Hệ lụy từ việc dần mất rừng và hiện tượng "sa mạc hóa" Tây Nguyên đã hiển hiện khá rõ nét. Lượng mưa cuối năm 2014 ở Tây Nguyên giảm đáng kể, dẫn đến mùa khô năm 2015 các hồ, đập vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ nước cạn kiệt.
Mặn xâm nhập gây thiệt hại nghiêm trọng nhiều hoa màu của người dân ĐBSCL. |
Hệ lụy từ việc dần mất rừng và hiện tượng “sa mạc hóa” Tây Nguyên đã hiển hiện khá rõ nét. Lượng mưa cuối năm 2014 ở Tây Nguyên giảm đáng kể, dẫn đến mùa khô năm 2015 các hồ, đập vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ nước cạn kiệt.
Một số khu vực của các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận khô hạn nghiêm trọng. Nhiều sông, suối là nguồn nước duy nhất cung cấp cho sản xuất và đời sống người dân- giờ đã nứt nẻ. Có nơi, ngay lòng sông người ta đào tiếp xuống vài chục mét vẫn chưa tìm thấy nước!
Không dừng lại ở các tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, mà nghiêm trọng hơn, ngay từ đầu năm 2016 này, vùng ĐBSCL đã gánh chịu nắng hạn và những đợt nước biển xâm nhập mặn sâu vào đất liền chưa từng có trong lịch sử.
Các tỉnh vùng rốn “nước ngọt quanh năm” như Vĩnh Long, Hậu Giang và cả TP Cần Thơ cũng bị nước mặn tấn công, khiến nhiều diện tích lúa, cây ăn trái và hoa màu thiệt hại nặng nề, gây rất nhiều khó khăn cho người dân trong trồng trọt, nuôi thủy sản.
Trước đây, rừng Tây Nguyên có độ che phủ lớn luôn tạo ra độ ẩm và mưa nhiều. Lượng nước mưa này ngoài phần giữ lại nuôi mảng rừng dày phát triển bền vững thì phần lớn chảy về sông Sêrêpôk, Sê san cùng nhiều sông, suối khác… đưa nguồn nước dồi dào bổ sung vào dòng chính của sông Mekong;
một phần trữ lại cho hồ Lăk, phục vụ các nhà máy thủy điện và các hồ nhỏ, một phần ngấm vào lòng đất thành hệ thống nước ngầm, cung cấp nguồn nước ổn định cho các tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung Bộ sản xuất và sinh hoạt.
Thời gian gần đây, rừng Tây Nguyên bị băm nát, nhiều sông suối cũng bị chặn để phát triển thủy điện...
Tất cả đã dẫn đến những hệ lụy vô cùng khốc liệt! Mà không chỉ có Tây Nguyên, nhiều vùng rừng núi trên toàn lưu vực sông Mekong- kể cả lưu vực biển Hồ- nơi tích trữ, điều tiết nước ổn định cho Campuchia và ĐBSCL cũng có tình trạng tương tự.
Hệ quả từ đó đang làm cho hạ nguồn dòng Mekong- nơi luôn ngập tràn nước lũ trước đây- nay càng trở nên khô hạn trầm trọng.
Thời điểm này, ĐBSCL đang trong giai đoạn tập trung phòng chống hạn và xâm nhập mặn- việc làm chưa từng có!
Ông Ma Quang Trung- Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp- PTNT nhấn mạnh: “Lưu vực sông Mekong những năm gần đây có lượng mưa không tăng, mà xu hướng giảm thấy rõ, sẽ dẫn đến tình trạng khô hạn và nhiễm mặn khủng khiếp ở khu vực ĐBSCL”.
Đây mới chỉ đề cập ở điều kiện bình thường, chưa tính đến kịch bản thời tiết cực đoan của bão lũ, hoặc ảnh hưởng băng tan, nước biển dâng thêm trên dưới một mét nữa,… thì kết cuộc mang đến cho vùng này là những hậu quả khó lường!
Trong khi chờ kế hoạch hành động của Ủy ban Hợp tác sông Mekong giữa các quốc gia vì sự sống của hàng chục triệu người trong lưu vực, trước mắt ta phải biết tự cứu lấy mình!
Tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT Cao Đức Phát đã cam kết trước cử tri cả nước: “Bảo vệ, phát triển rừng Tây Nguyên là nhiệm vụ trung tâm của ngành nông nghiệp!” Và giải pháp phòng chống, thích ứng với khô hạn và xâm nhập mặn ĐBSCL đang được cả hệ thống chính trị cũng như các nhà khoa học khẩn trương vào cuộc.
Theo GS.TS Võ Tòng Xuân: “Đừng nên xem nước mặn như kẻ thù, mà chúng ta phải biết thích ứng, biết dùng nó, biết chọn những cây trồng, vật nuôi đạt giá trị cao sản xuất ngay trong vùng bị nhiễm mặn”.
Như vậy, trước thực trạng hạn có thể xảy ra thường xuyên, mặn có thể xâm nhập sâu và nghiêm trọng hơn- các tỉnh Tây Nguyên cũng như ĐBSCL- phải có nhìn nhận mới, đúng cho sự điều chỉnh căn bản về kế hoạch sản xuất nông nghiệp của từng vùng.
Có cần hay không- các địa phương gần biển thuộc Kiên Giang, Cà Mau, Bến Tre hoặc một số địa phương vùng cao như Gia Lai, Đăk Lăk lại khuyến khích trồng lúa nước, khi mà ngay tại vùng trồng lúa thuận lợi nhất, mà lâu nay người dân vẫn còn nghèo?
Thay vào đó những cây trồng, vật nuôi phát triển thích nghi với điều kiện thường xuyên xảy ra khô hạn và đất nhiễm mặn.
Sông Cửu Long dự báo sẽ không còn nước lũ và kiệt sâu vào mùa nắng… |
Được biết trên thế giới, Hà Lan đã trồng được khoai tây ngay tại vùng đất nhiễm mặn. Đến lúc Việt Nam ta cũng cần làm theo cách sản xuất này. Cũng như Bạc Liêu đã có giống lúa chịu mặn cho năng suất cao và chất lượng tốt. Ven biển cần tiếp tục đầu tư trồng rừng, vì đây là giải pháp rẻ nhất để ứng phó với thiên tai, nước biển dâng và biến đổi khí hậu.
|
Có 600.000 người ở ĐBSCL thiếu nước ngọt. Bến Tre có 62/66 xã bị nước mặn xâm nhập; 90.000 hộ dân thiếu nước ngọt cho sinh hoạt; giá nước ngọt có nơi người dân phải mua 200.000 đ/m3. |
Thực tế, chúng ta cũng đã từng có những người dám “xé rào” không làm lúa mà cho nước mặn vào nuôi tôm ở Cà Mau mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Hay như ông Nguyễn Minh Phiên ở xã Bảo Sơn (huyện Lục Nam- Bắc Giang) cố gắng bảo quản 100ha rừng, hết lòng lo trồng rừng, bảo vệ môi trường và được rừng “nuôi sống”.
Nhiều người dân nông thôn ở các tỉnh Gia Lai, Kon Tum cũng nhận thức được rất rõ: “Có cây rừng tự nhiên che phủ, tạo độ ẩm cho đất là điều kiện cho mưa nhiều hơn, hệ sinh thái sẽ được cân bằng, thì khó có chuyện bị khô hạn, hay mưa lũ!”
Và nhiều mô hình ở ĐBSCL người dân biết tích trữ, điều tiết nước ngọt hợp lý cho phát triển ruộng lúa, vườn cây của mình…
Nghĩ về đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ, chúng tôi- những người đến từ ĐBSCL- đã xót xa. Chắc rằng người dân Tây Nguyên sẽ còn đau hơn. Ngay từ bây giờ, dù rất khó khăn nhưng mỗi chúng ta phải hành động “trồng cây gây rừng” mọi lúc mọi nơi, phải bảo vệ nghiêm ngặt và phát triển hợp lý rừng đầu nguồn.
Đừng vì 1% tăng trưởng để phải mất 3% cho khôi phục và bảo vệ môi trường. Phải có cuộc vận động quyết liệt và coi hành động “chặt một cây xanh là giết chết một con người” để giành sự sống cho chúng ta và các thế hệ mai sau.
Nếu không hành động tức thì, những thân cây rừng luôn bị triệt hạ, đất đai, đồng ruộng bị khô hạn, đàn vật nuôi chết vì đói khát,… chắc chắn đến lượt con người rồi cũng sẽ gặp nhiều khó khăn.
Kết thúc bài ký sự này, chúng tôi vẫn nghe văng vẳng bên tai bài hát “Một đời người một rừng cây” của nhạc sĩ Trần Long Ẩn: “… Có một cây là có rừng và rừng sẽ lên xanh, rừng giữ lấy quê hương…”
|
Theo BCĐ Trung ương về phòng, chống thiên tai, thiệt hại do hạn hán và xâm nhập mặn ở khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và ĐBSCL tính đến ngày 14/4/2016: Số hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt 338.849 hộ; thiệt hại về lúa là 240.215ha; thiệt hại về hoa màu là 18.335ha; thiệt hại về cây ăn quả 55.651ha; thiệt hại về cây nông nghiệp là 104.106ha; thiệt hại về thủy sản 4.461ha. Tổng thiệt hại ước tính là 5.572 tỷ đồng. |
Bài, ảnh: TRẦN ÚT
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin