
Múa lân- sư- rồng (LSR) là một loại hình nghệ thuật truyền thống trong đời sống văn hóa tinh thần người Việt. Tại Vĩnh Long, những năm gần đây, loại hình nghệ thuật độc đáo này dù chưa có sự đầu tư bài bản nhưng vẫn được các bạn trẻ giữ gìn, "truyền lửa" đam mê và phát triển mạnh dần lên.
[links()]
Múa lân- sư- rồng (LSR) là một loại hình nghệ thuật truyền thống trong đời sống văn hóa tinh thần người Việt.
Tại Vĩnh Long, những năm gần đây, loại hình nghệ thuật độc đáo này dù chưa có sự đầu tư bài bản nhưng vẫn được các bạn trẻ giữ gìn, “truyền lửa” đam mê và phát triển mạnh dần lên.
![]() |
Múa lân- sư- rồng từ lâu đã trở thành nét đẹp trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân. |
Tặng niềm vui cho bao người
Những ngày tết, ở khắp các nơi, những chú LSR đã bắt đầu khoác trên mình bộ “cánh” đẹp mắt, cùng phối hợp với tiếng trống, chập chã tạo không khí sôi nổi, vui tươi hẳn lên. Anh Cao Văn Tâm- Trưởng đoàn nghệ thuật LSR Chùa bà Thiên Hậu vui vẻ nói: “Nghề múa LSR là nghề tặng niềm vui cho mọi người”.
Cùng xem các đoàn LSR tập dợt hay thưởng thức biểu diễn, chúng ta mới cảm nhận hết được sức cuốn hút của môn nghệ thuật này. Từ người già đến trung niên, trẻ nhỏ đều phấn khích.
Theo quan sát của chúng tôi, sau những pha múa đẹp mắt, độc đáo hay những cú nhào lộn trên không trung như phim võ hiệp là những tiếng vỗ tay, reo hò của khán giả. Tất cả đã thổi hồn cho mùa xuân thêm sôi nổi, hào hứng và ý nghĩa.
Múa rồng nghệ thuật |
Trong những tiết mục như múa rồng nghệ thuật, múa lân địa vũ, mai hoa thung, leo cột,… thì lân leo cột và lân lên mai hoa thung là 2 tiết mục được người xem chú ý. Đặc biệt, đỉnh cao của môn nghệ thuật này là lân lên mai hoa thung. Ở đó, mỗi khi biểu diễn thì tất cả người xem đều chăm chú, im lặng, như hòa nhịp đập tim mình vào từng điệu múa, bước bay, nhảy của lân trên cây cột sắt cao vút.
Ai cũng biết và hiểu rõ thông báo quen thuộc: “Không được mở flash hay đèn led”, nhưng phần đông ai cũng tranh thủ kịp chụp cho mình tấm ảnh hay quay clip để xem đi xem lại dù chất lượng hình ảnh không đẹp lắm (tắt đèn flash/led). Và sau mỗi động tác lân bay trên không rồi đáp xuống là tràng vỗ tay vang lên như pháo hoa đang nổ.
Anh Lê Minh Hoàng- Trưởng đoàn nghệ thuật LSR Tân Hoa Đường (xã Tân Hòa- TP Vĩnh Long) cho rằng: “Ngày tết mà không có tiếng trống lân thì tết chỉ là những ngày nghỉ thông thường với những lời chúc tết buồn tẻ. Lân mang lại niềm vui cho mọi người nhờ vào tiếng trống vui tai, động tác đẹp mắt và cái thần thái khó tả mà con lân mang lại”.
![]() |
Ngày nay, dù xã hội đã xuất hiện thêm rất nhiều hoạt động vui chơi giải trí mới nhưng múa lân- sư- rồng vẫn thu hút được sự quan tâm của đông đảo người dân, đặc biệt là trẻ con. |
Theo các đoàn LSR, trước giao thừa là những đêm làm việc hết mình để thi đấu và biểu diễn, còn từ giao thừa đến ra hết mùng thì lịch diễn của họ vẫn rất dày. Thậm chí, đoàn của anh Minh Hoàng không thua kém gì “show diễn” của ca sĩ, nghệ sĩ. Đoàn treo trên trang mạng xã hội facebook lịch thi đấu và biểu diễn lấp đầy các ngày từ 29 đến mùng 7 tết.
Trong đó, có ngày từ 5 giờ chiều ngày cuối năm (29 tết) cho đến 9 giờ sáng ngày hôm sau (mùng 1) mà chạy diễn đến 7 nơi. Anh Minh Hoàng vui vẻ cho biết, đó chỉ là lịch sơ bộ, mình dành ưu tiên cho những mối quen, còn những nơi gọi thêm thì tranh thủ diễn, có thời gian trống mà gia chủ, đơn vị gọi là vẫn đi múa.
Khát khao vươn lên
Theo quan niệm của người Á Đông, LSR là 3 linh vật tượng trưng cho sự thịnh vượng, phát đạt, hạnh phúc và hanh thông. Nếu những năm trước đây, tiếng trống lân thường xuất hiện vào các ngày Tết Trung thu, Tết Nguyên đán, thì hiện giờ đã có mặt tại các hoạt động lễ hội, những ngày khai trương, thậm chí là ngày vui thường ngày.
Vừa vẽ đầu lân, anh Nguyễn Phan Tánh Anh- Trưởng đoàn LSR Hiền Anh Đường (Phường 8- TP Vĩnh Long) nói: “Mỗi tháng có vài chuyến đi diễn cho các gia chủ, các công ty, doanh nghiệp, nhưng đoàn cũng tập dợt thường xuyên. Tết đến mới bận rộn làm lân, đi múa”. Bởi, theo Tánh Anh, lân không phải múa sao cũng được, mà đòi hỏi phải có tính nghệ thuật, bài bản rõ ràng.
Theo đó, tùy theo không gian, ý nghĩa của dịp lễ hội mà múa phù hợp. Một bài múa đầy đủ phải qua các bước cao trào, sắp xếp các điệu múa nhịp nhàng với nhau, khi dồn dập, lúc khoan thai. Tiết mục thành công phải thể hiện những tình cảm phức hợp như hỉ, nộ, ái, thị, tịnh cùng với những động tác nhảy, vồ, cắn, lăn vòng, vặn mình, ngồi, nằm, cảnh giác, dò xét...
Vì vậy, để có được những tiết mục múa lân bài bản, hấp dẫn người xem, các đoàn trình diễn lân phải tập luyện thường xuyên và nghiêm túc, bài bản.
Anh Minh Hoàng tâm sự: “Người tập luyện phải đổ mồ hôi và công sức rất nhiều, chuyện “bầm giập” là bình thường nên môn này chỉ dành cho những ai không sợ khó, ngại khổ và phải thật sự yêu nghề”.
Hiện, các bạn trẻ theo nghề đều tự sáng tạo điệu múa, thiết kế lân. Đối với những người biết võ thuật thì hình tượng con lân càng trở nên sống động, mạnh mẽ và hấp dẫn. “Động tác của lân thể hiện tấn pháp của người học võ. Đội lân mạnh hay không là nhìn bộ tấn đi là biết”- anh Tánh Anh nhận định.
![]() |
“Mạnh ai nấy làm thì lâu lắm các đoàn lân- sư- rồng mới phát triển chuyên nghiệp”- anh Nguyễn Phan Tánh Anh tâm sự. |
Tuy vậy, cái nghề độc đáo, đòi hỏi nhiều thứ kỹ năng, đam mê, thậm chí kén tuổi này lại chưa được sự đầu tư, quan tâm nhiều trong thời gian qua. Hầu như các đoàn đều “làm bạn” với google để tìm kiếm, học hỏi các bài múa, làm lân.
Rất ít có những lớp rèn luyện kỹ năng, giao lưu học tập. Mỗi năm chỉ vài đoàn tham dự các cuộc thi khu vực. Hơn nữa, sân tập được địa phương tạo điều kiện nhưng hầu như rất nhỏ, có nơi tận dụng con hẻm, miếu thờ. Đặc biệt, qua nhiều năm tích cóp, tiết kiệm họ mới tự sắm cho mình đủ bộ tài sản để biểu diễn (LSR, dàn trống, dàn mai hoa thung,…).
Qua nhiều năm gắn bó, các đoàn LSR trong tỉnh vẫn giữ trong mình ngọn lửa đam mê. Tuy nhiên, để phát triển hơn thì các trưởng đoàn LSR còn lắm tâm tư. Bởi sau khi tham gia các giải đấu lớn hàng năm ở các tỉnh họ mới thấy mình thiếu nhiều thứ.
Các đội lân trong tỉnh đều muốn tham gia, học hỏi, trau đổi kinh nghiệm lẫn nhau, nhưng hiện tại tỉnh chưa thành lập liên đoàn nên “mạnh ai nấy làm”. Chưa có tiếng nói, sân chơi chung, việc tập hợp giao lưu, phổ biến các kiến thức, trau dồi các kỹ năng, đặc biệt là các luật lệ, cách múa hiện đại, cách tính điểm mới,… lại là hạn chế rất lớn.
Các đoàn LSR trong tỉnh vẫn đang tiếp tục giữ lửa đam mê, truyền lại cho các bạn trẻ tiếp nối. Tuy nhiên, rất cần sự quan tâm, hỗ trợ từ địa phương, đặc biệt là ngành chuyên môn để phát triển lên một bước tiến mới, chuyên nghiệp hơn, đặc biệt là giữ gìn và phát huy một nét đẹp văn hóa độc đáo này.
Bài, ảnh: TẤN ANH- NGỌC NHI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin