Chú Sáu Tuế trên cánh đồng mẫu lớn

07:07, 24/07/2017

Một thời cầm súng chiến đấu vì độc lập dân tộc, trở về với đời thường, chú Nguyễn Thành Tuế (Sáu Tuế)- thương binh 4/4 ở Ấp 10 (xã Hòa Hiệp- Tam Bình) tiếp tục phát huy bản chất truyền thống "Bộ đội Cụ Hồ", phấn đấu không mệt mỏi vì cuộc sống tốt đẹp hơn cho gia đình và xã hội. 

 

Chú Sáu Tuế (thứ 2, từ trái qua) rất nhiệt tình hỗ trợ bà con có việc làm, nâng cao thu nhập.
Chú Sáu Tuế (thứ 2, từ trái qua) rất nhiệt tình hỗ trợ bà con có việc làm, nâng cao thu nhập.

Một thời cầm súng chiến đấu vì độc lập dân tộc, trở về với đời thường, chú Nguyễn Thành Tuế (Sáu Tuế)- thương binh 4/4 ở Ấp 10 (xã Hòa Hiệp- Tam Bình) tiếp tục phát huy bản chất truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, phấn đấu không mệt mỏi vì cuộc sống tốt đẹp hơn cho gia đình và xã hội. 

Miệt mài trên mảnh vườn, thửa ruộng

Năm 1968, khi mới 17 tuổi, chú Sáu Tuế thoát ly gia đình, cầm súng chiến đấu với quyết tâm giành lại độc lập cho dân tộc. Năm 1971, trong trận đánh tập kích ở ấp Giồng Nổi (xã Tam Ngãi, huyện Cầu Kè- Trà Vinh) chú bị thương nặng và trở thành thương binh 4/4. Hiện, vẫn còn vài mảnh đạn trong cơ thể nên “lâu lâu vết thương cũng đau râm râm”.

Trở về đời thường, chú luôn trăn trở làm thế nào sản xuất hiệu quả trên mảnh vườn, thửa ruộng của mình. Chú Sáu kể: “Do ruộng đất ít mà nằm ở vùng đất gò sét nên trồng cây không hiệu quả, lại thiếu vốn sản xuất nên vợ chồng tui phải làm thuê kiếm sống”.

Không cam chịu gục ngã trước khó khăn, chú Sáu Tuế luôn chịu khó học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước để tích lũy kiến thức cho mình và thực hành tiết kiệm theo gương Bác Hồ để có vốn làm ăn.

Khi ra riêng, vợ chồng chú được cha mẹ cho 2 công đất, chú đã cải tạo vườn tạp chuyển sang trồng măng cụt. Với 30 gốc măng cụt trồng lúc đầu, sau 5 năm, chú tích lũy được số vốn kha khá. “Mua thổ thì lời”, nên chú đầu tư mua dần được 10 công đất. Ngoài làm ruộng, chú còn lên liếp trồng thêm măng cụt và đầu tư chăn nuôi.

Hiện, với 100 gốc măng cụt, chú thu lời khoảng 100 triệu đồng/năm. Ngoài ra, chú còn chăn nuôi gà mái đẻ (120 con), bỏ túi thêm 3 triệu đồng/tháng. Chú Sáu Tuế cho biết: “Tui đang nghiên cứu mô hình gà ấp trứng để bán con giống kiếm thêm thu nhập, dự kiến cuối năm nay sẽ bắt đầu làm”.

Điều đáng quý là trong khi con cháu chú có công ty ở Cần Thơ khá ổn định, nhưng chú lại “kéo” về quê thành lập công ty chuyên gia công túi xách, giày, cặp xuất khẩu nhằm tạo việc làm cho 50 lao động tại địa phương, trong đó ưu tiên cho hộ gia đình chính sách, người có công vào làm việc để nâng cao đời sống và “tiếp tay” cùng Nhà nước xây nông thôn mới (NTM) đạt tiêu chí về thu nhập.

 

Nhằm tạo điều kiện cho tổ viên phát triển sản xuất, chú Sáu Tuế đã đem giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vay vốn ngân hàng 200 triệu đồng để bà con mua vật tư đồng loạt với giá thấp hơn thị trường. Chi phí đầu vào thấp cộng thêm năng suất cao nên đời sống người dân tăng lên rõ rệt.

Tổ trưởng cánh đồng mẫu lớn

Năm 2012, được sự hướng dẫn của Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện và sự chỉ đạo của Đảng ủy, UBND xã trong xây dựng cánh đồng mẫu lớn, chú Sáu Tuế được bầu làm tổ trưởng tổ cánh đồng mẫu lớn.

Đây là mô hình điểm của xã để nhân rộng ra 7/7 ấp, góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, mà cụ thể thành lập tổ sản xuất để đưa bà con vào làm ăn có tổ chức, cải thiện kinh tế, góp phần thực hiện tiêu chí thu nhập- đây được xem là “bài toán” khó đối với nhiều địa phương hiện nay.

Hiện, tổ có 65 hộ tham gia, trong đó có 20 cựu chiến binh trên hơn 35ha. Chú Sáu Tuế cho biết: “Trước đây, bà con mình tự phát làm ăn nhỏ lẻ, giống thì tự tìm, thu hoạch thì tự bán, mạnh ai nấy làm, chăm sóc và thả nước vào ruộng không theo quy trình, nên lúa chết nhiều, làm ăn thất bát”.

5 năm nay, với mô hình cánh đồng mẫu lớn, bà con trồng lúa đều đạt năng suất, chứ trước đây toàn là bông cỏ, lúa cỏ 2 tầng. Hiện, tình trạng này đã giảm 98%.

Trước đây, mỗi vụ chỉ thu được 17- 20 giạ/công, giờ thì 30 giạ/công trở lên. Vụ Hè Thu cũng được 6,5 tấn/ha, còn Đông Xuân thì bình quân 6,8- 7 tấn/ha, có năm thu được 9,5 tấn/ha, lại bán được giá nên bà con phấn khởi lắm.

Quan trọng là tổ họp thống nhất chọn giá và ngày cắt phù hợp để đảm bảo có lợi nhuận cao nhất. Đến ngày thu hoạch thì chỉ ra đồng coi cắt lúa và lấy tiền tươi tại ruộng.

Chúng tôi đến thăm cánh đồng mẫu nhân lúc vào mùa thu hoạch, trên cánh đồng lúa chín vàng ươm có khá nhiều chiếc máy cắt chạy dọc, chạy xuôi rồi cho ra những bao lúa to và nặng trịch cho thấy một vụ mùa no ấm.

Dưới bóng cây, bà Lưu Thị Bảy đứng nhìn mà mắt ánh lên niềm vui. Bà cho biết: “Nhà tui có 13 công ruộng, tui tín nhẩm mỗi công cỡ 70kg lúa, từ hồi vô cánh đồng mẫu, được hỗ trợ kỹ thuật, ruộng đồng khô ráo nên làm lúa trúng hơn trước. Tới vụ thì cùng xuống giống rồi cùng thu hoạch, khỏi phải lo tìm lái hay giá cả vì đã có tổ trưởng sắp xếp hết. Giờ chỉ việc chờ thương lái cân và trả tiền”.

Với 6,5 công ruộng, ông Nguyễn Văn Bắc tham gia vào tổ sản xuất cánh đồng mẫu. Ông phấn khởi nói: “Hồi xưa, ai làm lúa trúng lắm là 25 giạ/công, chứ giờ trồng cũng gần 40 giạ/công. Từ khi vô tổ, thu nhập cũng tăng lên 300.000- 400.000 đ/công/vụ nên ai cũng khoái”.

Cánh đồng mẫu lớn Ấp 10 vào vụ thu hoạch, cho năng suất cao, bán được giá nên bà con khá phấn khởi.
Cánh đồng mẫu lớn Ấp 10 vào vụ thu hoạch, cho năng suất cao, bán được giá nên bà con khá phấn khởi.

Theo chú Sáu Tuế, vụ vừa rồi tổ có trồng thử nghiệm 1ha lúa hữu cơ, bình quân 26 giạ/công, được cái là chi phí đầu tư rất ít, chủ yếu là bón lót trước khi sạ và phun xịt phân hữu cơ vài lần/vụ. Vụ này tổ trồng 10ha lúa hữu cơ, có công ty dự kiến bao tiêu với giá 6.500 đ/kg.

Giờ bà con mình làm nông tuân thủ quy trình và có ý thức lắm! Nếu làm được sẽ từng bước nhân rộng mô hình, góp phần cùng Nhà nước xây NTM đạt tiêu chí về môi trường và an toàn thực phẩm.

Không chỉ giỏi làm kinh tế, chú Sáu Tuế còn tích cực vận động các hộ dân trong ấp cùng thực hiện mô hình “sáng- xanh- sạch- đẹp” với 2.500m đường có đèn thắp sáng, chi phí 55 triệu đồng; đồng thời trồng hoa trên các tuyến đường, tạo cảnh quan đẹp để xây NTM đạt tiêu chí môi trường.

Bí thư Đảng ủy xã, Trưởng BCĐ Xây dựng NTM xã Hòa Hiệp Huỳnh Văn Y nhận định: Ông Sáu Tuế là một trong những thương binh tiêu biểu, tích cực đóng góp cho các phong trào địa phương, nhất là tích cực tạo việc làm, nâng cao đời sống của người dân, góp phần cùng Nhà nước trong xây dựng NTM đạt tiêu chí về thu nhập.

Vững chắc tay súng giữa thời chiến, đến thời bình chú Sáu Tuế tiếp tục phát huy bản chất truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” đoàn kết giúp đỡ phấn đấu làm kinh tế giỏi và tiếp tục góp công góp sức xây dựng quê hương ngày càng mới hơn và giàu đẹp hơn.

 

Chú Sáu Tuế được nhận Huy chương kháng chiến hạng Nhất, bằng khen của UBND tỉnh trong thực hiện công tác dân vận khéo năm 2013- 2014. Nhân kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh- Liệt sĩ, chú là 1 trong 9 người có công tiêu biểu Vĩnh Long dự hội nghị Biểu dương Người có công tiêu biểu toàn quốc tại Hà Nội.

  Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI- THÚY QUYÊN

 
Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh