Về thăm lại nơi địa đầu Tổ quốc

07:03, 27/03/2016

Tháng 3 này, mùa xuân đang trải dài trên tuyến biên giới Đông-Bắc xa xăm. Ta hãy về thăm lại Khu di tích Pác Bó, đến với đồn biên phòng cửa khẩu Việt- Trung- nơi địa đầu Tổ quốc Việt Nam, nằm ngay thác Bản Giốc mùa này để thấy cảnh non nước đầu nguồn vào xuân.

Tháng 3 này, mùa xuân đang trải dài trên tuyến biên giới Đông-Bắc xa xăm. Ta hãy về thăm lại Khu di tích Pác Bó, đến với đồn biên phòng cửa khẩu Việt- Trung- nơi địa đầu Tổ quốc Việt Nam, nằm ngay thác Bản Giốc mùa này để thấy cảnh non nước đầu nguồn vào xuân.

Cờ Tổ quốc tung bay tại thác Bản Giốc, nhìn từ đồn Biên phòng Thác Bản Giốc.
Cờ Tổ quốc tung bay tại thác Bản Giốc, nhìn từ đồn Biên phòng Thác Bản Giốc.

Khi đến đây, không ai lại không nhớ 2 câu thơ của Bác Hồ “Non xanh nước biếc trùng trùng/ Giữ gìn Tổ quốc ta không ngại ngùng gian lao”…

Đó là 2 câu thơ Bác Hồ đã tặng bộ đội biên phòng hàng ngày canh giữ biển, trời của Tổ quốc nhân Đại hội Thi đua của lực lượng công an nhân dân vũ trang (nay là bộ đội biên phòng) ngày 2/3/1962, tại Hà Nội, mà hôm đến thăm Đồn Biên phòng Thác Bản Giốc (tại huyện Trùng Khánh- Cao Bằng), chúng tôi thấy các anh bộ đội biên phòng treo lên rất trang trọng ngay mặt trước của hội trường.

Nếu ta về thăm Cao Bằng- nơi Bác Hồ sau hơn 30 năm xa Tổ quốc trở về lãnh đạo cuộc kháng chiến- thì sẽ thấy nhiều điều thật thú vị trong những khoảng xanh biên cương chạy dài hàng chục kí lô mét. Cao Bằng bây giờ là một tỉnh địa đầu, có biên giới trải dài nhất trong các tỉnh tiếp giáp với Trung Quốc.

Cao Bằng cũng là một tỉnh có nhiều tiềm năng trong phát triển du lịch của một tỉnh biên giới. Đó là các di tích Pác Bó, mộ Kim Đồng, động Ngườm Giao cùng thắng cảnh thác Bản Giốc- một thác tự nhiên có độ cao nhất, chảy rộng và đẹp nhất tại Đông Nam Á và là 1 trong 4 thác nước tự nhiên đẹp nhất của thế giới.

Sau Di tích Pác Bó- nơi Bác Hồ về lần đầu tiên ở tại đây đầu năm 1941, thì thác Bản Giốc hàng ngày vẫn thu hút hàng trăm đoàn du khách từ Bắc chí Nam đến tham quan.

Từ TP Cao Bằng lên đến đây mất khoảng gần 3 giờ xe hơi (trên 130km), song đường đi thông thoáng do đã có sự đầu tư, nâng cấp chỉ còn một vài chỗ của QL3 còn đang mở rộng nên xe phải nhường nhau chờ qua.

Đại úy Hoàng Đăng Giang- sĩ quan trực chiến của Đồn Biên phòng Thác Bản Giốc cho biết: “Con sông trong xanh này tuy có mức nước lên xuống, nhưng hầu như mùa nào nước cũng trong xanh. Sông có tên gọi là Quân Sơn nằm giữa xã Đàm Thủy (huyện Trùng Khánh) và trấn Thạc Long (Quảng Tây- Trung Quốc).

Nhân dân 2 nước vẫn đi lại, buôn bán hàng ngày bình thường qua con sông từ bao năm nay”.

Thác Bản Giốc là một quần thể rộng. Tháp chính có 4 bậc thác, trải dài 200m, thác phụ 35m, chảy đổ từ trên độ cao 1.000m xuống sông Quân Sơn.

Giữa khung cảnh núi rừng vùng biên nhìn về một quần thể thác đổ trắng xóa ta thấy sự ban phát hào phóng của thiên nhiên dành cho con người.

Hôm chúng tôi trở lại nơi đây, Ban Chỉ huy đồn Biên phòng thác Bản Giốc cho biết: Sau khi 2 nước hoàn thành việc cắm lại cột mốc đường bộ, thì cột mốc chia giữa thác Bản Giốc nằm ngay giữa thác chính, còn bên thác phụ (rộng hàng trăm mét) lại hoàn toàn nằm trên phần đất Việt Nam. Điều này, càng chứng tỏ luật pháp về phân chia đường biên giới đã được chính phủ 2 bên (Việt Nam- Trung Quốc) bàn và thống nhất rõ.

Không phải như những nguồn tin thất thiệt lan truyền, phân chia lại đường biên tại thác Bản Giốc là ta bị mất đi một phần địa thế của một thác nước tự nhiên, đẹp và hùng vĩ hàng đầu ở Châu Á.

Tại khu vực thác Bản Giốc bây giờ, du khách lên là có nơi phục vụ ăn nghỉ, dẫu còn là ít ỏi ở vùng cao. Nhà hàng Đàm Thủy đủ sức phục vụ tới 100 người ăn cùng lúc. Các anh đồn biên phòng thác Bản Giốc cho biết: Bây giờ, lượng du khách 2 bên thưởng ngoạn ngọn thác tự nhiên tuyệt đẹp này tăng cao hàng tháng.

Tại Đàm Thủy mỗi năm ta đón trên 300 ngàn du khách, còn phía trấn Thạc Long (Quảng Tây- Trung Quốc), họ đã xây xong 9 khu khách sạn cao tầng, nằm cách thác khoảng 200- 500m và có thể cho du khách ăn, nghỉ ngày, đêm ngay tại khu vực thác Bản Giốc mà 2 nước đang khai thác.

Theo Đại úy Hoàng Đăng Giang- Ban chỉ huy Đồn Biên phòng thác Bản Giốc, hàng quý giữa 2 đồn biên phòng của ta và bạn đều một ngày có giao ban về công tác an ninh trật tự tại vùng thác và vùng biên giới hai bên.

Khi có những vấn đề nghi vấn thì 2 bên đều có sự kiểm tra lại và đưa ra cách giải quyết chung, nhằm bảo đảm tốt nhất cho công tác an ninh, trật tự nơi biên giới, cho du khách đến tham quan yên tâm.

Từ trấn Thạc Long (Quảng Tây), nước bạn đã làm một con đường nhựa chạy sát ra tới thác Bản Giốc ở phần đất về phía bạn. Còn phía tỉnh Cao Bằng đường đi xuống thác, vẫn như xưa, chưa cải tạo thêm.

Điều du khách khi đến huyện Trùng Khánh cảm nhận là những cánh rừng già biên giới ngày càng nhiều và được tu bổ trồng thêm mỗi năm, làm đẹp thêm khoảng không gian xanh ngút ngàn, trong cái se se lạnh của miền núi.

Đến đây, khác với cái heo hút của nhiều xứ vùng biên, phía sau thác Bản Giốc- chỗ cột mốc 83/6 (cột mốc cũ là 835)- có một khu chợ của thương nhân. Bà con 2 bên mua bán, hàng Việt Nam cũng như hàng Trung Quốc, không thiếu thứ gì.

Và người dân vùng này “xài” tiền 2 bên dễ dàng, như là điều quy ước, khi mua hàng hóa của nhau. Hàng của Quảng Tây, sang Việt Nam đều bán giá rẻ- vì chất lượng là hàng giá rẻ- một cô nhân viên tại chợ biên giới nói về giá các mặt hàng cho tôi nghe.

Còn hàng Việt Nam, rõ ràng những doanh nghiệp có uy tín đã tạo ra hàng may mặc, hàng tiêu dùng bán vẫn có giá hơn mà người dân bên phía bạn thích.

Đến thăm thác Bản Giốc và huyện Trùng Khánh một ngày, rõ ràng ta chưa thể đi hết những nơi cần phải đến, bởi địa hình núi non, đường xa.

Điều đáng quý là người dân tộc H’Mông, Tày, Nùng,… đều rất hiền lành, chất phác và quý trọng khách. Nơi đây, bài thơ của Bác làm hồi tháng 2/1941 khi về nước, nay được Ban Quản lý Di tích Pác Bó cho khắc vào đá hoa cương, như nhắc nhở cháu con sau này nhớ về những ngày đầu trong sự nghiệp dựng nước:

“Sáng ra bờ suối, tối vào Hang

Cháo bẹ rau măng, vẫn sẵn sàng

Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng

Cuộc đời cách mạng, thật là sang…”

Đi qua những nơi này, ta mới hiểu thấu vì sao người Pháp xưa đã chọn Cao Bằng và nhiều cứ điểm quan trọng, trong cuộc xâm lăng.

Để kết thúc một cuộc chiến tranh 9 năm dài, trong cảnh khó khăn gấp bội sau ngày đất nước vừa giành được độc lập sau 80 năm lệ thuộc thì khi đến Cao Bằng, ta mới thấu hiểu thêm các quyết sách đầy trí tuệ, bản lĩnh, tiên phong của một Đảng quang vinh và một dân tộc anh hùng.

Bài, ảnh: PHẠM BÁ NHIỄU

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh