Kỳ cuối: Thầy giáo hiến "vàng" xây nông thôn mới

06:09, 17/09/2016

Không phải là người giàu có nhưng thầy giáo Lâm Văn Thông- giáo viên trường THCS thị trấn Cái Nhum đã tự nguyện hiến 1.500m2 đất để làm con đường liên ấp Hai Châu- Tân Lập (xã Chánh Hội, Mang Thít) dài trên 2 cây số.

 

Con đường liên ấp Hai Châu- Tân Lập “đậm” sức dân, trong đó có phần góp sức của thầy giáo Lâm Văn Thông.
Con đường liên ấp Hai Châu- Tân Lập “đậm” sức dân, trong đó có phần góp sức của thầy giáo Lâm Văn Thông.

Không phải là người giàu có nhưng thầy giáo Lâm Văn Thông- giáo viên trường THCS thị trấn Cái Nhum đã tự nguyện hiến 1.500m2 đất để làm con đường liên ấp Hai Châu- Tân Lập (xã Chánh Hội, Mang Thít) dài trên 2 cây số. Thế mà, từ khi gặp thầy đến lúc ra về, thầy cứ dặn đi dặn lại: Nhà báo viết ít thôi. Ở đây bà con ai cũng vậy mà…

“Chân dung” người hiến đất

Được sự hướng dẫn nhiệt tình của địa phương, chúng tôi tìm đến nhà thầy giáo Thông và may mắn được “thực địa” trên chính con đường mà thầy cùng bà con đã chung lòng, chung sức.

Con đường liên ấp có tên “Hai Châu- Tân Lập” dài “hai cây mấy số” được tráng nhựa phẳng lỳ, rộng thênh thang, đúng chuẩn nông thôn mới. Hai bên đường, xen lẫn những dãy nhà là những cánh đồng lúa thẳng tấp, bất tận, xanh rì. Chạy xe bon bon trên con đường “đậm” sức dân, chúng tôi cũng cảm thấy lòng mình vui rộn rã.

Nhà thầy Thông- một căn nhà cấp 4 đơn sơ, bình dị- nằm “lọt thỏm” trong vườn cây rợp bóng. Nở nụ cười hiền sau hai lần lỡ hẹn, thầy bảo: “Con đường hoàn thành, công sức của nhiều người, viết về tôi ngại lắm”. Và khỏi phải nói, thuyết phục lắm, thầy mới chia sẻ “chuyện của mình”.

Thầy kể: Vợ chồng tôi sống cùng cha mẹ. Căn nhà này cất từ năm 1976, sau đó được sửa chữa lại nhưng cũng… mười mấy năm rồi. Ngày trước cũng khó khăn lắm, nhất là các con ngày một lớn, đứa này ra trường thì đưa kia vào đại học. Chưa đến mức phải bán ruộng, bán vườn nhưng thú thật đến cuối tháng là… chạy bở hơi”.

Ngoài lương giáo viên của thầy, thu nhập của gia đình không gì khác hơn chăn nuôi, vườn với ruộng, cứ thế mà dành dụm, nhính nhút. Tuy “mảnh đất gia đình đang sinh sống này là do cha mẹ để lại” nhưng phải có sự chắt chiu xây dựng của vợ chồng thầy để “từ 8 công đất cha mẹ cho” giờ đây tài sản ấy “nở nồi” với gần 4 công vườn và trên 8 công ruộng.

Điều đáng quý là cuộc sống giờ đã khấm khá, con cái thành đạt “cả 3 đứa nhỏ đều ra trường, có việc làm. Hai đứa là bác sĩ, một đứa là kiến trúc sư. Tất cả đều công tác tại TP Hồ Chí Minh” nhưng thầy Thông vẫn giữ cho mình cuộc sống bình dị.

Trên bục giảng là thầy, về nhà là nông dân, ảnh làm ruộng giỏi lắm! Chị Dương Thị Tuyết Lệ- vợ thầy Thông chia sẻ. Thầy cười hiền: Năm nay 59 tuổi rồi, sức khỏe không còn như xưa nhưng chuyện dọn đất, làm cỏ bờ thì ngon lành”.

Tấm lòng người thầy giáo

“Nào giờ tôi sống ở đây”, có lẽ vì thế mà bao đổi thay của quê hương thầy là người chứng kiến. “Nội cái chuyện đường đi thôi nhắc lại thấy ngán. Vùng này ngày trước là bưng biền, khỉ ho cò gáy. Sắp nhỏ đi học trần thân. Giày dép cặp nách, quần cột cổ mà còn té lên té xuống”.

Bởi vậy, khi nghe địa phương có kế hoạch làm đường, bà con ai cũng “mừng quá trời quá đất”. Trong hàng chục công đất người dân hiến làm con đường này, thầy giáo Thông “gật đầu cái rụp” hiến liền 1.500m2 mà không hề so đo tính toán.

Tấc đất, tấc vàng, hiến nhiều đất vậy thầy có thấy tiếc không?- Chúng tôi hỏi. Thầy Thông cười xòa: “Mình có hiến đất thì mới có đường.

Ở đây, khi đường mở tới đâu là bà con hưởng ứng tới đó, không phiền hà gì cả. Có con đường là vui lắm rồi. Mình không thể nghĩ đến chuyện mình mất đất mà cũng phải nghĩ mình có lợi trong đó nữa chứ. Có đường đi, mọi sinh hoạt mua bán cũng dễ dàng hơn trước”.

Không chỉ hiến đất, “khi máy vào múc đất, lúa đang ngậm sữa, mỗi bên cứ thế cắt cả tầm mấy”, rồi cả chục cây xoài, dừa đang cho trái thầy cũng “hạ” luôn. Thầy cũng không tiếc khi “600 gốc mai bề hoành cũng gần 1 tấc, người ta trả giá hai mấy triệu chưa bán tới chừng khởi công bứng được cây nào hay cây nấy, rồi không có chỗ trồng, cũng chết hết”.

Thầy Thông chia sẻ: “Hiến đất nhưng tôi không tiếc vì có đường là vui lắm rồi!”
Thầy Thông chia sẻ: “Hiến đất nhưng tôi không tiếc vì có đường là vui lắm rồi!”

Dẫn chúng tôi đi trên con lộ rộng thênh thang, gió đồng thổi hầy hậy, mát mẻ, thầy Thông không giấu niềm vui: Nhìn con lộ làm xong, ra dòm thông thống, vui hết sức. Đâu có nghĩ chỗ này có được con lộ như vầy đâu.

Giờ không chỉ xe hai bánh mà xe bốn bánh còn đậu tới cửa. Ngày trước mà cất nhà, vận chuyển vật tư phải bằng xuồng và phải qua mấy “khớp”. Giờ thì chuyện này không phải lo nữa. Mùa lúa còn vui hơn. Máy vào tới chỗ. Mình chỉ việc ngồi ghi sổ, tính tiền”.

Có thể nói, khi mỗi tấc đất đã trở thành những tấc vàng thì việc những người dân hiến hàng trăm, hàng ngàn mét vuông đất là điều rất đáng trân trọng.

Tấm lòng thầy giáo Thông cũng vậy. Chính việc làm của thầy sẽ “kết nối” những tấm lòng cùng địa phương chung lo xây dựng nông thôn mới để những con đường sẽ tiếp tục trải dài, những công trình khang trang sẽ tiếp nối….

Thay lời kết

Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng! Đó là tấm lòng của chị Phan Thị Loan luôn sát cánh cùng dân để lo cho dân; cô Nguyễn Thị Huỳnh Nga- “bà lão chèo đò” tận tụy gieo mầm xanh tri thức; đại đức Thích Mật Tịnh- người đã gieo niềm tin cuộc sống cho rất nhiều có hoàn cảnh khó khăn;

anh Nguyễn Bá Phước không ngần ngại chia sẻ giọt máu của mình mà còn vận động người thân, bạn bè cùng thắp lên phong trào hiến máu tình nguyện; ông Trần Văn Cò tuổi ngoài 70 nhưng luôn ra tay nghĩa hiệp và là “khắc tinh” của bọn tội phạm…

Mỗi nhân vật là mỗi câu chuyện và những tấm lòng thơm thảo như thế này sẽ rất nhiều mà chúng tôi chưa thể kể hết. Những việc làm của họ tuy nhỏ nhưng lấp lánh một giá trị nhân văn sâu sắc: Sống là phải biết san sẻ, yêu thương! Và chắc rằng cái nghĩa, cái tình ấy sẽ không mất đi mà ngày càng lan tỏa, bền chặt…

Bài, ảnh: NHÓM PHÓNG VIÊN

[links()]

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh