Lặng lẽ bảo tồn di sản dân tộc

05:10, 24/10/2015

Niềm đam mê nghệ thuật đờn ca tài tử (ĐCTT) đã hòa cùng dòng chảy huyết quản, "gõ" theo từng nhịp đập của trái tim và thấm đẫm trong từng hơi thở. Những nghệ nhân tài tử xứng đáng được phong tặng là những nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực Di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia.

Niềm đam mê nghệ thuật đờn ca tài tử (ĐCTT) đã hòa cùng dòng chảy huyết quản, “gõ” theo từng nhịp đập của trái tim và thấm đẫm trong từng hơi thở. Những nghệ nhân tài tử xứng đáng được phong tặng là những nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực Di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia.

Họ khác nào con tằm một kiếp vương tơ, cũng là thỏa mãn nỗi khát khao cháy bỏng của một đời người, được tận hiến cho đời cái tinh hoa nghệ thuật cổ truyền của dân tộc; qua đó mà di sản cha ông được gìn giữ lưu truyền cho mãi muôn đời sau.

Từ trái qua: Quốc Trạch, Hai Quýt, Tiểu Yến- đây là 3 nghệ nhân được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Long đề nghị Bộ công nhận là nghệ nhân ưu tú lĩnh vực Di sản văn hóa phi vật thể. Ảnh: NGỌC TRẢNG
Từ trái qua: Quốc Trạch, Hai Quýt, Tiểu Yến- đây là 3 nghệ nhân được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Long đề nghị Bộ công nhận là nghệ nhân ưu tú lĩnh vực Di sản văn hóa phi vật thể. Ảnh: NGỌC TRẢNG

Về Vũng Liêm nghe lại tiếng đờn xưa

Trong khung cảnh trời chiều còn khá nặng sau cơn mưa dai dẳng, giữa không gian lắng đọng của Khu lưu niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, tiếng đờn réo rắt của những truyền nhân xuất sắc của danh cầm Ba Đờn (Nguyễn Văn Cật), thật dễ đưa con người ta chạm đến những ngóc ngách sâu thẩm của tận cùng cảm xúc.

Sự cộng hưởng của không gian sang trọng, trang nghiêm, thiệt tình là rất... phù hợp để phô diễn nghệ thuật đỉnh cao, đã được tôn vinh là Di sản văn hóa phi vật thể của thế giới. Xen giữa tiếng đờn, lời ca là những câu chuyện như trút cạn tâm tư của những nghệ nhân, đã dành cả đời mình cho ĐCTT. Họ là Tiểu Yến (Nguyễn Văn Hào), Quốc Trạch (Nguyễn Văn Trạch)- 2 người con ruột của danh cầm Ba Đờn và Hai Quýt (Võ Viết Hưng) cũng là người học trò “ruột” của Ba Đờn.

Khi mới 13 tuổi, ngón đờn của Ba Đờn xứ Vũng Liêm đã vang danh tận miền Đông Nam Bộ, nên đã được chính ông Phạm Công Tắc rước về Tòa thánh Tây Ninh, chơi đờn trong ban nhạc lễ đài. Ba Đờn nổi tiếng ở ngón đờn cò réo rắt thinh âm và cả tiếng đờn kìm mùi mẫn dễ làm ngẩn ngơ, não nuột lòng người; mà theo nghệ nhân Tiểu Yến thì cho đến giờ này, chưa có truyền nhân nào đạt đến “độ chín” như tiếng đờn cò và đờn kìm của ba mình.

Là con người hiền lành, trầm tính và cũng là bậc thâm nho, am hiểu văn chương, nên Ba Đờn còn là soạn giả tài năng; trong số đó phải kể đến tuồng cải lương “Đứa con vô thừa nhận” dựa theo tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh.

Trong giới chơi tài tử cũng thường có sự hơn thua, “phá” nhau trong tiếng đờn, giọng ca; những lúc đó Ba Đờn thường khiêm tốn nhỏ nhẹ trình bày ý kiến của mình hoặc tránh xa các cuộc tranh cãi. Với tài năng và đức độ đó, Ba Đờn đã đào tạo thành danh nhiều lớp học trò, góp phần lớn vào dòng chảy nghệ thuật ĐCTT ở Vũng Liêm, cũng như tỉnh Vĩnh Long; còn 8 người con của ông đều “nhiễm” cái máu nghệ thuật này.

Khi tuổi cao, tai không còn tinh tường, ông “lùi” hẳn về phía sau, nhường sân chơi cho lớp hậu bối phô diễn. Ba Đờn vừa mất vào năm 2013, thọ 92 tuổi. Đáng tiếc là tài năng và đóng góp của ông chưa kịp được ghi nhận là nghệ nhân ưu tú của quốc gia.

Người xưa dù vắng bóng, nhưng thật duyên may chúng tôi vẫn được nghe lại tiếng đờn, lời ca “năm cũ” qua những truyền nhân xuất sắc của bậc tiền nhân.

“Con tằm một kiếp vương tơ”

Khách du lịch nước ngoài thưởng thức đờn ca tài tử trong không gian nhà cổ. Ảnh: VINH HIỂN
Khách du lịch nước ngoài thưởng thức đờn ca tài tử trong không gian nhà cổ. Ảnh: VINH HIỂN

Những câu chuyện của Tiểu Yến, Hai Quýt, Quốc Trạch cho chúng tôi cảm nhận được sự trân trọng, niềm đam mê cháy bỏng đối với bộ môn nghệ thuật ĐCTT, hơn thế nữa là sự trăn trở khôn nguôi cho những bước thăng trầm của cái gia tài, di sản mà cha ông để lại. Nếu người em thứ tám- Quốc Trạch có sở trường đờn và ca, thì anh Hai Tiểu Yến mạnh về sáng tác.

Tiểu Yến sáng tác rất “khỏe” và nhanh cả về bài ca, chập hoặc tuồng cải lương. Vì thế, ông luôn có những lời mới mang tính thời sự phục vụ công tác tuyên truyền, ca ngợi quê hương, đất nước, ca ngợi lãnh tụ...

Đây là điểm yếu của phong trào ĐCTT hiện nay, do rất thiếu người sáng tác, nên bài tài tử mang tính thời sự bị thiếu một cách trầm trọng. Soạn giả đương nhiên phải là người am hiểu bài bản, nhưng phải có vốn kiến thức rộng và nền tảng ngôn ngữ văn chương Nam Bộ vững, mới có thể sáng tạo những tác phẩm hay, hấp dẫn.

Đặc biệt, đối với thể loại tuồng tích cổ, soạn giả phải là bậc thâm nho, hiểu nhiều điển tích, thì lời ca mới đẹp, sang trọng và phù hợp ngữ cảnh.

Có lẽ được thụ hưởng từ ba mình mà Tiểu Yến có rất nhiều sáng tác hay, ông hồi tưởng lại, ngay từ nhỏ đã được “tắm” mình trong cái không gian của nghệ thuật ĐCTT, nên các điệu thức, bài bản cổ đã tự nhiên thấm vào máu rồi.

Hồi đó, gia đình thường xuyên có khách đến giao lưu, trao đổi bài bản và so dây để “tri âm” ngón đờn, lúc đó Tiểu Yến có nhiệm vụ nấu nước pha trà, và trộm nghe những cuộc giao lưu nghệ thuật này. Dù Ba Đờn không muốn con cái theo nghiệp đờn ca mà bỏ bê việc học hành, nhưng sao mà cấm cản được khi duyên nghiệp vốn dĩ đã vận vào cái câu “Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”.

Từ phong trào ĐCTT xóm ấp, xã rồi lan tỏa khắp nơi mà cách đây mấy mươi năm Vũng Liêm đã có đủ lực lượng thành lập hẳn đoàn cải lương. Đến năm 1987, Đoàn cải lương Vũng Liêm được rút về tỉnh thành lập Đoàn cải lương Thanh Loan, khi này cả 2 anh em của Tiểu Yến cùng phục vụ biên chế trong đoàn.

Khi tách tỉnh Cửu Long, thì Trà Vinh nhận đoàn và đổi tên thành Đoàn cải lương Ánh Hồng. Một thời kinh tế khó khăn, việc phục trang đào, kép không đuổi kịp các đoàn mạnh, cải lương địa phương rơi vào khủng hoảng và tan rã lần lần. Tiểu Yến trăn trở nhưng vẫn tâm niệm và xác tín rằng: “Cải lương có thể lận đận, thoái trào, nhưng ĐCTT thì vẫn giữ mãi sức sống.

Nó không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân Nam Bộ”. Từ đó, ông cũng đầu tư mạnh vào sáng tác bài bản cho ĐCTT, đến nay có thể gọi là sở hữu một “gia tài” khá dày những bản tài tử được viết lời mới ở đủ các lĩnh vực trong cuộc sống đương đại.

Những câu chuyện về ĐCTT được tiếp nối qua những tâm sự của nghệ nhân Quốc Trạch, nghệ nhân Hai Quýt, mà chúng tôi sẽ trở lại trong dịp khác. Còn trong không gian lắng đọng chiều nay, họ đã “chiêu đãi” chúng tôi “bữa tiệc” ĐCTT khá thịnh soạn, với những khúc Phụng cầu hoàn trong “Đứa con vô thừa nhận”, Tứ đại oán trong trích đoạn kinh điển “Bùi Kiệm- Nguyệt Nga”, hay như Mộng tầm dương, một bản cổ đã mất lời gốc đã được Ba Đờn sưu tầm và Tiểu Yến viết lời mới...

Qua tiếng đờn của Quốc Trạch, Hai Quýt, lời ca trau chuốt, nhấn nhá, luyến láy từng câu, từng chữ, mới thấy ĐCTT là một bộ môn nghệ thuật không phải là cuộc chơi dành cho những người dễ dãi. Ngoài tấm lòng, niềm đam mê, tài năng nó đòi hỏi con người ta phải đeo đuổi, trau dồi, khổ luyện suốt cả một đời dấn thân vì nghệ thuật.

“Viết một bản tài tử không thể nào dễ dãi mà viết luông tuồng, mỗi câu hát là một câu thơ, mỗi bài hát là một bài thơ”- nghệ nhân Tiểu Yến chia sẻ. Còn Quốc Trạch cho rằng: “Người hát tài tử phải chú ý từng câu, từng từ trau chuốt. Chỗ nào nhấn, chỗ nào nhá, chỗ nào “đi”, chỗ nào ngân nga; phải phát âm cho chuẩn từng dấu, từng thinh âm trầm bổng”. Nghệ thuật ĐCTT chính là không gian ươm giữ thứ ngôn ngữ đẹp, sang trọng của Nam Bộ, mà ngày nay đang có nguy cơ dần phai nhạt bản sắc. Đây còn là thứ nghệ thuật dạy con người ta nhân nghĩa ở đời. Một di sản vô giá như thế, hỏi có thứ nghệ thuật ngoại lai nào có thể làm lu mờ nó được?.

 

NGỌC TRẢNG- MINH TRIẾT

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh