Chúng tôi rất ngạc nhiên khi tận mắt chứng kiến sự uy nghi, hoành tráng, tĩnh lặng của ngôi nhà thờ được nhiều người đánh giá là đẹp, cổ kính bậc nhất miền Tây này.
Chúng tôi rất ngạc nhiên khi tận mắt chứng kiến sự uy nghi, hoành tráng, tĩnh lặng của ngôi nhà thờ được nhiều người đánh giá là đẹp, cổ kính bậc nhất miền Tây này.
Thánh đường họ đạo Mặc Bắc. |
Bà Trần Thị Vĩnh (TP Hồ Chí Minh) nhận xét khi đến đây: “… Nhà thờ này có lối kiến trúc rất đẹp, độc đáo và có nét tương đồng như nhà thờ Đức Bà tại Sài Gòn lại có diện tích rộng lớn, có nhiều công trình phụ và bóng cây xanh, thật xứng đáng là kỳ quan miền Tây sông nước…”
Nhà thờ họ đạo Mặc Bắc nằm ngay trung tâm thị trấn Cầu Quan (huyện Tiểu Cần- Trà Vinh) với trên 17.000 giáo dân đang sinh hoạt hành lễ.
Ngoài giáo đường chính rất uy nghi thoáng đãng bởi được bao quanh bởi hàng trăm cây sao cổ, nhãn cổ hơn 100 năm tuổi. Nơi đây còn có nhà tưởng niệm với lối kiến trúc mái vòm theo nghệ thuật kiến trúc phương Đông khá đẹp và nho nhã. Cạnh đó là khá nhiều tượng điêu khắc, hàng đá, nơi hành lễ ngoài trời…
Nói về địa danh Mặc Bắc, thuộc thị trấn Cầu Quan, hiện đang có nhiều ý kiến khác nhau.
Ông Lê Văn Chuộng (88 tuổi, giáo dân công giáo ngụ thị trấn Cầu Quan) cho rằng: “... Mặc Bắc là địa danh một cái vàm sông Hậu cách vàm Cần Chong khoảng 1km về phía hạ nguồn và cách vàm Rạch Đùi 3km về phía thượng nguồn...”
Không đồng qua điểm trên, bà Võ Thị Hai (79 tuổi, ngụ huyện Tiểu Cần) cho rằng: “... Mặc Bắc có nghĩa là ăn mặc theo phong tục người phương Bắc vì xóm này có rất nhiều người Hoa di trú đến và định cư từ hàng trăm năm trước” (?).
Người dân xứ này lại có thêm một giả thuyết khác: Mặc Bắc là do đọc trại 2 từ Moot Batt, trong đó từ Moot có nghĩa là cái bến ghe, từ Batt là cái tuyến đường bị bẻ gãy. Không hiểu thực, hư ra sao nhưng việc có mặt ngôi nhà thờ cổ kính bậc nhất ĐBSCL là chuyện rất đáng nói.
Nhà thờ Mặc Bắc là một trong những giáo xứ Thiên chúa lớn và cổ xưa ở miền Tây Nam Bộ được xây dựng năm 1886, hoàn thành năm 1888, có diện tích nội thất là 24 x 60m, tháp chuông cao 36m, được xem là ngôi thánh đường lớn thứ hai ở Nam Bộ thời đó, chỉ sau nhà thờ Đức Bà (Sài Gòn).
Người chỉ huy xây dựng công trình là một kiến trúc sư người Pháp, vật tư cũng đưa từ Pháp sang.
Riêng nhân công trực tiếp thi công chỉ toàn người Việt bản xứ có tay nghề rất cao và được trả công rất hậu hỉ.
Điều này cho thấy trình độ và khả năng xây dựng của người lao động Trà Vinh cuối thế kỷ XIX là rất đáng khâm phục.
Nhà thờ Mặc Bắc là kiến trúc cổ nhất vẫn còn tồn tại trên địa bàn Trà Vinh. Lễ hội Thiên chúa Giáng sinh (24/12 hàng năm) tại Giáo xứ Mặc Bắc, với sự tham gia của hàng chục ngàn tín đồ là một lễ hội tôn giáo tiêu biểu ở Trà Vinh.
Chị Hoàng Thùy Thúy An- (huyện Tiểu Cần) cho biết: “... Giáo dân chúng tôi luôn biết đoàn kết, xây dựng xứ đạo này văn minh, giàu đẹp, sống tốt đời đẹp đạo, chấp hành nghiêm các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước...”
Với lối kiến trúc nghệ thuật rất cổ xưa, trang nhã, hài hòa, nhà thờ Mặc Bắc vẫn vững chắc với thời gian sau gần 130 năm hình thành, là điểm đến lý tưởng cho nhiều du khách xa gần.
Cạnh đó nhiều đoàn làm phim đã chọn đây làm hậu cảnh cho những bộ phim nổi tiếng; nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh cũng đã chọn nhà thờ Mặc Bắc để sáng tác những tác phẩm văn học nghệ thuật độc đáo.
Bà Francoise Helen- du khách Pháp vui vẻ kể: “... Tôi đã đi tham quan hầu hết các nhà thờ nổi tiếng của thế giới. Đến đây, tôi đã bị cuốn hút bởi nét kiến trúc rất đẹp, tao nhã của nhà thờ này. Đây quả là một kỳ quan cần được tôn tạo bảo vệ chu đáo để phục vụ nhu cầu thưởng thức của mọi người...”.
Do địa hình tọa lạc nên thơ, thuận lợi cho du khách tham quan bằng đường thủy lẫn đường bộ nên nhà thờ Mặc Bắc đã và đang thu hút nhiều du khách đến tham quan, thưởng lãm.
Bài, ảnh: TRẦN TRẤN GIANG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin