ về, người dân đã chủ động hùn tiền với nhau đắp đê tạm ngăn lũ nhưng lũ vẫn tràn vào, gây ngập đồng, thất thu”- bà Trần Ngọc Nga cho biết.

Tại các xã Vĩnh Lộc và Phú Hữu (An Giang), không khó bắt gặp những ruộng bắp thu hoạch sớm chạy lũ.

“Con đê ngăn lũ bất ngờ bị vỡ, nước tràn trắng cánh đồng, ngập toàn bộ ruộng bắp của tui”- nông dân Võ Văn Kẹo ở ấp Vĩnh Phước (xã Vĩnh Lộc) kể với chúng tôi. Bắp còn non sữa mà ngập là coi như tiêu.

“Năm nay, tui trồng 15 công bắp, còn 20 ngày nữa là thu hoạch nhưng bị lũ chụp không kịp trở tay. Thất thoát 70% do bị ngập, thu hoạch không kịp”- ông Kẹo buồn rượi.

Ruộng bắp của ông Võ Văn Kẹo ở ấp Vĩnh Phước phải thu hoạch sớm chạy lũ.
Ruộng bắp của ông Võ Văn Kẹo ở ấp Vĩnh Phước phải thu hoạch sớm chạy lũ.

Hiện nay trên địa bàn xã Vĩnh Lộc có thêm 20ha bắp và mè chuẩn bị thu hoạch nhưng bị nước lũ ngập sâu nghiêm trọng gây thiệt hại nặng.

Để giải quyết vấn đề, chính quyền địa phương cấp huyện, cấp xã đã tăng cường công tác thống kê, kiểm tra xác định mức độ ảnh hưởng của lũ để có biện pháp hỗ trợ kịp thời cho người dân.

(Còn tiếp)

Bài, ảnh: NHÓM PV KINH TẾ

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh