Cũng như ở các tỉnh- thành Nam Bộ, đồng bào Khmer Vĩnh Long đang nô nức đón mừng lễ Sene Dolta (cúng ông bà), diễn ra trong các ngày 11, 12 và 13/10.
Từ sáng sớm, đông đảo bà con Khmer mang thức ăn lên chùa vào ngày cúng chính. |
Cũng như ở các tỉnh- thành Nam Bộ, đồng bào Khmer Vĩnh Long đang nô nức đón mừng lễ Sene Dolta (cúng ông bà), diễn ra trong các ngày 11, 12 và 13/10.
Gắn với những nghi thức truyền thống, thể hiện nét đẹp của một trong những lễ hội lớn là tinh thần vui lễ đầm ấm không khí gia đình, giữ gìn sự bình yên, an toàn phum sóc và rôm rả chuyện làm ăn, xây dựng nông thôn ngày càng đổi mới.
Nét đẹp truyền thống
Trong những ngày qua, được tháp tùng cùng đơn vị Phòng PA88- Công an tỉnh Vĩnh Long- thăm và tặng quà các chùa Khmer, các gia đình uy tín, chúng tôi có điều kiện tìm hiểu sâu hơn về lễ Sene Dolta, cùng tham gia những bữa tiệc gia đình ấm cúng với không khí phấn khởi từ chuyện phát triển kinh tế gia đình, góp phần làm đổi thay diện mạo phum sóc trong những năm gần đây.
Theo Đại đức Thạch Thanh Tùng- trụ trì chùa Phù Ly 1 (xã Đông Bình- TX Bình Minh): “Trước khi bước vào lễ Sene Dolta, bà con tổ chức phiên cơm trong 14 ngày. Mỗi phiên như vậy là một ngày đêm, tùy theo nhóm có thể trên 10 hộ hoặc vài chục hộ, cùng nhau tổ chức dâng cơm lên chùa.
Cho đến phiên thứ 14, thì vào lễ Sene Dolta là đúng vào ngày 29 âm lịch, tất cả các phật tử cùng tập trung về chùa dâng cơm cho các chư tăng và nghe tụng kinh cầu siêu cho ông bà, người thân quá vãng. Đây là lễ truyền thống của đồng bào Khmer tương đương như lễ Vu lan báo hiếu của người Kinh”.
Lễ Sene Dolta diễn ra trong 3 ngày. Ngày thứ nhất (ngày cúng tiếp đón): Mỗi gia đình đều dọn dẹp nhà cửa khang trang, lau chùi bàn thờ tổ tiên sạch sẽ. Sau đó, dọn mâm cơm, bánh trái, rượu trà… và mời các thành viên trong gia đình cùng đốt nhang, đèn, khấn vái mời linh hồn ông bà và người quá cố về dự ăn uống cùng con cháu.
Ngày thứ hai, bà con chuẩn bị mâm cơm cùng bánh, trái… mang vào chùa để tổ chức cúng chính (cúng tập thể), sau khi nghe các vị sư tụng kinh cầu siêu cho tất cả các linh hồn ông bà của tất cả mọi nhà, bà con phật tử trong phum sóc cùng ăn, trao đổi việc đồng áng và vui chơi tại chùa. Buổi chiều, rước linh hồn ông bà về nhà, làm mâm cơm mới cúng và mời ông bà ở lại chứng kiến cuộc sống sung túc của con cháu. Ngày thứ ba là ngày cúng tiễn và kết thúc lễ.
Ngoài ý nghĩa cúng tạ ơn ông bà, Sene Dolta còn thể hiện lòng tri ân đối với các bậc tiền nhân, những người có công lao đối với cộng đồng, đất nước.
Theo Đại đức Thạch Thanh Tùng, nét mới trong những ngày lễ lớn của đồng bào Khmer là an ninh trật tự được bảo đảm tốt, không như trước đây thường có thanh niên nhậu nhẹt và xảy ra mâu thuẫn.
Trước hết, là do chính quyền có sự phối hợp giữ gìn trật tự; quan trọng là ý thức bà con cũng được nâng cao, đa số mọi người quan tâm đến chuyện công ăn việc làm, phát triển kinh tế gia đình. Ai cũng nhận thấy sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước qua các chính sách, chương trình hỗ trợ bà con Khmer.
Các phẩm vật lương thực- thực phẩm dâng cúng lên chùa. |
Phấn khởi từ nhà ra phum sóc
Sau khi ghé thăm chùa Gò Xoài (xã Tân Mỹ- Trà Ôn), chúng tôi đi bộ dọc theo con đường làng, tạt vào nhà ông Thạch Thil dù đang vào ngày cúng lễ cũng phải lăng xăng lo xử lý lúa giống chuẩn bị gieo sạ vụ Thu Đông.
Dù căn nhà nền đất, nhưng câu chuyện gia đình cho thấy kinh tế khá ổn định, bên chái nhà là cặp bò nái đang sắp đẻ con. Niềm tự hào của vợ chồng ông Thạch Thil là 2 đứa con gái ngoan, học giỏi. Con gái lớn vừa tốt nghiệp Đại học An ninh, sẽ được về công tác ở tỉnh nhà.
Không “lu bu” như Thạch Thil, gia đình ông Thạch Chia (69 tuổi, ở ấp Sóc Ruộng, xã Tân Mỹ- Trà Ôn) khá nhàn nhã nên tổ chức lễ rước ông bà rất xôm tụ.
3 đứa con gái có gia đình đều về đông đủ, có cả sui gia tận Hậu Giang cũng đến, cùng một số cán bộ địa phương. Ông Thạch Chia là Trưởng Ban Hoằng pháp chùa Gò Xoài, cũng là Acha (có uy tín, hiểu biết rộng) của chùa.
Ông chia sẻ: “Đối với đồng bào Khmer, khi ông bà quá cố theo phong tục hỏa táng, thì tro cốt được gửi vào chùa, do đó trong ngày cúng chính của Sene Dolta thì con cháu dù bận rộn mấy cũng phải sắp xếp dâng cơm lên chùa, để được nghe sư tụng kinh cầu siêu, tỏ lòng thành kính, hiếu thảo.
Đối với gia đình tôi, khi tổ chức lễ cúng đều thông báo cho con cái ở xa thu xếp công việc và mời sui gia không phân biệt là Kinh hay Khmer. Qua lễ cúng này, cũng là cơ hội để bà con, họ hàng cùng chia sẻ chuyện gia đình, chuyện làm ăn, từ đó càng thắt chặt hơn tình cảm gia đình, họ hàng, xây dựng tốt mối quan hệ trong phum sóc”.
Vợ chồng ông Thạch Chia (thứ 2 và 3 từ trái sang) sum họp bên con cái và sui gia. |
Bí thư ấp Phù Ly 1 Thạch Valey cho biết: “Thông qua việc vay vốn cùng với nhiều chương trình hỗ trợ từ Trung ương, đã giúp cho công tác giảm nghèo đạt hiệu quả tốt. Đặc biệt, thời gian gần đây nhiều bà con sử dụng nguồn vốn vay để chăn nuôi bò phát triển mạnh. Nhiều gia đình thoát nghèo, kinh tế ổn định”.
Đại đức Thạch Thanh Tùng phấn khởi chia sẻ: “Giờ đây đường sá thuận tiện, nhà cửa khang trang, đời sống khá giả nên bà con tổ chức lễ hội cũng lớn hơn, theo đó là dân trí cũng được nâng lên. Với tư cách là sư trụ trì trong chùa, khi nhìn thấy bà con sống tốt, sư cũng rất mừng, rất phấn khởi”.
Một mùa Sene Dolta vui tươi, ấm áp rạng rỡ những nụ cười.
Về thăm các phum sóc trong những ngày này, nổi bật là không khí rộn ràng cùng với diện mạo nông thôn đã thay đổi rất nhiều so với những năm trước đây. Từ đường sá giao thông nông thôn cho đến những suy nghĩ của bà con đồng bào Khmer cũng đã đổi thay. Những người trẻ năng động tạo nên công việc ổn định, kinh tế gia đình phát triển. Còn an ninh trật tự phum sóc ngày càng ổn định hơn.
|
Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin