Xóm biển nghèo buồn hiu hắt bị gọi tên "làng góa phụ", khi cánh mày râu đều nằm lại đáy biển sâu, phụ nữ thành "vọng phu" chờ chồng trong tuyệt vọng.
Cơn thịnh nộ của biển cả đi qua dải đất cuối cùng của Tổ quốc hơn 15 năm trước nhưng nỗi đau để lại trong lòng những người vợ, người mẹ ở làng biển Khánh Hội (huyện U Minh- Cà Mau) không biết bao giờ mới nguôi ngoai.
Xóm biển nghèo buồn hiu hắt bị gọi tên “làng góa phụ”, khi cánh mày râu đều nằm lại đáy biển sâu, phụ nữ thành “vọng phu” chờ chồng trong tuyệt vọng.
Góa phụ Lý Thị Mỹ Dung (38 tuổi) xúc động khi nhớ lại quá khứ đau buồn của cuộc đời mình. |
“Vọng phu” trước biển
Chúng tôi tìm đến Ấp 7 (xã Khánh Hội, huyện U Minh)- nơi mà trước đây và bây giờ người ta vẫn thường gọi là “làng góa phụ”. Bởi nơi đây có số đàn ông tử nạn trong cơn bão số 5 (tháng 10/1997) nhiều nhất xã, bỏ lại những người vợ, người mẹ ngày đêm mong nhớ.
Sau cơn bão, hàng ngày người ta lại bắt gặp hình ảnh của những người vợ, người mẹ ở địa phương này lần mò ra cửa biển Khánh Hội đứng đợi chồng, đợi con đến chiều tối rồi lại thơ thẩn trở về trong niềm đau tuyệt vọng.
Theo chỉ dẫn của người dân, để vào Ấp 7, chúng tôi phải thuê đò dọc (một trong những phương tiện chính trên sông nước ở nhiều địa phương thuộc Cà Mau) chở mới vào được. Đến bến đò tại đầu kinh Ấp 7, chúng tôi thuê đò của một người phụ nữ tên Trang. Là dân gốc biển nên chị Trang biết rõ từng ngôi nhà ở làng biển này.
Theo lời chị Trang, sau cơn bão số 5, chỉ riêng ở Ấp 7 đã có hàng trăm phụ nữ trong các gia đình ở xóm biển nghèo này phải đội khăn tang khóc chồng. Nhiều đứa con còn chưa kịp biết mặt cha. Nghe câu chuyện của chị Lê Thị Mỹ Dung mà lòng chúng tôi se thắt lại.
Góa phụ 38 tuổi này có chồng tên Võ Minh Thành chết trong cơn bão số 5, không tìm thấy xác. Gương mặt khắc khổ, làn da cháy sạm vì những ngày làm lụng vất vả nuôi con của góa phụ giúp chúng tôi hiểu được phần nào nỗi cơ cực của những người vợ ở xóm biển nghèo khi mà cái “trụ cột” gia đình đã vĩnh viễn đi xa.
Nhắc lại người chồng xấu số của mình, chị Dung nấc nghẹn. Chúng tôi thấy mình có lỗi khi khơi lại quá khứ đau thương mà những “vọng phu” xóm biển cố vùi chôn trong sâu tận đáy lòng. Sau một lúc sụt sùi, cố lấy lại bình tĩnh, chị kể: Anh Thành- chồng chị- là người miền Trung.
Gần 20 năm trước, anh Thành vào cửa biển Khánh Hội theo ghe làm mướn. Khi ấy chị mới bước qua cái tuổi 20, cũng làm mướn cho các chủ ghe ở cửa biển này. Cuộc sống nghèo khổ đưa chị và anh Thành xích lại gần nhau, cảm thông, chia sẻ rồi tình yêu đơm hoa kết trái.
Anh chị quyết định về sống chung với nhau. Đám cưới nghèo chỉ có mâm cơm cúng ông bà, vài ba người khách là bạn đi biển của anh Thành đến uống rượu chúc mừng. Sau ngày cưới, anh chị được người dân địa phương cho mượn miếng đất cất nhà để ở. Anh Thành đi biển, chị làm mướn ở trên bờ.
“Cuộc sống tuy có nghèo khổ nhưng hạnh phúc lắm. Ngày biết tui có thai, anh Thành mừng lắm. Ảnh chạy qua nhà dì Sáu hàng xóm khoe tin mình sắp được làm cha. Chiều 22/9/1997, anh Thành được bạn đến kêu đi biển. Trước khi đi, anh ấy còn nói, chuyến biển này về có tiền sẽ mua cái mùng mới để khi tui sinh con ra khỏi phải ngủ mùng cũ vì sợ muỗi cắn con. Vậy mà…!”- chị Dung nghẹn ngào bỏ lửng câu nói trong nước mắt.
“Sau khi cơn bão đi qua, tui cứ chờ đợi mãi mà hổng thấy ảnh về nhưng vẫn nuôi hy vọng. Con còn chưa biết mặt cha mà sao ảnh nỡ đi xa bỏ mẹ con tui ở lại. Sau nhiều tháng ra biển đón chồng mà vẫn bặt vô âm tín, tui trở về làm đám ma cho chồng mà trong quan tài trống rỗng.
Do không tìm thấy xác chồng, nên tui đành mang những chiếc áo quần cũ của chồng còn mùi nắng biển bỏ vào trong quan tài đem chôn. Nhà nghèo đến mức hồi cưới nhau không có chụp tấm hình làm kỷ niệm. Khi ảnh mất cũng không có để rửa hình thờ cho con nhìn mặt cha nó”- góa phụ trải lòng.
Ông Ngô Quốc Việt- Phó Ban nhân dân Ấp 7 cho biết, xóm biển nghèo này còn rất nhiều hoàn cảnh bi thương như vậy.
Chị Trần Thị Lan, chị Nguyễn Kiều Thương,… cũng là những người vợ bị cơn tam bành của biển cả cướp mất chồng, phải một mình tần tảo nuôi con. Góa phụ rưng rưng nước mắt khi nhớ lại những ngày tháng đau thương của đời mình. Chồng chị là anh Nguyễn Văn Út mất trong chuyến đi biển định mệnh năm đó.
“Ngày ảnh đi biển, tui mang thai đứa con đầu lòng sắp tới ngày sinh nở. Tui như chết đứng khi hay tin ảnh đã mất tích ngoài biển khơi. Sinh con ra trong những ngày tháng đau khổ, buồn tủi ấy nên tui đặt tên con là Nguyễn Bão Biển, như là một lời ghi nhớ về người chồng bạc số của mình và nghiệt ngã cuộc đời mình. Dẫu đã 17 năm trôi qua, nhưng mẹ con tui luôn hy vọng và mong đợi một ngày nào đó ảnh sẽ trở về”- chị Thương thổ lộ.
“Con ra biển tìm cha”
Bà Trần Thị Lánh- mẹ chị Thương- nhớ lại khi hay tin bão dữ đang hoành hành trên biển Đông thì con gái bà cũng lên cơn đau bụng dữ dội.
Bà mẹ già giải thích, có thể do lo sợ cho tính mạng chồng nó đang nằm trong vùng nguy hiểm của cơn giông bão nên con Thương bị sốc và lên cơn đau bụng. Lúc này, trong đất liền gió mưa cũng quần thảo tơi bời, lỡ mà bà mẹ trẻ hạ sinh trong lúc này thì không biết sao kiếm đâu ra người đỡ đẻ.
“Giông bão qua rồi, con nhỏ cứ ngày ngóng đêm trông khóc đến sưng cả mắt vì lo sợ cho chồng. Ngày nào nó cũng mang cái bụng bầu lội bộ hơn 7 cây số ra cửa biển Khánh Hội ngóng tin chồng, từ hừng đông tới khi chiều tối mới lẩn thẩn về nhà. Tới bây giờ nó vẫn tin rằng chồng nó sẽ trở về, một ngày nào đó…”- bà Lánh nói.
Chị Trang- người có chồng may mắn thoát chết trong bão số 5 của 17 năm trước, chạy đò thay chồng kiếm tiền nuôi con. |
Ông Ngô Quốc Việt cho biết, sau cơn bão số 5, hầu hết những gia đình ở Ấp 7 làng biển Khánh Hội đều mất đi “trụ cột”. Nhiều người vợ sau mấy tháng liền ra biển chờ chồng nhưng vô vọng đã lặng lẽ rời khỏi vùng đất đau buồn nghèo khó này đi nơi khác mưu sinh.
Một số góa phụ vẫn quyết bám lại mảnh đất nằm bên mép biển này để nuôi con cái và nuôi hy vọng một ngày nào đó, phép màu sẽ đem người chồng của họ, người cha của những đứa trẻ trở về quây quần bên mái tranh nghèo. Mảnh đất này vốn là nơi tạm cư của dân nghèo tứ xứ, ngó mặt ra biển Đông đêm ngày nghe sóng biển thét gào.
Cho nên, nơi đây không lý tưởng cho người dân bản xứ, mà hầu hết là lưu dân đến bám biển mưu sinh. Khi những người đàn ông nơi đây đã vĩnh viễn nằm lại dưới đáy trùng khơi, thì có những người đàn ông dạt từ nơi khác tới. Rồi họ chấp vá cuộc đời với những góa phụ và tiếp tục kiếm cơm trên đầu ngọn sóng.
Nhiều người vợ vừa lau khô nước mắt khóc chồng, họ vừa tìm thấy niềm vui trở lại trong cuộc sống thì phải tiếp tục sống trong cảnh thấp thỏm âu lo. Bởi những người đàn ông mới đến xóm nghèo này cũng chẳng biết phải làm gì, nếu không đi biển.
Nhưng chị Dung lại rất cứng lòng. Chị quyết một mình đi tiếp quãng đời còn lại để nuôi con dù phải sớm hôm tần tảo và không còn tiếc gì cho bản thân mình nữa. Chị bảo, đứa con trai- giọt máu duy nhất của người chồng xấu số để lại- chính là món quà lớn mà anh đã mang đến trong cuộc đời của chị. Nếu không phải vì anh, vì con, chị đã không thể sống tiếp và vượt qua nỗi đau mất mát quá lớn của cuộc đời mình.
Bà Sáu Thu- hàng xóm của chị Dung- nhớ lại: Khi Thành ra biển chưa đầy nửa tháng thì bão đến. Khoảng 2 giờ chiều 3/10/1997, gió bắt đầu thổi mạnh. Bà Sáu chạy qua nhà kêu chị Dung sang nhà mình ở cho đỡ sợ. “Tội cho con Dung bụng mang dạ chửa mà phải sống một mình trong bão.
Tội hơn là khi nó biết chồng chết ngoài biển, mấy tháng sau đó nó không màng gì tới nhà cửa. Mấy tháng sau bão, rất nhiều bà con trong xóm đến động viên, an ủi, rồi người cho lá, người cho cây, dân làng cùng nhau dựng lại căn nhà đã sập trong bão cho con Dung có chỗ che mưa, che nắng”- bà Sáu nhớ lại.
Thế rồi, ngày tháng và đau buồn cũng qua đi. Con trai của chị Dung với anh Thành là cháu Võ Minh Hoàng, năm nay đã 18 tuổi. Tuy không biết một chữ bẻ đôi, nhưng Hoàng rất biết nghĩ và thương mẹ vô cùng. Không muốn nhìn thấy mẹ làm lụng cực khổ, Hoàng xin mẹ được đi biển từ năm 11 tuổi, nhưng người mẹ nhất quyết không cho.
Một căn nhà ở “làng góa phụ” ở cửa biển Khánh Hội. |
“Nghe con xin đi biển, mẹ đã khóc và nói dù có “cạp đất ăn” cũng không cho con đi biển. Con biết mẹ sợ biển cả sẽ mang nó đi mãi, giống như cha con ngày trước. Nhưng con đã trốn đi, hơn 2 tháng sau mới trở về và hai mẹ con ôm nhau khóc. Ở làng biển này, có nhiều đứa trẻ khi sinh ra đều có điểm chung là không biết mặt cha.
Mẹ rất thương con, sau mỗi chuyến con ra biển trở về mẹ lại ôm con vào lòng, xoa đầu rồi bảo con giống cha. Nhưng con không hình dung ra được cha con như thế nào, mặc dù mẹ kể cho con nghe rất nhiều về cha. Cho dù cố tưởng tượng con cũng không thể hình dung ra cha như thế nào nên con quyết đi biển để tìm cha”- Hoàng tâm sự.
|
“Anh không đi biển nữa, em nuôi” Người phụ nữ tên Trang làm nghề chạy đò máy trên kinh Ấp 7 có lẽ là người may mắn nhất ở làng biển này. Bởi, chồng chị là người từ cõi chết trở về sau cơn thịnh nộ của cuồng phong 17 năm về trước. Cho tới bây giờ, chị vẫn không dám hỏi chồng về những gì anh đã trải qua trong giông tố mà chỉ nghĩ là có một phép màu đã giúp anh có thể bình an. “Kể từ đó tui kiên quyết không bao giờ cho anh đặt chân ra biển nữa. Nhưng mà đàn ông ở xứ này không ra biển đánh bắt cũng không biết phải làm gì nên tui nói anh không đi biển nữa ở nhà chăm sóc con cái, lo chuyện cơm nước nội trợ, em nuôi. Bởi vậy, nghề chạy đò dọc là do tui tự chọn lấy để giữ chân chồng mình ở nhà. Thà thiếu thốn một chút mà không phải sống trong cảnh thấp thỏm mỗi ngày khi nghe tin báo bão”- chị Trang nói. |
Bài, ảnh: QUỐC DŨNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin