Tháng 4/2016- giữa lúc xâm nhập mặn đang diễn ra gay gắt ở ĐBSCL, nhiều nhà khoa học trong nước và quốc tế ngồi lại bàn giải pháp ứng phó. Tháng 4/2016- giữa lúc xâm nhập mặn đang diễn ra gay gắt ở ĐBSCL, nhiều nhà khoa học trong nước và quốc tế ngồi lại bàn giải pháp ứng phó.
Tháng 4/2016- giữa lúc xâm nhập mặn đang diễn ra gay gắt ở ĐBSCL, nhiều nhà khoa học trong nước và quốc tế ngồi lại bàn giải pháp ứng phó. Chủ đề là vậy nhưng vấn đề được quan tâm hàng đầu tại hội thảo này là việc xây dựng các đập thủy điện ở thượng nguồn và “cuộc chiến” sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong.
ĐBSCL- sông Mekong mang lại hơn một nửa sản lượng gạo của Việt Nam và đóng góp 1/3 GDP của đất nước này. |
Dòng sữa mẹ- Mekong
Sông Mekong gắn liền với cuộc sống của hơn 60 triệu dân các nước, là một nguồn lực chính trong ngành thủy sản và nông nghiệp, sản xuất năng lượng và du lịch, đặc biệt có vai trò kinh tế quan trọng đối với tất cả các nước mà nó chảy qua.
Dân cư hạ lưu sông sử dụng dòng sông cho nhiều mục đích: nguồn nước uống, thức ăn, thủy lợi, thủy điện, giao thông vận tải và thương mại. Hàng triệu người khác ở Trung Quốc, Miến Điện (Myanmar) và cả ngoài ranh giới địa lý của lưu vực sông cùng hưởng các lợi ích từ sông Mekong.
Xa hơn về phía hạ lưu ở Campuchia, Biển Hồ- một trong những “vựa” thủy sản nước ngọt lớn nhất thế giới- được tạo thành từ sông Mekong.
Gần một nửa số người dân Campuchia được hưởng lợi trực tiếp hoặc gián tiếp từ các nguồn tài nguyên của Biển Hồ.
Đời sống của người dân Campuchia trên Biển Hồ bao la. Ảnh: PHƯƠNG NAM |
Khi sông gần ra tới biển, tại ĐBSCL- nơi có 17 triệu người Việt Nam sinh sống, sông Mekong góp phần mang lại hơn một nửa sản lượng gạo của Việt Nam và đóng góp không nhỏ vào GDP của cả nước.
Ngoài những kết nối con người, sông Mekong cũng thể hiện mạnh mẽ những phạm vi có lợi ích chung và tính cạnh tranh.
Do đó, tác động của sông Mekong trên các khía cạnh khác nhau: sinh kế của các cộng đồng ven sông, môi trường và đa dạng sinh học,... khiến cho con sông này trở thành một vấn đề trọng tâm trong lợi ích quốc gia và khu vực.
Thủy điện và “cuộc chiến” nguồn nước
Đánh bắt cá trên sông không chỉ đem đến nguồn lợi thủy sản mà còn là nét văn hóa miền sông nước. Ảnh: PHƯƠNG NAM |
Tháng 3/2016, tình trạng khô hạn tại vùng ĐBSCL khiến nhiều người… choáng váng. Vùng đất trù phú và là vựa lúa lớn nhất cả nước, đóng góp chủ yếu cho thành tích xuất khẩu gạo từ 7- 8 triệu tấn mỗi năm này, đang trong tình trạng khô hạn và nhiễm mặn nặng do thiếu nước ngọt.
GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân- nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và kỹ thuật nhà nước, nguyên Chủ nhiệm Chương trình Nhà nước điều tra cơ bản tổng hợp ĐBSCL chỉ ra “đó là thách thức toàn cầu”, mà nguyên nhân là do việc xây dựng các đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong, đặc biệt các đập thủy điện ở Trung Quốc và Lào.
Xâm nhập mặn tăng nhanh và nguy cơ nước biển dâng đang là những đe dọa sống còn đến vùng ĐBSCL, mà theo GS. Nguyễn Ngọc Trân “thực sự đây đã là một lời nguyền sông Mekong đối với vựa lúa lớn nhất Việt Nam”.
GS. Nguyễn Ngọc Trân còn cảnh báo: “Là nước chịu ảnh hưởng nặng nhất của bất cứ thay đổi dòng chảy nào trên sông Mekong, Việt Nam còn đồng thời chịu tác động kép của tình trạng môi sinh toàn cầu, cụ thể là tình trạng nóng lên của Trái đất và nước biển dâng.
Điều đó khiến toàn bộ vùng hạ lưu sông Mekong ở Việt Nam sẽ có những biến động thay đổi tuyệt đối về môi sinh trong khoảng một thập kỷ tới. Tình trạng chung là thiếu nước trên lưu vực sông, tình trạng xâm nhập mặn và hạn hán sẽ ngày càng gia tăng và đó là một xu thế không thể đảo ngược”.
Năm 1995, Ủy hội sông Mekong được thành lập với sự tham gia của 4 nước tại lưu vực sông, gồm Việt Nam, Thái Lan, Lào và Campuchia. Riêng Trung Quốc từ chối tham gia và đã xây ít nhất 8 đập chính trên sông Lan Thương (dòng chính tại thượng nguồn sông Mekong) và đang xây tối thiểu thêm 4 đập nữa.
Hậu quả là các đập này khi hoàn thành sẽ rất đáng lo ngại, vì tích lại một lượng nước của sông vào năm 2030 là 65,5 tỷ m3 trong khi đó nhu cầu nước hạ lưu vực vào năm này sẽ tăng 50% so năm 2000. Lượng trầm tích cũng bị giữ lại vào khoảng từ 1/3- 1/2 lượng trầm tích bình quân chảy về châu thổ sông.
Từ hệ thống đập, không chỉ người dân ĐBSCL, ngay cả khu vực hồ Tonle Sap liên quan tới nguồn sống và sinh kế của 3 triệu người Campuchia cũng bị ảnh hưởng nặng nề do việc xây dựng các đập thủy điện này. Không chỉ tạo ra thiệt hại nhãn tiền mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ trong tương lai.
Mekong- dòng sông là tài sản chung
Sản vật mà dòng Mekong mang lại cho người dân đồng bằng mỗi khi mùa lũ về. |
GS. Pou Sovachana- Phó Giám đốc Viện Hợp tác và hòa bình Campuchia đề nghị các quốc gia khi quyết định xây đập thủy điện cần thực hiện các nghiên cứu về tác động môi trường do chuyên gia có kinh nghiệm thực hiện.
Góp thêm vấn đề này, GS. Nguyễn Ngọc Trân cho rằng đã đến lúc 6 quốc gia (Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar, Thái Lan và Trung Quốc) phải có một cơ chế xây dựng nguồn nước, trong đó quyền và lợi ích của mỗi quốc gia phải đi đôi với trách nhiệm và nghĩa vụ đối với cả lưu vực, với tinh thần hợp tác để cùng phát triển.
Nhưng thiện chí không thôi thì chưa đủ mà phải có cơ chế ràng buộc. TS. Đào Trọng Tứ- Giám đốc Trung tâm Tư vấn phát triển bền vững tài nguyên nước và biến đổi khí hậu- thẳng thắn cho rằng ngăn sông phải đóng thuế.
Quốc gia, doanh nghiệp nào ngăn càng nhiều dòng chảy, thu lợi cục bộ càng lớn, phải đóng thuế càng lớn. Quỹ đó bù đắp cho những vùng, những chủ thể chịu thiệt vì dòng chảy”.
Sông Mekong tạo ra một dòng chảy văn hóa đa sắc ngày càng trở nên quý hiếm và “độc nhất vô nhị” của nhân loại. Nhưng dòng chảy đó đang mất đi, một sự đánh đổi quá lớn giữa tiền bạc với văn hóa! Sông Mekong là con sông quốc tế, là tài sản chung của các cư dân, dân tộc, quốc gia dọc sông.
Điều đó là một sự “linh thiêng”. Sông không thể sử dụng tùy tiện ở mỗi quốc gia, phục vụ chỉ cho nhu cầu phát triển cục bộ- như cách đang diễn ra mà không nhìn tới sự phát triển của cả vùng, số phận cư dân, quốc gia hạ nguồn.
Sông Mekong cần được bảo tồn, giữ gìn và trân trọng một cách tuyệt đối!
Mekong là 1 trong 10 con sông lớn nhất thế giới, bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng, dài hơn 4.800km, chảy qua lãnh thổ của 6 quốc gia: Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam. |
Bài, ảnh: HOÀNG MINH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin