Nhịp phách thời gian sẽ làm vơi ngày vơi tháng nhưng có những thứ ngày tháng trôi qua lại đổ đầy thêm nỗi nhớ. Đó là nỗi lòng của những người trót mang trên mình hai tiếng "tha hương".
DIỄM KIỀU
Nhịp phách thời gian sẽ làm vơi ngày vơi tháng nhưng có những thứ ngày tháng trôi qua lại đổ đầy thêm nỗi nhớ. Đó là nỗi lòng của những người trót mang trên mình hai tiếng “tha hương”.
Ngày phi cơ cất cánh, lòng tôi đầy ước mơ và hoài bão. Nước mắt tiễn con của một người mẹ và những khó khăn, trở ngại nơi xứ người không làm chùn bước chân tôi. Những câu hò, điệu lý quê hương tôi đã thuộc nằm lòng thì cần gì phải nao núng.
Những câu chuyện nơi đất khách quê người tôi đã nghe kể từ lâu thì có chi phải bận tâm. Đối với tôi- một thằng con trai với lý tưởng rực lửa ở cái tuổi hai lăm đủ chín chắn thì tất cả chỉ là những lo toan tẹp nhẹp.
Tôi thầm nhủ, 3 năm rồi sẽ qua mau, bộn bề của công việc sẽ khỏa lấp tất cả. Đúng! Tôi đã làm được, cuộc sống mới đã niềm nở thu nhận lấy tôi. Nhưng sao tôi nghe thiếu và chưa rõ nghĩa, tròn đầy. Một cảm giác buồn man mác quây lấy tôi, tựa hồ bức tranh thu đẹp nhưng lại vắng một cơn gió thoảng vô tình khua nhẹ chiếc lá chao nghiêng trên mặt hồ sóng gợn lăn tăn.
Thu bớt đẹp nên đứng đấy rồi ra ngẩn vào ngơ. Ví như lòng tôi, có một thứ gì đó vô hình mà to lớn lắm dù chỉ là một nốt lặng nhýng vẫn cứ âm vang réo rắt gợi cảm giác thèm và da diết nhớ. Tôi nhớ quê!
Tôi cứ tự trách, hai mươi mấy năm qua phải chăng mình đã quá vô tâm và hờ hững để bây giờ lại thấy lòng đau đáu khôn nguôi? Không! Đó không phải là hiện thân của sự ăn năn, hối tiếc mà đó là những cung bậc cảm xúc mà thượng đế đã ban tặng riêng cho con người: yêu, thương và nhớ.
Ai đã từng đi qua những vùng đất lạ mới thấy thương hơn mảnh đất ôm lấy ta từ khi cất tiếng khóc chào đời. Quê hương luôn ở trong trái tim tôi. Yêu sao những gì dù quá đỗi bình thường nhưng giờ đây bỗng thấy thân thương đến lạ.
Yêu thương chứa thêm yêu thương. Nỗi nhớ chất đầy thêm nỗi nhớ. Tôi quơ quào lục tung ký ức để tìm về những kỷ niệm mà xoa dịu đi nỗi nhớ. Giờ này, nơi quê nhà, từng chùm hoa đang hé nụ đón xuân về.
Bất giác, tôi thèm được ôm cái lạnh của tiết trời tháng Chạp mà rũ đi cái lạnh ở xứ người. Tháng Chạp về dù có rét, có buốt, có gợi bao nhiêu nỗi niềm, bao nhiêu lo toan, cố gắng của cả một năm dài nhưng rồi ai cũng gạt phăng tất cả mà mỉm cười đón chào năm mới.
Tết ở quê luôn háo hức đến lạ thường: vui lắm, hạnh phúc lắm. Đón tết bao giờ cũng là một sự chuẩn bị thật dài hơi. Mười ba, mười bốn tháng Chạp là cha í ới gọi xem nhà chú Ba, chú Tư đã lặt hết lá mai chưa?
Độ mà coi chừng nở không kịp tết à nhe! Chị Hai tôi thì sớm lo chuyện giặt giũ, phơi phóng đám mùng mền, quét dọn nhà cửa để cận tết còn quết bánh phồng biếu bà con lối xóm, gói bánh tét dâng lên tổ tiên, ông bà. Tôi vẫn thường trêu chị khéo lo xa.
Chị trả lời tôi gọn lỏn: Không lo sao được, tết mà. Ừ! Tết mà! Tôi cũng đang háo hức chờ đợi sự phân công của mẹ: Thằng Út hái dừa rồi nạo cho mẹ, con Hai, con Ba coi mà qua nhà thiếm Sáu cân khoai mì rồi còn tranh thủ lau lá chuối nữa, tết đến nơi rồi.
Mẹ trông tết, trông cái ngày đoàn viên của gia đình. Nhưng... xuân này con vắng nhà. Con biết mẹ vẫn cười nhưng lại nhớ và khóc trong lòng. 2 mùa xuân nữa con sẽ về bên mẹ, mẹ ơi!
Con sẽ theo chân mẹ đi chợ tết quê mình để thỏa mãn cơn thèm cái ký ức tuổi thơ, để hỏi han những người quen đã lâu chưa có dịp thấy mặt và cũng để chúc nhau những câu tốt đẹp cho một năm mới sắp đến. Người nhà quê là vậy vẫn ấm áp nghĩa tình, vẫn đôn hậu như thế tự bao đời.
Rồi đây, bên không khí ngập tràn niềm vui đoàn tụ và hạnh phúc của gia đình, bên ngọn gió xuân dịu mát, ta lại được nghe thoang thoảng hương thơm của mùi nếp mới tỏa ra từ bàn thờ tổ tiên, ông bà. Hạnh phúc là đây!
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin