Ký ức tháng tư

03:05, 02/05/2016

Những trang lịch sử không thể chuyển tải hết những câu chuyện, từng phận người đi qua chiến tranh ác liệt đã góp phần làm nên chiến thắng hào hùng của dân tộc. Và khi thời gian ngày càng phủ mờ lên quá khứ, những chứng nhân lịch sử rồi cũng chẳng còn mấy ai…

>> 41 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước

Những trang lịch sử không thể chuyển tải hết những câu chuyện, từng phận người đi qua chiến tranh ác liệt đã góp phần làm nên chiến thắng hào hùng của dân tộc. Và khi thời gian ngày càng phủ mờ lên quá khứ, những chứng nhân lịch sử rồi cũng chẳng còn mấy ai…

Do đó, chúng tôi trân trọng ghi chép lại lời của những chứng nhân lịch sử, để những thế hệ tiếp nối cảm nhận được rằng: Mỗi phút giây mình đang sống, luôn mang nặng “món nợ” xương máu, ân tình của thế hệ cha ông đã dâng hiến đời mình cho chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.

Mệnh lệnh của trái tim

Không phải mỗi khi đến ngày kỷ niệm của lịch sử, khi có phóng viên báo, đài đến “bắt cóc” (theo từ của ông), thì người cựu chiến binh ấy mới nhắc đến đồng đội, nhắc về chiến tranh và đặc biệt là thời khắc lịch sử 30/4/1975- khi những cánh quân của ta đã chạm ngõ đô thị Vĩnh Long thân yêu; mà suốt 41 năm nay, ông luôn đau đáu về những đồng đội còn mất, về những người dân kiên trung một lòng với sự nghiệp cách mạng, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Chúng tôi vẫn thích gọi ông bằng biệt danh thân thương “chú Mười Quẹo”. Ông là nguyên Chính trị viên phó Tỉnh đội Vĩnh Long Nguyễn Văn Út.

Ông Nguyễn Văn Út- nguyên Chính trị viên Phó Tỉnh Đội Vĩnh Long.
Ông Nguyễn Văn Út- nguyên Chính trị viên Phó Tỉnh Đội Vĩnh Long.

Tuy nhiên, câu chuyện mở đầu bằng hình ảnh bình dị của hai bà má, thể hiện tình cảm gắn bó máu thịt quân dân, cũng là để giải thích cho sức mạnh vô địch của quân đội ta- quân đội của nhân dân, tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân tiếp nối truyền thống lịch sử ngàn năm của dân tộc.

Đó là một bà má Hai ở miệt Châu Thành (Đồng Tháp), vào cái thời địch lập ấp chiến lược nhằm tách rời dân với bộ đội; nhưng má vẫn nấn ná chờ đến trời sập tối, bất chấp hiểm nguy để nấu nồi cơm “cho tụi bây công tác khuya về có cái lót bụng”.

Chú Mười xúc động nhớ lại:

“Đêm đó, đến 2 giờ sáng, anh em quay về ai cũng mệt lữ, bụng đói meo thì đúng là có nồi cơm đầy trên bếp. Chỉ là cơm nguội chan với nước mắm, mà sao nghe nó ngọt từ trong ruột.

Nhai miếng cơm mà thấy thương lắm, thắm thía lắm cái sức mạnh dựa vào dân. Sau ngày giải phóng, chú với các anh em trở về thăm và tặng má Hai cái mền, rồi phát biểu mấy câu cảm ơn. Má cười đúng kiểu hào sảng Nam Bộ rồi mắng yêu: “Mồ tổ mày, giờ mày bày đặt lý luận chính trị với má hả?”

Một câu chuyện khác về bà má sau một trận đánh. Mặc vườn tược, nhà cửa tan hoang vì bom đạn, khi bộ đội củng cố đội hình chuẩn bị hành quân, má lật đật kêu con gái bắt gà nấu cháo cho bộ đội ăn.

Cô gái thiệt thà: “Má ơi, nhà mình chỉ còn con gà mái ấp”. Má nạt: “Bộ gà mái ấp rồi ăn không được hả? Có 10 con gà ấp cũng mần cho mấy anh ăn”. Dân thương bộ đội mình vậy đó, hỏi sao mình không “oánh chết bỏ” với giặc được!

Đây không phải là những câu chuyện tiêu biểu, mà chỉ là chuyện bình thường như biết bao câu chuyện bình thường đã diễn ra thầm lặng trong suốt những năm tháng đấu tranh.

Nó nói lên một điều rằng, toàn dân ta đã thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” và đó là gốc rễ làm nên sức mạnh chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược.

“Giờ G, ngày N”

Chiến trường Vĩnh Trà là trọng điểm 2 của Quân khu, nên mọi hoạt động, mọi diễn biến trên chiến trường này đều được Bộ Tư lệnh tiền phương nắm rõ mà chỉ đạo trực tiếp và có quyết định tối cao là các đồng chí: Ba Trung, tức Trung tướng Nguyễn Đệ- Tư lệnh tiền phương; đồng chí Bảy Máy, tức La Lâm Giang- Thường vụ Khu ủy và đồng chí Sáu Ức, tức Nguyễn Ký Ức- Khu ủy viên, Bí thư Tỉnh ủy.

Nói về công tác chuẩn bị giải phóng Vĩnh Long, chú Mười Quẹo chân thành bộc bạch: “Ngay từ cuối năm 1973, Bộ Tư lệnh Quân khu đã có tầm nhìn chiến lược rồi, trong khi đó, là Chính trị viên Phó Tỉnh Đội mà tôi vẫn chưa hiểu được.

Đến năm 1974, đồng chí Sáu Ức đã điều chuyển cán bộ cốt cán, tập trung cho mục tiêu đầu não địch ở Vĩnh Long. Tôi được điều về làm Thị đội trưởng Thị đội Vĩnh Long, có nhiệm vụ quan trọng là dọn đường, “lót ổ” cho những mũi tiến quân của ta sau này khi áp sát đô thị vào “Giờ G, ngày N”.

Ngay như đồng chí Hai Hoàng từ Trà Ôn được điều về TX Vĩnh Long, dù mình còn mang thương tích, vết thương vẫn còn chảy máu mà vẫn phải chấp hành nghị quyết”.

Chú Mười Quẹo kể về công tác chỉ đạo của Quân khu: “Đồng chí Ba Trung lệnh cho tôi tới “ngày N” thì đồng chí Mười Quẹo phải có nhiệm vụ “lót ổ” bên trong, cũng như các mũi tiến công vào phải được “lót ổ” sẵn sàng.

Lần này, về phía Quân khu có Trung đoàn 3 và Trung đoàn 1, có pháo 105mm và các binh chủng phối hợp. Về phía Tỉnh Đội có 4 tiểu đoàn bộ binh.

Với các hướng tiến vào sân bay là bờ Bắc lộ 4 (QL1A ngày nay) kéo dài đến Bắc Mỹ Thuận, hướng này do các đồng chí: Hai Thắng, Tám Chè, Mười Sa. Còn tôi kết hợp phía Trung đoàn là hướng từ các phường: 3, 4, 5, 2 tiến vào Phường 1.

Phường 3 là một trong những mũi tiến công chính vào TX Vĩnh Long của quân ta.
Phường 3 là một trong những mũi tiến công chính vào TX Vĩnh Long của quân ta.

Các hướng tiến công áp sát thị xã đảm bảo đủ mạnh, không bị bất ngờ, đủ sức bẻ gãy những phản kháng cuối cùng của địch, trong trường hợp xấu nhất xảy ra.

Khoảng 7- 8 giờ đêm 30/4, các cơ sở nội ô của ta đều ra mặt giải tán lực lượng phòng vệ; bộ đội khu đã ém sát thị xã nhưng địch không dễ chịu buông xuôi.

Lúc đó, đồng chí Dũng luôn theo sát tôi phụ trách máy truyền tin cho hay, địch ở đồn Giáp Nước còn bắn mười mấy quả cối, làm ta bị thương 7-8 người.

Hơn 9 giờ, đồng chí Ba Trung lên máy liên lạc với tên Đại tá Thành, thông báo: Tướng Dương Văn Minh đã đầu hàng, tướng Vùng 4 Nguyễn Khoa Nam đã đầu hàng, đề nghị lệnh quân đội buông súng, ngày mai gặp để bàn giao chính quyền.

Tuy nhiên, Đại tá Thành ngoan cố nói cứng: “Tướng Dương Văn Minh đầu hàng, Tướng Nguyễn Khoa Nam đầu hàng, nhưng Đại tá Thành chưa biết đầu hàng”.

Tuy nhiên, khi sự tự tan rã của các lực lượng địch, sự hỗn loạn của các cánh quân đổ về đầy trên lộ 4 thì cuối cùng Đại tá Thành đồng ý gặp đại diện của ta.

Đồng chí Ba Trung giới thiệu đồng chí Sáu Bá với tư cách là sĩ quan liên lạc Bộ Tư lệnh tiền phương gặp Đại tá Thành tiếp nhận bàn giao chính quyền. Có thể nói kể từ giây phút đó, TX Vĩnh Long được giải phóng.

Đến khoảng 8 giờ sáng ngày 1/5, các cánh quân chủ lực của ta tiến vào TX Vĩnh Long, người dân háo hức mở cửa, vỗ tay chào đón bộ đội. Đó thật sự là những giây phút khó quên, lòng người lâng lâng cảm giác vui sướng mà nước mắt chực trào ra.

Thắm thoát đã 41 năm rồi, câu chuyện của một cựu chiến binh vẫn còn dài lắm, còn nhiều trăn trở lắm về những đồng đội đã ra đi và những người thân của họ vẫn còn nhiều khó khăn. Vậy nên, ở tuổi 80, chú Mười vẫn tiếp tục “món nợ” ân tình với những đồng đội thân yêu máu thịt, đã cùng mình từng “vào sinh, ra tử”.

Và chú vẫn muốn tiếp tục là “người kể chuyện” cho thế hệ trẻ hiểu được cái giá của độc lập tự do, đồng thời thêm trân trọng những mốc son lịch sử nước nhà.

 

Trưa 1/5, chú Mười Quẹo đích thân vào Khám lớn Vĩnh Long, lệnh giám thị mở khóa ngục giải phóng cho những đồng chí tù chính trị cuối cùng còn bị giam ở đây. Một ngày đáng nhớ trong đời, niềm vui riêng của mọi người hòa vào niềm vui chiến thắng chung của toàn dân tộc.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh