Qua Đồng Tháp Mười, buồn theo mùa lũ "không đẹp"

07:11, 22/11/2015

Thật khó tưởng tượng khi miền Tây không có lũ về. Nhưng điều đó đang diễn ra ngay trước mắt, trong chuyến ngược dòng sông Cửu Long lên thượng nguồn và chúng tôi cảm nhận một thực tế: năm nay Đồng Tháp Mười nước không nổi.

Thật khó tưởng tượng khi miền Tây không có lũ về. Nhưng điều đó đang diễn ra ngay trước mắt, trong chuyến ngược dòng sông Cửu Long lên thượng nguồn và chúng tôi cảm nhận một thực tế: năm nay Đồng Tháp Mười nước không nổi.

 

Hình ảnh “có cá” hiếm hoi chúng tôi có được tại Tân Thạnh (Long An).
Hình ảnh “có cá” hiếm hoi chúng tôi có được tại Tân Thạnh (Long An).

Đối với người miền Tây, mùa lũ còn được gọi thân thương là mùa nước nổi. Mùa nước nổi đến hẹn lại lên chan chứa cánh đồng, mang theo sứ mạng lớn lao: đem đến phù sa, làm sạch ruộng đồng kèm theo biết bao sản vật ban tặng cho người dân đồng bằng.

Mỏi mắt… tìm nước

Nghe chúng tôi “đi coi nước nổi”, cô bạn đồng nghiệp báo Đồng Tháp bảo ngay “nước nôi gì mà coi!” Lộ trình qua Đồng Tháp Mười từ Cao Lãnh đi Thanh Bình, Tam Nông ngược lên thượng nguồn Hồng Ngự, Tân Hồng, có thể nói là “đường quen” vì gần như thấy được “toàn cảnh” mùa nước nổi chúng tôi thường đi thực tế hàng năm. Nhưng chỉ khác những cánh đồng nước đong đầy trắng xóa mà năm nay hoàn toàn không có.

Những cánh đồng Thanh Bình, Tam Nông: một số lúa xanh lên bằng gang tay, một số được lên giồng trồng màu, một số chân ruộng xăm xắp nước cỏ dại nham nhở. Dọc đường không nghe ai nói chuyện cá mắm mùa nước nổi, trên mấy chiếc xe bán hàng di động vắng màu sắc bông điên điển, súng ma, các loại cá đồng…

Chúng tôi lên phà Tân Châu- Hồng Ngự qua xã cù lao Long Thuận (Hồng Ngự), càng bất ngờ hơn vì cù lao… khô queo.

Những lão nông sống ở đây từ “cha sanh mẹ đẻ” như chú Ba Hạnh, chú Hai Tạo cho biết trước năm 2000 vùng này chống chọi với lũ gian khổ lắm. Mùa lũ nước tràn đường đi, cả xóm phải xắn tay chất bao ngăn nước.

Và từ năm đó, đê bao được nâng cấp cao ráo, vững chắc và nay đã thành con đường nhựa phẳng lì, xe máy chạy vù vù nhìn nước thấp tè dưới chân đê.

Đây cũng là điều kiện giúp Long Thuận hình thành vùng rau màu lớn nhất tỉnh Đồng Tháp với trên 210ha tại các ấp Long Hưng, Long Thạnh, Long Hòa, cung cấp các loại hành hẹ, củ cải, củ sắn,… cho thị trường trong nước, đặc biệt là thị trường Campuchia.

Theo anh Trương Tấn Tài- cán bộ nông nghiệp xã Long Thuận, nhờ thị trường Campuchia nên rau màu rất phát triển và khuyến khích người dân chuyên canh, nếu thuận mùa trúng giá lợi nhuận từ rau màu cao gấp 6- 7 lần lúa.

Vì thế chú Nguyễn Văn Tạo trồng 4 công rau màu. Chú cho biết: “Trồng màu cực hơn nhưng thu nhập khá hơn. Nhờ đó, gia đình 5 người sống khỏe hơn. Từ hồi trồng màu không hề bị ngập lũ”.

Ngoài 3 ấp trồng màu “không bị ngập lũ”, xã Long Thuận còn 5 ấp làm lúa với 925ha, mà theo anh Tài: “Năm nay tới lịch xả lũ, vì từ hồi đê bao khép kín tới giờ, chưa hề xả lũ. Xã đã thông báo cho bà con, nhưng mực nước thấp quá, không lên đồng được”.

“Tình cảnh” xả lũ nhưng nước không lên đồng không phải cá biệt. Khi chúng tôi ngược lên xã biên giới Thường Phước 1 (Hồng Ngự)- nơi thượng nguồn đầu tiên đón nước sông Mekong từ Campuchia khi vào sông Cửu Long, anh Trần Văn Lãm- cán bộ địa chính nông nghiệp xã- cho biết:

Hàng năm, lũ đạt đỉnh con nước rằm tháng 9 âl, lũ trên đồng nhiều nơi 3- 4m. Nhưng năm nay lũ không có, cá tôm không có. Nhiều diện tích làm lúa thời điểm này mọi năm còn ngâm trong nước, giờ người dân bắt đầu dọn đất sạ rồi.

Con đường nhựa băng qua Ấp 2, bên đây đồng lúa lên xanh, bên kia người dân cày cuốc chuẩn bị vụ mới.

Thấy chúng tôi lia máy chụp hình, cô Hai Đẹp cùng 2 phụ nữ khác đang khom lưng “cấy” cỏ mềnh lông xuống khoảnh ruộng xăm xắp nước, ngoảnh lại cười cười:

“Nước nôi gì, mọi khi có lũ thì giờ tụi tui đâu có giặm cỏ xuống ruộng vậy đâu, mà phải hết tháng 10 âl mới bước chân xuống ruộng được. Ở đây hồi nào giờ sống chung với lũ, làm cá, làm mắm. Khi không có lũ, mọi công cán cũng đổi khác chút ít”.

Người dân ở Tân Hồng cho biết, nhiều năm lũ ngập lút cầu thang này, nhưng năm nay… khô queo.
Người dân ở Tân Hồng cho biết, nhiều năm lũ ngập lút cầu thang này, nhưng năm nay… khô queo.

Vẫn mong mùa lũ đẹp

Từ Hồng Ngự, nơi đầu nguồn sông Tiền tiếp tục về Tân Hồng (Đồng Tháp) và từ đây chúng tôi qua Tân Hưng, Tân Thạnh (Long An) để chứng kiến tiếp mùa nước... không nổi.

Cũng chỉ là những hình ảnh nước xăm xắp chân ruộng, những hình ảnh chài lưới dọc các con kinh và trên đồng nước nông của nông dân các xã Tân Công Chí, Tân Thành (Tân Hồng- Đồng Tháp) hay Tân Lập, Tân Hòa Lập (Tân Thạnh- Long An),...

Trong khi hình ảnh chúng tôi ghi được đợt đỉnh lũ năm 2011 mênh mông hơn nhiều. Dẫu trong đó có cả một hình ảnh cám cảnh vỡ một bờ đê dài 30m gây thiệt hại hơn 400ha lúa trong đêm rạng sáng một ngày triều cường trong đỉnh lũ ở xã Tân Thành.

Chị Bảy Phụng ở xã Bình Thạnh (Tân Hồng) ngồi bó gối… tiếc nước không nổi. Chị cho biết mỗi mùa nước nổi gia đình chị có thêm từ 4- 5 triệu đồng từ đặt lờ, dớn. “Mấy chú nhìn ngoài ruộng đi, nước không ngập nổi bờ ranh nên giờ này đang trục để sạ lại rồi”- chị Bảy Phụng chỉ tay về cánh đồng.

“Không có lũ, buồn chứ!”- là câu nói nghe được nhiều từ người dân trên đường chúng tôi đi qua. Cái buồn đó đại để là: người sống bằng nghề câu, lưới, lọp, lờ,... kiếm cá đồng, chuột, ếch, tép,... vì thế không có ăn.

Chẳng hạn khi gặp mấy gia đình làm nghề chài lưới phía thượng nguồn, họ nói “nước vẫn son đó, vẫn cuộn đổ về đó, nhưng ít lắm rồi”. “Chài cá gì, cá nhiều không chú?”- chúng tôi hỏi một người đàn ông đứng tuổi đang quăng chài ven sông ngay trung tâm TX Tân Châu (An Giang). “Cá linh. Ít xịu hà. Nước nôi có đâu mà có cá...!”

“Sống với lũ quen rồi. Không có lũ, người dân mất đi một phần thu nhập từ mùa nước nổi”- anh Lãm buồn buồn. Bà con mong lũ, để có cái mưu sinh, để rửa ruộng đồng, cải tạo đất đai, mùa màng tốt hơn vào vụ. “Vụ Đông Xuân tới chi phí sẽ cao”- anh Lãm nói chắc nịch.

Ruộng rau tươi tốt và khô ráo ở cù lao Long Thuận mùa này.
Ruộng rau tươi tốt và khô ráo ở cù lao Long Thuận mùa này.

Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Hồng Ngự Nguyễn Văn Mẫn đồng tình cho biết: “Khi lũ không nhiều, chi phí công cán bỏ ra cho vụ Đông Xuân phải chiếm nhiều hơn: cải tạo đồng ruộng, diệt cỏ, bón phân...”.

Mùa lũ năm nay được cho là “không đẹp”, theo giải thích của ông Nguyễn Văn Mẫn vì: “Lũ thấp, rất thấp. Lũ năm nay là thấp nhất trong vòng 40 năm trở lại đây”.

Lũ “không đẹp” vì quá nhỏ, không làm tràn đồng, không đem phù sa, tôm cá về. “Lũ đẹp” khi ở mức 3,8- 4m, vừa hiền hòa vừa có lợi cho người dân, đồng ruộng. Còn nữa, lũ năm 2011 đã “huốt” đẹp vì cao dữ quá, làm hư hại bờ bao, đường giao thông, cống đập, gây khó khăn cho đời sống người dân.

Người dân đồng bằng vẫn mong có một mùa “lũ đẹp”, mỗi năm đến hẹn lại lên!

 

Ông Nguyễn Văn Mẫn- Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT Hồng Ngự

“Lũ đẹp” là tài nguyên thiên nhiên dành cho đồng bằng. “Lũ đẹp” sẽ mang về lượng phù sa cho đồng ruộng, thủy hải sản nước ngọt sinh sôi, diệt cỏ dại, mầm bệnh sau vụ lúa Hè Thu, tạo điều kiện thuận lợi cho vụ mùa Đông Xuân tiếp theo.

Nguyên nhân “lũ đẹp” hoặc “lũ không đẹp”, có thể cho là vĩ mô, là toàn cầu, nhưng đã và đang tác động mạnh đến vùng thượng nguồn này. Những người sống chung với lũ, hiểu lũ, họ nói năm nay do El Nino gây khô hạn kéo dài, mưa ít, nên từ thượng nguồn nước đổ về ít, dẫn đến không có lũ.

 

Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC – MINH THÁI 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh