Lạc theo những âm giai dìu dặt của nhạc sĩ Nguyễn Cường, "còn thương nhau thì về Buôn Ma Thuột", chúng tôi đã về với thành phố cao nguyên này.
Cảm giác được thưởng thức thịt nướng trong không gian bạt ngàn của đồi cà phê rất tuyệt vời. |
Lạc theo những âm giai dìu dặt của nhạc sĩ Nguyễn Cường, "còn thương nhau thì về Buôn Ma Thuột", chúng tôi đã về với thành phố cao nguyên này.
Chưa bao giờ tôi xem Tây Nguyên là điểm đến mà luôn là chốn quay về. Nhiều lần về lại vùng đất này, cảm giác đều như lần đầu, đều hồi hộp, mong ngóng, vì ở đó không chỉ có đất trời quang đãng mà những cư dân hồn hậu của một thành phố cao nguyên cũng rất đỗi ân cần.
Đại ngàn mời gọi
Viết trên facebook của mình cảm xúc về Tây Nguyên cũng như kế hoạch cho chuyến hành trình, một người bạn cả năm trời không gặp đã gọi điện ngay để hối thúc. Chưa kết lại là đi như thế nào thì anh bạn tắt điện thoại. Vài giờ sau là có thông tin về chuyến xe, khách sạn cũng đã đặt xong... Tất cả vì một câu rất bình thường: "làm ngay chứ mùa lễ hội mà, chậm là hết chỗ".
Chuyến hành trình của chúng tôi được mời gọi như thế !
Chuyến xe rời Sài Gòn khi thành phố đã lên đèn, bỏ lại sau lưng bao nhiêu sự ồn ả, xô bồ để đưa chúng tôi đến với phố núi. 4 giờ sáng, Tây Nguyên đón chúng tôi bằng cơn gió giữa đại ngàn se lạnh. Và, người đầu tiên chúng tôi gặp ở phố núi mờ sương lúc này, không ai khác chính là hai chị lao công.
Biết chúng tôi là khách mới đến, hai chị ân cần chỉ những con đường có quán cà phê mở cửa thật sớm, thậm chí là thâu đêm. Không những vậy, hai chị còn dùng điện thoại của mình gọi tắc xi cho chúng tôi. Màn chào đón người xa đầy ấn tượng và ấm áp.
Anh bạn ngồi cùng bàn (mới quen) trong quán cà phê ở góc đường dốc phố giữa lúc trời se lạnh cho biết, đa phần cư dân ở thành phố Buôn Ma Thuột là nhập cư, phần còn lại là bà con đồng bào các dân tộc. Họ sống rất cởi mở, xem du khách như người thân, nên hễ ai đó hỏi đường thì họ luôn ân cần hướng dẫn.
Đây là điều khác biệt mà đi qua nhiều thành phố, chỉ có thể gặp ở Tây Nguyên. Ngay cả anh tài xế taxi cũng là một hướng dẫn viên bản địa, đầy nhiệt tình đưa chúng tôi đến với góc con đường dốc, nơi mà ly cà phê Ban Mê sưởi ấm lòng lữ khách.
Mỗi mùa lễ hội cà phê, có hàng chục ngàn lượt du khách đến với thành phố cao nguyên. Có lẽ, ngoài sự hấp dẫn của đặc sản trứ danh là cà phê, thì lòng người hồn hậu chính là lý do thu hút du khách khi xa muốn trở lại với phố núi nhỏ xinh này.
Ly cà phê Ban Mê…
Buôn Ma Thuột là thủ phủ của cà phê. Tôi cảm nhận, không chỉ vùng đất với loại đặc sản trứ danh này tạo cho con người sinh kế khá giả, mà con người ở đại ngàn này cũng yêu cây cà phê và yêu thiên nhiên như máu thịt mình.
Ka Pin, một người bạn mới quen đã cho chúng tôi thấy thế nào là tình yêu dành cho đất và cây cà phê Ban Mê.Thưởng thức ly cà phê của quán ARUL ở buôn A Kó Dhông (không gian cà phê nhà dài đậm chất Tây Nguyên), câu chuyện về Ka Pin tạo cho tôi sự ấn tượng.
Anh là một kỹ sư, hiện đang làm việc tại Sở Thông tin và truyền thông tỉnh Đắk Lắk, nhưng lại nuôi trong lòng mơ ước góp phần mình làm giàu thêm danh tiếng thủ phủ cà phê. Hiện có hơn 3ha cà phê đang trong giai đoạn sinh trưởng, không ngày nào Ka Pin không có mặt ở nông trại của mình.
Ka Pin chia sẻ, cà phê vốn là cây trồng làm nên danh tiếng của vùng đất, nhưng hiện tại, việc phát triển vẫn chưa xứng với tiềm năng vốn có, do đó, anh và một số bạn bè của anh có cùng chí hướng là nâng cao chất lượng sản phẩm, cũng như thương hiệu cây trồng này để có thể giúp được nhiều hơn nữa người dân cùng phát triển kinh tế.
Khách quan mà nói, việc phát triển cây cà phê thành cây trồng chủ lực của vùng đất Tây Nguyên, nó không khác với việc phát triển cây lúa ở ĐBSCL.
Và thời gian qua, bao nhiêu khó khăn mà người dân trồng cà phê phải đối mặt, cũng không khác với người dân trồng lúa: cũng thất mùa, mất giá, mưa nắng thất thường, sâu bệnh tấn công...
Người gắn bó với cà phê cũng bao phen xất bất xang bang. Danh tiếng xuất khẩu thứ nhì, thứ ba thế giới cũng chỉ là những hảo danh, nếu đời sống của cư dân gắn bó với cây cà phê không bền vững.
Cây cà phê thời gian qua đã mang đến nguồn lợi kinh tế khá cho nhiều công ty xuất khẩu, nhưng điều mà các cấp, các ngành muốn hướng tới chính là người dân sống và canh tác dưới tán cà phê lâu nay, phải được bền vững và ổn định. Gắn bó cùng cà phê và phát triển cùng cà phê là ước mơ từ bao đời của bà con ở xứ sở đại ngàn.
Khung cảnh tuyệt đẹp trên đường về với hồ Lắk huyền thoại. |
Dạo chơi trên hồ Lắk
Con đường đi từ TP Buôn Ma Thuột đến huyện Lắk, nơi có hồ Lắk huyền thoại đã được nâng cấp nên rất thoáng và an toàn. Điều mà ai trong chúng tôi cũng phấn khởi là hai bên đường, cảnh quan rất nên thơ, khi có sự đan xen giữa những rặng núi là những cánh đồng vàng óng mùa thu hoạch.
Nếu TP Buôn Ma Thuột như một thiếu nữ đang tuổi trưởng thành, có nhiều nét kiêu kỳ hấp dẫn thì hồ Lắk như chàng trai Tây Nguyên hùng mạnh, như con hổ của rừng già. Người dân bản địa kể rằng ngày xưa vào mùa hạn hán đã thiêu cháy núi rừng quanh vùng, dân làng lâm vào tình trạng khốn đốn vì thiếu nước.
Con trai Y Lắk của làng vốn là một thanh niên dũng cảm có sức mạnh như con voi đã tình nguyện đi tìm nguồn nước cứu dân làng. Cũng từ đó mà hồ này có tên là hồ Lắk.
Hồ Lắk có diện tích hơn 5 cây số vuông, thông với con sông Krông Ana huyền thoại. Kế bên hồ là thị trấn Liên Sơn thơ mộng với nhiều ngôi nhà ngói đỏ. Thị trấn Liên Sơn là thị trấn du lịch nhỏ nhưng rất duyên dáng. Đi một vòng quanh thị trấn này cũng là cơ hội để lữ khách cảm nhận được không khí sinh hoạt của người dân nơi đây, yên bình và êm ả.
Án ngữ bên hồ là dãy núi Chư Yang Sin luôn trầm mặc, hùng vĩ và hoang sơ tạo cảm giác sơn địa bình phong che chắn cho cư dân buôn Jun, buôn M’Liêng của người M’Nông có cuộc sống yên bình và no ấm.
Những chú voi hùng dũng đã sẵn sàng thi thố |
Nét độc đáo của đồng bào M’Nông ở đây là còn gìn giữ được nhiều tập quán sinh hoạt văn hóa truyền thống hết sức quí báu như lễ hội, không gian văn hóa cồng chiêng,... Quây quần bên ché rượu cần nghe già làng kể chuyện trong âm vang tiếng cồng chiêng Tây Nguyên vang vọng mà có chút gì đó xa vắng, bí ẩn, mơ hồ.
Đua voi là hoạt động ấn tượng nhất được nhiều người thích thú. Những chú voi vốn là bạn đường thân thuộc của cư dân nơi đây, luôn là linh hồn của làng cũng như Tây Nguyên huyền thoại. Những nài voi yêu voi như ruột thịt của mình. Cuộc đua diễn ra trong không khí rộn ràng và ấn tượng, đầy chất sử thi của núi rừng.
Tôi yêu Tây Nguyên qua câu hát của Y Moan, "còn thương nhau thì về Buôn Ma Thuột", yêu tiếng cồng chiêng trầm hùng, vang vọng.
Tôi yêu Tây Nguyên có những đồi cà phê trải dài đến ngút ngàn. Tôi yêu Tây Nguyên có đàn voi như những chiến tượng, kiêu hùng mà thân thiện gắn chặt với đầm hồ thơ mộng... Và bây giờ, trong tôi có thêm tình yêu của những con người với những ước mơ, hoài bão rất đỗi gần gũi, thực tế nhưng cũng đậm chất nhân văn.
Bài, ảnh: TRẦN NGỌC
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin