Chạy xe bon bon trên những tuyến đường của xã Hiếu Nhơn (Vũng Liêm), đi đâu cũng thấy bóng dừa, lúc rải rác, lúc tập trung cả vườn bát ngát. Tuy không nhiều như Bến Tre nhưng cũng làm tôi ngỡ ngàng như vô tình lạc bước về quê xưa.
VĂN HIẾN VĨNH
Chạy xe bon bon trên những tuyến đường của xã Hiếu Nhơn (Vũng Liêm), đi đâu cũng thấy bóng dừa, lúc rải rác, lúc tập trung cả vườn bát ngát. Tuy không nhiều như Bến Tre nhưng cũng làm tôi ngỡ ngàng như vô tình lạc bước về quê xưa.
Quê tôi ở Trúc Giang (Bến Tre). Từ nhỏ đã nhìn thấy bóng dừa duyên dáng trước ngõ. Trong nhà nhìn ra là mấy cây dừa xiêm trái xanh dịu dàng, hè nhà là mấy hàng dừa xiêm lửa với trái đỏ vàng ánh lửa. Bên kia dòng mương trước sân nhà là những hàng dừa nâu xám, thân chắc khỏe vươn thẳng bầu trời.
Không riêng gì người dân Bến Tre, mà hình ảnh cây dừa cũng đã đi vào đời sống người Việt từ xa xưa. Và do vậy, có lẽ người dân xã Hiếu Nhơn cũng có biết bao kỷ niệm thân thương với những hàng dừa xanh quen thuộc.
Bóng dừa dường như đã ăn sâu vào tiềm thức. Một bức tranh phác họa đơn sơ bằng bút chì, một mái tranh, bến nước, con đò, một cây dừa nghiêng mình soi bóng cũng đủ làm rung động biết bao trái tim.
Cây cầu dừa cũng tình tứ, lãng mạn, đầy tiện nghi của miệt vườn Nam Bộ, đã bình thản, nhẹ nhàng đi vào thơ ca bên cạnh chiếc cầu tre lắt lẻo dịu dàng. Trưa hè, nằm trên chiếc võng đung đưa, tiếng gió lùa qua những tán lá dừa xạc xào như điệu ru em vào giấc ngủ. Và lúc nào tôi cũng nhớ những bóng dừa trước ngõ, nhớ nước dừa xiêm ngọt lịm giải khát buổi trưa hè.
Về Hiếu Nhơn, tôi được biết sau cây lúa là cây dừa, dường như nhà nào ít gì cũng vài ba cây. Hỏi thăm thì có rất nhiều hộ trồng dừa, 5-10 công là chuyện bình thường, có người trên dưới 25 công đất trồng dừa.
Có nơi, bờ dừa nối tiếp bờ mương chạy dài, trên bờ là dừa, dưới nước nuôi cá- một mô hình khép kín, vừa hợp lý vừa tạo cảnh quan đẹp. Người trồng dừa đã tạo điều kiện thuận lợi cho cây dừa sinh sống và phát triển, thuận lợi cho việc tưới tiêu, thu hoạch và nuôi cá tôm song hành với việc trồng dừa.
Anh Trần Hữu Phước- Chủ tịch Hội Nông dân xã Hiếu Nhơn có vườn dừa cũng thuộc hàng khiêm tốn, chỉ 10 công. Mỗi lứa (trung bình 1 tháng 10 ngày) thu hoạch được 3 thiên dừa, bỏ mối cho thương lái được trên 20 triệu đồng. Dưới mương dừa, anh nuôi các loại cá mè, cá chép, cá phi… kiếm thêm thu nhập.
Ngồi dưới bóng dừa lộng gió của những ngày tháng 3, tôi hỏi mấy em nhỏ các món đồ chơi được kết từ lá dừa, có em biết, em không. Nhưng cũng có đứa hồ hởi kể mấy món đồ chơi từ lá dừa như con cào cào, châu chấu, cái nón, chiếc kèn. Ôi, tuổi thơ của các em cũng gắn liền với các món đồ chơi bình dị từ lá dừa như mình ngày xưa.
Qua mấy em nhỏ, tôi quen được cô em gái Hiếu Nhơn, nhờ làm mẫu chụp ảnh dưới những tán dừa tỏa bóng. Da em trắng như có người thường nói đùa “nhờ tắm nước dừa xiêm”. Tóc em buông dài bay bay trong gió làm tôi nhớ đến bài hát của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý: “Ai đứng như bóng dừa, tóc dài bay trong gió…” Hàng dừa nơi ghi ảnh, tôi đặt tên “Cây dừa quê em”.
Từ nhỏ, tôi đã in trí cây dừa thuộc hàng dễ chịu, dễ tính nết bởi nó dễ trồng, không kén đất, việc chăm sóc cũng nhẹ nhàng. Tính kháng sâu bệnh cũng rất cao, nó ít bị các côn trùng gây hại tấn công.
Nếu có thì cũng phục hồi nhanh hơn các loại cây trồng khác. Gốc dừa lớn, tua tủa chùm rễ ăn sâu, bám chắc xuống đất, kiên nhẫn giữ đất, cần mẫn hút các chất màu của đất. Nơi đất bạc màu thì nó chắt chiu từng chút chất dinh dưỡng để duy trì sự sống và phát triển.
Cây dừa không chỉ là điểm khởi đầu cho nơi hò hẹn, mà nó còn theo đôi bạn trẻ tới ngày thành đôi. Trong ngày cưới, những tàu dừa có lá đẹp được tết thành từng búi để che rạp, hoặc kết thành hoa trang trí rạp, hoặc được chẻ đôi làm vòm cổng. Dừa tận mắt chứng kiến ngày hạnh phúc lứa đôi, để rồi sau đó theo đôi bạn trẻ nối tiếp chặng đường đời, cung cấp nhiều tiện nghi sinh hoạt thường ngày.
Lá dừa còn dùng lợp nhà, làm phên liếp, chằm nón. Thậm chí khi lá đã khô, chuẩn bị về với cát bụi, nó vẫn hữu ích, biến thành chất đốt nấu bếp ở thôn quê, lá dừa khô bó lại làm đuốc để soi đường trong đêm tối. Tuổi thơ tôi cũng biết bao lần nhờ ngọn đuốc lá dừa bập bùng soi sáng ánh đường đêm.
Ở xã Hiếu Nhơn, nhiều người vẫn còn dùng lá dừa khô để nhóm bếp. Và do vậy, có những ngày chị em trồng dừa phải tất bật thu gom lá dừa khô để bó lại, đem bỏ mối các nơi.
Lá già thì như vậy, lá dừa non còn dùng để gói bánh. Bánh bằng nếp, trộn với cơm dừa nạo và nước dừa, ăn vào có hương vị rất đặc trưng.
Ngoại lấy vỏ trái dừa khô làm bình đựng ấm trà. Từ nhỏ, tôi đã quen lắm với loại bình này, dù nó rất đơn sơ, mộc mạc, không chế tác cầu kỳ như bây giờ. Bình loại này giữ nhiệt rất tốt, nước trà lâu nguội.
Ngày tết, nhiều món ăn, nhiều sinh hoạt gia đình như gắn chặt với cây dừa. Nồi thịt kho, ngoại nấu với nước dừa dịu ngọt. Chị Hai lấy cơm dừa trắng dẻo làm mứt. Lối xóm phơi bánh phồng, bánh tráng trên những chiếc vỉ dài kết từ tàu lá dừa.
Các món ăn dân dã có sự góp mặt của cây dừa thì khó ai kể cho hết. Tép rang dừa, cá bống kho dừa, bí đỏ hầm dừa… là những món quen thuộc trong các bữa cơm đạm bạc hàng ngày. Lươn um dừa, ếch xào dừa, thịt trâu xào lá lốt, thịt bò xào lá cách với nước cốt dừa rồi lai rai với rượu đế nồng cay thì nhớ hoài không thôi.
Dừa có nhiều công dụng. Thân, lá, trái, vỏ, xơ, gáo, nước… đều có thể sử dụng phục vụ đời sống con người. Có lẽ ít có loại cây trồng nào có thể sản xuất ra nhiều loại sản phẩm như cây dừa.
Xã Hiếu Nhơn là vùng sâu vùng xa, trong kháng chiến đã hứng chịu biết bao bom đạn. Nhớ thân dừa chắc, khỏe, nên nó đã từng gồng mình làm công sự che chắn bom đạn cho du kích, bộ đội và người dân trong những trận đánh khốc liệt. Nhiều thân dừa hằn bao vết bom đạn vẫn đứng vững bảo vệ xóm làng.
Và vì vậy, bà con Hiếu Nhơn nào mà chẳng bâng khuâng, xao xuyến khi nghe những ca từ đẹp trong bài hát “Cây dừa” của nhạc sĩ Xuân Hồng: “Quê hương ơi đẹp lắm những cây dừa/ Nắng mưa càng thêm xanh thắm/ Gió đùa lá nhè nhẹ đưa như dáng người con gái Việt Nam dễ thương”.
Dừa là một trong số ít các loại cây trồng có thể gồng mình chịu đựng và tồn tại trong những điều kiện khắc nghiệt của thiên nhiên, của môi trường như khô hạn, ngập úng, đất cát nghèo dinh dưỡng, nước mặn xâm nhập,…
Với bộ rễ chùm chắc khỏe, vươn vòi tỏa ra xung quanh, cây dừa còn có khả năng chống sạt lở bờ sông. Cây dừa còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, tạo khí hậu vùng ổn định, chống xói mòn, giữ vai trò quan trọng trong du lịch sinh thái ở ĐBSCL.
Cây dừa có tiềm năng kinh tế lớn và có nhiều lợi thế. Trái dừa Hiếu Nhơn cũng đã đi xa phục vụ nhu cầu đa dạng của người dân. Thậm chí, trái dừa Hiếu Nhơn còn được ưa chuộng, được thương lái mang sang bán tận Bến Tre, dù Bến Tre là xứ sở của dừa.
Nếu trồng giống dừa năng suất cao, áp dụng nhuần nhuyễn các biện pháp trồng xen, nuôi xen thích hợp và chế biến các phần của cây dừa thành các sản phẩm có giá trị cao thì hiệu quả kinh tế thu được từ cây dừa rất lớn.
Chủ trương của huyện Vũng Liêm là khuyến khích nông dân trồng xen cây ca cao với dừa. Ít có loại cây nào phát triển được trên đất trồng dừa, nhưng ca cao vẫn sống khỏe. Việc trồng xen ca cao trong vườn dừa chẳng qua là sự tận dụng điều kiện sinh thái sẵn có trong vườn dừa, mà cây dừa không có khả năng sử dụng hết.
Cây ca cao tỏ ra rất phù hợp khi sống chung với dừa. So với việc trồng xen trong các vườn cây khác, ca cao trong vườn dừa khỏe mạnh và an toàn hơn trước những khó khăn của thiên nhiên. Hiện xã Hiếu Nhơn có trên 17.000 cây ca cao được trồng xen với dừa, phân nửa đã ra hoa kết trái.
Cây dừa có giá trị văn hóa, kinh tế rất tiêu biểu và đặc biệt cho vùng ĐBSCL. Sự có mặt của cây dừa trong đời sống của người dân Hiếu Nhơn nói riêng, của huyện Vũng Liêm nói chung đã góp phần tạo thêm thu nhập cho bà con.
Cây dừa gắn bó với cuộc sống, và vì vậy nó cũng tạo nên những tình cảm thiêng liêng trong lòng mỗi người.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin