Nhiều con sông ở mọi vùng miền trong cả nước đi vào nhạc, họa, thơ, hò vè làm say đắm lòng người. Ở Long An cũng có đôi dòng sông như thế tha thiết với tên gọi Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây.
Nhiều con sông ở mọi vùng miền trong cả nước đi vào nhạc, họa, thơ, hò vè làm say đắm lòng người. Ở Long An cũng có đôi dòng sông như thế tha thiết với tên gọi Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây.
Cổ Sơn tự (chùa Nổi) ở xã Tuyên Bình, huyện Vĩnh Hưng bên sông Vàm Cỏ Tây |
Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây khắc họa nên bức tranh thiên nhiên gần gũi, đó là hình ảnh những đám lục bình trôi nhè nhẹ, hương tràm thoang thoảng, những rặng dừa nước tỏa bóng xuống lòng sông. Đặc biệt du khách sẽ cảm nhận rõ về hơi thở của cuộc sống nông thôn khi nhìn xuồng ghe chở đầy nông sản xuôi ngược trên dòng sông, những nông dân giăng câu, lưới cá,...
Khung cảnh thơ mộng, trữ tình đó cho thấy Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây có nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Theo Trưởng phòng Quản lý du lịch, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch - Lê Phú Dũng, trong nhóm sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh có du lịch đường thủy trên sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây.
Ngược dòng Vàm Cỏ Tây
Bắt nguồn từ Campuchia, sông Vàm Cỏ Tây chảy qua Long An với chiều dài hơn 150km và uốn thành nhiều khúc. Theo ông Lê Phú Dũng, tuyến du lịch trên sông Vàm Cỏ Tây sẽ được khai thác từ Khu sinh thái Làng nổi Tân Lập đến Cổ Sơn tự (chùa Nổi) và Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen. Tuyến du lịch này vừa thơ mộng, vừa phảng phất nét tâm linh.
Nếu chọn du lịch đường thủy, xuôi theo dòng Vàm Cỏ Tây về vùng Đồng Tháp Mười, du khách ghé thăm chùa Nổi ở xã Tuyên Bình, huyện Vĩnh Hưng - ngôi chùa cổ được xây dựng trên gò đất cao, nổi lên như ngọn núi và chưa bao giờ bị ngập vào mùa nước nổi. Chính sự đặc biệt ấy càng làm khách hành hương tin tưởng vào sự linh thiêng của ngôi chùa. Chùa Nổi mang kiến trúc đặc trưng của vùng Nam bộ với cây cổ thụ tạo nên vẻ cổ kính cùng với phong cảnh sông nước hữu tình.
Tham gia tuyến du lịch đường thủy trên sông Vàm Cỏ Tây, du khách còn có thể chiêm ngưỡng Khu du lịch sinh thái Làng nổi Tân Lập ở xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa, Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen nằm trong 3 xã: Vĩnh Đại, Vĩnh Lợi và Vĩnh Châu A, huyện Tân Hưng để được hòa mình với thiên nhiên, vui thú với chim muông, cá, nước.
Xuôi theo dòng Vàm Cỏ Đông
“Nước xanh biêng biếc chẳng đổi thay dòng”... là những ca từ viết về sông Vàm Cỏ Đông. Được ví von là con sông “sinh đôi” với Vàm Cỏ Tây, sông Vàm Cỏ Đông cũng bắt nguồn từ Campuchia, qua tỉnh Tây Ninh đến Long An. “Du lịch Vàm Cỏ Đông là chuyến du lịch hội tụ đủ các yếu tố cảm xúc từ háo hức, thích thú, say mê đến tự hào” - Trưởng phòng Quản lý du lịch - Lê Phú Dũng chia sẻ.
Để phát triển tuyến du lịch này, tại khu Happyland xây dựng bến tàu và dự kiến đưa vào khai thác, sử dụng trong thời gian tới. Khi bến cảng hoàn thành, du khách có thể thưởng thức các loại hình nghệ thuật truyền thống như đờn ca tài tử, hát chèo,... Từ Happyland, du khách có thể xuôi dòng đến Tân Trụ ngắm làng nghề dệt chiếu, nghe kể về chiến tích “Hỏa hồng Nhựt Tảo oanh thiên địa”, ghé tham quan Khu di tích lịch sử Vàm Nhựt Tảo. Và, nếu ngược lên thượng nguồn, du khách được chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoang sơ của sông Vàm Cỏ Đông, tìm hiểu nghề nuôi bò, trồng chanh của vùng Đức Hòa, Đức Huệ.
Tất nhiên, trên hành trình này, du khách không thể bỏ qua địa điểm Khu di tích lịch sử Cách mạng tỉnh ở huyện Đức Huệ để hiểu thêm về lịch sử hào hùng của đất và người Long An. Địa điểm này từng là căn cứ cách mạng của Tỉnh ủy Chợ Lớn - Tân An trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Đến với khu di tích, khách tham quan hiểu thêm giá trị những ngày chiến đấu gian khó nhưng rất đỗi hào hùng ở vùng bưng biền của thế hệ cha, anh ngày trước. Càng vui hơn khi nơi đây được đầu tư xây dựng thành khu di tích với nhiều hạng mục.
Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây là điểm nhấn trong du lịch Long An với nhiều điểm đến hấp dẫn dọc 2 con sông Vàm. Nếu đầu tư, khai thác đúng hướng, du lịch đường thủy trên sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây góp phần đưa du lịch Long An phát triển.
Theo LÊ ĐỨC (Báo Long An)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin