Một hội thảo khoa học do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long tổ chức, nhằm hoàn chỉnh hồ sơ lý lịch khu mộ thân nhân của danh tướng Thoại Ngọc Hầu ở cù lao Dài (xã Thanh Bình- Vũng Liêm), đã mở ra nhiều vấn đề và triển vọng cho tiềm năng về du lịch tâm linh, kết hợp sinh thái miệt vườn trong tương lai.
Một hội thảo khoa học do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long tổ chức, nhằm hoàn chỉnh hồ sơ lý lịch khu mộ thân nhân của danh tướng Thoại Ngọc Hầu ở cù lao Dài (xã Thanh Bình- Vũng Liêm), đã mở ra nhiều vấn đề và triển vọng cho tiềm năng về du lịch tâm linh, kết hợp sinh thái miệt vườn trong tương lai.
Một góc khu mộ bà Nguyễn Thị Tuyết- thân mẫu danh tướng Thoại Ngọc Hầu. |
Quê hương thứ hai của một danh thần
Cách đây 285 năm (năm 1732), Long Hồ dinh chính thức được thành lập ở ngay ngã ba vàm sông Cái Bè, thì trước đó nhiều năm, cù lao Dài đã được người Đàng Ngoài vào đây khai phá, lập nghiệp.
Trong khi cù lao Minh (Long Hồ) thời đó còn là vùng đất hoang vu, hiếm người lui tới, thì cù lao Dài- tên chữ là Trường Châu, được sách sử mô tả là một thế đất đẹp, cách cửa biển không xa, nhưng quanh năm phần lớn nước ngọt, ít thú dữ, chim muông phá hoại mùa màng.
Cho đến nay, cù lao Dài vẫn là một cù lao đẹp, trù phú, phủ màu xanh cây trái tốt tươi, dù cách trở đò giang nhưng thật sự là vùng đất quyến rũ.
Cách đây khoảng 6 năm, một vị lãnh đạo ngành văn hóa có gợi ý tôi nên về cù lao Dài viết bài về vùng đất này, đặc biệt là 2 khu mộ thân nhân của danh tướng Thoại Ngọc Hầu, là bước đệm khởi đầu trùng tu nâng lên là di tích cấp tỉnh.
Sau đó, Ban quản lý lăng mộ Thoại Ngọc Hầu ở An Giang có về đây tìm hiểu và lãnh đạo tỉnh An Giang rất quan tâm đến di tích này.
Lần đầu vào thăm 2 khu mộ: bà Nguyễn Thị Tuyết- mẹ ruột- và mộ ông Châu Vĩnh Huy là nhạc phụ cũng là thầy dạy học của Thoại Ngọc Hầu, chúng tôi nhìn vẻ hoang phế, nhất là mộ bà Nguyễn Thị Tuyết xuống cấp nghiêm trọng, lòng không khỏi bùi ngùi, xót xa.
Cho đến hôm nay, tỉnh Vĩnh Long có kế hoạch cụ thể, trước hết là hội thảo khoa học, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Quang đã có ý kiến chỉ đạo gấp rút hoàn thành hồ sơ công nhận di tích và có kế hoạch trùng tu trong năm tới.
Thật sự không chỉ cá nhân tôi mà nhiều người dân Vĩnh Long rất đỗi vui mừng. Đây cũng là việc làm vô cùng ý nghĩa, khi nhân dân Vĩnh Long đang bước vào những ngày kỷ niệm 285 năm thành lập Long Hồ dinh.
Nguyên Trưởng Khoa Văn hóa nghệ thuật Trường ĐH An Giang Nguyễn Văn Khảm có ý kiến rất hay: “Ở quê hương Quảng Nam (thuộc Đà Nẵng ngày nay), thì cụ Thoại Ngọc Hầu chỉ sống có mười mấy năm thời niên thiếu, còn vùng đất An Giang chúng tôi may mắn là nơi thụ hưởng những công trình lịch sử của người để lại.
Nhưng, nơi mà cụ Thoại Ngọc Hầu gắn bó nhiều nhất, nơi lớn lên hình thành nhân cách, học hành, lập gia đình và khởi nghiệp chính là vùng đất cù lao Dài này”.
Điều này khẳng định tầm quan trọng, sự ảnh hưởng lớn lao của quê hương Vũng Liêm đối với một danh tướng, danh thần Thoại Ngọc Hầu.
Đây là một điểm nhấn mà giới nghiên cứu khoa học lịch sử cần mở rộng, đặt vấn đề về việc học hành hoàn thiện kiến thức của danh tướng Thoại Ngọc Hầu, vì tới nay chúng ta chỉ mới xác định được người thầy và cũng là nhạc phụ của ông là cụ Châu Vĩnh Huy.
Như vậy, ngoài ra ở vùng đất cù lao heo hút này, những ai đã góp phần đào tạo nên một bậc danh tướng lại có tài quản trị đất nước giỏi đến vậy?
Công lao của ông trải đều ở cả 3 miền, đặc biệt ở vùng đất phương Nam và thể hiện toàn diện việc đánh giặc lẫn tài năng tổ chức xã hội cực tốt, mà những công trình của ông còn giá trị đến mấy trăm năm sau.
Những tâm huyết dành cho khu di tích
Dựa trên lập luận về vai trò quan trọng của vùng đất cù lao Dài, ông Nguyễn Văn Khảm, nhấn mạnh: Quê hương nơi danh tướng Thoại Ngọc Hầu sinh ra là làng An Hải, huyện Diên Phước- Quảng Nam (nay là phường An Hải Tây, quận Sơn Trà- TP Đà Nẵng) và khu lăng mộ của ông và phu nhân Châu Thị Vĩnh Tế ở An Giang đều đã được công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia.
Cho nên, vùng đất quan trọng nhất đối với cuộc đời ông ở cù lao Dài cần được ghi nhận và nâng tầm là một di tích cấp quốc gia trong tương lai.
Có một điều rất đặc biệt gần như “phá lệ” của triều đình nhà Nguyễn. Đó là cùng với chồng mình, bà Châu Thị Vĩnh Tế cũng được phong tặng cho tên sông, tên núi để mãi được lưu danh cùng hậu thế.
Ông Nguyễn Chiến Thắng- nguyên Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy- cho rằng dưới triều đại phong kiến thế kỷ XIX, vinh danh người phụ nữ là một điều rất đặc biệt. Cũng có lẽ là điều đặc biệt trong lịch sử thế giới, khi vợ chồng cùng được ghi danh sáng soi cùng hậu thế.
Ông Lương Chánh Tòng- Bảo tàng Lịch sử TP Hồ Chí Minh- qua nhiều chuyến khảo sát thực địa, đánh giá rất cao kiến trúc 2 khu mộ.
Đây là loại đá được vận chuyển từ Quảng Nam vào và được sử dụng kỹ thuật kiến trúc theo lối lăng tẩm của triều đình nhà Nguyễn.
Do đó, trong quá trình trùng tu khôi phục, cần bảo đảm nguyên tắc bảo tồn nguyên trạng của vật thể, vật liệu, kiến trúc cũ; còn phần nào xây dựng mới mở rộng để phục vụ nhu cầu du lịch thì cần tách biệt rõ ràng.
Đây được xem là những giá trị vật thể góp phần cho việc xây dựng cụm di tích vừa phục vụ nhu cầu thờ cúng.
Cùng với đó, nhiều ý kiến đề nghị xã Thanh Bình nên có kế hoạch làm đám giỗ bà Nguyễn Thị Tuyết hàng năm vừa tỏ lòng tri ân, vừa thể hiện xứng tầm với một danh nhân lịch sử của đất nước.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Quang, thống nhất ý kiến việc trùng tu 2 khu mộ sau này gắn liền với kế hoạch khai thác du lịch tâm linh, đồng thời gắn với lợi thế cù lao sông nước miệt vườn của cù lao Dài.
Cần lưu ý việc quy hoạch phải cân nhắc mở diện tích di tích sao cho phù hợp với nhu cầu phát triển du lịch trong tương lai.
Đồng thời đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch gấp rút hoàn thiện hồ sơ lý lịch di tích 2 khu mộ thân nhân danh tướng Thoại Ngọc Hầu, sớm đưa vào kế hoạch trùng tu trong năm tới.
Mai này, trong những chuyến hành hương về vùng đất Vũng Liêm, mọi người được ôn lại lịch sử Nam Kỳ khởi nghĩa, dâng hương tưởng nhớ cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, cùng trong cụm di tích là một Bảo tàng Nông nghiệp lúa nước Nam Bộ dần hình thành.
Và ôn lại thời kỳ đầu mở cõi đất phương Nam, khi vượt sông về với cù lao Dài, về với quê hương thứ hai của một danh tướng, danh thần Thoại Ngọc Hầu.
Ông Nguyễn Chiến Thắng- nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long Đề xuất nghiên cứu mở rộng, xác định có họ Châu cùng thời là Châu Văn Tiếp hay không (nay còn đền thờ tại xã Tân Long Hội- Mang Thít). Châu Văn Tiếp có 2 em trai là: Châu Đoàn Chẩn, Châu Đoàn Húc, em gái Châu Thị Đậu. Bà Đậu hoạt động quân sự nổi tiếng giúp chồng là tướng Lê Văn Quân làm nên việc lớn tương tự bà Châu Thị Vĩnh Tế. Nên nghiên cứu 2 họ Châu này có mối quan hệ với nhau không? Ông Nguyễn Văn Khảm- nguyên Trưởng Khoa Văn hóa nghệ thuật Trường ĐH An Giang: “Danh thần Thoại Ngọc Hầu là một nhân vật lịch sử rất đặc biệt, ông được phong Hậu hiền ở quê hương Quảng Nam, lại được phong là Tiền hiền ở An Giang”. |
Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin