Một ngày tháng 5 nắng đẹp, chúng tôi có dịp ghé thăm Trường Dục Thanh (tỉnh Bình Thuận)- nơi Bác Hồ đã từng dạy học trước khi ra đi tìm đường cứu nước.
Một ngày tháng 5 nắng đẹp, chúng tôi có dịp ghé thăm Trường Dục Thanh (tỉnh Bình Thuận)- nơi Bác Hồ đã từng dạy học trước khi ra đi tìm đường cứu nước.
Đến đây được thấy, được nghe, được hiểu hơn về những năm tháng Bác dạy học để rồi càng thấy mình cần phải học tập, lao động, rèn luyện thật tốt theo tấm gương đạo đức của Người.
Trường Dục Thanh cổ kính nơi Bác Hồ từng dạy học. |
Trường xưa in dấu chân Người
Thuở còn là học sinh, tôi biết đến Trường Dục Thanh qua bài giảng của thầy. Nay được đến thăm trường, lòng tôi bâng khuâng niềm cảm xúc khó tả.
Không như tưởng tượng của tôi, Trường Dục Thanh cổ kính hiện ra trước mắt với các dãy nhà đơn sơ, bao bọc xung quanh là vườn cây mát rượi, yên bình. Mặc dù tiết trời khá nóng, nhưng ngay khi bước vào cổng trường, chúng tôi có cảm giác mát mẻ, gần gũi đến lạ thường.
Chị Nguyễn Thị Thu- hướng dẫn viên cho biết: Trường được xây dựng năm 1907 trên phần đất gia đình nhà thơ yêu nước Nguyễn Thông. Đây là ngôi trường tư thục có nội dung giảng dạy tiến bộ nhất lúc bấy giờ, do 2 con trai của cụ là Nguyễn Quý Anh và Nguyễn Trọng Lội sáng lập.
Thầy giáo Nguyễn Tất Thành đến trường vào cuối tháng 8/1910. Khi đó có khoảng 60 học sinh với 7 thầy giáo giảng dạy. Nguyễn Tất Thành là thầy giáo giỏi và trẻ nhất. Cùng với dạy chữ Quốc ngữ và Hán văn, thầy còn truyền bá cho học sinh lòng yêu dân tộc, quê hương đất nước qua từng buổi học.
Thời gian thầy Thành dạy học tuy không dài nhưng đã để lại nhiều ấn tượng, nhiều kỷ niệm sâu sắc trong lòng học sinh và người dân nơi đây...
“Thầy Thành giảng bài rất nhiệt tình, dễ hiểu. Những bài khó thầy giảng chậm và kỹ. Khi giảng xong, thầy hay hỏi trò có hiểu không, chừng nào học trò nói hiểu thì thầy mới nghỉ”- chị Thu nói.
Chúng tôi kính cẩn đặt từng bước chân vào lớp học dưới mái trường cổ kính mà tràn đầy xúc cảm. Lớp học với mái ngói rêu phong được bao bọc bởi 4 bức tường gỗ giản dị.
Trong phòng học là 21 bộ bàn ghế của học sinh được bố trí thành 3 dãy ngăn nắp, 2 cái bảng đen phía 2 bên lớp học và bộ bàn ghế của giáo viên- nơi Bác ngồi giảng bài. Chúng tôi muốn lưu lại nơi đây thật lâu như thể mong được làm học trò nhỏ của thầy giáo Nguyễn Tất Thành.
Tham quan Nhà Ngự (nơi các thầy giáo và học trò ăn ở nội trú) và Ngọa Du Sào (để đọc sách, ngâm thơ), nhiều du khách không khỏi xúc động khi nhìn thấy các hiện vật từng gắn bó với Bác như bộ trường kỷ Bác ngồi, bộ ván gỗ Bác ngủ mỗi đêm, chiếc án thư, chiếc tủ đứng Bác để tư trang cá nhân, tráp văn thư, nghiên mài mực...
Tất cả đều cũ kỹ nhưng được cất giữ bảo quản rất tốt. Đó là những kỷ vật thiêng liêng gắn liền với những ngày tháng dạy học ngắn ngủi của Người.
Phần di tích cũ vẫn còn nguyên vẹn gồm giếng nước được xây bằng gạch và có cả cây khế cụ Nguyễn Thông trồng cách đây hơn 100 năm vẫn xanh tốt. Chị Thu kể hồi ấy, thầy Thành thường xuyên chăm sóc cây khế này nên người dân nơi đây gọi là cây khế Bác Hồ...
Đối diện khu Di tích Dục Thanh là Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Bình Thuận. Khu bảo tàng hiện trưng bày hàng trăm tài liệu, hiện vật, hình ảnh về cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.
Bác vẫn sống mãi trong lòng dân Việt
Cây khế Bác Hồ từng chăm sóc nay vẫn xanh tươi xum xuê. |
Chị Thu cho biết thêm, khu di tích lịch sử văn hóa này đã trở thành điểm tham quan và về nguồn của du khách mỗi khi đến Bình Thuận. Năm 2015, có trên 165.000 lượt khách đến đây thắp hương Bác.
Trong số những đoàn khách đến tham quan có rất nhiều người trẻ. Họ đến đây với biết bao cảm xúc dạt dào và mong muốn tìm về với cội nguồn lịch sử.
Không khỏi xúc động khi thấy nơi Bác từng đọc sách, nghỉ ngơi “sao mà giản dị thế”, chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (Long Hồ) chia sẻ: “Bác Hồ mãi là tấm gương sáng để thế hệ trẻ noi theo, tiếp bước xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp”.
Những ngày tháng trôi qua, quyển lưu bút Khu di tích Dục Thanh lại dày thêm cảm xúc niềm tự hào vì có Bác. Nó không chỉ là tình cảm yêu thương, sự kính trọng dành cho Bác mà còn chứa đựng cả lời hứa quyết tâm của những người con đất Việt.
Ông Nguyễn Văn Sơn (Vĩnh Long) ghi lại cảm xúc: “Bác luôn ở trong lòng chúng con. Các nhà giáo chúng con luôn khắc ghi công ơn Người và hứa sẽ mãi học tập và làm theo tấm gương đạo đức sáng ngời của Người”...
Còn anh Đinh Trọng Nghiêm (TP Hồ Chí Minh) lại viết: “Mái trường Dục Thanh từng là cái nôi để đồng chí Nguyễn Tất Thành trang bị hành trang chuẩn bị cho cuộc hành trình đầy gian lao, đưa dân tộc Việt Nam trở thành một dân tộc tự do, độc lập. Chúng tôi, những thanh niên tiếp bước xin hứa trước di ảnh của Bác sẽ sống một cuộc sống có ý nghĩa và đem hết sức mình cống hiến cho Tổ quốc”.
Rời Trường Dục Thanh, chúng tôi không khỏi bùi ngùi trong niềm nhớ Bác không nguôi. Ai cũng muốn ghi lại thật nhiều hình ảnh ở khu di tích như một niềm tự hào khi được đến đây. Bác ơi! Mặc dù Bác đã đi xa nhưng chúng con thấy Bác vẫn ở nơi đây, vẫn đang dạy chúng con làm người, tinh thần học tập, say mê lao động và tình yêu quê hương đất nước... “Người vẫn sống mãi trong lòng chúng con”!
Bài, ảnh: CẨM HUỆ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin