Tàu cao tốc băng băng trên mặt biển xanh, xa xa đã nhìn thấy đỉnh núi cao nhất trên đảo Nam Du. Cái nắng chói chang như thiêu đốt cả hòn đảo. Những vạt cây xanh cũng không đủ chống chọi với cái nắng tháng tư.
Tàu cao tốc băng băng trên mặt biển xanh, xa xa đã nhìn thấy đỉnh núi cao nhất trên đảo Nam Du. Cái nắng chói chang như thiêu đốt cả hòn đảo. Những vạt cây xanh cũng không đủ chống chọi với cái nắng tháng tư.
Tuy vậy, đoàn đi thực tế sáng tác chừng như rất phấn khởi. Đoàn đến với các chiến sĩ hải quân cũng như người dân nơi đảo tiền tiêu phía Tây Nam của Tổ quốc- cái nơi mà nắng và gió đã trui rèn nên những chiến sĩ gan góc kiên cường lúc nào cũng quyết tâm bám đảo dù phải chịu nhiều thiếu thốn về vật chất cũng như tình cảm, đặc biệt là sự thiếu nước trầm trọng.
Khắc phục mọi khó khăn, chiến sĩ hải quân lạc quan sống và làm tốt nhiệm vụ. Ảnh minh họa: HÒA BÌNH |
Cách mặt biển khoảng 309m, Trạm Ra đa 600 HQ thuộc Tiểu đoàn 551 Vùng E Hải quân ở quần đảo Nam Du, huyện đảo Phú Quốc trông như một nóc nhà sừng sững. Sừng sững bởi con đường từ chân núi lên đỉnh rất cao và thẳng đứng, ôm chặt anh xe ôm mà tôi vẫn không khỏi khiếp sợ.
Chiếc xe cứ è è cố bườn lên, tôi có cảm giác như nó muốn dừng lại và nếu nó tắt máy luôn thì… không biết chuyện gì sẽ xảy ra (nghe nói có mấy người bị chấn thương sọ não vì xe tuột dốc ở đoạn đường này). Lên được đỉnh núi, tôi thở phào nhẹ nhõm. Cũng may đoàn văn nghệ sĩ 40 người chúng tôi đều đến được đỉnh núi an toàn vì mấy tay lái lụa ở đảo.
Các chiến sĩ hải quân của Trạm Ra đa nhiệt tình hướng dẫn đoàn chỗ ăn nghỉ. Nhìn gương mặt tươi vui, hớn hở của các anh mới biết được hiếm khi có khách đất liền đến thăm đảo. Cuộc sống của cư dân trên đảo thiếu thốn rất nhiều so với đất liền.
Đặc biệt các chiến sĩ hải quân trên Trạm Ra đa lại càng thiếu thốn nhiều hơn. Qua lời tâm sự của các anh, chúng tôi biết dù có khó khăn, gian khổ mấy các anh cũng cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, canh giữ vùng biển Tây Nam của Tổ quốc.
Một tuần sống trên đỉnh Ra đa, chúng tôi càng thấu hiểu và cảm thông những thiếu thốn của các anh hơn. Nhưng thiếu thốn trầm trọng nhất có lẽ là nước ngọt. Vào mùa mưa thì tạm ổn nhưng vào mùa khô- nhất là vào những ngày tháng 3, 4- khí trời khắc nghiệt: oi bức, khô hạn, nắng đến cháy da.
Khô hạn càng lâu thì nước ngọt càng thiếu trầm trọng. Có năm hạn hán kéo dài không đủ nước dùng, các anh phải xuống chân đồi chở từng can nước lên đỉnh phục vụ sinh hoạt ăn uống, tắm giặt.
Chỉ tiêu mỗi người chỉ gói gọn trong 20 lít nước một ngày. Với 16 bể, mỗi bể chứa được 2,5m3 nước được tiếp quản từ chế độ cũ không đủ cho các chiến sĩ hải quân trên trạm sử dụng suốt năm. Dùng số tiền khen thưởng, các anh đã chung sức xây thêm 4 bể lớn với dung tích 10 m3/bể.
Ngoài ra vào năm 2006, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang trong một chuyến ra thăm đảo đã chứng kiến tình trạng thiếu nước trầm trọng ở Trạm Ra đa nên đã vận động hiến 2 bể inox dung tích 5 m3/bể để anh em ở trạm sử dụng cho nấu ăn thay cho bể xi măng đã cũ kỹ và thiếu vệ sinh. Tuy nhiên, nếu hạn hán kéo dài thì nước vẫn là vấn đề nan giải!
Riêng ở xã An Sơn và Nam Du, có thể nói tình trạng thiếu nước là không thể tưởng tượng. Cả xã chỉ có mấy cái giếng nước ngọt, vào mùa khô thì cứ phải tranh nhau vét từng giọt nước! Đến mùa mưa thì nhà nào cũng tập trung lu to, lu nhỏ hứng nước mưa nhưng vẫn không đủ cho sinh hoạt suốt năm.
Có nhiều hộ gia đình không chịu được cảnh thiếu nước đã bỏ vào đất liền. Hầu như năm nào cũng phải vận chuyển nước ngọt từ đất liền ra phục vụ cho dân trên các đảo, có năm lên đến 150.000 đ/m3.
Năm 1998, Chủ tịch nước Trần Đức Lương khi ra thăm đảo đã thấu hiểu nguyện vọng của người dân đảo nên đã chi 5 tỷ cho việc xây hồ chứa nước mưa với dung tích 30.000m3 phục vụ nước ngọt cho đảo. Qua nhiều lần tu sửa, kinh phí lên đến 15 tỷ và hiện nay hồ chứa nước đã phần nào hạn chế được việc thiếu nước ngọt trên đảo.
Riêng ở Trạm Ra đa, tình trạng thiếu nước xảy ra rất thường xuyên. Nếu có khách đất liền ra thăm (có đoàn cả trăm người) thì các anh phải tiết kiệm nước tối đa.
Thậm chí phải thuê người chở nước từ chân núi lên để phục vụ cho cả đoàn. Lần đầu tiên tôi mới biết nước ở đây đắt đến như vậy. Cứ một can nước 20 lít có giá 15.000đ (cao điểm có thể lên 20.000đ).
Một ngày một người sử dụng tiết kiệm lắm thì cũng phải 2 can nước (ăn uống, tắm thôi chớ chưa nói đến giặt giũ), vị chi là 30.000 đ/ngày. Đoàn có 40 người. Tính ra phải chi đến 1.200.000 đ/ngày. Nghe qua mà giật cả mình. Ở đồng bằng nước chỉ có mấy ngàn một khối, còn ở đây đúng là… “nước quý như vàng”!
Những ngày sống ở đảo, mọi người mới biết tiết kiệm nước. Nước ăn uống, tắm giặt, vệ sinh thì phải dè sẻn từng giọt một. Nghe nói có năm hạn hán kéo dài, cả hồ chứa nước của đảo cũng cạn kiệt, nước lại càng đắt hơn bao giờ hết. Đi đâu cũng nghe nói đến nước.
Nước là đề tài ưu tiên của đảo. Mỗi ngày, mọi người đều trông đợi những cơn mưa để giải nhiệt cái nắng nóng và cũng là giải quyết tình hình sinh hoạt cho cả đảo.
Cây cối trên đảo vào mùa nắng đều vàng úa đến trơ cành trụi lá! Vậy để càng khâm phục tinh thần bám đảo của người dân cũng như ý chí kiên cường của các chiến sĩ hải quân trên Trạm Ra đa.
Điều đáng quý là trong tình hình nước sinh hoạt thiếu thốn nhưng các chiến sĩ trên Trạm Ra đa vẫn lo việc ăn uống cho đoàn đầy đủ. Các anh nấu từng bữa cơm ngon cho đoàn, rau củ ở đảo dù khan hiếm nhưng các anh vẫn bổ sung vào thực đơn cho anh em văn nghệ sĩ có đủ sức khỏe đi sáng tác.
Các anh cố gắng tạo mọi điều kiện cho đoàn sáng tác được thuận tiện. Những cảnh đẹp về Nam Du- một “vịnh Hạ Long ở vùng biển phía Tây Nam” dần dần hiện lên trên những tác phẩm của anh em nhiếp ảnh và họa sĩ. Sức sống cũng như tình người Nam Du được khắc họa sâu đậm vào những tác phẩm văn học.
Anh em văn nghệ sĩ ai cũng cố gắng hoàn thành xong tác phẩm của mình ngay trên đảo nhằm đáp lại phần nào tấm chân tình của người dân cũng như các chiến sĩ trên đảo. Đêm khai mạc buổi triển lãm đầy ắp tình yêu thương.
Mọi người trên đảo đều vui mừng vì lần đầu tiên họ được thấy hòn đảo yêu thương của mình trên tranh ảnh và những bài viết đầy sức sống. Họ cảm nhận được một tình cảm rất thiêng liêng với nơi mà mình đã nguyện suốt đời gắn bó và mọi người đều hy vọng đất liền sẽ chung tay góp sức dựng xây cho đảo ngày càng giàu đẹp thêm hơn.
Sau hơn một tuần trên đảo, đoàn ra về trong sự luyến tiếc và quý mến của các người dân và chiến sĩ trên đảo. Mọi người đều cảm thông trước những hy sinh của người dân và các chiến sĩ ở nơi đầu sóng ngọn gió này.
Từ đây, những thiếu thốn trên đảo luôn là sự quan tâm hàng đầu của tất cả mọi người ở đất liền. Đoàn ra về với mong ước những cơn mưa đầu mùa sẽ đến sớm hơn, để màu xanh lại trải đều trên hòn đảo xinh tươi nơi vùng biển Tây Nam Tổ quốc.
Ra về, ai trong đoàn cũng có ít nhiều kỷ niệm, những vấn vương, thương cảm- đặc biệt là ai cũng nhận thức được tầm quan trọng của nước ngọt. Nước là nguồn tài nguyên vô giá mà thiên nhiên đã ban tặng cho chúng ta. Nước sông ngòi cũng như nước mưa dù không tốn tiền mua nhưng nếu không biết khai thác đúng cách thì cũng không sử dụng được.
Cho nên, hãy chung tay cải tạo những dòng sông đang bị bức tử vì ô nhiễm cũng như hạn chế việc xả thải khói độc ở các khu công nghiệp để nguồn nước mãi được trong sạch. Mong rằng trong tương lai dù ở bất cứ nơi đâu thì chúng ta cũng sẽ không phải sống trong cảnh thiếu nước.
Gan Thị Phương Ánh
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin