"Vua đèn biển" ở quần đảo Trường Sa

03:01, 01/01/2016

Là một lính biển xuất ngũ, nhưng Vũ Sỹ Lưu không muốn sống an nhàn mà lại tiếp tục bám biển và trở thành một người lính gác hải đăng trên quần đảo Trường Sa.

Là một lính biển xuất ngũ, nhưng Vũ Sỹ Lưu không muốn sống an nhàn mà lại tiếp tục bám biển và trở thành một người lính gác hải đăng trên quần đảo Trường Sa.

Vũ Sỹ Lưu trên hải đăng An Bang, quần đảo Trường Sa nước ta.
Vũ Sỹ Lưu trên hải đăng An Bang, quần đảo Trường Sa nước ta.

Đam mê nghề lính biển

Trên quần đảo Trường Sa của nước ta, đảo An Bang là một đảo đặc biệt, quanh năm sóng biển hung hãn. Trong một chuyến đi cuối năm thăm hỏi các cán bộ chiến sĩ đang công tác trên quần đảo Trường Sa, tôi may mắn được đặt chân lên đảo An Bang. Tàu tới đảo nhưng không thể cập bờ, chúng tôi được chia ra thành các đội nhỏ, xuống xuồng thì hàng chục chiến sĩ từ ngoài đảo An Bang đã đợi sẵn bơi ra kéo xuồng vào bờ. 

Sự tình một phần do sự yêu mến của các chiến sĩ sống trên đảo và một phần do xung quanh đảo An Bang có rất nhiều xoáy nước khiến tàu thuyền không thể tiếp cận. Ở đó, anh Vũ Sỹ Lưu (SN 1964, quê Tiên Lãng, Hải Phòng) cũng đang là Trạm trưởng trạm hải đăng An Bang thuộc Cty Bảo đảm An toàn hàng hải (ATHH) biển Đông và hải đảo - TCty Bảo đảm ATHH miền Nam. Vũ Sỹ Lưu được mệnh danh là “vua” đèn biển ở quần đảo Trường Sa, do anh đã làm công tác gác đèn ở tất cả hải đăng trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Suốt 23 năm công tác, đảo là nhà, anh Vũ Sỹ Lưu gắn chặt cuộc sống mình với biển, đảo và hải đăng.

Anh Lưu chia sẻ: “Tôi sinh ra ở quê biển Hải Phòng, khi đi nghĩa vụ quân sự lại là lính hải quân, nên sau khi xuất ngũ, tình yêu biển cả đã thôi thúc tôi xin vào ngành bảo đảm an toàn hàng hải. Tháng 5 năm 1987, tôi chính thức trở thành công nhân hải đăng. Trạm hải đăng mà tôi có mặt đầu tiên nằm trên đảo đá Long Châu, thuộc quần đảo Long Châu, TP.Hải Phòng. Sau đó, tôi được điều chuyển đến nhiều trạm hải đăng ở vùng biển phía Bắc. 

Đến năm 1994, khi khu vực quần đảo Trường Sa chính thức xây dựng trạm hải đăng, tôi vinh dự được là một trong những người tiếp quản trạm hải đăng đầu tiên nơi đây, tại đảo Đá Tây”. Trong 23 năm công tác ở các trạm hải đăng Trường Sa, anh Lưu chia sẻ: “Khổ nhất là làm hải đăng ở các đảo chìm Đá Tây, Đá Lát, Tiên Nữ, do các đảo này nằm giữa bốn bề sóng nước, không gian sống của công nhân chật hẹp, trên dưới 20m2. Mùa mưa bão, việc tiếp tế lương thực - thực phẩm bị gián đoạn, nhiều trạm thường xuyên lâm vào tình trạng thiếu cơm ăn - nước uống”. 

Chuyện nấu cháo ăn thay cơm là bình thường trong mùa mưa bão, bởi sóng to gió lớn, tàu tiếp tế không ra nổi, phải ăn uống tiết kiệm lại để đợi khi bão ngưng, tàu tiếp tế mới đến được. Do đó, anh Lưu cùng anh em sáng tạo xây dựng được vườn rau trong nhà kính để cải thiện bữa ăn. Vườn rau này được anh em nâng niu chăm sóc từng li từng tí không chỉ để cải thiện bữa ăn vốn “cằn khô” giữa biển khơi, mà còn mang ý nghĩa “tạo dựng góc quê nhà” cho đỡ nhớ, đỡ cách biệt với đất liền.

“Hồi mới xây dựng, các đảo Trường Sa rất thưa vắng và hải đăng đều biệt lập, cheo leo trên cồn san hô, bãi đá ngầm nhằm tránh bị che khuất tầm nhìn và cảnh báo chướng ngại, hiểm nguy trên biển”, anh Lưu kể vậy và tỉ mẩn: Việc quản lý, vận hành hải đăng ở Trường Sa khắt khe gấp nhiều lần so với các trạm gần bờ. Nếu thao tác ẩu, thiết bị hàng hải dễ gỉ sét, chập cháy, khiến đèn không hoạt động và việc phục hồi rất lâu, bởi đưa thiết bị ra thay thế, bình thường mất cả tháng, mùa mưa bão phải chờ đến vài tháng. Nhưng chúng tôi vẫn tìm mọi cách bảo dưỡng, sửa chữa, khắc phục kịp thời các thiết bị hỏng hóc bằng các vật tư sẵn có. Nhờ vậy, hầu hết hải đăng ở Trường Sa nói chung, tại đảo An Bang nói riêng, luôn vận hành đúng quy định, đúng thông báo hàng hải.

Sinh con đầu lòng, 4 tháng sau mới được gặp

Giữa bốn bề sóng nước, song không gian sống cho 5 - 7 con người trên các trạm hải đăng lại vô cùng chật hẹp, chỉ có 15 - 20m2. Lúc bệnh tật bất ngờ, có khi phải căng mình tự vượt qua. Nhưng khó khăn nhất, thử thách nhất có lẽ chính là phải vượt qua nỗi nhớ nhà, cố gắng quên đi khoảng cách vời vợi với người thân. Anh Lưu bộc bạch: “Cách đây gần 10 năm, những người gác đèn chỉ có thể kết nối với đất liền, với người thân qua thư từ theo các chuyến tàu tiếp hàng, hoặc qua trạm thông tin chung. Mãi đến năm 2007 - 2008, khi mạng điện thoại phủ sóng biển đảo, sự cách biệt mới thu hẹp lại, công nhân đèn biển ở Trường Sa mới có thể liên lạc thường xuyên với mọi người ở đất liền.

 Tuy vậy, anh em gác hải đăng vẫn có nỗi niềm riêng, như khi nhận điện thoại thăm hỏi của gia đình thì vui như “bắt được vợ”, nhưng khi nghe nhà có chuyện thì lại buồn và cảm giác như có lỗi. Như tôi lần nhận tin con đầu lòng chào đời, tôi xúc động muốn khóc chỉ muốn về với con ngay, nhưng rồi phải đến hơn 4 tháng sau mới được ôm con vào lòng!”.

Anh Lưu cho rằng, công nhân gác đèn còn bị thử thách nhiều hơn cả bộ đội. Đi bộ đội, ra đảo vài năm rồi về, còn công nhân đèn biển thì cả đời sống với đảo và đèn biển, mỗi năm chỉ về thăm nhà vài tháng rồi lại ra đảo gác đèn. Làm việc trên các trạm hải đăng, biền biệt xa nhà 9 tháng đến 1 năm. Sau này, mỗi chuyến đi biển rút lại còn 6 tháng đến 9 tháng. Trong thời gian làm việc, rất hiếm khi có cơ hội về nhà, ngoại trừ thời gian nghỉ phép. Vì vậy, có người không tròn nghĩa vụ người chồng, người cha; có người đành không tròn hạnh phúc, vì vợ chồng xa cách quá lâu. Lại có người không thể có con, không thể tìm bạn đời.

“Ngay cả lúc người thân mất, nhiều người trong chúng tôi cũng không kịp có mặt. Cá biệt, có những người do làm việc quá lâu trên các trạm đèn, nên khi trở về đất liền thì rất khó hòa nhập với đời thường, trở nên xa lạ với người thân” - anh Lưu bộc bạch.

Quần đảo Trường Sa hiện có 13 trạm hải đăng và việc quản lý, vận hành đèn biển ở Trường Sa có những đòi hỏi rất đặc biệt. Tháp đèn cao gần 25m, làm việc trên độ cao này khá khắc nghiệt: Không gian chật hẹp, mùa nóng, mức nhiệt thường xuyên lên đến 39-40oC; mùa gió bão, tháp đèn rung lắc, lạnh buốt… nhưng các công nhân gác đèn vẫn nỗ lực để đảm bảo ngọn đèn hải đăng sáng tỏ.

“Trong mọi hoàn cảnh, chúng tôi luôn quyết tâm đảm bảo cho hải đăng chiếu sáng, bởi chúng tôi rất hiểu: Tia sáng hải đăng không chỉ mang ý nghĩa “an toàn hàng hải”; mang lại cảm giác không đơn độc cho mỗi con tàu trên những hải trình thăm thẳm, mà còn mang ý nghĩa lớn lao là thắp lên ánh sáng Việt Nam, ánh sáng khẳng định chủ quyền lãnh hải tổ quốc” - anh Lưu khẳng định. Làm nhiệm vụ bảo đảm an toàn hàng hải cũng xác định vai trò sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Trạm hải đăng An Bang, vì thế, trở thành tiểu đội An Bang.

Với đặc thù của một người công nhân gác đèn biển, ngày được vinh danh là Chiến sĩ thi đua của cả nước, anh Vũ Sỹ Lưu đành lỡ hẹn và phải nhờ người khác đọc giùm mình bản tham luận, còn bản thân anh Lưu thì tiếp tục chuỗi ngày đi bảo dưỡng đèn biển.

Theo http://laodong.com.vn/xa-hoi/vua-den-bien-o-quan-dao-truong-sa-411603.bld

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh