Đường N2 xuyên qua Đồng Tháp Mười nối TP Tân An (Long An), rút ngắn khoảng cách với TP Hồ Chí Minh, phá thế độc đạo của Quốc lộ 1 tới miền Tây và là hướng tiếp cận vùng lõi "vựa lúa" lớn bậc nhất ĐBSCL cùng Quốc lộ 60. Tuyến đường tuyệt đẹp băng qua đồng lúa…
“Không biết bạn có hứng thú ở lại giữa ruộng đồng mà nghe thao thức?”
Đường N2 xuyên qua Đồng Tháp Mười nối TP Tân An (Long An), rút ngắn khoảng cách với TP Hồ Chí Minh, phá thế độc đạo của Quốc lộ 1 tới miền Tây và là hướng tiếp cận vùng lõi “vựa lúa” lớn bậc nhất ĐBSCL cùng Quốc lộ 60. Tuyến đường tuyệt đẹp băng qua đồng lúa…
Nước ngọt dòng Mekong tạo sinh kế cho hàng vạn người dân ĐBSCL. |
Qua đêm ở Đồng Tháp Mười
Trận mưa như trút nước “dí” chúng tôi trong ấp Huỳnh Tịnh (xã Nhơn Hòa Lập) khi con đường đất dọc kinh Bùi Mới nổi sình như vừa có ai quậy hồ đổ lên.
“Thấy muốn mưa là lo vọt ra chứ ai đâm đầu chạy vô”- chú Ba Đảo cười nói, kêu xuống vỏ lãi qua nhà làm ly trà nóng đỡ lạnh. Đi lại ở xứ này còn gian nan lắm, mưa cái chỉ xuống vỏ lãi, học trò đi học ngày mấy bận đưa rước.
Mấy rày bữa nào chú Ba Đảo và mấy chú trong ấp cũng ướt như chuột lột, đứng ngồi không yên vì vụ lúa đầu tiên gieo sạ ngay đỉnh lũ rằm tháng 9. “Lẽ ra giờ mùa nước tràn đồng.
Nhưng năm trước lũ kiệt, nước lé lé bờ ranh. Tưởng năm nay cũng vậy, lại có đê bao tụi tui mới làm lúa ăn tết… Ai dè, đê vỡ “lũ chụp” Đông Xuân sớm, hết ham…”- anh Tứ nhìn trời lại lo mưa dồn dập nước dâng, đê bao chịu không nổi, chặc lưỡi “phải không lo đê bộng, giác này lưới cá linh nấu chua thả bông điên điển nhậu đã đời”.
Niềm vui mộc mạc của cậu bé Thành. Gia đình cậu bé trồng sen và bán ngó sen ven đường N2. |
Anh Tư cũng nói thật lòng, làm lúa nhiều quá, chất phù sa trong đất ít đi, phân bón càng nhiều hơn. Cả trăm bao phân một năm cho chục hecta không đủ. Mà kêu không làm vụ 3 thì biết làm gì?
Đã hơn 2 giờ chiều, chúng tôi liên hệ nhà người thân của đồng nghiệp cách xa chừng vài ba cánh đồng. Bữa cơm canh chua lươn bông điên điển ngó sen, cá linh kho me, là một trong những bữa trưa (gần 3 giờ chiều) ngon nhất mà tôi từng ăn. Gia đình chú Tư thiệt tình giữ lại qua đêm, chúng tôi cũng… nhiệt tình ở lại.
Thím Tư ủ nước mắm cá đồng rất đậm đà. Mùa nước, cá về nhiều ăn không hết, miệt đồng nhà nào cũng ủ vài khạp mắm. “Từ đó giờ nhà toàn ăn nước mắm thím ủ, chưa hề mua một giọt ở chợ”- thím Tư vừa nói vừa dỡ khạp mắm thơm lừng.
Nhà thím còn chừng 10 khạp mắm. Cá linh, lòng tong đem về đổ vô khạp ướp muối, đậy kín. Cá ủ 1-2 năm thịt hòa nước muối, lên màu cánh gián thì đem nấu nước mắm để dành ăn dần. Nhờ vậy mà nước mắm ngon, nên canh chua, cá kho ăn thấy đã!
Cảm giác này khiến tôi nhớ mùa nước nổi năm 2011 rất cao, cả cánh đồng Tân Lập như biển nước. Đêm trời nước bao la, chiếc ghe chở cả chục người thành phố cắm sào giữa đồng nước mênh mông, nướng cá đồng, đàn hát rần trời…
Sáng chống xuồng hái sen, bông điên điển, đổ dớn cá nhiều vô kể. Cánh đồng ngâm mình trong nước, dân được nhiều cá tôm, vui ra mặt: “mùa sau lúa trúng chắc”.
Mới đó, giờ đê bao đã cao. Chuyện chưa cũ đã xa xưa. Như săn chuột vài vạt tràm đã quảy không nổi. Cá rô đồng chui đầy xà di, con rắn hổ ngựa lạc đường sập bẫy chuột. Tìm mùa nước nổi đã con mắt chỉ còn ở… những tấm hình!
3: Những khạp mắm cá đồng cho ra thứ nước mắm hảo hạng của thím Tư. |
Tôi từng qua đêm giữa rừng tràm mênh mông vùng khóm Tân Phước (Tiền Giang) trên chiếc ghe bầu. Nơi xa xôi ít bóng người nhưng đã giã từ hoang vu. T
ừng gốc tràm bị bật khỏi vùng đất ngập phèn hàng trăm năm ngâm chân trong đó. Hệ thống đê bao và kinh ngang dọc điều tiết nước tưới tiêu, rửa phèn sản xuất quanh năm.
Đồng Tháp Mười đã thay đổi rất nhiều từ tập quán canh tác lúa bao đời nương theo quy luật, mùa nước nổi lên chầm chậm ở lại đồng ruộng đôi ba tháng rồi mới rút dần.
Người dân dần quên chờ đợi mùa nước nổi về sắm ghe xuồng lưới cá. Làm 3 vụ lúa, nông dân vẫn chưa giàu. Những người trẻ miệt đồng chạy vạy tìm nghề khác, đi xứ khác… mưu sinh.
Sống chung với lũ là chuyện của ngày hôm qua?
Đau đáu từ những dòng sông đồng bằng
Tôi đã đi trên những nẻo “Đường sông miền Tây” và cảm nhận sự chuyển động của đồng bằng… qua mùi công nghiệp.
Lưới cá ở Đồng Tháp Mười ngày càng thu được ít cá. |
Công nghiệp là nhân tố quan trọng thúc đẩy kinh tế ĐBSCL tăng trưởng, đặc biệt ngành công nghiệp chế biến góp phần tăng giá trị cho nông sản thế mạnh.
Dù vậy, sự phát triển “nóng” của ngành công nghiệp và “vội” thiếu cân nhắc trong thu hút đầu tư, nhất là các dự án ven sông Tiền, sông Hậu đang tác động xấu đến môi trường, đe dọa nguồn nước. Đó đây như một lời cảnh tỉnh đắt giá.
Giữ nước ngọt cho sông đang là vấn đề thời sự của đồng bằng. Theo các nhà khoa học, mực nước và dòng chảy sông Mekong bắt đầu giảm từ năm 2000. Đó cũng là thời điểm các nước bắt đầu xây dựng nhiều đập thủy điện trên dòng Mekong.
Qua những dòng kinh hun hút giữa Đồng Tháp Mười. |
Nhưng “không chỉ là câu chuyện nước ngọt, mà phải bàn đến phù sa”- TS. Dương Văn Ni (Trường Đại học Cần Thơ) còn đặt vấn đề.
Việc gia tăng khai thác, sử dụng nước ở các quốc gia thượng nguồn gây suy giảm nghiêm trọng dòng chảy, phù sa, chất dinh dưỡng, hệ sinh thái thủy sinh. Lo nước chảy qua đồng bằng thiếu vắng phù sa.
Ở phía hạ lưu sông Tiền, nhìn ở góc độ “tui là nông dân, tui thấy…”, chú Trần Văn Tặng (chủ Khu du lịch sinh thái Ba Ngói, xã Phú Đa, Chợ Lách, Bến Tre) nói rằng: “Bây giờ dòng chảy mạnh hơn, vì chúng ta khai thác cát quá mức.
Cát bồi lắng giữa lòng sông còn để giữ dòng chảy chậm lại, giữ nước trên dòng lâu hơn. Bây giờ sông cạn cát, nước chảy ra biển nhanh hơn.
Đổ dớn bắt cá lúc trời chạng vạng. |
Thật tình tui thấy, nói chi biến đổi khí hậu cho xa, con người cũng đang làm biến đổi môi trường sống của mình”. Dễ dàng nhận ra môi trường biến đổi ảnh hưởng rất lớn khu vực cồn Phú Đa, bởi loài ốc gạo nổi tiếng của dòng sông đang biến mất.
Rõ ràng, những lo ngại như vậy không còn là dự báo hay tương lai, nó đã- đang từng ngày diễn ra.
Không biết bạn có hứng thú ở lại giữa ruộng đồng mà nghe thao thức? Còn tôi, vẫn mong bốn mùa “homestay” giữa miền châu thổ trù phú sẽ mãi thanh bình!l
Bài, ảnh: AN HƯƠNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin