Nói đến sách cũ, nhiều người sẽ nghĩ đến những quyển sách có phần "không lành lặn", nằm ở những hộc tủ hay một góc nào đó trong gia đình. Thế nhưng đối với người yêu sách, thì sách cũ chứa trong nó không chỉ là kiến thức mà còn là những giá trị văn hóa.
Thời gian dừng lại ở những cuốn sách mà tuổi đời có khi còn nhiều hơn cả người chủ đang sở hữu chúng |
Nói đến sách cũ, nhiều người sẽ nghĩ đến những quyển sách có phần “không lành lặn”, nằm ở những hộc tủ hay một góc nào đó trong gia đình. Thế nhưng đối với người yêu sách, thì sách cũ chứa trong nó không chỉ là kiến thức mà còn là những giá trị văn hóa.
“Thú” sưu tầm sách cũ
Chúng ta đang sống trong thời đại số, thời đại mà nhiều người trẻ cho rằng sách sẽ không cần thiết nữa.
Đơn giản vì họ nghĩ, cần thông tin gì đó chỉ cần lên mạng tìm là có ngay. Bên cạnh đó, nếu muốn mua sách thì cũng rất đơn giản, bạn có thể mua ở những cửa hiệu sách đang phổ biến, hoặc cũng có thể mua sách trên những website chuyên kinh doanh sách.
Với người yêu và muốn sưu tầm sách cũ thì chuyện cũng thế. Tuy nhiên, điều khác là họ không tìm ở những nhà sách mà họ thường lân la ở những cửa hàng sách cũ.
Người chơi sách cũ xem chuyện sưu tầm sách như một thú vui, xem chuyện gìn giữ kiến thức là một điều rất đỗi thiêng liêng. Bằng nhiều cách khác nhau, họ có thể tìm được những quyển sách quí có tuổi đời có đến vài chục tuổi.
Đam mê sưu tầm sách cũ ngót mười năm nay, hiện anh T.S cũng có một gia tài với gần ngàn đầu sách. Anh cho biết, phần lớn sách anh sưu tầm được là những quyển được xuất bản trước năm 1975, của một số nhà xuất bản hiện đã không tồn tại như NXB Khai Trí, Sài Gòn, Thái Bạch…
Sách anh sưu tầm phần lớn là sách lịch sử, văn hóa các vùng miền, văn học, đặc biệt là sách nghiên cứu về vùng đất Nam bộ của những nhà nghiên cứu lỗi lạc như Vương Hồng Sển hay Sơn Nam.
Đối với anh, việc gặp được một quyển sách hay nó như một cái duyên, không phải muốn mà được, ví như quyển Việt Nam Sử Lược của tác giả Trần Trọng Kim xuất bản năm 1949. Với quyển sách này, anh đã gặp nó ở một cửa hàng sách cũ, nhưng chậm hơn người mua cùng nên đành ngậm ngùi tiếc nuối.
Tuy nhiên, sau đó chừng một năm thì anh lại mua được nó trong một nhà sách cũ khác, ở một thành phố khác. Đây là cái duyên giữa người với sách
Đằng sau những trang sách ố vàng là bao kỷ niệm được trao tặng nhau. |
Bên cạnh những giá trị về mặt thông tin ở những quyển sách cũ mà hiện nay đã không còn xuất bản, thì một điều anh Sơn rất thích thú đó là bút tích còn được lưu giữ trong quyển sách cũ.
Có khi đó là chữ ký của tác giả, có khi đó là chữ ký tặng của những người bạn với nhau… Tất cả đều là những giá trị rất đáng được trân trọng, giữ gìn.
Người bán sách cũng là người yêu sách
Những trang sách nhuộm màu thời gian ấy, có một sức hút mãnh liệt với những ai đã “trót yêu” chúng.
Có những trường hợp quá yêu sách nên họ đã làm nghề bán sách cũ để trên cơ sở đó có điều kiện tiếp cận, trao đổi với nhau. Nhờ vậy, phần lớn những người bán sách cũ đều có chút vốn "lận lưng" là một tủ sách "gối đầu giường" mà đôi khi không giá nào mua được.
Là một người có tuổi đời còn rất trẻ, chỉ 25 tuổi, bạn Nguyễn Văn Thê (quê Sóc Trăng) đang sở hữu hơn 1000 quyển sách cũ, mà theo bạn thì nó rất quý.
Quyển sách cổ nhất mà Thê sở hữu là Từ điển Pháp Việt Phổ Thông của tác giả Đào Văn Tập của được xuất bản vào năm 1949, Hán Việt Từ Điển của Đào Duy Anh-NXB Minh Tân in năm 1951,…
“Hồi thời sinh viên, tôi rất mê sách nhưng không có tiền mua. Từ đó, tôi quyết tâm bán sách cũ để mình được thoải mái đọc sách, đồng thời cũng là để thỏa mãn thú sưu tầm sách cũ của mình”- Thê chia sẻ.
Người đươc mệnh danh là “đại gia sách cũ” ở Cần Thơ là ông Trần Văn Thiện, giới chơi sách còn gọi ông là Thiện Sách Cũ.
Ông Thiện theo nghề bán sách cũ hơn 20 năm, từ thuở còn bày hàng trên xe ba gác dưới gốc bồ đề của chùa Thới Long (gần cầu Nhị Kiều, quận Ninh Kiều), đến tiệm sách trên đường Mậu Thận từ những năm 2000, sau đó chuyển sang đường 3/2 và hiện dừng chân tại hẻm 1, đường 30/4, quận Ninh Kiều.
Hiện, ông Thiện đã mở thêm một chi nhánh tại phường 9, TP Vĩnh Long và mở hẳn một trang web có tên “Sách cũ Cần Thơ” chuyên trao đổi và bán sách cũ. "Tôi đến với nghề bằng tình yêu sách. Gặp một cuốn sách hay, xưa cũ nói về văn hóa, lịch sử, cảm thấy trân quý. Với tôi, bán sách cũ cũng là cách để gặp gỡ người đồng điệu"- ông Thiện Sách Cũ chia sẻ.
Bác sĩ của sách
Sách cũ có nhiều cuốn vốn dĩ không lành lặn. Do đó, có người chơi thì cũng có người sửa chữa, làm mới chúng lại. Không cần quảng cáo, không biển hiệu treo trước cửa nhà, người chơi sách truyền tai nhau và căn nhà trên đường Lê Văn Tám, TP Vĩnh Long trở thành một địa chỉ quen thuộc đối với người yêu sách cũ.
Với công việc giản dị của mình, cô Q tỉ mẩn dùng nhíp gắp từng mảnh và đính từng trang sách lại với nhau. Những chồng sách cũ được xếp rất ngay ngắn, cuốn long gáy, cuốn rách bìa…phần lớn xuất bản từ năm 1975.
Từ gian hàng sách cũ của ông Thiện rất nhiều người đã tìm được cuốn sách mình yêu thích. |
Với sách bị long gáy, cô Q dùng chỉ khâu gáy chừng 20 trang sách thành một tệp. Cùng đường khâu đó, cô tiếp tục kết nối những trang sách khác theo số thứ tự trang cho đến khi khâu hết cả quyển sách.
Xong công đoạn khâu, người thợ đóng sách dùng một chiếc chổi nhỏ, quệt hồ vào gáy sách. Để chừng 30 phút chờ hồ khô, cô tiếp tục phết thêm một lớp hồ nữa rồi dán bìa phụ bằng giấy các-tông mỏng lên.
Cô Q cho biết, cô đến với nghề sửa sách cũ cũng rất tình cờ. Vốn từ nhỏ cô đã chứng kiến cha mình tỉ mẩn với những cuốn sách cũ, rồi dần dà cô cũng học được cách sửa sách. Cũng từ đó mà cái nghề “khâu vết thương” cho sách đã gắn bó với cô cho tới hôm nay.
Cô Q tâm sự, cũng nhiều lúc muốn bỏ nghề, thế nhưng thấy có nhiều người yêu sách họ tìm đến nhờ sửa lại cô không nỡ từ chối. “Chỉ những người đam mê, quý và trân trọng, coi sách như tài sản, mới chịu bỏ ra vài chục ngàn để nhờ tôi đóng lại cuốn sách cũ. Với số tiền đó, họ có thể ra ngay hiệu sách, rinh một cuốn mới phát hành”- cô Q vui vẻ nói.
Khó có thể khẳng định phong trào “chơi” sách cũ có tác động mạnh mẽ đến văn hóa đọc hay không, nhưng đây là những tín hiệu vui cho thấy giá trị của sách cũ vẫn tiếp tục lan tỏa, góp phần nuôi bền sức sống văn hóa đọc trong thời đại số.
Bài, ảnh: TRẦN NGỌC
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin