Chùa Phước Thạnh – Ngôi chùa cách mạng

11:11, 02/11/2015

Là cơ sở cách mạng hoạt động xuyên suốt qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc chống Mỹ, chùa Phước Thạnh (phường Mỹ Phước, TP. Long Xuyên) được công nhận là di tích lịch sử, cách mạng cấp tỉnh năm 2000.

 

Là cơ sở cách mạng hoạt động xuyên suốt qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc chống Mỹ, chùa Phước Thạnh (phường Mỹ Phước, TP. Long Xuyên) được công nhận là di tích lịch sử, cách mạng cấp tỉnh năm 2000.

Nằm trong khu vực nội thành Long xuyên, chùa Phước Thạnh được dựng lên bởi hai anh em ông Ngô Văn Diệm (ông chủ Diệm) và ông Ngô Văn Nhung (Cai tổng Nhung) vào năm 1825.

Theo ghi chép, ông Diệm tập trung huy động nguồn tài lực, vật lực, nhân lực xây dựng ngôi đình Mỹ Thới (gần vàm sông rạch Cái Sao), thỉnh sắc thần Nguyễn Trọng Trì về thờ. Hàng năm, đình đều tổ chức lễ hội Kỳ yên cho người trong làng đến cúng bái, cầu “quốc thái dân an” và là nơi vui chơi giải trí, gìn giữ nét văn hóa cộng đồng.

Riêng ông Ngô Văn Nhung phát tâm lành, hợp cùng Nhân dân trong vùng xây dựng ngôi chùa Phước Thành, với mục đích để cho người dân trong vùng có nơi khấn lễ, cầu nguyện phật trời.

 

Khuôn viên chùa Phước Thạnh
Khuôn viên chùa Phước Thạnh

Vào thời kỳ đầu thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, trụ trì chùa-Hòa thượng Thích Huệ Chơn là người có tinh thần yêu nước.

Lúc này, Hòa thượng vận động phật tử tham gia các tổ chức, phong trào cách mạng và lực lượng Thanh niên Tiền phong do đồng chí Ung Văn Khiêm phụ trách.

Sau một thời gian hoạt động, thực dân Pháp phát hiện và truy nã, Hòa thượng phải về lánh ở vùng Sa Đéc (Đồng Tháp) và bị giặc sát hại ở đây. Lúc này, biết được sự tình, các con cháu chủ chùa, sư cô Diệu Hiền và các vị cao niên ở làng thường xuyên lui tới đốt nhang đèn.

Đến năm 1946, thực dân Pháp đưa lính từ Cần Thơ lên đàn áp Nhân dân Long Xuyên bằng con tàu số 73. Biết được mưu đồ này, đồng chí Huỳnh Văn Kế - cán bộ tỉnh Long Châu Hà và đồng chí Tô Văn Bửng – Phó Trưởng thanh niên xã cùng một bộ phận chuyên trách võ trang cách mạng ém quân tại chùa, phối hợp với Nhân dân ngăn chặn địch tiến đánh.

Năm 1959, ông Hội đồng Thu là con cháu của chủ chùa lên Giáo hội Tăng già thỉnh Hòa thượng Thích Thiện Thuận về trụ trì chùa cho đến hôm nay. Sư thầy Thích Thiện thuận xuất thân từ Phật học đường Ấn Quang.

Năm 1960, chùa Phước Thạnh mở Trường tiểu học Bồ Đề, ngày khai giảng còn có sự chứng kiến của Hòa thượng Thích Minh Châu – Viện trưởng Viện đại học Vạn Hạnh và Thượng tọa Thích Tắc Phước, đại diện miền Khánh Anh. Thời điểm này, chùa rất hưng thịnh, tụ họp được nhiều tăng ni, phật tử về tu học.

Noi gương Hòa thượng Huệ Chơn, vào thời chống đế quốc Mỹ, các vị trụ trì, phật tử chùa Phước Thạnh có công nuôi chứa đồng chí Nguyễn Thành Út - nguyên là Trung tướng Không quân, Hiệu trưởng Trường hàng không Việt Nam;

đồng chí Trần Khải Hòa và nhiều đồng chí khác. Các ngài luôn giữ vững truyền thống và phát huy tinh thần cách mạng tiến công, bảo vệ cơ sở, giữ gìn ngôi chùa cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước.

Những năm sau ngày giải phóng, các phật tử tiến hành tu sửa lại chùa, tráng xi măng, lót gạch tàu.

Đồng thời, chùa xây dựng tượng Quán Thế Âm, tượng Phật Di Lặc lộ thiên nằm trong khuôn viên chùa. Đến đầu năm 2000, chùa Phước Thạnh được công nhận là di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh. Hiện nay, các ngày lễ vía chư Phật, Bồ tát, các ngày lễ tục truyền, ngày rằm, ngày 30 đều được cử hành trang nghiêm tại chùa.

Theo http://www.baoangiang.com.vn/An-Giang-24-Gio/Van-hoa-Du-lich/Chua-Phuoc-Thanh-Ngoi-chua-cach-mang.html

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh