Khi nước trong ao hầm nhiều là lúc người dân miền quê có thêm công việc để mưu sinh từ việc câu ếch. Đây cũng là thú vui của nhiều người trong lúc nông nhàn.
Khi nước trong ao hầm nhiều là lúc người dân miền quê có thêm công việc để mưu sinh từ việc câu ếch. Đây cũng là thú vui của nhiều người trong lúc nông nhàn.
Đi câu ếch rất đơn giản, không cần chuẩn bị và đầu tư nhiều vốn. Cách thức câu cũng không khó, ngay cả con nít cũng có thể tham gia công việc này. Dân nông thôn thường sử dụng cần câu bằng trúc hay tre vì chúng rẻ và dễ tìm.
Mồi câu cũng là những thứ dễ tìm ở ngoài vườn như trùn đất hay ốc bươu vàng. Sau khi chuẩn bị dụng cụ, thợ câu ếch đi dọc theo các bờ ruộng, bờ mương, ao hồ… để câu.
Câu ếch mùa nước lên |
Theo kinh nghiệm của anh Dũng ở Thoại Sơn, những vùng nước có nhiều bụi rậm, lục bình, rau muống… thì ở đó có nhiều ếch sinh sống. Lúc này, người đi câu ếch phải nhẹ nhàng bước đến địa điểm câu.
Do ếch có thính giác cao nên chỉ cần một tiếng động nhỏ là chúng nhảy xuống ao trốn mất. Câu ếch đồng không giống như câu cá, người câu phải dùng cọng rau muống nối phần lưỡi câu lên dây câu để lưỡi câu không bị vướng khi rê trên cỏ, đồng thời nhấp cần câu liên tục không nghỉ tay.
Ếch thấy mồi động đậy, tưởng là sâu bướm hay côn trùng rớt xuống mặt nước, nhảy lại đớp mồi. Khi ếch đã dính cần, người câu chỉ cần bắt ếch bỏ vào giỏ, tiếp tục móc mồi mới vào lưỡi câu, chờ chú ếch khác mắc câu.
Ở quê, sau khi thu hoạch lúa hè thu là thời điểm nhiều người bắt ếch nhất. Lúc này, lúa đã làm xong, đồng bỏ không để chờ sản xuất vụ kế tiếp. Ngoài ra, đây cũng là lúc mưa nhiều, vào mùa ếch “bắt cặp” nên con nào con nấy bự chảng, có con lớn bằng bàn tay.
Thanh niên ở quê có được thời gian rảnh trong lúc nông nhàn nên thường đi câu ếch để chiều còn lai rai. Chúng tôi bắt gặp anh Nguyễn Văn Vinh và anh Lê Minh Trường tay cầm cần câu, tay xách lồng ếch đứng bên cạnh ao sen ở Thoại Sơn.
Hai anh cho biết, bắt đầu đi câu từ lúc 9 giờ sáng, đến trưa đã câu được gần 1kg ếch. Nhìn những con ếch mập mập trong lồng, anh Trường cười nói: “Bữa nay là ít rồi. Có đợt đầu mùa mưa, dính gần 2kg ếch, con nào con nấy chà bá, nhìn đã con mắt. Mấy con này đem về nhà xào sả ớt hay xào lăn, không thì nướng nhậu là khỏi chê”.
Nhiều người câu ếch để lai rai trong lúc rảnh rỗi, nhiều người lại coi đó như một nghề để mưu sinh. Không giống như anh Trường hay anh Vinh, đối với anh Huy (quê Chợ Mới), cắm câu ếch mùa mưa là công việc kiếm cơm hàng ngày. Chỉ cần bỏ ra một chút vốn khoảng vài trăm ngàn đồng đã trang bị được bộ dụng cụ cắm câu ếch, gồm: Cần câu bằng tre, dây gân và lưỡi câu.
Để cắm câu ếch, anh dùng nhiều loại mồi khác nhau như cá chết hay ốc bươu vàng cắt thành từng miếng nhỏ. Đặc biệt, theo kinh nghiệm của anh Huy thì mồi càng thối, càng thu hút ếch lại ăn. Ngoài ra, trong quá trình tạo mồi cắm câu ếch, người ta thường trộn dầu chuối để tăng độ “nhạy” của mồi.
Trời chập choạng tối, anh Huy đã chuẩn bị sẵn sàng dụng cụ, móc mồi vào lưỡi câu, đi dọc theo các bờ ruộng, ven vườn nước ngập tràn, tìm nơi ếch thường trú ẩn để cắm câu... Trước khi cắm cần, anh thường dùng chân thấm nước rồi chà lên đất cho bóng loáng mới cắm cần câu vào giữa.
Lý giải điều này, anh Huy cho biết: “Mình làm như vậy, ếch mới thấy mồi để ăn”. Sau một lúc cắm xong 100 cần câu, anh quay lại để kiểm tra mồi câu 1 lượt và gỡ những chú ếch mắc câu. Đến 4 giờ sáng thì bắt đầu đi cuốn câu, chuẩn bị chợ sáng. Theo anh Huy, với 100 cần câu, mỗi đêm anh bắt được khoảng 5 - 6kg ếch. Có thời điểm dính gần 10kg, bán được gần 500.000 đồng/ngày. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng được như vậy, có đêm chỉ bắt được vài con, coi như cải thiện bữa ăn hàng ngày.
Theo http://www.baoangiang.com.vn/Chuyen-muc-khac/Trong-tinh/Mua-bat-ech-ong.html
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin