Chuyện người quản trang

02:07, 18/07/2017

Đi khắp mọi miền đất nước, chúng ta thấy có rất nhiều nghĩa trang liệt sĩ khang trang, những tượng đài trang nghiêm mà trong đó luôn có hình ảnh của những người quản trang. Họ cứ cần mẫn với công việc, nguyện làm người canh giấc bình an cho các vong linh chiến sĩ đã vị quốc vong thân.

 

 

nh Chiến đang chăm sóc cây cảnh tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Tam Bình.
Chiến đang chăm sóc cây cảnh tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Tam Bình.

Đi khắp mọi miền đất nước, chúng ta thấy có rất nhiều nghĩa trang liệt sĩ khang trang, những tượng đài trang nghiêm mà trong đó luôn có hình ảnh của những người quản trang.

Họ cứ cần mẫn với công việc, nguyện làm người canh giấc bình an cho các vong linh chiến sĩ đã vị quốc vong thân.

Đặt chân đến trước cổng Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Tam Bình, chúng tôi cảm nhận có cái gì đó khác lạ, khó nói thành lời.

Đây là nơi an nghỉ của hơn 2.240 liệt sĩ, là một trong những chiến tích chiến tranh đế quốc Mỹ và bọn tay sai gây ra trên mảnh đất thương yêu này.

Sau nhiều năm có bàn tay ân cần chăm sóc lần lượt của các thế hệ quản trang như: ông Tư, chú Mười Ba, chú Danh, anh Long và anh Chiến, toàn bộ cây cối trong khuôn viên vẫn xanh tươi.

Các anh hùng liệt sĩ nằm đó, người có danh, người vô danh, nhưng tất cả đều không cô đơn; bởi hàng ngày, người quản trang đến từng khu mộ nhặt từng chiếc lá khô, cây cỏ vừa mọc khỏi mặt đất đã có bàn tay người quản trang dọn sạch.

Tiếp xúc với anh Nguyễn Quốc Chiến (sinh năm 1986) làm công tác quản trang tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Tam Bình được 6 năm, mới thấu hiểu được tấm lòng thanh niên này đối với lớp người đã quên mình vì Tổ quốc.

Với trách nhiệm đối với những người đã khuất, năm 2008, sau khi hoàn thành nghĩa vụ dân quân tự vệ, anh Chiến tự nguyện xin vào làm công tác quản trang.

Dù chỉ được nhận với số tiền trợ cấp ít ỏi, anh vẫn vui và miệt mài với công việc tìm kiếm, cất bốc, quy tập mộ liệt sĩ, nhổ cỏ, quét lá, trồng hoa và thắp hương cho những người đã khuất.

Giờ chỉ còn mình anh Chiến chăm sóc khu nghĩa trang gần 10.000m2 nhưng cây cối hoa kiểng ở đây thường xuyên được cắt tỉa.

Anh thổ lộ: “Là thế hệ con cháu, mình muốn đóng góp một phần công sức cho đất nước, chính vì thế mà mình đã nộp đơn tình nguyện xin vào đây để làm công việc này. Mình rất tự hào khi được đến đây chăm chút mỗi ngày, như cắt cỏ, tỉa kiểng, tưới cây, lo cho từng ngôi mộ của các chú, các bác”.

Những ngày này, thân nhân của các anh hùng liệt sĩ đến thăm viếng đông hơn, và họ cũng “mát dạ” hơn khi nhìn thấy ngôi mộ của người thân mình sạch sẽ, tươm tất.

Mỗi lần có đoàn khách đến viếng, cứ nhìn thấy khuôn viên nghĩa trang sạch sẽ, hương khói chu đáo, anh Chiến lại nhận được những lời khen ngợi, cảm ơn. Lòng cảm thấy vui và anh luôn cố gắng phấn đấu làm tốt hơn công việc của mình.

Có thể nói, công việc thầm lặng của những người quản trang đã góp phần xây đắp thêm cho đạo lý ngàn đời của dân tộc Việt Nam, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, trách nhiệm đối với các anh hùng liệt sĩ.

Dù các anh đã nằm xuống trong lòng đất, nhưng trong tiềm thức mỗi người dân Việt Nam. Các anh luôn tồn tại và mãi tạc ghi vào hồn thiêng sông núi, vĩnh hằng cùng thời gian.

Bài, ảnh: TRÍ THIỆN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh