Đâu rồi đại ngàn Tây Nguyên?

06:04, 23/04/2016

"Hãy cứu lấy rừng, gắn với rừng, biết cách ứng xử với rừng, để dựa vào rừng mà sống!" là thông điệp dành cho mỗi chúng ta!

Nghĩ rằng những tư liệu ghi chép được của mình về Tây Nguyên sẽ mãi mãi nằm trong kho tư liệu... Thế nhưng, từ những đợt nắng nóng khô hạn khốc liệt dẫn đến nạn thiếu nước nghiêm trọng của cư dân một số vùng Nam Trung Bộ hồi năm 2015; rồi đến hạn, mặn đối với các tỉnh ĐBSCL năm nay và một số vùng ở Tây Nguyên không còn nước những ngày gần đây… đã thôi thúc tôi hệ thống lại tư liệu, ký ức của mình về một đại ngàn Tây Nguyên rộng lượng, hiện hữu tự bao đời nay nhưng lại không được yêu quý, giữ gìn.

“Hãy cứu lấy rừng, gắn với rừng, biết cách ứng xử với rừng, để dựa vào rừng mà sống!” là thông điệp dành cho mỗi chúng ta!

Đường đến với đại ngàn Tây Nguyên.
Đường đến với đại ngàn Tây Nguyên.

Kỳ 1: Tây Nguyên- rừng... xa

Những ký ức đẹp dọc dài con đường của 20 năm về trước cứ tuôn trào trong tôi. Thế nhưng, những điều diễn ra trong hiện tại lại tương phản với quá khứ đã gây hiện tượng “sốc” tâm lý trong tôi.

Phát triển, nhưng...

Rời ngã ba Ninh Hòa (Khánh Hòa) rẽ Quốc lộ 26, cột mốc cây số ghi Đăk Lăk 150km. Xe chạy chỉ hơn 2 giờ là đã đến…

Ngày ấy- qua được đoạn đường này phải mất hơn 3 tiếng. Đường hẹp, mặt lộ nhiều đoạn gồ ghề. Đèo Phượng Hoàng- những chỗ “cùi chõ” còn vương vãi đất đá từ vách núi đổ xuống, có khi lấp cả các miếu thờ vong linh những người xấu số.

Vượt con đèo hiểm trở dài hơn 10 cây số nhưng tinh thần lại thấy rất nhẹ nhàng! Có lẽ vì khi ấy 2 bên đường đều là rừng xanh.

Những mảng cây xanh cho thành phố thủ phủ Tây Nguyên còn được giữ gìn.
Những mảng cây xanh cho thành phố thủ phủ Tây Nguyên còn được giữ gìn.

Những giọt mưa đêm còn đọng lại trên các cành cây, ngọn cỏ, làm khí trời mát dịu… dễ ru hồn người hoà vào bức tranh đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ. Cách quốc lộ không xa là đồi núi, thung lũng phủ màu xanh mướt, thoắt ẩn thoắt hiện.

Gần 20 năm sau, có dịp vượt Quốc lộ 26 đi Buôn Ma Thuột, trở lại Tây Nguyên, tuyến đường tuy rút ngắn lại rất nhiều nhưng lại thấy không dễ chịu chút nào. Đường đã thông thoáng, đèo Phượng Hoàng được sửa sang, trải nhựa, có thêm rào chắn an toàn.

Đời sống phát triển hơn, nhà xây, nhà lầu tại những thị trấn mọc lên san sát. Nhưng càng về gần TP Buôn Ma Thuột, thay vào màu xanh đại ngàn hai bên đường thì giờ là bạt ngàn vườn cà phê.

Các cửa hiệu cà phê tầm cỡ cũng mọc lên nối tiếp nhau. TP Buôn Ma Thuột sầm uất với không ít nhà cao tầng, xứng tầm của một thủ phủ Tây Nguyên đương đại.

Bản Đôn cách Buôn Ma Thuột gần 50km về phía Tây Bắc là vùng đất nổi tiếng với truyền thống săn bắt và thuần dưỡng voi rừng giờ cũng là “thương hiệu du lịch” nổi tiếng của Đăk Lăk nói riêng và Tây Nguyên nói chung.

Hiện nay, Bản Đôn đang khai thác 2 loại hình du lịch sinh thái và du lịch văn hóa của cộng đồng các dân tộc nơi đây. Những chiếc cầu treo được làm đẹp và chắc chắn hơn giúp cho du khách có những bức ảnh trải nghiệm đi cầu treo, ngắm nhìn dòng nước trong xanh từ các nhánh sông Krông Na, Krông Nô đổ về sông Sêrêpôk.

Đây là một trong những con sông chính ở Đăk Lăk mang lượng nước dồi dào của vùng đất Tây Nguyên rộng lớn chảy sang nước bạn Campuchia, đổ vào dòng Mekong huyền thoại rồi chảy xuống hạ nguồn sông Cửu Long của nước ta.

Người dân địa phương cho biết, mực và lượng nước dòng Sêrêpôk tại Buôn Đôn bây giờ chảy yếu vào mùa mưa, và cũng kiệt sâu hơn vào mùa nắng, do mùa mưa không kéo dài, lượng mưa cũng ít hơn xưa.

20 năm trước đến đây, khi hoàng hôn dần buông về đêm, ra đường ai cũng phải mặc thêm chiếc áo khoác, vì tiết trời ngày ít nóng, đêm se lạnh, tạo cảm giác rất tuyệt vời cho du khách khi đến với Tây Nguyên.

Giờ đây, TP Buôn Ma Thuột đã phát triển rất nhiều. Các con đường mang tên nhiều danh nhân, thật hào hoa tráng lệ. Xa ra ngoại ô là các tuyến quốc lộ, đường tỉnh đáp ứng tốt nhu cầu đi lại và giao thương giữa các tỉnh trong vùng, cũng như mọi miền Tổ quốc…

Vui đấy, nhưng buồn cũng rất nhiều! Bởi bây giờ- tuy đã phóng tầm mắt thật xa, rất xa- nhưng hình ảnh “núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ” trong ký ức ngày nào không sao hiển hiện!

Oi ả Tây Nguyên

Trong chuyến đến với Tây Nguyên vào năm 1999, tâm thế của chúng tôi là muốn tìm đến nhân vật “thần tượng” của mình thuở nhỏ: Anh hùng Núp- một nhân vật lịch sử cách mạng, được đồng bào các dân tộc Tây Nguyên tôn kính gọi là “Cánh chim đại bàng” hay “Cây đại thụ” của đại ngàn Tây Nguyên.

Hôm ấy, khi cánh nhà báo tỉnh Vĩnh Long và Gia Lai tới thăm, Anh hùng Núp vui lắm, luôn móm mém cười. Những bức ảnh lưu niệm quý giá được chúng tôi cất giữ cẩn thận đến bây giờ.

Cũng trong chuyến đi này, chúng tôi ghé tham quan đập thủy điện Ialy- khi còn đang trong giai đoạn hoàn thiện đập tràn.

Diện tích đồi trọc ở Bắc Tây Nguyên đã ngày càng rộng ra.
Diện tích đồi trọc ở Bắc Tây Nguyên đã ngày càng rộng ra.

Được biết, sông Sê san khởi nguồn từ Bắc Kon Tum, hợp thành bởi 2 nhánh chính là Krôngpoko và Đăk Bla rồi chảy từ hướng Đông Bắc sang Tây Nam dãy Trường Sơn, qua 2 tỉnh Kon Tum và Gia Lai, với tổng chiều dài sông là 237km, diện tích lưu vực núi rừng khoảng hơn 11.000km2- khu rừng già này một thời đã từng chở che cho Anh hùng Núp cùng đồng bào các dân tộc Tây Nguyên sống, hoạt động cách mạng trong hàng chục năm kháng chiến.

Sông Sê san cũng giống như sông Sêrêpôk, đều nằm trên lãnh thổ Việt Nam rồi chảy sang nước bạn Campuchia và là nhánh sông lớn của lưu vực hạ du cung cấp nước cho sông Mekong.

Theo một vị lãnh đạo tỉnh Gia Lai: “Gia Lai quý nhất bây giờ là nước, bởi không còn nước ngầm vì mỗi năm mực nước ngầm giảm sâu thêm vài chục mét; sông suối cạn kiệt”; “Một thôn có 82 giếng sâu 100m vẫn không có nước- Người dân Tây Nguyên đang khát!”.

Chúng tôi cũng đã đến thăm hồ T’Nưng, người dân cho biết: Lòng hồ rất sâu, nước xanh trong vắt, mực nước lúc nào cũng ổn định, không bị vơi đi, dù mưa hay nắng.

Thế mà gần đây, thông tin từ báo chí cho biết: hiện dòng Sê san- nơi đặt nhà máy thủy điện Ialy- mực nước đã kiệt sâu hàng chục mét; còn “hồ trên núi” nay nước cũng bị vực sâu…

Vài năm nay, ngược theo Quốc lộ 14 đi hơn trăm cây số, từ TX Buôn Hồ (Đăk Lăk) qua các huyện Krông Buk, Chư Pưh, TP Plei Ku, rồi Kon Tum, chỉ thấy những vườn tiêu trải rộng, tiếp nối.

Tôi cố nhìn cho thật xa, gần mút tầm mắt nhưng chẳng thấy nổi một mảng cây rừng tự nhiên như hồi trước nữa. Thậm chí nhiều quả đồi hầu như không còn mảng xanh cây rừng, khí trời hầm hập, bức bối…

Cùng một thời điểm trong năm nhưng đến với Tây Nguyên bây giờ so với 20 năm về trước đã thấy những khác biệt đến lạ thường. Nhất là vào khoảng tháng 6, buổi trưa luôn có nắng hè gay gắt, vào ban đêm cũng hiếm khi mát mẻ và những cơn mưa đêm cũng nhẹ hạt,
thưa dần...

Hồi trước chúng tôi đến TX Pleiku thì ban ngày cũng mát dịu như ở Buôn Ma Thuột. Bà con các dân tộc ở đây từ lâu quen rồi với thời tiết “Tây Nguyên ngày nắng đêm mưa”.

Thật vậy, chúng tôi ở Pleiku và Kon Tum 2 ngày 2 đêm đã xác nhận điều bà con nói rất đúng. 2 buổi tối đi dạo quanh phố phải tranh thủ về sớm kẻo mắc mưa. Trời mưa, ở trong nhà nghỉ ít khi sử dụng đến máy điều hòa, còn bây giờ máy lạnh chạy ào ào trong khách sạn.

Theo Thường trực BCĐ Tây Nguyên, hiện nay sau khi kiểm kê rừng, các tỉnh Tây Nguyên chỉ còn 2.567.116ha; trong đó, rừng tự nhiên là 2.253.809ha, rừng trồng là 313.307ha, với tổng trữ lượng gỗ chỉ còn trên 302 triệu mét khối, giảm 358.797ha rừng so năm 2008 (rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất). Do diện tích rừng giảm mạnh nên tỷ lệ che phủ rừng của các tỉnh Tây Nguyên giảm xuống chỉ còn 45,8% (đây là các loại cây công nghiệp) còn thực tế rừng có trữ lượng đạt độ che phủ chỉ còn 32,4%.

(Mời xem kỳ tiếp theo trên VLCN kỳ tới)

Bài, ảnh: TRẦN ÚT

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh