Với ý đồ cực kỳ thâm độc là muốn triệt tiêu báo chí- nhất là những tờ báo đối lập lúc nào cũng có những bài viết gây phẫn nộ từ nhân dân đối với chính quyền- nên chính quyền Sài Gòn luôn đặt ra những yêu sách phi lý, làm cho các tòa báo phải chịu cảnh đình bản, đóng cửa.
Với ý đồ cực kỳ thâm độc là muốn triệt tiêu báo chí- nhất là những tờ báo đối lập lúc nào cũng có những bài viết gây phẫn nộ từ nhân dân đối với chính quyền- nên chính quyền Sài Gòn luôn đặt ra những yêu sách phi lý, làm cho các tòa báo phải chịu cảnh đình bản, đóng cửa.
Nhiều cuộc đấu tranh của giới làm báo liên tục diễn ra chống lại Sắc luật 007/74 mà đỉnh cao là cuộc xuống đường rầm rộ vào ngày 10/10/1974- Ngày Ký giả đi ăn mày.
Tranh minh họa: H.HÓA |
Về Tam Bình- Vĩnh Long
Đêm ấy, con đường dẫn vào xóm chùa Long Vân (đường Bạch Đằng Gia Định) trời tối đen như mực, tôi vội vã bước qua chiếc cầu ván trên kinh Bà Láng tìm đường rẽ vào nhà một ký giả nổi tiếng thời bấy giờ là ông Tô Nguyệt Đình- cố vấn Nghiệp đoàn Ký giả Nam Việt, đồng thời cũng là cố vấn Hội Ái hữu ký giả.
Ông dặn tôi chỉ đi một mình đến gặp ông để bàn chuyện quan trọng. Tôi lo lắng không hiểu ông có gặp rắc rối gì không, vì thời gian qua ông bị mấy anh “chìm” bám sát dữ quá, chúng đánh hơi ông đang tổ chức một vụ việc gì đó mà nghe nói long trời lở đất lắm.
Tôi biết ông Tô Nguyệt Đình từ khi tôi còn là sinh viên Khoa Báo chí Trường ĐH Vạn Hạnh, thường xin gặp ông để nghe ông nói về lấy tư liệu viết phóng sự, viết truyện ngắn, bút ký,…
Dẫu ông rất cởi mở, thân tình, giản dị nhưng lần nào gặp ông, tôi cũng băn khoăn, hồi hộp, có lẽ vì nét nghiêm nghị mà từ tốn và lời nói chắc nịch như đinh đóng cột, khiến tôi hết sức nể phục.
Tiếng gõ mõ tụng kinh từ Long Vân tự vẫn đều đặn vọng ra nghe buồn ảo não, làm tôi liên tưởng đến bộ tiểu thuyết nổi tiếng của ông “Bộ áo cà sa nhuộm máu” cũng có đề cập đến ngôi chùa Long Vân cổ kính, không hiểu có phải chùa Long Vân này không.
Tôi vừa đến nơi thì cũng đúng lúc ông Tô Nguyệt Đình vừa về tới. Tôi không khỏi ngạc nhiên lẫn buồn cười là ông ăn mặc tuềnh toàng, áo thì nhăn nheo, quần ống thấp ống cao, phía sau chiếc xe Suzuki cà tàng ràng buộc nào là cưa, búa, bào, đục,…
Ông cười hóm hỉnh nói với tôi: “Hôm qua bác đi bán báo, hôm nay làm thợ mộc. Thời buổi “khó khăn”, làm đủ thứ nghề cũng không sống nổi”.
Tôi biết ông cải trang như thế là để tránh sự dòm ngó của cảnh sát, công an chìm. Dù ông không nói ra, tôi vẫn biết ông là người hoạt động cách mạng trong phong trào báo chí công khai.
Vẫn với nụ cười thân tình, cởi mở và điếu thuốc luôn cháy đỏ trên tay, ông thân mật rót nước mời tôi uống và hỏi thăm chuyện tập tành viết báo của tôi, như không có chuyện gì xảy ra.
Giọng nói ông chợt trầm xuống, chỉ đủ tôi nghe: “Bác muốn về nhà cháu ở Tam Bình- Vĩnh Long vài ngày được không?”
Tôi trố mắt ngạc nhiên chưa kịp nói, thì ông Tô Nguyệt Đình nhỏ nhẹ nói tiếp: “Bác cần yên tịnh vài ngày để tâm trí bớt căng thẳng, hơn nữa cũng để bảo đảm an toàn trong mấy ngày này. “Tụi nó” bám sát quá, bác sợ không ổn”.
Ba má tôi rất vui mừng được ông Tô Nguyệt Đình về thăm. Hàng ngày, ông hết đi chài bắt tôm cá, rồi ra ruộng hái rau đồng nào là rau dừa, hẹ ruộng, bông súng, cải trời,… đãi khách.
Đêm khuya, mọi người đã an giấc, ông Tô Nguyệt Đình ngồi trầm ngâm bên ngọn đèn dầu cặm cụi viết hết trang giấy này đến trang giấy khác, điếu thuốc luôn cháy đỏ trên tay.
Qua ngày thứ ba, ông Tô Nguyệt Đình kêu tôi tới dặn dò: “Cháu mang thơ này lên Sài Gòn trao tận tay ông Văn Mại, Tổng Thơ ký Hội Ái hữu ký giả, không được nhờ ai hết. Lá thơ này rất quan trọng, cháu phải hết sức cẩn thận”. Tôi vội lên Sài Gòn ngay và trao tận tay ông Văn Mại lá thơ đó.
Vẽ biểu ngữ Ngày Ký giả đi ăn mày
Sau khi bí mật trở về Sài Gòn, ông Tô Nguyệt Đình lại nhắn tôi đến nhà gặp ông cũng trong một đêm tối. Tôi chưa kịp chào hỏi ông tiếng nào, ông liền móc trong túi một bao thơ đựng tiền đưa cho tôi, dặn dò: “Cháu ra chợ Bà Chiểu mua vải để vẽ biểu ngữ”.
Ông nhấn mạnh: “Nếu không có biểu ngữ này, thì kể như chuyện rất quan trọng xảy ra sáng mai khó mà thành công trọn vẹn”.
Thấy tôi ngớ ngẩn không biết chuyện gì, ông cười hiền lành, từ từ lấy mẫu giấy nhỏ có ghi sẵn nội dung 2 biểu ngữ “Luật 007/74- Ký giả phải đi ăn mày” và “10/10/1974- Ngày ký giả đi ăn mày” ông trấn an tôi: “Quan trọng là phải kín đáo, không để ai biết mình làm việc này, kể cả bạn bè thân thiết”.
Giọng ông trầm lắng: “Vào lúc 6 giờ sáng mai, không được trễ hơn, mà cũng không sớm hơn, mang tấm biểu ngữ đến số 15 Lê Lợi trước trụ sở Nghiệp đoàn Ký giả Nam Việt, có một người phụ nữ mặc áo tím hoa cà, ra dọn tranh sơn dầu bán ở lề đường, thì đến nói với người phụ nữ ấy: “Bác Tô gởi bao bì gói tranh”, bà ấy sẽ trả lời: “Đưa đây”. Giao tấm biểu ngữ xong, cháu lập tức đi ngay nơi khác, để đảm bảo an toàn cho bản thân cháu”.
Đêm đó, tôi vẽ biểu ngữ dưới ánh đèn dầu, thắp đèn điện sáng quá, sợ bên ngoài người ta để ý. Sáng ra, tôi mang biểu ngữ đến điểm hẹn, người phụ nữ áo tím hoa cà nhận tấm biểu ngữ xong hối tôi đi nơi khác, nhưng không hiểu sao tôi vẫn chưa chịu đi và xin bà cho tôi nán lại để phụ với bà “gói tranh”.
Bấy giờ đã có nhiều ký giả tới, đứng dọc theo lề đường Tự Do (đường Đồng Khởi ngày nay). Đúng 6 giờ 10 phút, ông Tô Nguyệt Đình xuất hiện trên đường Tự Do, dáng cao liêu xiêu mà uy nghi đi hàng đầu hướng về nhà Quốc hội (nhà hát thành phố).
Bên cạnh ông còn có các ký giả Văn Mại, Ký Ninh, Phi Vân, Hồ Ngọc Nhuận, Quốc Phượng,… Lập tức, có rất nhiều nhà báo nhanh chóng tiếp bước theo ông.
Tôi cùng người bán tranh áo tím hoa cà vội mang tấm biểu ngữ chạy đến trao cho ông Tô Nguyệt Đình hiên ngang căng ra trước dòng người biểu tình mỗi lúc càng thêm đông.
Lúc đó, lực lượng cảnh sát dã chiến được xe GMC ào ào chở đến đông nghẹt, một tay cầm khiên mây, một tay cầm dùi cui, đeo mặt nạ chống hơi cay trông rất hung tợn, đứng vây quanh trước trụ sở Nghiệp đoàn Ký giả Nam Việt.
Còn cảnh sát áo trắng xếp thành hàng ba, tay nắm tay nối liền nhau, chặn ngang đường Lê Lợi, có lẽ họ đoán đây là lộ trình xuống đường của ký giả đi ăn mày sẽ đi qua.
Nhiều tuyến đường đã bị cô lập cấm xe cộ lưu thông. Chỉ có xe zeep cảnh sát hú còi inh ỏi, chạy ngược xuôi đó đây, tạo thành một không khí cực kỳ căng thẳng, như sắp diễn ra một trận chiến khốc liệt.
Đúng 8 giờ sáng, ông Nguyễn Kiên Giang (Lý Thanh Cần)- Chủ tịch Nghiệp đoàn Ký giả Nam Việt thay mặt BTC đọc diễn văn “Sắc luật 007/74 ký giả phải đi ăn mày” và phát lệnh xuống đường. Ngay lập tức, cảnh sát dã chiến ra tay ngăn chặn và đàn áp.
Bấy giờ, lực lượng sinh viên- học sinh cùng người dân đã có mặt đông đảo từ bên ngoài, bất chấp hiểm nguy tấn công vào phá vòng vây của cảnh sát, từng mảng tường áp bức đã dần được phá tan.
Như nước tràn về biển cả, đoàn ký giả ăn mày đội nón lá, trước ngực mang bị đệm, tay chống gậy trúc ồ ạt xuống đường, theo hướng đường Lê Lợi thẳng ra chợ Bến Thành, vòng quanh công trường Quách Thị Trang rồi quay về nơi xuất phát.
Đoàn ký giả đi ăn mày được bà con và các tiểu thương chợ Bến Thành cho quà và tiền khá nhiều. Sau đó đoàn đốt tượng trưng Sắc luật 007/74 và giữ các “thành quả” đi ăn mày tại trụ sở Nghiệp đoàn Ký giả Nam Việt chờ hôm sau mang cho dân nghèo và những gia đình ký giả có hoàn cảnh khó khăn.
Trở lại Tam Bình
Đêm đó, ngay trong Ngày Ký giả đi ăn mày, lực lượng cảnh sát đã bất ngờ tấn công dữ dội vào trụ sở Nghiệp đoàn Ký giả Nam Việt rất dã man chẳng chút nương tay. Chúng cướp những thành quả trong cuộc đi ăn mày (gạo, mì gói, đường sữa,…).
Các ký giả đã chống cự quyết liệt dù chỉ bằng đôi tay chỉ quen cầm viết. Máu đã đổ, nhiều ký giả bị đánh đập và bị bắt tù đày.
Ông Tô Nguyệt Đình may mắn thoát khỏi trụ sở Nghiệp đoàn Ký giả Nam Việt. Ông về đến nhà tôi lúc 4 giờ sáng. Lập tức, tôi và ông ra bến xe về Tam Bình- Vĩnh Long quê tôi để tạm thời lánh mặt. Chiều chiều, tôi và ông ngồi yên lặng nhìn dòng sông Tam Bình trôi lặng lẽ.
Bấy giờ ông mới kể cho tôi biết mục đích ông về Tam Bình lần trước vừa là để tránh tụi “chìm” nó hốt (vì các ông Văn Mại, Ký Ninh, Quốc Phượng, Hà Huy Hà… đã bị bắt hết rồi), vừa được yên tĩnh vạch ra kế hoạch cho Ngày Ký giả đi ăn mày, trong đó vạch ra lộ trình cho cuộc xuống đường, làm sao cho hợp lý, không bị phá hoại, làm rối loạn đội hình.
Một chiếc xuồng con cập bến, tôi reo lên mừng rỡ, Huỳnh Thu một thành viên trong ban lãnh đạo Ngày Ký giả đi ăn mày bất ngờ về Tam Bình. Huỳnh Thu cho biết là tổ chức yêu cầu ông Tô Nguyệt Đình bí mật trở về Sài Gòn và vào chiến khu ở vùng Bà Rịa Vũng Tàu nhận nhiệm vụ mới.
Trước khi chia tay tôi vào chiến khu, ông Tô Nguyệt Đình cảm kích: “Cuộc xuống đường rầm rộ Ngày Ký giả đi ăn mày dù sau đó bị đàn áp dã man, nhưng không dập tắt được tinh thần của một cuộc xuống đường không chỉ thuần túy là những bước đấu tranh trên đường phố, mà còn in dấu ấn sâu đậm về sự đấu tranh đòi công bằng, chính nghĩa của những người làm báo”.
Việc kiểm duyệt bằng Sắc luật 007/74 rất khắc nghiệt. Các chủ báo phải đóng tiền ký quỹ xuất bản 20 triệu đồng (khoảng 47.000- 48.000 USD thời bấy giờ) cho các báo phát hành hàng ngày, 10 triệu đồng cho các tạp chí. Nếu không ký quỹ, kể như bị đóng cửa. Ngoài ra, báo nào bị tịch thu lần thứ hai, do đăng những bài ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, gây rối trật tự công cộng, sẽ bị đóng cửa vĩnh viễn. |
NGUYỄN TƯỜNG LỘC
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin