Đến Trường Sa lần này, ai cũng thấy lòng mình yên vui và tự hào với cái hào khí của một thời giong buồm của người xưa tìm đến đảo xa trong vô vàn gian nan vất vả, để cắm cột mốc chủ quyền Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam.
>> Kỳ 1: Trường Sa biển đảo quê hương ta
Đến Trường Sa lần này, ai cũng thấy lòng mình yên vui và tự hào với cái hào khí của một thời giong buồm của người xưa tìm đến đảo xa trong vô vàn gian nan vất vả, để cắm cột mốc chủ quyền Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam.
Trường Sa hôm nay đã nhiều đổi thay, lớn mạnh theo từng cơn sóng dữ, đủ sức chống chọi với những trận cuồng phong bão táp giữa muôn trùng đại dương.
Cá chim nuôi bè ở Trường Sa
Lần này ghé thăm đảo Đá Tây, mọi người càng thêm tâm đắc là quân và dân trên đảo đã phát triển một ngành nghề mới: nghề nuôi cá chim trong lồng trên biển. Sau khi nuôi thử nghiệm, nay thành công với kết quả không ngờ. Từ khi cá chim con mới lớn chừng 7 ly, nuôi 9 tháng trong lồng thì thu hoạch mỗi con hơn một ký lô. Mỗi bè khoảng 12m2 được chừng 14 tấn cá.
Đây là điều kiện để phát triển kinh tế biển đối với Trường Sa. Nguồn tiêu thụ có 2 hướng. Nếu có tàu về đất liền công tác thì gửi về bán, nhưng thường thì liên lạc với tàu cá, hẹn ngày thu hoạch sẽ có tàu đến mua.
Để giới thiệu cá chim nuôi lồng ở Trường Sa với chúng tôi, bà con đảo Đá Tây lấy vợt hớt 2 cái nhẹ nhàng là đã có mấy chục con tặng đoàn ăn lấy thảo. Bữa cơm hôm đó, cả đoàn trên tàu ai cũng trầm trồ khen ngợi cá chim lồng nuôi ở Trường Sa sao mà quá ngon.
Đảo Đá Tây- một điểm đảo đặc biệt đã được Bộ Nông nghiệp- PTNT hỗ trợ xây dựng Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá từ năm 1996. Trung tâm này được thành lập tại đảo Đá Tây, đã trở thành niềm tin, là điểm tựa vững chắc cho bà con ngư dân.
Trung tâm có xưởng cơ khí, có đầy đủ trang thiết bị để sửa chữa tàu thuyền, các thiết bị cứu sinh, cứu hỏa, thiết bị lặn, thông tin liên lạc, nhiều bồn chứa nước ngọt, xăng dầu,…
Ngoài ra, trung tâm này còn là một “siêu thị” giữa đại dương với các mặt hàng thiết yếu trong cuộc sống trên biển như muối, gạo, đường, sữa, mì gói, bột ngọt, xăng dầu, nước ngọt, cà phê,… bán cho ngư dân với giá như ở đất liền.
Đây là lý do lớn nhất để bà con liên tục bám ngư trường phát triển nghề đánh bắt xa bờ. Bà con ngư dân mong mỏi trong tương lai, được các ngành chức năng quan tâm, tổ chức thu mua và chế biến hải sản ngay trên quần đảo Trường Sa, biến Trường Sa thành cảng biển, trực tiếp thu mua hải sản của ngư dân...
Được như vậy, trước mắt sẽ giúp ngư dân giảm chi phí đi lại, đời sống ngư dân sẽ được cải thiện tốt hơn. Do hải trình quá xa, từ ngư trường quần đảo Trường Sa cách Cam Ranh 240 cho đến 350 hải lý nên chi phí cho mỗi chuyến ra vào đất liền khi ghe đầy cá, tốn ít nhất 2.000 lít dầu.
Hiệu quả kinh tế không cao, đôi khi bị lỗ vốn. Cho nên, nếu được thu mua ngay trên biển, chắc chắn nghề cá cũng theo đó mà phát triển. Trường Sa theo đó cũng gần với đất liền hơn.
Xây dựng làng chài
Tại đảo Trường Sa Lớn, Trung tá Vũ Đức Tiến- Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa Lớn kiêm Chủ tịch UBND huyện đảo Trường Sa, cùng các cán bộ lãnh đạo đảo, UBND huyện đảo Trường Sa thân mật tiếp đón đoàn công tác TP Hồ Chí Minh ra thăm quân và dân đảo Trường Sa Lớn.
Trong không khí chân tình, cởi mở, Chủ tịch UBND huyện đảo Trường Sa cho biết: “Thời gian qua, quân và dân Trường Sa đã cứu hộ hàng ngàn lượt các tàu đánh cá của bà con ngư dân bị nạn trên biển, cũng như cung cấp xăng dầu, nước ngọt, lương thực thực phẩm.
Thậm chí có những trường hợp ngư dân bị bệnh nặng, bộ đội Trường Sa phải dùng thủy phi cơ đưa vào đất liền để điều trị.
Qua những thực tiễn đó, bà con ngư dân đang đánh bắt trên ngư trường truyền thống vùng biển Trường Sa, họ bày tỏ sự tin tưởng, yên tâm khi bám biển dài ngày, đánh bắt xa bờ đạt hiệu quả nhờ có Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá tại đảo Đá Tây và đội Dịch vụ hậu cần nghề cá tại đảo Song Tử Tây.
Chủ tịch UBND huyện đảo Trường Sa Vũ Đức Tiến nhấn mạnh:
“Trước tiên tại Trường Sa Lớn thành lập một làng chài, quy tụ nhiều tàu cá của ngư dân tập hợp về đây tránh bão, đảm bảo an toàn tánh mạng và tài sản cho bà con ngư dân.
Đây là một việc làm mang tính nhân văn sâu sắc; là trách nhiệm của quân và dân Trường Sa đối với ngư dân Việt Nam, những công dân chân chính, ngày đêm bám biển, góp phần cho phát triển nghề cá, làm giàu cho quê hương đất nước.
Tất nhiên tại đây chúng tôi đã thiết lập một âu tàu có sức chứa khoảng 50 tàu cá. Bên cạnh đó, chúng tôi đã xây dựng xong một nhà khách có sức chứa 200 người, đủ để cho ngư dân đến nghỉ dưỡng sau những ngày dài nhọc nhằn trên biển”.
Nhiều vị lãnh đạo các ban ngành của TP Hồ Chí Minh cùng đi trong đoàn, rất đồng tình về việc làm này: Tại sao chúng ta không đẩy mạnh các dịch vụ nghề cá ngày càng mạnh hơn nữa, trong khi điều kiện cơ sở vật chất hiện tại có đủ khả năng để thực hiện một nhà máy chế biến hải sản.
Các tàu nước ngoài khi vào đảo nhận hàng, tất nhiên phải tuân theo mọi thủ tục nhập cảnh vào biển đảo nước ta cũng như vào đất liền, vì quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Tiếp tục cuộc hải trình, đoàn công tác TP Hồ Chí Minh đến thăm Nhà giàn DK1/14, nhiều tàu đánh cá của bà con ngư dân Bình Thuận, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Phú Yên,… đang thả lưới.
Thấy tàu chúng tôi đi ngang, ai nấy mừng rỡ vẫy tay chào, như gặp lại người thân thương. Tình quê hương dân tộc giữa muôn trùng biển khơi sao mà thân thương quá đỗi. Khi đến Nhà giàn DK1/14, chúng tôi gặp một tàu đánh cá cặp vào.
Ngư dân xin Nhà giàn chứng nhận có thực hiện cuộc đánh bắt xa bờ, để được hưởng quyền lợi theo quy định. Dịp này, tỏ lòng với bà con ngư dân, ông Tất Thành Cang- Trưởng đoàn đã qua tặng quà cho bà con ngư dân.
Cảm động trước nghĩa cử của đoàn công tác thành phố, chủ tàu cá tặng lại cho đoàn mấy con cá ngon vừa đánh bắt. Khi 2 chiếc tàu đã cặp mạn, nhiều người trong đoàn chúng tôi vội vàng nhảy sang tàu cá, tự nhiên như tàu ghe của nhà mình. Cùng cười hả hê, rồi ôm chầm lấy nhau mừng rỡ.
Bà con ngư dân cho biết nhờ có Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá cung cấp thực phẩm, xăng dầu, mỗi năm các tàu đánh bắt xa bờ đến làm ăn tại quần đảo Trường Sa suốt 7-8 tháng mới vào đất liền, nghỉ vài ngày rồi tiếp tục đi nữa.
Ở nhà lâu thì nhớ biển, nhớ Trường Sa. Điều để ngư dân yên tâm bám biển là quanh quần đảo Trường Sa có nhiều bãi ngầm san hô rất rộng lớn, thuận lợi cho các tàu thuyền vào neo đậu khi biển động.
Hơn nữa, nếu trên tàu lỡ có ai bị bệnh thì đã có các chiến sĩ Trường Sa hết lòng săn sóc giúp đỡ, từ việc thuốc men chữa bệnh đến dưỡng bệnh trên đảo, đều được các chiến sĩ và người dân trên đảo cưu mang như người thân ruột thịt.
Cần lắm những công trình nghiên cứu khoa học kỹ thuật
Đoàn ghé thăm các điểm đảo, đến thăm hỏi và tặng quà cho các hộ dân đang sinh sống trên đảo, khiến cho bà con ai cũng cảm động, lưu luyến.
Cả đoàn ai cũng bày tỏ là rất an lòng khi thấy đời sống của bà con khá đầy đủ, đảm bảo hạnh phúc gia đình. Từ cơ ngơi đàng hoàng, vật dụng thiết yếu như ti vi, quạt máy, điện thoại,… cũng có và nhất là con cái được học hành tử tế.
Vợ chồng anh Nguyễn Thành Hưng và chị Nguyễn Thị Trúc Hà có 2 con gái, từ giã quê nhà ở Khánh Hòa ra đây lập nghiệp đã hơn 2 năm. Cầm món quà do đoàn công tác trao tặng, anh chị cảm động không nói nên lời, trước tình cảm đồng bào ruột thịt của bà con ở đất liền luôn nhớ về người dân nơi đảo xa.
Chị Trúc Hà chúc cho đoàn về đất liền bình yên và gửi lời thăm bà con trong ấy bằng tình cảm sâu đậm nghĩa tình của người dân Trường Sa.
Tại buổi lễ tổng kết chuyến đi trên tàu, Chuẩn tướng Lê Minh Thành Phó Tư lệnh Quân chủng Hải Quân, Phó trưởng đoàn công tác- chân tình:
“Để Trường Sa phát triển một cách thuận lợi, bền vững, thì cần lắm những công trình nghiên cứu khoa học kỹ thuật thiết thực phục vụ trong cuộc sống của quân và dân Trường Sa. Tôi mong mỏi các đồng chí sau khi về đất liền, sẽ có nhiều công trình, nghiên cứu sâu hơn và thực hiện một cách nhanh chóng, nhằm hỗ trợ quân và dân Trường Sa có cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.”
Tạm biệt Trường Sa nhưng hình ảnh Trường Sa- vùng biển đảo tuyến đầu của Tổ quốc- như vẫn còn mãi trong lòng chúng tôi.
Cả nước hướng về Trường Sa. Chung sức xây dựng Trường Sa để một ngày không xa, nơi đây sẽ là một trung tâm hậu cần nghề cá thực sự vững mạnh, góp phần cùng cả nước phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, du lịch… Đây là tiềm năng vô giá từ biển đảo của Tổ quốc.
NGUYỄN TƯỜNG LỘC
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin