Hành trình mùa xuân trên biển, đảo Tây Nam

05:01, 14/01/2017

Chúng tôi đã sẵn sàng chờ điểm danh lên chuyến tàu 637 của Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân, bắt đầu chuyến đi thăm, chúc tết cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên vùng biển Tây Nam. 

Chúng tôi đã sẵn sàng chờ điểm danh lên chuyến tàu 637 của Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân, bắt đầu chuyến đi thăm, chúc tết cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên vùng biển Tây Nam.

Tôi tạm gọi đó là hành trình mùa xuân. Bởi hành trình đi qua vùng biển Tây Nam không chỉ mang theo quà tết, mà còn chuyển tải những tình cảm, lòng tin yêu của người dân đất liền, hậu phương gửi đến các chiến sĩ làm nhiệm vụ nơi tiền tiêu biên cương trên biển của Tổ quốc.

Hành trình ăn, ở, ngủ trên tàu giữa biển khơi dự báo không mấy dễ dàng cho “người đất liền”, nhưng tình yêu biển đảo thôi thúc chúng tôi háo hức lên tàu với biết bao trải nghiệm ấn tượng và ý nghĩa đang chờ đợi ở phía trước.

Hành trình trên biển, đảo nhiều gian khó, nhưng các thành viên trong đoàn rất háo hức và tuân thủ các quy định trên tàu.
Hành trình trên biển, đảo nhiều gian khó, nhưng các thành viên trong đoàn rất háo hức và tuân thủ các quy định trên tàu.

Kỳ 1: Chuyến tàu mang mùa xuân

Trước khi khởi hành lúc nửa đêm, chúng tôi đã có một ngày đến thăm, chúc tết các đơn vị trên đảo ngọc Phú Quốc…

Mùa xuân đảo ngọc

Hành trình thăm cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các đảo Tây Nam.
Hành trình thăm cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các đảo Tây Nam.

Tháp tùng cùng đoàn Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân có lãnh đạo các tỉnh Bình Dương, Vĩnh Long, Hậu Giang, Cà Mau và TP Cần Thơ cùng các cơ quan thông tấn, báo chí đã đến thăm, tặng quà chúc tết tại các đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân đóng trên địa bàn huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang), gồm: Lữ đoàn 127- Xưởng sửa chữa tàu X58, Tiểu đoàn 563, 551, 565 và Tiểu đoàn 553... 

Tại các đơn vị, đại diện các tỉnh- thành đã thăm hỏi đời sống, sinh hoạt, công tác của cán bộ, chiến sĩ, động viên, chia sẻ khó khăn.

Hình ảnh quen thuộc của chiến sĩ biên phòng nơi biển đảo quê hương.
Hình ảnh quen thuộc của chiến sĩ biên phòng nơi biển đảo quê hương.

Đón đoàn công tác từ đất liền, cán bộ chiến sĩ các đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân hết sức vui mừng trước tình cảm gắn bó, chia sẻ của cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương trên đất liền.

Đoàn công tác như những cánh én mang mùa xuân đến sớm, giúp cán bộ, chiến sĩ các đơn vị nơi đầu sóng ngọn gió thêm động lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo phía Tây Nam của Tổ quốc.

Cảm kích trước tình cảm đó, chiến sĩ trẻ Phạm Hồng Thái- Tiểu đoàn 553- chia sẻ: “Chúng em rất vui khi nhận được sự quan tâm của các đoàn từ đất liền tới thăm. Em xin hứa, sẽ phấn đấu tốt phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.

Đại tá Tạ Quang Nam- Phó Tư lệnh- Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân- nhận định: “Trong năm qua, Vùng 5 đã hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ và hỗ trợ các hoạt động kinh tế biển; làm tốt công tác tuyên truyền biển đảo, nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, công tác đối ngoại quân sự.

Phối hợp chặt chẽ với cấp ủy chính quyền, nhân dân địa phương, nhất là các tỉnh ĐBSCL cùng với các lực lượng chức năng xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân vững chắc, giữ vững chủ quyền biển, đảo Tây Nam của Tổ quốc”.

Chúng tôi cảm nhận mùa xuân trên đảo Phú Quốc qua nhiều công trình, hạ tầng kỹ thuật quan trọng về giao thông đường bộ, hàng không, điện… đã hoàn thành phục vụ nhu cầu phát triển và đặc biệt đón dòng đầu tư “bùng nổ” đổ vào huyện đảo.

Theo UBND huyện Phú Quốc, giai đoạn năm 2016- 2020, huyện đảo Phú Quốc được tập trung phát triển đưa Phú Quốc thành trung tâm du lịch- dịch vụ lớn của cả nước, khu vực Đông Nam Á theo mô hình đặc khu kinh tế mở, hướng ngoại với 3 trụ cột chính: công nghiệp giải trí, nghỉ dưỡng; dịch vụ tài chính, ngân hàng và kinh tế biển.

Chính vì thế, Phú Quốc đang tập trung xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ trên đảo như: đường giao thông trục chính Nam- Bắc đảo, hệ thống đường vòng quanh đảo, Cảng biển quốc tế An Thới, Cảng biển hành khách quốc tế Dương Đông, Cảng dịch vụ dầu khí...

Cùng với đó, nhiều dự án tầm cỡ quốc gia, khu vực và thế giới “nối đuôi nhau” tới đây. Một công trình nổi bật vắt qua những hòn đảo là dự án cáp treo từ thị trấn An Thới ra xã đảo Hòn Thơm cũng đã được thi công.

Nơi huyện đảo Phú Quốc, mùa xuân đang đến rộn ràng. Qua những con số từ huyện Phú Quốc cho thấy, kinh tế của huyện luôn tăng trưởng ở mức cao và ổn định.

Chẳng hạn giai đoạn 2011- 2015, bình quân tăng trên 27,5%/năm, trong đó năm 2015 tăng 32,36%; GDP bình quân đầu người năm 2015 đạt 5.469 USD, tăng 3,7 lần so với năm 2010, doanh thu du lịch đạt 3.140 tỷ đồng, tăng 6,8 lần so với năm 2010. Đời sống người dân không ngừng được cải thiện.

Hành quân lúc nửa đêm

Bữa cơm đầu tiên trên tàu 637.
Bữa cơm đầu tiên trên tàu 637.

Theo lịch trình của đoàn, chúng tôi hành quân xuống tàu lúc 22 giờ xuất phát đi Thổ Chu và hành trình mang mùa xuân đến biển, đảo của chuyến tàu 637 đã bắt đầu.

Một vài tuyến trình tàu di chuyển trong đêm, nhưng không lo vì: “Chúng tôi cố gắng hết sức, phục vụ tốt, an toàn nhất cho đoàn công tác để mang đến những tình cảm thiêng liêng nơi đất liền, hậu phương ra biển đảo nơi các chiến sĩ làm nhiệm vụ tiền tiêu nơi biển trời Tổ quốc và nhân dân”- Đại úy Trần Mạnh Tiến- Chính trị viên tàu 637- nói khi tàu rời bến cảng.

Biển đêm mênh mông nhưng không hoang vắng, trước sóng biển là những ánh đèn tàu đánh bắt hải sản của ngư dân thấp thoáng ngoài khơi xa.

Theo Tổng cục Thủy sản, vùng biển Tây Nam có địa hình khá bằng phẳng và nông, nơi sâu nhất khoảng 86m.

Hải sản nơi đây có 2.000 loài, riêng tôm biển có 50 loài, 40 loài động vật chân đầu, trong đó nhiều loài có giá trị kinh tế cao. Tổng trữ lượng hải sản 577.576 tấn.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT Nguyễn Xuân Cường từng cho rằng, thế kỷ XXI được thế giới xem là “thế kỷ của đại dương”.

Theo tư liệu của Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân, vùng biển Tây Nam có trên 130 hòn đảo lớn, nhỏ, trong đó có 5 quần đảo lớn. Là vùng biển giáp ranh 4 nước: Việt Nam, Thái Lan, Campuchia và Malaysia.

Đây cũng là cửa ngõ Nam Bộ và TP Hồ Chí Minh, trong đó, đảo Phú Quốc cùng với đảo Thổ Chu và tuyến đảo Nam Du, Hòn Chuối, Hòn Khoai (mà hành trình sắp đặt chân đến) tạo thành thế khép kín bao bọc lấy phần đất liền tận cùng phía Tây Nam của Tổ quốc.

Vùng biển Tây Nam là khu vực có nhiều tàu thuyền quốc tế qua lại, giao thương hàng hóa và cũng là nơi làm ăn sinh sống của hàng vạn ngư dân với nghề đánh bắt, khai thác hải sản truyền thống.

Kinh tế hướng ra biển có tiềm năng to lớn, tuy nhiên theo Tổng cục Thủy sản, thách thức cũng không nhỏ, mà trong đó, có thể kể đến nguồn lợi tự nhiên có dấu hiệu cạn kiệt, sản lượng khai thác thủy sản đang có xu hướng giảm.

Một thách thức khác, theo nhận định của Đại tá Tạ Quang Nam: “Trong những năm qua, tình hình trên biển Đông, cũng như các vùng biển nước ta diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều động thái mới, ảnh hưởng trực tiếp đến chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Vùng biển Tây Nam tương đối ổn định song vẫn tiềm ẩn những nhân tố có thể gây bất ổn. Trước yêu cầu nhiệm vụ thường xuyên có sự phát triển mới, cán bộ, chiến sĩ Vùng 5 Hải quân luôn nắm chắc tình hình, quán triệt sâu sắc nhiệm vụ, chủ động khắc phục mọi khó khăn, bảo vệ vững chắc vùng biển được giao, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên biển để phát triển đất nước”.

Tàu 637 vững chãi lướt trên sóng giữa đại dương xanh thẩm. Đêm đầu tiên “khách đất liền” không ngủ được, ra thành tàu hít gió biển. Trăng tháng Chạp bàng bạc từng đợt sóng nối đuôi nhấp nhô, nhấp nhô…

Rạng sáng ngày mai, tàu sẽ cập bến đảo Thổ Chu- từng được biết đến là hòn đảo bị bắt cóc, nơi đó tôi chưa từng đặt chân tới.

Kỳ sau: 12 giờ trên đảo Thổ Chu

Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC - DƯƠNG THU

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh