Chú Tư Trực Tam Bình

07:07, 16/07/2017

Thời chiến tranh, ai theo cách mạng, sống ở Tam Bình chắc đều biết danh chú Tư Trực. Chú là y sĩ nhưng đến cả các bác sĩ của R cũng phải nể phục.

Thời chiến tranh, ai theo cách mạng, sống ở Tam Bình chắc đều biết danh chú Tư Trực. Chú là y sĩ nhưng đến cả các bác sĩ của R cũng phải nể phục.

Nể phục vì một tay chú đã cứu sống hàng trăm thương binh, hàng trăm bệnh binh, mà hầu hết đều là những ca rất nặng, nặng tới mức cả bác sĩ ngoài thành, học bên Tây bên Mỹ về cũng đã phải lắc đầu bó tay.

Như chuyện anh Năm Cường bị đạn nhọn bắn lủng ngực, khiến phổi bị nhiễm trùng nặng, mưng mủ. Anh em trong cứ thương Năm Cường còn trẻ, làm căn cước giả, đưa ra thành điều trị trong nhà thương thí của tỉnh.

Một tháng, rồi hai tháng, các bác sĩ ở nhà thương tỉnh cũng không giúp được gì, bệnh tình chỉ ngày một nặng thêm, họ đành phải trả về quê chờ chết. Chú Tư Trực biết chuyện, lãnh Năm Cường về cứ điều trị.

Việc đầu tiên của chú Tư là mổ ngực Năm Cường, dùng ống nhựa mỏng hút mủ ra, rồi vừa dùng kháng sinh điều trị, vừa kết hợp với cho uống nước trái khóm mỗi ngày. Chú Tư lựa những trái khóm chín, nướng lên, rồi ép lấy nước đổ vào miệng cho Năm Cường uống.

Chỉ có vậy, mà mới sau hơn hai tuần, sức khỏe của Năm Cường đã có dấu hiệu hồi phục trở lại. Qua một tháng thì Năm Cường tỉnh lại, bắt đầu sợ việc bị bắt uống nước khóm mỗi ngày.

Chú Tư Trực biết chuyện, lệnh cho các cô y tá phải buộc Năm Cường uống bằng hết nước khóm nướng, theo đúng chỉ định của chú. Ai chứ các cô y tá thời chiến tranh thì giỏi việc chăm sóc và động viên thương binh lắm.

Các cô thay nhau ngồi bên cạnh, to nhỏ thủ thỉ với ve vuốt gì đó, mà ngày nào cũng giúp Năm Cường uống hết cả ca bình toong inox nước khóm nướng. Cứ kiên trì như vậy, qua hết tháng thứ ba thì Năm Cường khỏi bệnh, lại ôm súng ra chiến trường và sống đến tận bây giờ.

Chuyện chú Tư Trực dùng dừa tơ truyền cho thương binh thay nước biển thì ai cũng biết. Chú phải leo lên cây lựa từng trái dừa, sao cho không già cũng không non, rồi dùng dây thòng xuống, không để trái dừa bị va đập.

Ai mà ngờ, lượng đường trong trái dừa tơ lại tốt như đường glucoza, glucozen, cứu sống không biết bao nhiêu là thương bệnh binh. Thêm một điều nữa, chú Tư Trực học Tây y, nhưng không biết bằng cách nào, chú rành rẽ Đông y một cây.

Quanh quanh những nơi chú sống, chú luôn tìm ra cây lá dùng làm thuốc. Chú vừa trị bệnh bằng Tây y, vừa trị bệnh bằng Đông y. Hồi đó, anh em ai đánh trận, đánh đồn ở đâu, cứ lấy được thuốc Tây là đem hết về cho chú. Nhờ vậy mà chú tích trữ được rất nhiều thuốc.

Nhưng cho dù luôn có sẵn cả kho thuốc Tây bên người, chú Tư Trực cũng không bao giờ bỏ thuốc Nam. Với nhiều thương bệnh binh, chú chỉ dùng thuốc Nam mà cũng trị được vết thương, trị được bệnh tình cho họ.

Anh em du kích, bộ đội, mỗi lần ra trận mà có chú Tư Trực đi theo, ai cũng thấy yên lòng, bởi chú băng bó rất nhanh, rất khéo, mổ xẻ vết thương rất thuần thục. Có lần, một anh du kích bị đạn pháo bắn nát xương ống chân phải, anh em dùng xuồng đưa được ra ngoài.

Lúc này, lính Sư đoàn 7 đang bố ráp rất mạnh, ta không thể đưa anh du kích lên viện tiền phương được, và tất nhiên, càng không thể đưa anh du kích lên viện tuyến trên được. Nước cùng, chú Tư Trực phải ra tay. Chú nhờ mấy người khỏe mạnh, cột chặt anh du kích vô tấm ván, rồi dùng nước dừa tơ thay dịch truyền, rồi dùng cưa thợ mộc cưa ống chân anh du kích.

Tiếng cưa kêu ken két. Máu túa ra đỏ lòm. Anh thương binh mặt tái mét. Chú Tư trực vã mồ hôi trán, nhỏ xuống đất từng giọt. Cảnh tượng rợn người lắm.

Bốn bề bom đạn nổ rền trời, vậy mà trong khu vườn tạp, nhờ mấy người đè chặt anh du kích, chú Tư Trực cầm cưa thợ mộc, cưa xương ống chân anh du kích, mạnh bạo cứ như cưa củi, cuối cùng cũng cắt lìa được ống chân.

Chừng băng bó xong xuôi, anh thương binh ngất lịm, mặt xanh lè, rồi sạm đen. Chú Tư thì ngã lăn ra đất, toàn thân vã mồ hôi, cái áo mặc trên người ướt đẫm như tắm. Còn hai bàn tay chú Tư, các ngón co quắp lại như bị chuột rút. Vậy mà anh thương binh được cứu sống như trong thần thoại.

Sau khi chiến tranh kết thúc gần một năm, không biết chú Tư có tâm trạng buồn bực gì, tự nhiên đâm ngang nghỉ việc, lui về quê làm ruộng. Từ một quân y sĩ, danh nổi như cồn, chú Tư thành lão nông, lại mắc thêm tật hay đánh bài, đá gà, uống rượu.

Bởi vậy, dù đã nghỉ hẳn ở nhà làm ruộng, cửa nhà chú Tư Trực cũng trống huơ trống hoác, vợ con đói nheo đói nhóc. Bấy giờ bác sĩ Thanh- Giám đốc Bệnh viện Tam Bình, một lần về quê, gặp cảnh gia đình chú Tư Trực lâm vào khốn đốn cùng cực như vậy, đã lôi được chú Tư ra làm việc cho Bệnh viện Tam Bình.

Là y sĩ, nhưng chú Tư Trực được giao phụ trách Khoa Ngoại, và hầu như các ca mổ nan y đều do chú đảm nhiệm. Và, cứ ca bệnh nào do chú ra tay mổ xẻ, bệnh nhân đều tai qua nạn khỏi.

Dân Tam Bình, ai cũng gọi chú Tư Trực là bác sĩ. Nhà nào có thân nhân mắc bệnh nặng, lên bệnh viện Tam Bình, đều tìm cách xin bằng được chú Tư Trực ra tay cứu chữa. Vậy mà đùng một cái, không biết vì cơn cớ gì, đang không chú Tư Trực lại nghỉ ngang, quảy ba lô lui về nhà làm ruộng lần nữa, chẳng hề đòi hỏi một chế độ chính sách gì.

Được vài năm thì chú Tư Trực qua đời.

Chú ra đi một cách lặng lẽ, nên đến tận bây giờ, ngay cả người thân ruột thịt trong nhà, cũng không hề một ai biết được, vì sao sau hòa bình, chú Tư Trực lại hai lần nghỉ ngang xương như vậy. Chú có tâm sự gì? Chỉ có chú Tư Trực đang ngậm cười dưới lòng đất mới biết được.

  • Hồ TĨNH TÂM
Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh