Thầm lặng lo khói hương cho đồng đội

02:07, 21/07/2017

Không còn đơn thuần là việc mưu sinh, họ muốn tận tay lo khói hương tri ân đồng đội và nhớ về những ngày tháng lịch sử khó quên trong đời.

 

Chú Nguyễn Văn Tám thắp hương cho đồng đội ở Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Trà Ôn.
Chú Nguyễn Văn Tám thắp hương cho đồng đội ở Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Trà Ôn.

Trở về sau chiến tranh, nửa đời bôn ba lo toan cho cuộc sống bằng nhiều nghề khác nhau nhưng cuối cùng 2 thương binh Nguyễn Mạnh (Long Hồ) và Nguyễn Văn Tám (Trà Ôn) đã chọn điểm dừng cho cuộc đời mình bằng nghề quản trang.

Không còn đơn thuần là việc mưu sinh, họ muốn tận tay lo khói hương tri ân đồng đội và nhớ về những ngày tháng lịch sử khó quên trong đời.

Lặng lẽ thắp hương cho đồng đội

Trong cái nắng chói chang sau cơn mưa tháng 7, chúng tôi tìm đến Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Long Hồ ở xã Lộc Hòa. Chú Nguyễn Mạnh năm nay đã 60 tuổi. Khập khiễng bước đi từng bước trên đôi chân không còn lành lặn, chú cúi người, tác phong nhanh nhẹn nhổ đám cỏ dại mọc bên mộ của những liệt sĩ.

Chú tự hào chỉ hàng hoa trang thẳng tắp, nở rực rỡ giữa những ngôi mộ nói: “Thấy hàng bông tui trồng đẹp hông? Một hàng 4 mộ thì trồng 4 cây cho mấy ổng hổng thấy buồn”.

Sau 4 năm chiến đấu ở chiến trường K, chú trở về vào năm 1986. Có nhiều năm làm công tác quản lý ở chợ Lộc Hòa nhưng khi người quản trang ở xã qua đời, chính quyền địa phương ngỏ lời mời về làm, chú thương binh hạng 2/4 gật đầu cái rụp.

Rời căn nhà tình thương nằm gần nghĩa trang, vợ chồng chú Mạnh đến sống trong căn phòng nhỏ dành cho người quản trang đã 11 năm qua. Chú chia sẻ rằng đôi chân không lành lặn nên sáng đi chiều về rất khó khăn, nghĩa trang thì thiếu người chăm lo, không yên lòng nên vợ chồng chú dọn luôn đến đó ở.

Nghĩa trang có 818 ngôi mộ nhưng chú nhớ vanh vách từng hàng từng lối. Trầm ngâm bên hơn 80 ngôi mộ vô danh, chú kể: “Cậu, chú với nhiều đồng đội của tui ngã xuống mà không biết bây giờ hồn xác ở đâu. Hơn ai hết, tui hiểu những người ở lại phải nén đau thương mà sống tiếp, nên hễ có ai tới tìm mộ, tui cố hết sức mình giúp họ”.

Hơn 10 năm gắn bó với nghĩa trang, chú Mạnh không nhớ nổi có bao nhiêu lượt người đến tìm người thân. Người thì tận miền Bắc vào, người ở Quảng Nam, người từ Vũng Tàu,… Có lúc chú vui niềm vui chung với họ, cũng nhiều lần đau đáu thất vọng, chỉ biết “thấy họ lỡ đường nên vợ chồng nấu vội bữa cơm cùng ăn cho no lòng”.

3 cô con gái không thể khuyên chú nghỉ ngơi, về sống với họ nên cứ đến ngày rằm, đầu tháng hay lễ tết, họ lại cùng chồng kéo nhau đến phụ chú quét dọn, làm cỏ. Và, người thương binh tóc đã nhiều sợi bạc, lưng đã còng vẫn ngày ngày bước đi khập khiễng lặng lẽ thắp hương cho đồng đội.

Lo cho đồng đội ra đi được thanh thản

Ở tuổi 65, chú thương binh Nguyễn Văn Tám chọn niềm vui lúc tuổi già là trồng cây, quét dọn các khu mộ, thay chân hương, phục vụ các đoàn thăm viếng… ở Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Trà Ôn.

Đi bộ đội từ năm 1968, đến năm 1981, chú trở về quê hương Vĩnh Xuân sau 3 năm khói lửa ác liệt ở chiến trường K. Chú ví cuộc đời mình như một bản nhạc với đoạn đầu toàn những nốt trầm nhưng lại có một kết ngọt ngào.

Cô Đặng Thị Thanh Hồng là một giáo viên trong thời chiến. Cô chú làm đám cưới và ở bên nhau chỉ vỏn vẹn 10 ngày rồi chú trở lại quân ngũ mà không hẹn ngày trở về. Những năm tháng sau đó, cô phải nghỉ việc, một mình chăm sóc 2 đứa con thơ và cha mẹ già yếu. Ngày chú Tám phục viên cũng không kịp nhìn mặt cha lần cuối.

Sau chiến tranh, vợ chồng chú luôn sống trong cảnh khó khăn, chật vật kinh tế. Đến nỗi “con bị cấm thi vì chưa đóng học phí, nhà không còn đồng nào phải chạy vạy mượn hàng xóm khắp nơi”. Để nuôi các con ăn học, chú vừa công tác ở địa phương vừa nhận việc làm quản trang.

Ngồi trong căn nhà khang trang, bên cạnh là cơ sở sản xuất nước đóng chai do các con gửi tiền về xây dựng, chú Tám rưng rưng, bồi hồi kể lại những năm tháng cực khổ đã đi qua: “Năm 2006, nghĩa trang hoang vu, cây cối rậm rạp, rắn rết đặc ngừ. Phía sau có mảnh đất trống nên vợ chồng tui khai khẩn trồng rẫy, tát mương bắt cá sống qua ngày. Anh em đồng đội từng cùng nhau vào sinh ra tử nằm lại đây nên tui không muốn rời mảnh đất này”.

Với hơn 10 năm làm quản trang, chú nói mình như được tiếp thêm động lực và niềm an ủi mỗi khi thấy người thân của các liệt sĩ hài lòng vì ngôi mộ được chăm chút sạch sẽ, khói hương chu đáo. “Đó không chỉ là nghĩa vụ mà còn là việc tui nên làm để người từng mặc chung cái áo, chia nửa chén cơm ra đi được thanh thản”.

Chú thương binh lọm khọm thắp nhang cho từng ngôi mộ, lặng người hồi lâu rồi quay sang nhìn chúng tôi cười móm mém: “Già rồi không biết tới máy móc, giờ người ta có thông tin trong máy tính dễ tìm lắm, còn tui chỉ nhớ như in trong đầu. Một thời gian nữa hổng biết tui còn nhớ được 2.020 ngôi mộ, nhớ đồng đội của tui hông nữa”…

Giọng chú thủ thỉ chừng như độc thoại, chừng như tâm tình với những đồng đội mình đang nằm đó, giọng nhẹ trôi đi trong nghĩa trang vắng lặng, quyện vào bảng lảng khói hương giữa trời chiều xiên nắng.

Bài, ảnh: PHƯƠNG THÚY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh