Nói tới công tác văn công trong kháng chiến, tôi không thể nào quên những con người, những chuyện vui cười đã ăn sâu trong ký ức của mình.
TRỊNH VĂN LÂU
Nói tới công tác văn công trong kháng chiến, tôi không thể nào quên những con người, những chuyện vui cười đã ăn sâu trong ký ức của mình.
Theo nhận thức của riêng tôi, về việc phát động tinh thần nhân dân, cán bộ, chiến sĩ trong kháng chiến, không có loại hình hoạt động nào có khả năng thâm nhập nhanh, thu hút mạnh, nhập tâm sâu và hấp dẫn khán giả bằng các đoàn văn công.
Vĩnh Long- Trà Vinh được sáp nhập thành tỉnh Vĩnh- Trà từ đầu năm 1951. Những năm 1951- 1954, Vĩnh Trà bị địch tập trung lực lượng càn quét chiếm đóng, đồn bót dày đặc khắp tỉnh.
Cơ quan lãnh đạo cấp tỉnh bí mật chuyển về trú ở khu rừng Duyên Hải (Trà Vinh). Nói rừng cho oai chứ chỉ có một lõm cây tạp, xen dừa nước ở liên xã Long Vĩnh- Long Toàn, bốn bề đồn bót bao vây, súng trường của đồn giặc bắn đạn bay vèo ngang nóc chòi.
Cơ quan Ban Tuyên huấn, tổ chức của tỉnh được bố trí nằm rải rác nhiều điểm ở 2 bên ngọn rạch Cải Cỏ. Mới sáp nhập nên nhân viên cấp dưới ít biết nhau. Tuy vậy, nhân ngày tết hoặc lễ lớn, cơ quan tổ chức ăn mừng, vui chơi đúng quy định bảo mật. Đây là dịp toàn cơ quan quen biết nhau.
Tôi từ làm quen, chơi thân dẫn tới thích anh Bỉnh vì cái tài tổ chức vui chơi rất bài bản của anh. Tôi thỏ thẻ nói với anh Chính Bôn (tức là Mười Khẩn, Mười Thơ) đang làm Phó ban: “Anh giao cho Bỉnh làm nhà in là trái năng khiếu của ảnh rồi”.
Lối tháng 3/1954, tôi được điều đi làm chính trị viên một đại đội địa phương quân tỉnh. Đại đội này cùng với 3 đại đội khác được giao nhiệm vụ phối hợp với chiến trường Điện Biên Phủ tấn công gỡ các đồn bót địch, mở rộng vùng căn cứ của tỉnh và tạo các lõm căn cứ cho các huyện.
Một đêm trăng sáng, địa phương báo tin đêm nay có đoàn văn công tỉnh về phục vụ đồng bào và bộ đội. Ai nấy đều vui mừng hớn hở. Mới chạng vạng tối, hàng ngàn người từ khắp nơi kéo tới khu đất trống ở Cồn Ông (xã Trường Long Hòa).
Các ông bà già, có người chống gậy; có đủ nam nữ thanh niên, trẻ em; thậm chí nhiều chị bồng con còn bú tới dự. Tuy đông nhưng rất im lặng vì phải cảnh giác máy bay trinh sát ban đêm, và canh chừng đại bác từ Long Toàn bắn bất thường.
Đoàn phục vụ rất nhiều tiết mục: đơn ca, song ca, ca tập thể, kịch nói, múa, tuồng cải lương. Nghe giới thiệu, ai nấy vỗ tay tán thưởng.
Tiết mục gây ấn tượng nhất là bài hát kiêm múa vũ mang tên “Mùa hoa nở”, với câu mở đầu là “Dân Liên Xô ca múa trên đồng quê”. Giọng hát êm tai mà múa cũng dịu dàng bắt mắt. Hát múa vừa xong, diễn viên chưa kịp chào thì có nhiều tiếng kêu lớn: “Yêu cầu hát múa tiếp!”
Cứ như thế, hát múa lần thứ hai mà vẫn còn yêu cầu, buộc lãnh đạo đoàn phải xin lỗi để cho qua tiết mục mới. Tôi hỏi các chiến sĩ đứng gần sao mà cứ yêu cầu mãi vậy, có cậu nói: “Hát cũng hay mà múa cũng hay, tôi thích nghe hoài tiếng “Liên Xô” và tiếng “đồng quê”. Sao mà họ giống xứ mình quá vậy?”
Đã quá nửa đêm mà không ai chịu ra về. Đoàn tuyên bố hết chương trình, cả đoàn xếp hàng chào khán giả. Tôi thay mặt đơn vị lên bắt tay cảm ơn đoàn. Tôi chưng hửng nhìn kỹ lại trưởng đoàn, té ra là anh Bỉnh. 2 chúng tôi chỉ còn đấm lưng, vả mặt nhau cho đã! Rồi mỗi người một ngã.
***
Thực hiện Hiệp định Genève, tôi theo đơn vị về miền Tây để tập kết. Dọc đường được giữ lại, phân công về công tác ở Vĩnh Long. Chẳng biết cán bộ dân- chánh- đảng của tỉnh được sắp xếp ra sao.
Những tháng chưa hoàn thành tập kết, cán bộ được bố trí ở lại không được về thăm nhà, không được liên hệ với ai. Một hôm, đi công tác xã Hòa Bình, tình cờ tôi gặp Bỉnh tại nhà một cơ sở. 2 đứa chỉ đá lông nheo rồi đi như chẳng quen biết.
Hơn 6 năm đấu tranh chính trị theo pháp lý Hiệp định Genève, biết bao nhiêu mất mát hy sinh. Địch trắng trợn phản bội Hiệp định, tiến hành chiến tranh đơn phương, “tố cộng diệt cộng”, đàn áp cưỡng ép nhân dân. Không còn điều kiện đấu tranh hợp pháp nữa nhưng Trung ương vẫn chưa cho chuyển hướng đấu tranh.
Phong trào đấu tranh của nhân dân đã chìm sâu tới đáy biển, nhưng căm thù uất hận chồng chất ngày càng dâng cao hơn ngọn núi. Vĩnh Long cùng nhiều tỉnh buộc phải xé rào, diệt ác trừ gian, lập đơn vị vũ trang ngụy trang là giáo phái.
Tức nước vỡ bờ, khi được Trung ương cho phép võ trang tự vệ thì phong trào Đồng Khởi vùng lên như thác đổ. Chỉ trong mấy tháng đã quét sạch bộ máy kiềm kẹp và đồn bót địch ở nông thôn, đẩy địch ra vùng quanh thị xã, thị trấn và đường giao thông lớn.
Lối tháng 4/1961, tôi được chỉ định làm Bí thư Tỉnh ủy vì anh Lê Hà (Bảy Trấm) vừa mới hy sinh.
Nhu cầu cấp bách là cần tăng cường cán bộ cho bộ máy chuyên môn cấp tỉnh để đảm bảo công việc ngày càng nhiều. Tôi sực nhớ anh Bỉnh, và nhớ cả nơi đã gặp ảnh, nhờ người tìm giúp. May là anh ấy còn sống.
Tôi đề nghị bổ sung anh vào Ban Tuyên huấn, phụ trách mảng tuyên truyền cổ động phong trào. Hoạt động văn công bắt đầu khởi sắc. Loại hình ngày càng phong phú: Ngoài ca tân nhạc, múa, còn có cả cổ nhạc, tuồng cải lương, kịch nói,...
Về chất lượng phong trào, vừa thu hút vừa đào tạo, từng bước có một số nghệ nhân nổi danh, được khán giả tán thưởng. Điển hình có cô Thu Hương ca vọng cổ mùi ai cũng mê mẩn.
Thậm chí khi được tin có đoàn văn công về, họ tìm hiểu, nếu có Thu Hương thì kéo nhau đi rất đông, nếu vắng Thu Hương thì kẻ đi người không. Mẩu chuyện vui mà ai cùng thời thuở đó đều biết rõ, đó là một đêm mùa nước nổi, đoàn văn công lựa một điểm trung tâm thuận lợi cho các vùng xung quanh tới dự.
Nhiều người bận việc nên đi trễ thì quần dài cột cổ, áo quấn ngang bụng, lội tắt đồng cho nhanh. Có đơn vị võ trang ỷ sức trẻ, đẩy xuồng trên ruộng đi tắt từ kinh này sang kinh kia để tới nơi kịp giờ biểu diễn. Tới nơi ai nấy mệt lã người, vừa thở vừa lau mồ hôi, mà còn hứng lên ngâm thơ: “Vì Thu Hương mà các anh chẳng nệ gian lao!”
Khả năng thâm nhập nhanh, sức thu hút mạnh, nhập tâm sâu và hấp dẫn khán giả của đoàn văn công trong kháng chiến là thế đấy!
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin