GS.VS Trần Đại Nghĩa- con người hành động

06:09, 13/09/2016

Ông Trần Thành Đức là thư ký riêng cho GS.VS Trần Đại Nghĩa trong những năm 1968- 1971, song với sự ngưỡng mộ và tình cảm quý mến đặc biệt, đã gắn bó ông Đức với người thầy, người thủ trưởng của mình cho đến suốt đời.

Ông Trần Thành Đức là thư ký riêng cho GS.VS Trần Đại Nghĩa trong những năm 1968- 1971, song với sự ngưỡng mộ và tình cảm quý mến đặc biệt, đã gắn bó ông Đức với người thầy, người thủ trưởng của mình cho đến suốt đời.

Lần nào được gặp ông Đức, câu chuyện về GS.VS Trần Đại Nghĩa lại được ông kể lại bằng tất cả sự trân trọng đặc biệt dành cho một huyền thoại vũ khí của Việt Nam.

Bên tượng GS.VS Trần Đại Nghĩa, ông Trần Dũng Trí và Trần Dũng Trình- 2 con của GS.VS Trần Đại Nghĩa cùng các bạn trẻ chụp ảnh lưu niệm.  Ảnh: CẨM HUỆ
Bên tượng GS.VS Trần Đại Nghĩa, ông Trần Dũng Trí và Trần Dũng Trình- 2 con của GS.VS Trần Đại Nghĩa cùng các bạn trẻ chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: CẨM HUỆ

Trong dịp khánh thành Khu lưu niệm GS.VS Trần Đại Nghĩa (2015), ông Trần Thành Đức lại về Vĩnh Long, dịp đó ông đã để lại trong tôi một hình ảnh xúc động.

Ở tuổi 76, vừa bị tai nạn giao thông gãy chân chưa lành hẳn, ông Đức nhờ người dìu lên khán đài để trao những suất học bổng cho các em học sinh Tam Bình. Người ông gầy đi nhưng gương mặt rạng rỡ hẳn lên.

Tôi hiểu niềm vui của ông vì đã hoàn thành được tâm niệm của mình, khi quyển sách về người thầy mà ông đã dành ra rất nhiều công sức, thời gian và tiền bạc để lặn lội nhiều bận ra Bắc vào Nam để thu thập tư liệu đã được hoàn thành.

Và ông đã trích tiền bán sách để trao những suất học bổng ngay trong dịp kỷ niệm đặc biệt thế này, nên niềm vui càng được nhân lên gấp bội.

Mỗi khi nhắc đến GS.VS Trần Đại Nghĩa, giọng ông Đức bỗng trở nên sôi nổi với rất nhiều câu chuyện, kỷ niệm và những bài học “để đời”.

Bởi ngoài thời gian được làm thư ký riêng, những năm tháng sống ở TP Hồ Chí Minh, họ có dịp gặp gỡ gắn bó với nhau nhiều hơn.

Tại lễ khánh thành khu lưu niệm, ông Đức cùng với Đại tá Trần Dũng Trí- con trai của GS.VS Trần Đại Nghĩa- trong niềm vui sướng xen lẫn xúc động, họ đã ngồi lại với nhau nhắc về người thầy, người cha của mình.

Đại tá Trần Dũng Trí là người con cả, có nhiều khoảng thời gian gần gũi với cha, từ thuở thiếu niên cho đến lúc trưởng thành vào quân ngũ.

Ông Trí nhớ mãi lời giáo huấn của cha đã trở thành phương châm sống của cuộc đời mình: “Học tập phải có mục đích, nếu không sẽ khó đạt được thành quả gì”, lớn lên khi gặp những khó khăn trong công việc, cuộc sống thì cha lại có lời căn dặn: “Bất cứ gặp chuyện gì khó khăn, buồn phiền, con hãy nhớ đến việc phụng sự Tổ quốc, nhớ đến Đảng, nhân dân là mọi chuyện sẽ qua đi.

Chuyện gia đình là chuyện nhỏ nó nằm trong Tổ quốc rồi; hãy luôn đặt Tổ quốc lên trên hết”. Những năm tháng cuối đời, GS.VS thường tâm sự với con trai: “Giờ đây coi như ba đã hoàn thành sứ mạng đối với non sông đất nước. Nếu cho ba sống lại lần nữa, thì nhất định ba vẫn sẽ đi theo con đường đã chọn, đó là phụng sự Tổ quốc, trọn đời phục vụ nhân dân mình”- ông Trí nhớ lại.

Ông Đức cho rằng, thầy mình cũng đã sống đúng với những gì đã nói, những gì thầy đã dạy dỗ con cái mình đó là: học tập và sống phải luôn có mục đích.

Chính vì có mục đích rõ ràng mà ngay từ lúc 17 tuổi, cậu học trò Phạm Quang Lễ ở vùng quê Tam Bình, đã ấp ủ giấc mơ học tập về chế tạo vũ khí để góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Và cũng vì thầy là một con người ít nói, luôn suy nghĩ chín chắn và hành động- ông Đức nhắc lại- nên thầy lặng lẽ học tập, tự nghiên cứu để thực hiện giấc mơ lớn của đời mình. Cho mãi đến khi thầy gặp được Bác Hồ- vẫn không một ai hay biết, ngay cả người bạn rất thân thiết là ông Lê Viết Hường, thầy cũng không một lời hé lộ về cái “giấc mơ chế tạo vũ khí” của mình.

Đại tá Trần Dũng Trí (trái)- con trai GS.VS Trần Đại Nghĩa và ông Trần Thành Đức.  Ảnh: NGỌC TRẢNG
Đại tá Trần Dũng Trí (trái)- con trai GS.VS Trần Đại Nghĩa và ông Trần Thành Đức. Ảnh: NGỌC TRẢNG

Thoáng chút trầm ngâm, ông Trần Thành Đức chia sẻ lòng mình:

“Tôi rất sung sướng, khi thấy Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Vĩnh Long đang thực hiện lời dạy của Bác Hồ là “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là việc rất cần thiết”, bởi việc khu lưu niệm này không chỉ là một công trình văn hóa, còn là nơi giáo dục, nuôi dưỡng tình cảm cho thế hệ trẻ. Để rồi đây, trong công cuộc xây dựng đất nước, con em chúng ta sẽ có thêm nhiều “Trần Đại Nghĩa” nữa, trong đó có con em Vĩnh Long chúng ta”.

 

Hỏi ông Trần Thành Đức học tập được ở người thầy của mình đức tính gì, ông trả lời ngay mà không cần suy nghĩ:

 

“Đó là thái độ làm việc nghiêm túc, khoa học. GS.VS Trần Đại Nghĩa là con người hành động. Rất ít nói, luôn suy nghĩ chín chắn, rồi hành động, hành động và hành động. Tôi học theo thầy nên giờ đây ở tuổi 76, vẫn âm thầm làm việc và viết được khá nhiều sách”.

 

 

™NGỌC TRẢNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh