Tìm về ấp Ông Lãnh (xã Thuận Thới- Trà Ôn), chúng tôi đến thăm nhà Mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Tư Biên (SN 1939), cùng mẹ "chắt chiu" những câu chuyện bi hùng. Nỗi đau chiến tranh, nỗi lòng của người mẹ, người vợ làm chúng tôi thêm thấm thía, thêm yêu giá trị hòa bình.
Tìm về ấp Ông Lãnh (xã Thuận Thới- Trà Ôn), chúng tôi đến thăm nhà Mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Tư Biên (SN 1939), cùng mẹ “chắt chiu” những câu chuyện bi hùng. Nỗi đau chiến tranh, nỗi lòng của người mẹ, người vợ làm chúng tôi thêm thấm thía, thêm yêu giá trị hòa bình.
Mẹ Biên thường kể cho các cháu nghe chuyện ông cha. |
“Ưng gả con cho người làm cách mạng”
Mái tóc đã bạc trắng, khuôn miệng nhai trầu tóm tém đỏ au, nhưng thời gian cũng không thể làm mất đi nét đẹp đằm thắm, phúc hậu, giọng nói của mẹ Biên thật dịu dàng, mỗi khi nhắc đến chồng và các con.
Hẳn như bao người phụ nữ Việt Nam, tình yêu thương gia đình như một thiên chức, nó chiếm một vị trí quan trọng trong cuộc đời của mẹ.
Chồng mẹ là liệt sĩ Nguyễn Văn Sóc đã hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ và con trai thứ tư- Nguyễn Văn Lắm hy sinh tại mặt trận Campuchia.
Mẹ Biên sinh ra trong gia đình nghèo, có truyền thống cách mạng. Mẹ kể, cha ruột của mẹ thấy chồng mẹ có cha, có các anh vì đánh giặc mà hy sinh nên thương quá, cảm kích quá và tin tưởng gả con gái cho “anh du kích ngầm ở xã” Nguyễn Văn Sóc.
Cha mẹ Biên cất nhà cho đôi vợ chồng trẻ sát bên nhà chồng để tiện cho “con gái mần dâu vừa thờ cúng cha chồng và 2 anh chồng hy sinh trong kháng chiến chống thực dân Pháp”. Năm đó, mẹ Biên vừa tròn 16 tuổi.
Để chồng yên tâm theo tiếng gọi của Tổ quốc, vì nợ nước, thù nhà, mẹ Biên một mình “mần quần quật tối ngày vừa nuôi con vừa nuôi chứa cách mạng”. Nhớ về người bạn đời của mình, mẹ tâm sự: “Trước ổng đi du kích chỉ có cây roi, cây cuốc rồi sau có súng ngắn tự tạo, có “ngựa trời”.
Chồng tham gia kháng chiến, mẹ suốt ngày quần quật. “Mình tui sạ cấy hai mươi mấy công ruộng, trồng mía; về nhà nuôi heo, vịt gà. Mần hổng kịp khô cái giò.
Chứ con còn nhỏ, tui phải ráng sức để có gạo cho con ăn no và tiếp tế cho cách mạng”- mẹ nói. Mẹ nhớ những lúc bận rộn ruộng vườn vẫn tranh thủ “may cho ổng và đồng đội cả 40 nón tai bèo” hay những lần nấu cơm, làm đồ ăn nuôi bộ đội, học sinh, sinh viên yêu nước, vì “chồng làm cách mạng tui cũng làm theo”.
Trong chiến tranh, mẹ Biên làm cán bộ nông dân, hội phụ nữ xã. Hòa bình, mẹ tiếp tục làm cán bộ phụ nữ xã đến năm 1980. Mẹ Biên nhìn lên bàn thờ, nói: “Giờ nhờ có Đảng, có Nhà nước quan tâm, xây dựng nên đất nước đổi mới nhiều, mẹ mong mỏi chỉ có nhiêu thôi”.
Những câu chuyện ngàn đời
Đó là những câu chuyện mẹ kể cho các con, các cháu nghe về cha ông, để rồi bao thế hệ nối tiếp nhau kể lại cho muôn đời. Câu chuyện chiến tranh, mẹ kể không phải để vui, mẹ kể để con cháu nghe mà “phấn đấu cho xứng đáng với những hy sinh của cha ông”.
Năm 1969, trong một trận càn của địch, chồng mẹ Biên anh dũng hy sinh. Khi đó, mẹ vừa tròn 30 tuổi. Chồng hy sinh, mẹ cũng bị tụi lính thường xuyên rề rà.
Có lần, một thằng lính dồn mẹ vô trảng xê, định làm nhục mẹ. Mẹ kiên quyết chống trả: “Tui thấy ông cầm súng của Mỹ, ông có quyền, ông sống sao cho đúng. Tui là dân.
Chồng tui chết rồi, tui trai có gái có, xin ông để tui yên…” Để tránh bị lính rầy rà, mẹ tập ăn trầu “nhổ phọt phẹt để cho tụi lính thấy gớm”. Rồi mẹ mần ruộng “hổng thèm đội nón lá cho mặt nám đen thui”.
Người con trai thứ 2 của mẹ bệnh chết lúc nhỏ, con trai thứ 3- chú Nguyễn Văn Quý- mới 11 tuổi xin mẹ cho đi quân y của huyện. Hiện chú Quý làm cán bộ y tế của huyện Cầu Kè (Trà Vinh).
Con trai thứ 4 của mẹ làm cán bộ thống kê xã, sau xin mẹ đi Sư đoàn 39 rồi tham gia giúp nước bạn Campuchia.
“Con đi chung với 2 người cậu bà con thì hết 2 đứa hy sinh. Con mất cả tháng mà tui hổng hay, thằng em về kể nói 2 đứa bị trúng mìn giặc chết.
Sau đó tui mới nhận được giấy báo tử của con”. Khi nhận tin con hy sinh, mẹ chết lặng “lúc đó tui hổng biết khóc là gì mà như người bị mất trí. Tui bưng rổ trầu đi sáng đêm không ngủ, ra ủy ban xã tui cứ nhìn hình Bác Hồ”.
Để có cuộc sống thanh bình như hôm nay, đã có biết bao tấm gương hy sinh vì đại nghĩa. Trong đó, có gia đình chồng của mẹ mà ba chồng và 3 anh em chồng đều nằm lại trên các mặt trận.
Mẹ chồng Trương Thị Mến cũng vinh dự được Nhà nước truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Truyền thống tốt đẹp của gia đình hòa quyện cùng truyền thống đấu tranh cách mạng của cả dân tộc.
Tháng 8/2014, mẹ được phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Đây được xem là nguồn an ủi, động viên đồng thời là sự tri ân và tôn vinh của Tổ quốc đối với công lao trời biển, sự hy sinh to lớn của các mẹ; giúp các mẹ ấm lòng và có thêm nghị lực, niềm tin để vui sống.
Giờ tuổi già, mẹ sống gần bên cháu con. Cháu Dương Nguyễn Phương Linh (lớp 3, Trường Tiểu học Thuận Thới B) kể: “Tụi con thích nghe bà cóc kể chuyện đánh Pháp, đánh Mỹ lắm.
Mỗi khi ra viếng nghĩa trang, bà cóc dặn tụi con cùng lau mộ, thắp nhang cho nhiều liệt sĩ vô danh vì nhờ có mấy ông tụi con mới được ăn học, sống trong đất nước thanh bình”.
Những người mẹ anh hùng của dân tộc anh hùng. Nỗi đau mất những “núm ruột” của mình để lại cho các mẹ nỗi đau dai dẳng nhưng các mẹ luôn tự hào vì khúc ruột của mình đã trả xong nợ nước. Các anh đã nằm lại giữa tuổi xuân trong sự thương yêu vô bờ của mẹ và sự tri ân của cả dân tộc.
Chúng tôi ghi chép lại cuộc sống đời thường cũng như những lời tâm sự của các mẹ để thấy rằng mặc dù trải qua những năm dài chịu đựng gian khổ, hy sinh, các mẹ vẫn luôn bền bỉ và trong sáng một niềm tin, trung hậu, đảm đang, giữ vẹn tình nhà, nghĩa nước trong những hoàn cảnh thời khắc ác liệt nhất. |
Kỳ cuối: Nỗi lòng mẹ Cánh
Bài, ảnh: NHÓM PHÓNG VIÊN
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin