Ngày nay, trong làng báo, hễ gần Tết thì ai nấy đều ráo riết chuẩn bị và làm nhiều việc để có báo xuân phát hành trước Tết.
Ngày nay, trong làng báo, hễ gần Tết thì ai nấy đều ráo riết chuẩn bị và làm nhiều việc để có báo xuân phát hành trước Tết.
Trong kháng chiến chống Mỹ - Diệm, dù còn gặp nhiều gian khổ ác liệt, chúng tôi cũng khẩn trương làm báo Tết. Tôi kể chuyện này là gần cuối năm 1960, làm báo "Tranh Đấu" của Đảng bộ tỉnh Cần Thơ xuân Tân Sửu – năm 1961.
Lúc ấy, mặc dù toàn miền Nam đã tiến hành cuộc Đồng Khởi năm 1960 đạt thắng lợi lớn, dùng cả ba mũi đấu tranh chính trị, công tác binh vận kết hợp đấu tranh vũ trang giành quyền làm chủ đại bộ phận nông thôn, nhưng Mỹ - Diệm vẫn phản kích ta ác liệt.
Riêng ở tỉnh Cần Thơ, ta giải phóng được 10 xã, giải phóng phần lớn các ấp trong vùng nông thôn của tỉnh.
Đặc biệt, là quần chúng nhân dân bị gom vào Khu trù mật Vị Thanh – Hỏa Lựu thừa cơ hội Đồng Khởi, lần lượt bỏ về xóm cũ làng xưa. Địch rất hoang mang dao động nhưng cũng tức tối, đổ quân càn quét từ huyện này qua huyện khác.
Tổ chữ Nhà in Giải phóng Miền Tây Nam bộ làm công tác chuyên môn. Ảnh: TL |
Trong tình hình ấy, Ban Biên tập báo "Tranh Đấu" và bộ phận in sáp thủ công mang tên "Nhà in Nguyễn Văn Giỏi" ( là Trưởng ban Tuyên huấn của Tỉnh ủy đã hy sinh) vẫn ở giữa Kinh Huyện Hy, xã Nhơn Ái, huyện Châu Thành, cách chợ Vàm Xáng ba cây số đường chim bay.
Chúng tôi bảo nhau quyết tâm làm việc khẩn trương; đồng thời cảnh giác cao mọi mặt để tờ báo xuân Tân Sửu này ra trước Tết mười lăm ngày.
Về bàn in sáp thủ công là dùng một tấm gỗ phẳng phủ một xấp vải mịn. Khi in thì đặt trang giấy báo trắng lên mặt vải; rồi đặt tờ giấy sáp đã đánh máy lên mặt giấy báo. Sau đó, dùng thẻ gỗ gắn quai guốc có phết mực in kéo dọc từ trên tấm giấy sáp xuống dưới thì sẽ ra trang báo.
Khoảng cuối năm 1960, Ban Biên tập có rất ít người. Anh Tư Dân (tên thật là Trương Văn Diễn, 37 tuổi) đậu bằng đíp –lôm của Pháp, ngang với tốt nghiệp Trung học cơ sở hiện nay, được Tỉnh ủy cử làm chủ bút báo của Tỉnh ủy.
Trong kháng chiến chống Pháp, anh làm công tác huấn học. Còn tôi là Huỳnh Thương 27 tuổi, học được nửa chương trình trung học cơ sở thời Pháp rồi bỏ trường ra kháng chiến lúc 14 tuổi. Năm sau, tôi đi học trường tuyên truyền Sở Thông tin Nam bộ.
Năm 18 tuổi, được điều về Ty Thông tin Cần Thơ làm cán bộ của Ty và xin làm thông tín viên báo "Cứu Quốc Nam bộ". Tỉnh ủy cử tôi làm thư ký tòa soạn báo "Tranh Đấu" vì thời kháng chiến chống Pháp, tôi đã biết làm thơ, viết tin, viết báo tường trong cơ quan Ty Thông tin.
Anh Đặng Hồng lớn hơn tôi mấy tuổi, cũng là cán bộ Ty thông tin và làm thông tín viên báo "Cứu Quốc". Anh Ba Phú ở huyện rút lên.
Anh trên 30 tuổi, đã viết tin và làm bản tin của huyện. Anh Xuân Việt cỡ tuổi tôi, kẻ chữ trên giấy sáp rất đẹp, phụ trách xây dựng bộ phận in sáp từ đầu, lại biết làm thơ và chép tin đài Tiếng nói Việt Nam rất giỏi. Anh được rút qua tiếp làm biên tập.
Tôi xin kể về cuộc họp ban biên tập bàn nội dung báo "Tranh Đấu" xuân Tân Sửu năm 1961. Báo Xuân vẫn làm 12 trang, khổ khoảng 20cm x 30cm như báo thường kỳ từ đầu năm đến giờ, ra nửa tháng một số in mực đen. Tuy nhiên, báo Tết phải in mực màu xanh dương và màu đỏ.
Chúng tôi dự định trang 1, tuy chưa có họa sĩ, nhưng anh Xuân Việt kẻ chữ to tên báo "Tranh Đấu" và Bác Hai già khắc bản gỗ in màu đỏ tươi.
Trang 1, in thơ chúc Tết của Tỉnh ủy do anh chủ bút chịu trách nhiệm viết và đi thông qua Tỉnh ủy. Thơ chúc Tết phải có khung hoa, chữ đẹp in màu xanh.
Trang 2 màu đỏ, tổng hợp thành tích Đồng Khởi năm 1960 trong tỉnh. Anh Ba Phú sẽ viết về các chuyện giải phóng 10 xã (Long Mỹ: 5; Ô Môn: 2; Kế Sách: 3) mở lõm giải phóng, lõm căn cứ nhiều xã, đánh rã hầu hết hệ thống kềm kẹp phần lớn các ấp nông thôn trong tỉnh.
Trang 3, in màu xanh. Chủ bút phân công tôi viết bài tùy bút "Xuân Đồng Khởi" nói lên không khí phấn khởi, vui tươi của nông dân ở nhiều ấp nông thôn trong tỉnh trở về nhà cũ, quê xưa, gặp được nhiều cán bộ và bộ đội. Tôi chỉ còn nhớ mấy câu trong bài như sau:
Gió thu thổi lớp tro tàn.
Nhà xưa cất lại, quân dân một lòng.
…………………..
Trang 4 in màu đỏ, tôi đề nghị viết bài liên quan tên năm Tân Sửu là năm con trâu. Tựa bài là "Trâu Tầm Vu". Một đồng chí nói: "Bộ đội chiến thắng chớ có phải trâu chiến thắng đâu".
Tôi phân trần: "Chỉ viết tựa đề cho lạ, nhưng ta sẽ viết chung về bốn trận chiến thắng ở Tầm Vu. Chỉ nói rõ hai trận. Trận thứ nhất (20-1-1946) đánh 2 xe địch, diệt tên đại tá Đờ-xe tư lệnh quân Pháp ở miền Tây.
Trận thứ tư là sau chót (19-4-1948) ta diệt gần 100 tên Pháp, có tên đại úy chỉ huy đoàn xe, bắt sống 80 tên, thu gần 200 súng, thu nguyên vẹn một đại bác 105 ly và toàn bộ đạn dược, quân trang, quân dụng. Bộ đội ta kéo pháo băng ngang ruộng lầy đi không được.
Ta nhờ dân đem trâu đến kéo. Nghe nói trâu ráng sức kéo tới nơi ghe đậu chờ, thì một con trâu chết vì đứt ruột. Đồng chí chủ bút đề nghị anh Đặng Hồng viết bài này vì anh là người ở Phụng Hiệp nên biết rõ cả 4 trận ở Tầm Vu.
Trang 5 màu xanh, trang 6 màu đỏ, trang 7 màu xanh. Mấy trang này viết về các trận ta trừng trị kẻ thù. Chúng tôi đã có tường thuật từ trước một số trận.
Chỉ thiếu trận "Rạch Ông Đưa" cho nên anh chủ bút phải liên hệ với các đồng chí trong bộ đội viết tiếp chúng tôi.
Ta đã có các bài: Trận Tiểu đoàn Tây Đô phục kích 1 tiểu đoàn bảo an địch ở Kinh Xáng Bảy Ngàn, bắt sống 50 tên, trong đó có 1 đại úy, 1 thiếu úy thu 11 súng. Đêm 28-2-1960 có nội ứng dẫn đường đánh đồn Vàm Xáng (xã Nhơn Nghĩa) diệt ác ôn.
Cả đội dân vệ đều theo cách mạng. Ngày 16/6/1960, Tiểu đoàn Tây Đô phối hợp với bộ đội địa phương đánh 4 tiểu đoàn địch đi càn tại rạch Ông Đưa diệt 200 tên, bắt sống 6 tên, thu 30 súng. Sau trận này, quần chúng nổi dậy phá thế kềm kẹp một vùng nông thôn rộng lớn từ Ô Môn, Châu Thành, Phụng Hiệp, Kế Sách.
Trang 8, màu đỏ, trang 9 màu xanh, anh Ba Phú và anh Tư Dân liên hệ với Văn phòng Tỉnh ủy tìm thêm tài liệu viết về các cuộc đấu tranh chính trị của nhân dân trong tỉnh.
Ta sử dụng cả một số bài của các huyện, các xã gởi lên. Nhân đây có một chuyện vui làm tập thể cười quá trời. Có một bài của N.H.D viết về cuộc đấu tranh chính trị ở chợ Ngã Bảy, yêu cầu tên quận trưởng không cho bắn pháo để đồng bào làm ruộng. Cuối bài, tác giả có câu thơ kết luận:
Vùng lên ta hãy vùng lên.
Mọt chê, ô buýt thiếu gì lý do.
Anh Ba Phú đề nghị tôi giúp sửa lại câu thơ. Tôi không biết cách sửa thế nào cho rõ ý tứ và hợp vần điệu. Tôi đề nghị ghi dấu (*) rồi gạch dưới trang, giải thích ý tứ của tác giả là kêu gọi bà con cô bác mạnh dạn đi đấu tranh, có thiếu gì lý do đấu tranh như ô buýt, mọt chê địch bắn vào không để bà con cô bác đi ruộng. Ai nấy đều cười xòa. Cuối cùng anh chủ bút đồng ý làm cách đó cũng vui.
Đến trang 10 (màu đỏ) phân công anh Xuân Việt soạn tin ngắn ở miền Nam và miền Bắc. Trang 11 (màu xanh) soạn tin ngắn thế giới, chủ yếu viết về các nước xã hội chủ nghĩa phát triển ra sao.
Trang cuối cùng (màu đỏ) cho hai bài thơ xuân. Anh Xuân Việt viết một bài (tôi không nhớ tựa bài). Tôi không có bài thơ xuân. Bởi vì hồi đầu năm, tôi bị địch bắt, chúng nghi ngờ kéo đi tra tấn tôi bị gãy 4 be sườn, làm liệt xương sống lưng, phải trị thuốc bắc 4 – 5 tháng mới ngồi dậy ăn uống được.
Lúc đó, một chị cán bộ thăm tôi và thuật lại câu chuyện giặc biệt kích, 4 giờ khuya, bắt giết một cán bộ nông hội ở Long Mỹ. Tôi nằm võng viết bài thơ "Thù hận trước sân nhà". Anh chủ bút nói có thể đăng bài thơ này được. Tôi chỉ còn nhớ mấy câu:
"Giặc bắt anh đi mũi súng dí vào đầu.
Nhưng tay chồng tay vợ bấu lấy nhau.
Như giữ mãi cuộc đời đừng vĩnh biệt.
Phát súng nổ, anh ngã dài xuống đất.
Chị ngã theo nằm ngất lặng bên chồng…
Cuộc họp Ban Biên tập kết thúc. Chủ bút hẹn 15 ngày sau sẽ họp để thông qua toàn bộ các bài vở xuân Tân Sửu.
Bây giờ, tôi xin kể tiếp chuyện gian khổ của bộ phận in sáp, chép tin đài Tiếng nói Việt Nam. Hầm bí mật hoặc vách đôi của cá nhân cán bộ chỉ rộng 0,50m, dài từ 1m tới 1,2m, cao hoặc sâu xuống đất nhiều lắm là 1m.
Còn hầm bí mật cho bộ phận in sáp phải làm bằng xi măng cốt thép, phải rộng hơn 1,5m dài hơn 2,2m, sâu hơn 1,2m mới đủ sức chứa cho anh em ngồi in hoặc kẻ chữ sáp, hoặc đánh máy hay chép tin. Báo Tết in hai màu xanh và đỏ, nên phải làm thêm hai bàn in kéo mực đỏ và xanh riêng.
Chỗ làm việc rất chật hẹp. Hầm bí mật dù làm dưới gầm giường trong buồng kín, khi không có địch vào bố ráp, thì nấp hầm phải mở ra và dùng đèn ống khói dài mới có đủ không khí và ánh sáng.
Mỗi khi anh em trồi lên mặt đất ăn cơm thì mũi mọi người bị đóng khói đèn, phun nước miếng ra cũng đen ngòm.
Dù làm việc dưới hầm bí mật, nhưng có qui định chung của Ban tuyên huấn là không để cho ai biết là ta đang làm báo; kể cả chủ nhà coi anh em mình như con ruột cũng giữ bí mật.
Anh chị em trong cơ quan phải đổi cách nói chuyện. Ví dụ: đánh máy chữ thì dùng từ lạ là "đã tự", chép tin thì nói "viết thư", còn in sáp thì nói là "ấn".
Có lần bác Hai chủ nhà hỏi tôi: "Tụi nó nói cái gì bác không hiểu ?". Tôi chỉ cười cho qua chuyện. Nhờ cảnh giác bảo mật mà các hầm bí mật của cơ quan tuyên huấn trong kháng chiến không bao giờ bị lộ.
Năm đó, Ban Biên tập chúng tôi đều viết bài xong và giao đủ cho bên Nhà in Nguyễn Văn Giỏi 40 ngày trước ngày 29 Tết (vì năm ấy trong lịch không có ngày 30 Tết, chỉ 29 rồi Mùng Một). Sau đó, anh em nhà in cũng đã làm đúng theo kế hoạch.
Một đêm trăng mờ, trước Tết mười lăm ngày, anh em nhà in dùng xuồng chở các chồng báo, các xấp báo gởi cho các huyện, các cơ quan, các đơn vị bộ đội qua điểm hẹn của cơ quan giao liên tỉnh.
Đêm ấy, anh chủ bút và tôi cùng đi tới chỗ hẹn, bắt tay vui vẻ với anh chị em giao liên. Anh chủ bút nói: "Mong rằng, năm tới, Tết đến, Cách mạng thắng lợi càng to, chúng ta làm báo càng đẹp, càng nhiều hơn nữa. Điều quan trọng là chúng ta còn đủ mặt vui vẻ như đêm nay".
Sau lời chúc Tết của chủ bút, chúng tôi và anh em nhà in xuống xuồng âm thầm ra về. Lòng mọi người đều vui vẻ.
Theo Cần Thơ Online
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin