Sáng cuối tuần, trời đổ lạnh. Trong chiếc chăn dày ấm áp, tôi không buồn dậy sớm. Ngoài kia, những tia nắng ban mai xúng xính theo dòng người xuống phố. Ngày mới, nơi góc quán thân quen, tách cà phê ngây ngất hương thơm bung tỏa gọi mời. Tôi bỏ mặc. Tôi thu hồn theo những ngày tết đã qua.
Vĩnh Long, một ngày tháng Giêng!
Sáng cuối tuần, trời đổ lạnh. Trong chiếc chăn dày ấm áp, tôi không buồn dậy sớm. Ngoài kia, những tia nắng ban mai xúng xính theo dòng người xuống phố. Ngày mới, nơi góc quán thân quen, tách cà phê ngây ngất hương thơm bung tỏa gọi mời. Tôi bỏ mặc. Tôi thu hồn theo những ngày tết đã qua.
Lần cánh tay, tôi quơ tìm chiếc điện thoại. Tôi lục lại xem những bức hình xuân vừa chụp bên gia đình. Cả nhà ai cũng thật xinh tươi, rạng rỡ. Thêm một mùa đoàn viên tràn ngập niềm vui và hạnh phúc.
Nhìn những sợi tóc bạc trên mái đầu của cha hay những vết nhăn hằn trên trán mẹ, tôi thầm cảm ơn đời vẫn cho tôi còn có cha, có mẹ. Gia đình bao giờ cũng là nơi cuộc sống bắt đầu và tình yêu thì không bao giờ kết thúc. Đối với tôi, đối với gia đình tôi không gì quý giá bằng những phút giây sum vầy ngày tết.
Mẹ tôi thường nói: “Mỗi đứa giờ đã có gia đình riêng. Đứa nào về thăm, mẹ cũng mừng. Nhưng trông mong và chờ đợi nhất vẫn là khi tết đến xuân về có đủ con lẫn cháu”.
Trong 365 ngày thì những người mẹ có được bao nhiêu ngày tròn đầy như thế? Mang nặng đẻ đau, vất vả trăm bề để rồi bấy nhiêu đấy thôi cũng là đủ lắm rồi. Như bao người mẹ khác, mẹ tôi sợ cảm giác thiếu vắng dù chỉ là một đứa con hay cháu. Hiểu được lòng mẹ, chúng tôi năm nào cũng tụ họp về.
Vậy mà, độ qua 23 tháng Chạp, mẹ lại gọi cho từng đứa mới thấy yên tâm. Mẹ tất bật mua sắm, trang hoàng nhà cửa, chăm bón vạt rau, bầy gà, đàn vịt vậy mà còn tranh thủ sên thêm mứt dừa, mứt gừng, ngào chùm ruột, kẹo chuối.
Thấy mẹ thức khuya dậy sớm, cha xót dạ cằn nhằn. Mẹ mỉm cười: “Tết mà! Trước cúng ông bà, sau cho tụi nhỏ có mà ăn, còn biếu bang hàng xóm, sui gia nữa chứ!” Miệng thì nói vậy thôi chứ tay cha thì lúc nào cũng lắt xắt theo phụ mẹ. Đối với ông bà đó là niềm vui.
Về với cha mẹ, về với quê hương, chúng tôi thấy mình như những đứa con bé bỏng của ngày nào.
Khi mặt trời chưa ló dạng, trong cái hơi xuân lành lạnh nơi làng quê, chúng tôi như muốn kéo dài thêm giấc ngủ thì mẹ đã lục đục nhen bếp lửa. Mẹ pha trà cho cha và chuẩn bị nồi nước uống cho con.
Nước ở quê đã ngọt nhưng càng ngọt hơn bởi sự tảo tần của mẹ. Biết đứa thích ăn món này, đứa lại thích món kia nên ngoài nồi thịt kho béo ngậy, mẹ còn để dành gà ngon, vịt mập.
Cha thì không quên rộng thêm vài con cá lóc trong nhà. Bữa cơm đoàn viên được bày biện bắt mắt, phong phú có sự đóng góp của cả nhà nên càng trở nên ấm áp, ngọt ngon.
Trong niềm vui hạnh phúc gia đình, bên ngọn gió xuân dịu mát, ta lại được nghe thoang thoảng hương thơm của mùi nếp mới tỏa ra từ bàn thờ tổ tiên, ông bà. Chúng tôi- đứa nào đứa nấy cũng no nê với những món khoái khẩu của mình làm ánh lên niềm vui trên khuôn mặt hiền của cha và mẹ.
Chúng con lớn lên đứa nào cũng rời xa cha mẹ. Không thể chăm lo cho cha mẹ hàng ngày nên chỉ biết thầm mong tụi con không là nỗi lo, là gánh nặng, là tiếng thở dài mỗi khi cha mẹ nghĩ về. Biết rằng yên tâm toàn vẹn ắt khó lắm, cứ trăm bề thể nào cha mẹ cũng chọn ra cớ để mà lo.
Thôi thì cứ ước thời gian đừng bạc thêm mái đầu của cha, thôi hằn thêm vết nhăn trên trán mẹ để mãi những mùa xuân cha mẹ vẫn ở bên chúng con. Xuân sau tụi con vẫn về!
Viết cho cả những mùa xuân tới!
- DIỄM KIỀU
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin