Tư duy đột phá cho nông thôn mới ĐBSCL

09:10, 11/10/2016

Đã đến lúc cần có một bộ "tiêu chí mở" cho nông thôn mới (NTM) ở ĐBSCL. Muốn vậy, chúng ta phải thẳng thắn đánh giá đúng nguồn lực của chính địa phương mình, mạnh dạn chọn một cách làm riêng để đi đến cái đích chung là xây dựng nông thôn đồng bằng ngày càng mới.

Đã đến lúc cần có một bộ “tiêu chí mở” cho nông thôn mới (NTM) ở ĐBSCL. Muốn vậy, chúng ta phải thẳng thắn đánh giá đúng nguồn lực của chính địa phương mình, mạnh dạn chọn một cách làm riêng để đi đến cái đích chung là xây dựng nông thôn đồng bằng ngày càng mới.

Không thể có cái gọi là “đột phá” khi tất cả các địa phương đều phải làm giống nhau, “gồng mình” dàn đều cho tất cả 19 tiêu chí. Đó chính là một trong những cách nghĩ cứng nhắc đã hạn chế rất nhiều tiềm năng, có thể tạo thành những “điểm nghẽn” trong xây dựng NTM ở ĐBSCL trong thời gian qua.

Đặc biệt, có thể gây lãng phí lớn nguồn vốn của Nhà nước khi đầu tư vào những công trình không hiệu quả, chỉ vì tư duy phải “đạt 19 tiêu chí”.

Những cách nghĩ mới, cách làm hay từ nhiều nơi, của nhiều người khác nhau đã góp phần xây dựng nông thôn mới ngày càng mới hơn. Cho thấy, rất cần một tư duy mới để tạo đột phá cho NTM đồng bằng.

Kỳ 1: Hãy nghĩ khác và làm khác

Bên cạnh những “vướng mắc” trong xây dựng NTM sau giai đoạn đầu (2010- 2015), cái được chung nhất là hệ thống giao thông nông thôn có sự thay đổi mạnh mẽ.

Ngoài ra, nổi bật là một số địa phương đã giải quyết cơ bản những vấn đề trọng yếu của đồng bằng, đó là: khởi đầu nền nông nghiệp “thông minh” ứng phó biến động thị trường, biến đổi khí hậu; thiết lập chuỗi liên kết cho đầu ra nông sản; đẩy mạnh kinh tế vùng đồng bào Khmer; cũng như phát huy thế mạnh kinh tế biển, đảo Tây Nam,...

Đó là những mũi đột phá của những con người, những địa phương dám nghĩ khác và làm khác.

“Vua lúa giống” Út Hoài ở xã Thoại Giang (huyện Thoại Sơn- An Giang).
“Vua lúa giống” Út Hoài ở xã Thoại Giang (huyện Thoại Sơn- An Giang).

Từ những lão nông“tri thức, tri điền”...

Là tỉnh duy nhất trong cả nước có riêng bộ tiêu chí (20 tiêu chí), An Giang đã mạnh dạn ưu tiên vấn đề ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.

Điều đáng nói, chính là sự cân bằng ở cả “phần đáy” và “chóp đỉnh” của mô hình này; đó là cùng với việc tham gia nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật từ đội ngũ nhà khoa học được sự hỗ trợ của tập đoàn kinh tế mạnh, những thành quả này được “đưa thẳng” vào đồng ruộng, thì tại những vùng nông thôn An Giang đã có được một lớp nông dân vừa có đầy kinh nghiệm, tâm huyết, vừa được trang bị lý luận, kiến thức mới vững vàng.

Được sự giới thiệu của Phó Chủ tịch Liên minh hợp tác xã (HTX) An Giang Lê Thành Lập, chúng tôi ngược đường vào huyện Thoại Sơn, “diện kiến” 2 lão nông đã gắn bó cả cuộc đời mình với mảnh ruộng từ cái thời cả miền Tây này quanh năm chỉ có một vụ, với cây lúa mùa nước nổi, đó là 2 ông “vua lúa giống” đã tạo được thương hiệu riêng nổi tiếng: “Út Hoài” và “Tư Minh”.

“Qua khỏi thị trấn Thoại Sơn, chạy một đỗi về hướng Óc Eo, hỏi nhà Út Hoài lúa giống thì ai mà hổng biết”- một chị bán tạp hóa trong chợ “chỉ đường” kiểu vậy.

Đến nơi, đã thấy ông Út Hoài (Nguyễn Văn Hoài, 70 tuổi) châm trà ngồi đợi, căn nhà rộng thênh thang ngó mặt ra dòng Thoại Giang cũng là cơ sở sản xuất lúa giống của gia đình. Không đi thẳng vào chuyện lúa thóc, ông thong thả “dẫn” chúng tôi về cái thời người dân vùng đất bán sơn địa này sống chủ yếu bằng nghề làm cột đá và trồng cây bố.

Nói đâu xa, những năm vừa giải phóng từ xã Thoại Giang này cách thị trấn có hơn cây số, mà muốn ra chợ phải bơi xuồng thăm thẳm, nên mấy khi mà ló mặt ra tới chợ uống được ly cà phê.

Con đường trước nhà có chút ét, lầy lội, hồi đó chất đầy những cột đá được người dân An Giang sử dụng làm cột sàn nhà, nói chung là “nhà nhà làm nghề đục đá”; “riêng gia đình tui từ đời ông nội, giờ tới đời thằng con trai út cũng chỉ biết có mần ruộng mà thôi”.

Đó cũng là lý do mà giờ đây, Út Hoài có trong tay mấy trăm công đất, bởi sau cái thời tập đoàn tan rã, có nhiều người sợ nhận đất thì: “Cha con tui chăm chăm đi ôm vô, đất hồi đó rẻ như bèo, phần hồi xưa ông nội khai phá mấy dây đất, hổng sức mà làm. Đâu phải mình biết sau này đất đai mắc mỏ, chắc tại cái số nó dính với cây lúa đó mà”.

“Mà mần ruộng hồi xưa dễ ụi hà, chỉ sạ ù xuống đó rồi tự đất, tự nước nó nuôi cây lúa, đến khi nước vực khỏi đồng thì cũng rậm rịch tới mùa cắt, rồi đổ lúa vô bồ... ngồi chờ ăn tết”- ông Út Hoài lại tiếp tục câu chuyện... hồi đó, có lẽ cũng để cho chúng tôi hiểu đầu đuôi của “đời cây lúa” cùng những thăng trầm của nhà nông xứ này.

Từ khi mần ruộng như chơi đến cái đoạn cây lúa thần nông là bắt đầu phải biết cấy mạ, gieo bón phân thuốc rồi. Cho đến bây giờ, nông dân cũng phải có kiến thức, phải lên mạng tìm tòi đủ thứ. Cho nên “tui bàn với má nó, quyết cho thằng con trai đi học ngành nông nghiệp ở Cần Thơ, để về tiếp sức với tui”- ông Út Hoài hớp ngụm trà.

 

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Định Thành (DT ARC)- PGS.TS Dương Văn Chính cho biết: “Ngoài việc tập trung nghiên cứu, DT ARC còn tiếp thu các kết quả nghiên cứu trong nước và thế giới để tiến hành thực nghiệm trên đồng ruộng, nhanh chóng ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất một cách thực tế nhất”.

Nói vậy thôi, ông Út Hoài cùng những “lão nông tri điền” ở An Giang từ hàng chục năm nay đã được đào tạo bài bản, những lớp tập huấn ngắn ngày, dài hạn từ xã, đến huyện, rồi ra Long Xuyên, xuống tận ĐH Cần Thơ tiếp thu nhiều kiến thức nông nghiệp.

Để khi bước vào xây dựng NTM, thì An Giang có được “mùa bội thu” chính là những lão nông có thể “đứng lớp” ngay chân ruộng, đầu bờ, hướng dẫn cho biết bao lớp sinh viên về nông thôn thực tập.

Đó cũng là trường hợp của “vua lúa giống” Tư Minh (Trần Hoàng Minh, 73 tuổi) ở xã Vĩnh Trạch (Thoại Sơn), khác cái là ông Tư Minh nhìn vẻ ngoài còn “cổ” hơn ông Út Hoài, bao giờ cũng vận bộ bà ba đen, tóc vuốt một mái búi cục trên đầu, nhưng nói chuyện thì lý luận “một cây”.

Vậy nên, khi xã tiếp đoàn huyện, đoàn tỉnh hay khách ở Trung ương về thăm là cứ đưa ông Tư Minh ra thuyết minh, hướng dẫn đoàn tham quan.

Xã Vĩnh Trạch có 2 HTX là: HTX Nông nghiệp đang định hướng theo HTX kiểu mới và HTX Lúa giống Tư Minh; cả 2 HTX này đều in đậm dấu ấn “Tư Minh”. HTX Nông nghiệp Vĩnh Trạch thành lập năm 2009, có 43 thành viên vốn điều lệ 2,5 tỷ, trong đó có góp vốn bằng tài sản.

 

Ông Tư Minh nhận xét: “Chủ trương HTX là lớn và đúng với nguyện vọng của người dân, người bán chủ động đưa ra giá thương thảo. HTX là đại lý cấp 1, mua bán không qua trung gian, sản phẩm có đầu ra ổn định khi ký hợp đồng với công ty. Quy trình sản xuất an toàn, chương trình mang tầm vĩ mô phù hợp để hội nhập”.

Còn HTX Lúa giống Tư Minh, có thể gọi là “công ty gia đình”, một tay ông Tư Minh thành lập, chèo chống, giống lúa của ông là một thương hiệu đủ uy tín cung cấp lên tận miền Đông và ra cả Nam Trung Bộ. Có thằng con trai là thạc sĩ đang làm việc ổn định ở Sài Gòn, ông Tư Minh quyết định “kéo” về quê cùng ông “làm chủ” thay vì đi làm thuê mướn cho người ta.

Chuyển qua đề tài HTX kiểu mới, như “bắt trúng đài”, giọng ông Tư Minh phấn chấn hẳn lên, đầy tâm huyết: “Luật mới HTX như một công ty, ngoài nhiệm vụ kinh tế còn phát triển xã hội, mọi người bình đẳng không có phân biệt vốn góp. HTX giúp nông dân có tư cách pháp nhân lớn”.

Đang trò chuyện, một chiếc xe công nông chở đầy những bao lúa chạy ào vào, Tư Minh ngó ra sân khoe với chúng tôi: “Đó, đó, thằng con trai thạc sĩ của tui đó”. Chúng tôi nghĩ, nông thôn mình “mới” được vậy là đủ mừng rồi.

... Đến nền nông nghiệp “thông minh”

Phó Bí thư Tỉnh ủy An Giang Võ Anh Kiệt, cho biết: “Kết quả khảo sát hồi tháng 6/2016 tại huyện Tri Tôn cho thấy hiệu quả cao của việc ứng dụng công nghệ cao, gắn liền với thị trường quy hoạch và tổ chức lại sản xuất nhằm tạo thế bền vững trong chiến lược phát triển của địa phương”.

Những mô hình bước đầu khẳng định được tính ổn định, bền vững. Hiện Tri Tôn đã có kế hoạch phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho 6 ngành hàng là: lúa- gạo, chăn nuôi, cây ăn trái, dược liệu, hoa- cây kiểng, nấm ăn- nấm dược liệu.

Nền nông nghiệp “thông minh” phải được dẫn dắt bởi những nhà khoa học, chuyên gia cao cấp; nhưng vùng lúa đồng bằng chưa đủ sức “hút” những giá trị chất xám cao về với nông thôn, cũng như chưa đủ sức hấp dẫn sự đầu tư của các doanh nghiệp vào lĩnh vực này một cách “toàn tâm, toàn ý”.

Có lẽ An Giang là tỉnh đi đầu ở khu vực ĐBSCL làm được việc này, bởi sự hậu thuẫn mạnh mẽ về chính sách, cơ chế của tỉnh đã giúp cho Tập đoàn Lộc Trời (tiền thân là Công ty Bảo vệ thực vật An Giang), gắn bó ngày càng mật thiết với nhà nông.

Con bò từ cách nuôi truyền thống sẽ được nhân rộng mô hình ứng dụng công nghệ cao ở An Giang.
Con bò từ cách nuôi truyền thống sẽ được nhân rộng mô hình ứng dụng công nghệ cao ở An Giang.

Chương trình liên kết này đã mở ra mô hình cánh đồng mẫu lớn được triển khai đầu tiên ở huyện Châu Thành, giờ đây đã được nhân rộng ra khắp các tỉnh ở ĐBSCL.

Không dừng lại ở đó, Tập đoàn Lộc Trời liên kết với tổ chức quốc tế thành lập Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Định Thành ở An Giang, chứng tỏ cho cam kết mạnh mẽ hỗ trợ nông dân trong việc ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.

Điển hình là việc triển khai mô hình sản xuất lúa gạo bền vững quốc tế SRP, ngay trong vụ Hè Thu 2016, với 3 mô hình có tổng diện tích 462,5ha tại các huyện Tân Hiệp (Kiên Giang), Châu Thành (An Giang) và Tam Nông (Đồng Tháp).

Anh Đào Văn Tiệm (xã Tân An, huyện Tân Hiệp) chân tình chia sẻ: “Lúc trước khi tham gia vào vùng nguyên liệu lúa gạo của Tập đoàn Lộc Trời, vợ chồng tui rất an tâm, vì nhận được sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật và đầu ra cho hạt lúa. Bây giờ triển khai cách làm lúa theo chuẩn quốc tế, tụi tui càng vui mừng hơn nữa vì hột gạo mình sẽ có thương hiệu. Được vậy, vợ chồng tui ăn ngủ ngon hơn”.

 

Những câu chuyện NTM ở An Giang, làm chúng tôi thấm thía những bộc bạch chân tình của ông Út Hoài: “Nghĩ cũng ngộ, con sông còn có bên lở bên bồi, cả cái đồng bằng mình có chỗ nào giống chỗ nào đâu, sao phải làm theo y chang vậy cho uổng công sức?

 

Ngay như ở đầu nguồn này, miệt Châu Đốc đã khác Thoại Sơn, Tân Châu đã khác xa Chợ Mới rồi, sao phải “mặc chung cái áo” giống nhau được”. Cái ý của những lão nông rằng, cần phải lắng nghe và tham khảo từ thực tiễn nông thôn, vì không ai hiểu nông thôn bằng chính những nông dân mấy đời sống chết trên mảnh đất của mình.

 

Trung ương cần có bộ “tiêu chí mở”, mềm mại, linh hoạt hơn và địa phương có quyền điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tiễn, tùy giai đoạn, có vậy thì lý luận mới không xa rời cuộc sống đang diễn ra và thay đổi từng ngày.

>> Kỳ 2: Làm giàu trên vùng đất khó

™Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG- CAO HUYỀN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh