Những ngày đầu năm 2016, tôi được phân công cùng Đoàn cán bộ cấp cao của tỉnh Vĩnh Long đến thăm và làm việc tại tỉnh Xiêng Khoảng- nước CHDCND Lào. Đây là tỉnh mà Vĩnh Long ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế- xã hội lâu dài.
Rất nhiều cái chum với hình dạng, dáng đứng khác nhau. |
Những ngày đầu năm 2016, tôi được phân công cùng Đoàn cán bộ cấp cao của tỉnh Vĩnh Long đến thăm và làm việc tại tỉnh Xiêng Khoảng- nước CHDCND Lào. Đây là tỉnh mà Vĩnh Long ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế- xã hội lâu dài.
Ngoài các buổi làm việc, đoàn chúng tôi còn được đi tham quan một số địa danh thắng cảnh của tỉnh Xiêng Khoảng, trong đó có di tích lịch sử quốc gia “Cánh đồng Chum”, mà Chính phủ Lào đang xúc tiến các hồ sơ thủ tục đề nghị Tổ chức UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.
Cái tên “Cánh đồng Chum- Xiêng Khoảng” vừa lạ, vừa quen với nhiều người Việt Nam. Nói về một vai trò quan trọng trong cuộc chiến tranh chống Mỹ của hai dân tộc Việt- Lào thì nhiều người đã biết. Nó còn mang trong mình những bí ẩn của một nền văn hóa, một thế giới tâm linh thì cho đến bây giờ vẫn còn nhiều tranh cãi về xuất xứ.
Cánh đồng Chum (tiếng Lào là Thoong hảy hín) nằm trên cao nguyên thuộc tỉnh Xiêng Khoảng. Cánh đồng Chum có khoảng 52 địa điểm với hơn 2.000 cái chum lớn nhỏ, tập trung chủ yếu ở 3 bản: bản Ang, Lắt Sén và bản Sua.
Trong đó, bản Ang được chú ý nhất bởi có số lượng hơn 334 cái chum đá lớn nhỏ đã được tìm thấy ở đây. Cái lớn nhất có đường kính 2,5m và cao tới 2,57m, nặng đến hàng tấn. Cái nhỏ nhất cũng cỡ một người ôm. Đa phần những chiếc chum không có nắp với đủ dạng vuông, tròn, không cái nào giống cái nào.
Nhìn từ xa, những cái chum như những hòn đá lổm nhổm thật kỳ thú. Khi đến gần mới thấy chúng nằm lẫn lộn vào nhau không theo quy luật sắp xếp nào. Cái trồi hẳn trên mặt đất, cái chìm một phần thân dưới đất. Hình dạng cũng không điển hình.
Cái thắt núm, cái miệng thẳng, cái vuông vức, cái lại như quả dưa… Chạm tay vào những khối đá sần sùi, phủ thời gian đang nằm yên trên nền đất, tôi mơ hồ cảm nhận những bí ẩn lịch sử to lớn chứa đựng bên trong.
Theo giới thiệu của hướng dẫn viên du lịch (người Việt) thì: Người Lào cũng không rõ chính xác những cái chum đó có từ đâu, bởi có quá nhiều huyền thoại về “Cánh đồng Chum”.
Người thì kể rằng: cánh đồng thuộc về những người khổng lồ từng định cư ở khu vực từ thời xa xưa. Người lại nói rằng xưa kia, có một vị vua tên là Khun Cheung sau khi giành thắng lợi trong một cuộc chiến chống kẻ thù, đã cho dựng lên cánh đồng Chum và dùng những chiếc chum này để ủ men làm rượu khao quân.
Có ý kiến lại nói, vì Xiêng Khoảng nằm ở cao nguyên, có hai mùa rõ rệt, mùa mưa thối đất, mùa khô thì hạn hán kéo dài, nên người xưa đã làm nên những chiếc chum khổng lồ này để tích nước. Ngay đến cả chất liệu làm ra các chum này cũng gây tranh cãi.
Một số người cho rằng, chúng được làm từ đá vôi, số khác lại nói chúng được làm từ đá ong và đá cẩm thạch trộn lẫn những nguyên liệu đặc biệt nào đó thời cổ đại, nay đã thất truyền.
Đến năm 1930, bà Madelene Colani- một nhà khảo cổ người Pháp đã đến cánh đồng Chum. Trong công trình nghiên cứu Mégalithes du Haut- Laos, bà Colani viết: “Tuổi của 334 cái chum này vào khoảng 2.500- 3.000 năm. Đây không phải là những cái chum ủ rượu vì không thấy dấu vết nào có thể chứng minh”.
Đến khi phát hiện những nồi đất đựng sọ và xương người có nắp đậy cẩn thận được chôn xung quanh những cái chum này, bà Colani khẳng định: “Chum là vật đựng tất cả những di vật (quần áo, đồ dùng, rìu, nỏ, cung, kiếm) của người Puôn (một trong 3 bộ tộc Lào cổ) sau khi chết đúng theo phong tục của bộ tộc này”. Đó cũng là giả thuyết, nên hiện nay “Cánh đồng Chum” vẫn là huyền bí.
Đoàn cán bộ cấp cao của tỉnh Vĩnh Long tham quan cánh đồng Chum. |
“Cánh đồng Chum” đem lại cho tôi cảm giác hết sức thú vị bởi những huyền thoại về cánh đồng, những cái chum đó từ đâu ra, tại sao chúng lại nằm ở đây? Nó cũng là nơi khiến cho tôi cảm thấy buồn khi những hố bom nằm xen lẫn với những cái chum nhắc chúng ta nghĩ tới tội ác chiến tranh. Tất cả những điều đó khiến cánh đồng Chum trở nên hấp dẫn.
Hiện nay, “Cánh đồng Chum” đang được các chuyên gia thuộc Tổ chức UNESCO nghiên cứu, khảo sát lại vị trí, đánh dấu toàn bộ số chum để có thể trở thành Di sản văn hóa thế giới- một di sản bằng đá trên nóc mái nhà Ðông Dương.
Thế nhưng, từ lâu rồi, “Cánh đồng Chum” đã trở thành một địa danh văn hóa, lịch sử và một điểm du lịch nổi tiếng khắp thế giới của đất nước Triệu Voi.
Bài, ảnh: NGUYỄN NHANH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin