Côn Đảo- cái tên đã in dấu ấn không thể phai mờ trong tâm trí mỗi người dân Việt Nam. Nhắc đến Côn Đảo, ai trong chúng ta cũng nhớ đến cuộc chiến tranh xâm lược, sự đô hộ và áp bức của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Côn Đảo- cái tên đã in dấu ấn không thể phai mờ trong tâm trí mỗi người dân Việt Nam. Nhắc đến Côn Đảo, ai trong chúng ta cũng nhớ đến cuộc chiến tranh xâm lược, sự đô hộ và áp bức của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Hơn một thế kỷ thực dân Pháp đã biến vùng đất này thành một nhà tù lớn nhất xứ Đông Dương. Côn Đảo đã trở thành “địa ngục trần gian” để đè bẹp ý chí, khát vọng tự do của dân tộc Việt Nam anh hùng.
Bãi biển Côn Đảo đẹp, trong xanh thu hút khoảng 167.000 lượt khách hàng năm. |
Theo chân đoàn cán bộ lão thành cách mạng huyện Cầu Ngang (Trà Vinh) đến tham quan Côn Đảo (Bà Rịa- Vũng Tàu) trong những ngày tháng 4 lịch sử nhân kỷ niệm 42 năm ngày giải phóng miền Nam.
Trong chuyến hành trình này, đoàn đến viếng dâng hương, đặt vòng hoa tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Hàng Dương, nơi yên nghỉ của 20.000 chiến sĩ, tử tù đã nằm xuống trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
Trong đó, có những ngôi mộ của các nhà yêu nước nổi tiếng như: Nguyễn An Ninh, Lê Hồng Phong, Võ Thị Sáu,… Chúng tôi đến viếng phần mộ của nữ anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu- nữ tử tù đầu tiên và duy nhất ở Côn Đảo, nơi mà hàng ngày, hàng năm vào các dịp lễ, tết có hàng ngàn du khách mọi miền đất nước đến viếng thăm, tưởng niệm.
Tại đền thờ chị Sáu, khói hương lúc nào cũng nghi ngút. Theo lời kể của hướng dẫn viên du lịch Nguyễn Hữu Thạch: “Người dân Côn Đảo cho rằng, ai đi Côn Đảo mà không đến viếng mộ và Đền thờ nữ anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu nằm cạnh Nghĩa trang Hàng Dương coi như chưa đến Côn Đảo. Người dân Côn Đảo tôn vinh chị Sáu như “vị thánh”- người mẹ cai quản, che chở, “ban ơn” cho cư dân vùng đất này.
Còn tại các khu di tích lịch sử nhà tù Côn Đảo như: Trại tù Phú Hải, Chuồng cọp Pháp, Chuồng cọp Mỹ, Di tích Bãi sọ người,v.v… trước đây, thực dân Pháp đã giam cầm, xiềng xích, gông cùm và có đủ các đòn tra tấn vô cùng tàn bạo hòng dập tắt ý chí của các chiến sĩ cách mạng trong đấu tranh vì độc lập tự do và giải phóng dân tộc.
Theo lịch sử ghi lại, Khu biệt lập Chuồng bò do thực dân Pháp xây dựng năm 1876, và được Mỹ mở rộng thêm vào năm 1963. Cao điểm nhất vào năm 1942, nhà tù Côn Đảo đã giam cầm, đày ải trên 4.400 chiến sĩ, đảng viên, sĩ phu yêu nước.
Nhiều phòng giam lẽ ra chỉ giam cầm 40- 50 tù nhân, nhưng chúng lại giam đến cả trăm người, có những người tù đã bị chết vì thiếu không khí. Người tù ở Côn Đảo không chỉ bị bỏ đói còn bị xiềng chân, tra tấn dã man và lao dịch khổ sai như đập đá, làm đường, xây dựng cầu tàu, đốn gỗ, xay lúa, lấy san hô nung vôi...
Lao động vất vả như vậy nhưng chế độ ăn uống vô cùng kham khổ, thậm chí chúng trộn lẫn cơm cùng với cát, sạn, thóc, trấu mảnh sành. Lao động cực nhọc nguy hiểm, ăn uống kham khổ, và đòn roi hiểm độc đã làm hàng ngàn người tù chết ở Côn Đảo...
Nghĩa trang Hàng Dương- mộ nữ anh hùng Võ Thị Sáu thu hút hàng ngàn lượt khách tham quan dịp 30/4/2017. |
Cựu đại tá Huỳnh Trọng Nghĩa- nguyên Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh cảm xúc cho rằng: Qua báo chí, truyền hình, chúng ta cảm nhận nỗi khổ đau, vất vả của các chiến sĩ cách mạng, tử tù bị đày ra Côn Đảo.
Nay thực tế chứng kiến hệ thống Trại tù Phú Hải, Chuồng cọp Pháp, Chuồng cọp Mỹ, Di tích Bãi sọ người… thì thật khâm phục, kính nể ý chí kiên trung, quật cường, anh dũng của chiến sĩ, đảng viên, sĩ phu yêu nước.
Và thông qua di tích lịch sử Nhà tù Côn Đảo- “Địa ngục trần gian” cho thấy đây chính là bản án sâu sắc, sinh động nhất để lên án sự tàn ác, dã man của kẻ thù xâm lược”.
Đến thăm Côn Đảo, ngoài ý nghĩa trở về nguồn, chúng ta còn được tắm mình trong không khí trong lành, thuần khiết của quần đảo bao gồm 16 hòn đảo lớn nhỏ với các bãi biển hoang sơ, Khu bảo tồn Vườn quốc gia nguyên sinh.
Côn Đảo không chỉ là vùng có nhiều rùa biển nhất Việt Nam mà còn là nơi duy nhất ở nước ta còn tồn tại một quần thể bò biển. Điều đặc biệt là toàn huyện đảo rộng hơn 76km2; trong đó thị trấn nằm ở đảo Côn Sơn trong một thung lũng bề ngang có nơi rộng 2- 3km, chiều dài 8- 10km.
Với dân số hơn 7.000 người, dân cư sống rải rác nên đường trong thị trấn luôn thông thoáng, đảo yên tĩnh và thanh bình đến lạ thường.
Ông Nguyễn Thành Chính- Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo cho biết: Năm 2016, Côn Đảo đã đón gần 167.000 lượt khách, đạt 115,14% kế hoạch năm, tăng 24,34% so với cùng kỳ, trong đó có hơn 30.000 lượt khách quốc tế.
Tổng doanh thu du lịch thực hiện được hơn 802 tỷ đồng, đạt 123,42% kế hoạch năm, tăng 37,24% so với cùng kỳ. “Nhà tù Côn Đảo được công nhận kỷ lục Guiness Châu Á về “Hệ thống di tích lịch sử nhà tù trên đảo lớn nhất” hồi tháng 5/2012.
Được sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên ban tặng, hiện Vườn quốc gia Côn Đảo có diện tích gần 20.000ha, trong đó hợp phần rừng bảo tồn là gần 6.000ha, phần còn lại hợp phần bảo tồn biển.
Nơi đây có hệ sinh thái điển hình của một vùng biển nhiệt đới và là sinh cảnh của nhiều loài động thực vật đặc hữu của Việt Nam, khu vực Đông Nam Á và thế giới.
Đường phố Côn Đảo xây dựng khang trang sau 42 năm giải phóng. |
Vườn quốc gia Côn Đảo hiện có 14.000ha đất ngập nước với các hệ sinh thái: rạn san hô, rừng ngập mặn và cỏ biển được bảo vệ khá nguyên vẹn.
Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2020 tầm nhìn 2030, Côn Đảo sẽ được xây dựng trở thành đặc khu kinh tế phát triển theo hướng kinh tế du lịch- dịch vụ chất lượng cao, trong đó ưu tiên phát triển các loại hình du lịch biển đảo, sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp và du lịch văn hóa- lịch sử.
Nhìn lại lịch sử cách đây 42 năm, những ngày của tháng 4/1975, trong không khí của cuộc tổng tiến công nổi dậy giải phóng hoàn toàn đất nước, tất cả quần chúng nhân dân yêu nước và các tù nhân tại Nhà tù Côn Đảo đã đứng lên giải phóng đảo, chấm dứt 113 năm lao tù.
Kế thừa truyền thống kiên trung, bất khuất của cha ông, Côn Đảo qua 42 năm giải phóng không ngừng thay da, đổi thịt. Hệ thống đường giao thông trên đảo được đầu tư khang trang, sạch đẹp. Thị trấn Côn Đảo rợp bóng với những cây bàng cổ thụ hàng trăm năm tuổi.
Các khu nghỉ dưỡng, resort, khách sạn, nhà hàng mọc lên ngày một nhiều. Côn Đảo đã kết nối với TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ bằng đường hàng không, mỗi ngày có 2- 6 chuyến bay.
Tàu biển đi về Bà Rịa- Vũng Tàu mỗi ngày 1 lượt với hành trình hơn 12 tiếng/chuyến. Và trong tương lai, Công ty CP Superdong Kiên Giang sẽ mở chuyến tàu cao tốc từ cửa biển Trần Đề- Sóc Trăng ra Côn Đảo, thời gian chạy tàu rút ngắn còn 2 giờ 30 phút/chuyến.
Bài, ảnh: KỲ DUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin