Cũng như chúng tôi, nhiều người dân H. Đại Lộc (Quảng Nam) có lẽ không thể quên những ngày đầu tháng Bảy thiêng liêng này khi tham dự lễ truy điệu 17 hài cốt liệt sĩ (LS) thuộc Trung đoàn 96, Sư đoàn 309, Quân đoàn 4 hy sinh ở chiến trường biên giới Tây Nam được đưa về quê hương an táng.
Cũng như chúng tôi, nhiều người dân H. Đại Lộc (Quảng Nam) có lẽ không thể quên những ngày đầu tháng Bảy thiêng liêng này khi tham dự lễ truy điệu 17 hài cốt liệt sĩ (LS) thuộc Trung đoàn 96, Sư đoàn 309, Quân đoàn 4 hy sinh ở chiến trường biên giới Tây Nam được đưa về quê hương an táng.
Ông Lê Văn Hương (trú xã Đại Hòa, H. Đại Lộc) thảng thốt: "Gần 40 năm rời xa quê nhà tham gia bảo vệ Tổ quốc, bây giờ các anh mới thật sự trở về trong nỗi khắc khoải chờ mong của bao người"...
Theo Phó trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Trần Văn Lân, đây là 17 hài cốt trong tổng số 64 hài cốt LS quê Quảng Nam được Ban liên lạc CCB Trung đoàn 96 ở Quảng Nam rà soát, phối hợp với địa phương quy tập từ Nghĩa trang liệt sĩ (NTLS) TPHCM và các tỉnh Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Tây Ninh.
H. Đại Lộc tổ chức đưa hài cốt LS về từng địa phương an táng. |
Tại NTLS xã Đại Chánh (H. Đại Lộc), phần mộ các LS Ngô Tám, Đào Bá Thân, Lý Phương (cùng thôn Tập Phước), Võ Ngọc Lắm (thôn Thạnh Trung) chưa kịp khắc tên bia nằm liền kề nhau, anh Lý Phước (em LS Phương) tâm sự:
"Lúc còn ở quê, các anh đã có tuổi thơ bên nhau, nhưng khi làm nhiệm vụ trên đất bạn Campuchia, các anh hy sinh ở nhiều mặt trận khác nhau, anh Phương hy sinh năm 1980 ở Siem Reap, anh Lắm hy sinh năm 1983 ở Battambang... Bây giờ về quê các anh lại bên nhau cũng thuận lợi cho những người thân mỗi lần đến đây hương khói".
Lần giở lý lịch trích ngang của từng LS, chúng tôi biết ngoài LS Tám hy sinh ngày 1-1-1979, tất cả còn lại đều hy sinh sau ngày thủ đô Phnom Penh giải phóng (7-1-1979). Không tường tận được mặt trận các anh chiến đấu, hy sinh nhưng với tư cách là đồng đội, chúng tôi cũng hiểu được phần nào sự gian khổ của các anh.
Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, chúng tôi tưởng rằng chiến tranh chỉ còn lại trong ký ức. Những vần thơ đẹp về một thời "máu và hoa" ngỡ đã lùi xa và chỉ còn tồn tại trong tâm thức của những người lính năm xưa.
Song lúc đó, cũng giống như Trường Sơn đại ngàn trước kia, lá đỏ các khu rừng khộp trút xuống rực màu lửa, hòa lẫn những sắc xanh của đoàn quân tình nguyện hối hả xung trận, giành giật sự sống cho người dân xứ sở Chùa Tháp.
Thoát khỏi nạn diệt chủng, đất nước Campuchia từng bước hồi sinh, nhưng bọn tàn quân Pôn Pốt vẫn lẩn khuất hoạt động phá hoại.
Người lính tình nguyện phải sống dưới những căn hầm ẩm thấp, nằm sâu trong các khu rừng già vừa giúp nhân dân bạn làm lại nhà cửa, ổn định đời sống; vừa bảo vệ an toàn cho dân. Những trận đánh nhỏ lẻ với đám tàn quân vẫn thường xuyên xảy ra.
Nhiều đội quân tình nguyện tiếp tục hành quân về vùng sâu, vùng xa, cẩn thận dò từng bẫy mìn trên những lối mòn làm nhiệm vụ truy quét địch với quyết tâm "Đi lâu, đi sâu, đi xa, đi đến thắng lợi hoàn toàn"...
Có lẽ, cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc của các anh và chúng tôi chưa ác liệt, khắc nghiệt như thế hệ cha anh đi trước nhưng cũng có rất nhiều người không trở về. Và, biết bao người cha, người mẹ tuổi xế chiều đã không đợi được đến ngày đón hài cốt con mình để thắp nén hương trước khi về cõi vĩnh hằng.
Bà Lâm Thị Thự (vợ LS Lắm) cho biết, kể từ ngày nhận tin anh Lắm hy sinh, cha mẹ đôi bên vẫn đau đáu ước nguyện sớm đưa được hài cốt anh ấy trở về. Trước khi nhắm mắt xuôi tay, họ còn thì thầm "Lắm ơi! Con nằm ở đâu?".
Cuối tháng 6 vừa rồi, nhờ sự giúp đỡ của các cựu chiến binh Trung đoàn 96, gia đình mới hay hài cốt anh Lắm đã được quy tập về NTLS Tân Biên (Tây Ninh) trong sự chăm sóc, chở che của cán bộ, nhân dân địa phương. Bà Thự nghẹn ngào: "Giờ tôi rất thanh thản, không niềm vui nào bằng, bởi ước nguyện đưa hài cốt chồng mình về quê đã trở thành hiện thực"...
Vậy là trong hàng ngàn, hàng vạn LS đã hy sinh qua các cuộc kháng chiến vĩ đại và bảo vệ Tổ quốc đang nằm rải rác trên khắp các NTLS cả nước, nay lại có thêm nhiều người con được trở về với quê hương trong vòng tay yêu thương của gia đình, làng xóm.
Tháng Bảy, 18 NTLS xã, thị trấn trên địa bàn H. Đại Lộc luôn ngạt ngào hương khói và lòng tri ân của người đang sống với những người đã mất.
Trong những dòng người đến đây, không chỉ có thân nhân các LS, những người đồng đội đi tìm nhau, những người mẹ, người em, người con vẫn rải bước đi tìm người thân; mà giữa cái nắng nóng như thiêu như đốt, còn rất nhiều người tìm đến để đặt lên nấm mồ các LS những cành hoa tươi thắm và thắp một nén nhang tưởng nhớ những người trong gian khó đã trọn tình, trọn nghĩa với quê hương, đất nước.
Theo VY HẬU (Cadn.com.vn)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin