Mỗi người đều có một quê hương. Nhưng hỡi ơi! Món nợ ân tình với đất, với quê có mấy người đã trả nổi?
Mỗi người đều có một quê hương. Nhưng hỡi ơi! Món nợ ân tình với đất, với quê có mấy người đã trả nổi?
Tuổi thơ tôi lớn lên ở chốn ruộng đồng. Nơi có con sông hiền hòa dâng dòng chảy cho xóm làng tắm tưới. Nơi có con đường làng lầy lội mỗi cơn mưa.
Có nồi canh rau cải trời của mẹ trên chái bếp cay nồng hun khói. Để rồi chiều nay, cũng tô canh rau ấy đang tỏa hương trong không khí ấm cúng của gia đình mình mà tôi nghe thương nhớ rưng rưng.
Nhớ gì ư? Nhớ những ngày lam lũ với ruộng đồng. Nhớ dáng mẹ gầy hái từng cọng cải, đọt rau. Tôi tự hỏi (mà cũng như tự trách): Đã bao lâu rồi mình chưa về thăm quê? Thật khó trả lời và có trách cũng được chi: gia đình, con cái, công việc đầy rẫy những lý do. Vậy nên, cứ để mặc lòng cồn cào như chân vừa đạp phải đám rau cải trời.
Cải trời ngày ấy chỉ là thứ rau dại, mọc hoang khắp trong vườn. Không ai trồng, không ai chăm sóc, cải trời vẫn lên tốt tươi. Sau một trận mưa, tự nhiên trong vườn thấy những mầm non nhú lên. Thêm vài trận mưa nữa, ngọn cải vượt lên xanh mơn mởn.
Như cái tên của nó: rau dân dã của trời cho nên sức sống vô cùng mạnh mẽ. Mỗi khi cha ra đồng về, trong giỏ có những chú cá rô mập ú là y như rằng mẹ lại xe duyên với cải trời.
Nghe cha nói có cá là tôi và mẹ liền cắp rổ ra vườn. Chị Hai làm cá và nhóm bếp bắc canh. Mẹ cố rị mọ tìm cho được từng đọt rau sót lại. Mẹ bảo: “Làm gì cũng phải nhẫn nại, cần cù.
Có chắt chiu từng cọng rau, con cá mới biết quý trọng những gì mình đang có”. Chỉ một nồi canh rau nhưng như đã thành thông lệ phân công cho mỗi thành viên trong gia đình. Khi tôi và mẹ mang rau về cũng là lúc nồi canh vừa sôi.
Mẹ cho cá vào, đợi cá chín, mẹ cất công ngồi gỡ từng mảng thịt. Tôi chỉ việc rửa sạch rau là hoàn thành nhiệm vụ. Mẹ nêm nếm vừa ăn mới cho cải trời vào. Từ nồi canh của mẹ bốc lên mùi vị của tình đất, tình làng ngọt đầm đến lạ.
Vị ngọt ấy không chỉ từ rau cải trời, cá rô đồng mà còn từ dòng nước sông quê, từ những nỗi nhọc nhằn của cha, gian truân của mẹ và tình cảm keo sơn máu thịt của anh chị em tôi.
Thế đó, mỗi sản vật quê nhà đều đọng lại những bài học trân quý mà cha mẹ đã dạy chúng tôi. Vậy nên, khi mâm cơm có canh rau cải trời cá rô được dọn lên là tôi cứ xuýt xoa khó cưỡng. Ngoài kia, cơm mưa dầm rả rích. Trong nhà, hương cải trời thoang thoảng nồng lên. Trong khói bếp bảng lảng lam chiều, một không khí đầm ấm theo tôi đến suốt cuộc đời.
Cải trời ngày nay vô tình đã được nâng lên thành rau đặc sản. Cũng vì vậy mà người ta lên liếp, bón phân, xịt thuốc cho cải trời như bất kỳ loại rau nào. Cải trời được chăm sóc nên thân cao, lá to nhưng mùi vị không còn chân phương nữa, thành ra khó mà có được tô canh rau cải trời cá rô đồng đúng điệu.
Mỗi lần về thăm quê, dù đôi chân đã yếu nhưng mẹ vẫn cố ra vườn hái rau cải trời. Thương làm sao dáng mẹ hiền ngồi nơi cầu ao mà em tôi đã phục dựng để chùi nồi chuẩn bị cơm củi, canh cải trời cá rô đồng. Mẹ vốn coi ruộng vườn là gan ruột, thì đâu dễ bỏ những nếp quê đã ăn sâu vào tiềm thức. Đối với mẹ đó là những niềm vui!
Bên kia nhà ai vọng sang tiếng bà mẹ ru con mà nghe não nuột:
“Ầu ơ!... Gió đưa cây cải về trời...
Rau răm ở lại... Rau răm ở lại... mà chịu lời đắng cay...
Ầu ơ!...”
Thương đọt rau cải trời ở vườn nhà vẫn cố tồn tại mà nép đó nơi góc quê!
DIỄM KIỀU
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin