Trong lúc Việt Nam đang khốn đốn vì khô hạn, mặn xâm nhập, thì nước bạn láng giềng Campuchia cũng khổ sở vì khô hạn.
Trong lúc Việt Nam đang khốn đốn vì khô hạn, mặn xâm nhập, thì nước bạn láng giềng Campuchia cũng khổ sở vì khô hạn. Đời sống sinh hoạt hàng ngày, mùa vụ sản xuất của người dân rất khó khăn vì nguồn nước bị cạn kiệt.
Làm thế nào thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng là vấn đề đang đặt ra từ thực tế sản xuất ở vùng nội đồng Campuchia và ven biển ĐBSCL.
Campuchia: Tiết kiệm nguồn nước
Campuchia có 25 tỉnh, thành phố, với hơn 1.000 xã. Hiện nay, hầu như các tỉnh thành ở Campuchia đang đối mặt với hạn hán, trong đó có 7 tỉnh (với gần 50 xã) phải đối phó với tình trạng thiếu nước nghiêm trọng.
Như tỉnh Mondulkiri, Banteay Meanchey, Koh Kong, Kompong Cham, Kompong Thom, Kandal và Kro Ches…
Trong đó, 3 tỉnh Mondulkiri, Kompong Cham và Banteay Meanchey là khốc liệt nhất. Ở 3 tỉnh này, người dân hầu như không còn nước sinh hoạt vì nhiều giếng đã cạn, thậm chí các hồ chứa nước cũng trơ đáy.
Để hỗ trợ người dân vượt qua cơn khô hạn hiện nay, một mặt, Bộ Tài nguyên nước và Khí tượng Campuchia kêu gọi người dân giảm sử dụng nước tới mức tối thiểu cần thiết.
Mặt khác, bộ tập trung tạo các hồ chứa mới, đồng thời đào ao, tạo các con kênh dẫn nước cho người dân ở những nơi chưa có nguồn nước sử dụng.
Cuối tuần qua, chúng tôi tới khu vực sông Baribour thuộc xã Phsar (huyện Baribour, tỉnh Kampong Chhnang), nơi nước từ vùng núi Oral chảy qua đây vào Biển Hồ. Nước trong khúc sông này đã cạn kiệt. Người dân phải lấy nước từ nơi khác về dùng.
Chính quyền địa phương đã kêu gọi người dân tiết kiệm tối đa nguồn nước và đề phòng các loại dịch bệnh có thể xảy ra vào mùa khô.
Ông Eng Marin, một người dân sống ở đây cho biết gia đình ông có 3 giếng nước để phục vụ sinh hoạt hàng ngày nhưng hiện nay đều bị cạn hết. Gia đình ông phải đi gánh từng thùng nước từ một ngôi chùa cách xa khoảng một cây số.
Tình trạng khô hạn gay gắt kéo dài ở Campuchia không chỉ ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt của người dân, mà nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp cũng bị ảnh hưởng nặng. Việc thiếu nước sản xuất “góp phần” làm cho năng suất lúa của Campuchia sụt giảm đáng kể.
Tính đến cuối tháng 3, khoảng 500.000ha lúa mùa của Campuchia cơ bản đã thu hoạch xong, nhưng năng suất trung bình chỉ đạt 3 tấn/ha (giảm so với các năm trước).
Để bù lại phần sụt giảm năng suất này, Bộ Nông - Lâm - Ngư nghiệp Campuchia khuyến khích nông dân gieo cấy trong mùa khô để bù đắp sự sụt giảm sản lượng trong mùa mưa.
ĐBSCL: Tìm giải pháp thích ứng với mặn
Tại ĐBSCL, chỉ duy nhất tỉnh Đồng Tháp chưa bị nước mặn uy hiếp. Đi dọc đường biên trong mùa khô bỏng rát, đập vào mắt chúng tôi là ruộng lúa cằn cỗi, đất đai nứt nẻ. Nhiều nơi, người dân phải bơm chuyền 2 - 3 bậc mới lấy được nước tưới cho rau màu.
Trong khi đó, về các tỉnh ven biển, nước mặn có nơi lên đến 15 - 20‰, nước thậm chí không thể rửa mặt được vì mặn rát. Hiện ĐBSCL bước vào giai đoạn khốc liệt nhất của mặn xâm nhập và hạn hán, với 10 tỉnh công bố thiên tai về tình hình này, hàng chục hộ gia đình thiếu nước ngọt sử dụng, cây cối, đồng ruộng xác xơ.
Nông dân xã Lộc Ninh (huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu) canh tác mô hình tôm - lúa cho hiệu quả cao (Ảnh: TẤN ĐẠT) |
Trước thực tế trên, thích ứng với hạn, mặn là vấn đề đang được các chuyên gia, các nhà khoa học, lãnh đạo các địa phương và ngành nông nghiệp đưa ra bào thảo.
Tại nhiều cuộc họp, hội nghị, hội thảo liên tục được tổ chức gần đây, ý kiến chung của các chuyên gia là phải xem nước mặn như một nguồn tài nguyên, tư duy mặn là kẻ thù không còn phù hợp.
Theo GS-TS Võ Tòng Xuân, đến lúc phải chấp nhận và thích ứng với nước mặn. Tại vùng ven biển nhiễm mặn, người dân nên chuyển từ chuyên trồng lúa sang mô hình canh tác bền vững như quy trình lúa - tôm, tức là trồng vụ lúa khi mùa mưa bắt đầu, đến khi mưa hết thì lúa cũng thu hoạch xong.
Tiếp đó, nông dân cho nước mặn vào ruộng để nuôi tôm, cua… “Huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) đã thực hiện phương pháp này và lợi gấp 4 - 5 lần trồng lúa. Nhiều huyện ven biển khác cũng đang áp dụng và đem lại lợi ích cao”, GS-TS Võ Tòng Xuân nói và cho biết các vùng ven biển ở Indonesia thường nuôi tôm và mang lại hiệu quả cao.
Tại đây họ còn trồng các loại cây đước để lọc nước phục vụ nuôi trồng, bên cạnh việc xây dựng hệ thống tháo nước để xử lý vệ sinh. Sự chuyển đổi trên theo GS Xuân là hợp với quyết định của Chính phủ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển đất lúa sang nuôi trồng cây, con có giá trị.
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nhiều năm nghiên cứu về ĐBSCL, cũng khuyên người dân nên dần thích ứng bằng cách chuyển đổi sang hệ thống canh tác mặn. Canh tác lúa trong điều kiện khắc nghiệt ven biển đã không còn phù hợp, mà canh tác lúa trong mùa khô ven biển lại càng không phù hợp hơn.
Theo ông Thiện, ở ven biển, người dân vẫn có thể canh tác lúa nhưng luân canh lúa - tôm với một vụ lúa trong mùa mưa và vụ tôm trong mùa mặn.
Thay vì đầu tư vào những công trình “vĩ đại” để kiểm soát mặn triệt để với những hệ quả chưa lường hết được, thì Việt Nam nên làm những công trình vừa phải ở cấp địa phương, kiểm soát mặn theo mùa và đầu tư giúp người dân chuyển đổi
Tuy nhiên, điều quan trọng là cần phải bình tĩnh, không nên lấy một sự kiện cực đoan, làm chuẩn cho chiến lược lâu dài.
Đối với sản xuất, trong tình huống cực đoan, cách tốt nhất là dựa vào dự báo để tránh thiệt hại, có thể bằng cách thay đổi lịch thời vụ, thay đổi phương thức canh tác, hoặc tránh xuống giống hẳn cho năm đó.
Đối với nước sinh hoạt, nếu biết trước sẽ có hạn hán, các biện pháp tích cực trích trữ nước trong kênh mương, ao hồ địa phương có thể được tiến hành sớm. Cần chiến lược an ninh lương thực và hỗ trợ người dân chuyển đổi sản xuất.
Để phòng tránh và thích ứng với mặn xâm nhập, các chuyên gia cho rằng giải pháp là phải có trước thông tin dự báo.
Thông tin dự báo nếu đến được người dân và nhà quản lý trước từ 3 - 6 tháng, họ sẽ có kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho hợp lý, tránh xảy ra mất mùa. El Nino và La Nina có từ rất lâu đời, và thường có chu kỳ dài ngắn khác nhau, nhưng có quy luật khá rõ ràng.
Vì vậy các nhà quản lý phải biết đưa các trị số tác động của hai hiện tượng thời tiết này vào quy hoạch ở tần suất bảo đảm, để giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất và đời sống của người dân.
Theo Bộ Xây dựng, một trong những giải pháp để thích ứng với hạn, mặn hiện nay là hoàn chỉnh hệ thống cấp nước liên vùng. Toàn vùng ĐBSCL hiện có khoảng 350 nhà máy nước tập trung, trong đó, 126 nhà máy nước sử dụng nguồn nước dưới đất và 224 nhà máy nước sử dụng nguồn nước mặt từ sông Tiền, sông Hậu và các nhánh. Theo Quy hoạch cấp nước, đến năm 2030 sẽ xây dựng hệ thống cấp nước liên vùng kết hợp với các nhà máy nước hiện có và các nhà máy nước xây mới tại các tỉnh, đáp ứng cho 100% dân số khu vực nội thị và 90% dân số khu vực ngoại thị, 25% dân số nông thôn được cấp nước từ hệ thống cấp nước tập trung đô thị. Trước mắt, có thể xây dựng đường ống nước thô lấy nước từ sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Cỏ cấp cho các tỉnh ven biển, như Tiền Giang đang xây dựng đường ống cấp nước cứu hạn cho huyện biển Gò Công… |
Theo SGGPO
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin