40 năm qua, người dân xã Thới An Hội (huyện Kế Sách- Sóc Trăng) đều biết chuyện một ông "Hai Lúa" nghèo nhưng có một niềm đam mê đặc biệt là sưu tầm tài liệu, hình ảnh về Bác Hồ.
[links()]
40 năm qua, người dân xã Thới An Hội (huyện Kế Sách- Sóc Trăng) đều biết chuyện một ông “Hai Lúa” nghèo nhưng có một niềm đam mê đặc biệt là sưu tầm tài liệu, hình ảnh về Bác Hồ. Suốt ngần ấy thời gian, ông Nguyễn Văn Nhung cần mẫn như con ong để có được gia tài vô giá là hàng ngàn trang tài liệu, tranh, ảnh về Bác trong nhiều thời điểm khác nhau.
Từ niềm đam mê sưu tầm, tìm hiểu về Bác Hồ, ông Nhung kiêm luôn vai trò hướng dẫn viên và thư viện mini của ông đã gắn bó với nhiều học sinh của xã Thới An Hội. |
Rồi người ta sẽ hiểu…
Chúng tôi hẹn và đến gặp ông trong một ngày giữa tháng 5, khi ông còn đang tất bật với công việc giữ xe tại trung tâm chợ xã. Ông hồ hởi “tôi ở đây đợi các chú từ sáng”. Nói đoạn, ông điện thoại cho người con trai ra thay công việc của mình, còn ông cùng chúng tôi về nhà. Đoạn đường từ chợ xã Thới An Hội về nhà ông non nửa cây số, trên đoạn đường ấy, không chủ đề nào khác ngoài nói về Bác Hồ. Tôi cảm nhận được rằng, trong lòng ông lúc nào cũng là hình ảnh Bác Hồ ngự trị.
Đến nhà, không gian ngôi nhà ông không rộng, nhưng làm chúng tôi choáng ngộp vì ở đâu cũng có hình ảnh Bác Hồ. Từ phòng khách, đến khu vực trưng bày rộng chừng vài chục mét ngay trước nhà. Hình ảnh Bác Hồ là tư liệu được bạn bè tặng trong những trang sách được ông cẩn thận ép nhựa treo trên tường, đến hình ảnh lớn được in trên những tấm lụa cũng được trang trọng treo trên cao. Ông cho biết, hàng ngày ông đều dậy sớm để lau chùi tất cả hình ảnh vì “con đường trước nhà đang thi công nên rất nhiều bụi”.
Ngay giữa phòng khách là bàn thờ Bác Hồ được đặt rất trang nghiêm và lúc nào cũng ấm cúng nhang khói. Bàn thờ Bác Hồ được lập nên đầu tiên, ngay từ những ngày đầu ông có ý định sưu tầm tranh, ảnh, tư liệu về Bác.
Nhấp ngụm trà, ông Nhung tâm sự rằng quá trình sưu tầm tư liệu về Bác Hồ cũng lắm gian nan. Cái gian nan đầu tiên là do điều kiện kinh tế khó khăn. Mỗi khi nghe đâu có cuộc triển lãm về Bác, gần cũng như xa thì ông đều có mặt. Gần thì đi bằng xe đạp, xa thì đi xe đò. Có lần ông cũng lên tận TP Hồ Chí Minh chỉ để dự triển lãm ảnh về Bác. Sau những cuộc triển lãm, nếu liên hệ xin những hình ảnh không được thì ông nhờ người đến vẻ lại với khổ lớn để treo trong nhà. Sau này kinh tế đỡ khó khăn hơn, ông cũng dành dụm mua được cái máy ảnh nhỏ để chụp lại ảnh Bác, mang về rửa lớn ra và treo lên.
Ngay giữa phòng khách là bàn thờ Bác Hồ được đặt rất trang nghiêm và lúc nào cũng ấm cúng nhang khói. |
Đó là chuyện khó về kinh tế, “cái đó cũng dễ vượt qua”, ông chia sẻ. Nhưng điều khó nhất đối với ông là khi ông quyết tâm sưu tầm hình ảnh về Bác Hồ từ 40 năm trước, “lúc ấy người ta không biết là tôi muốn làm gì”. Ông kể, có cả những cán bộ cấp xã, cấp huyện thời bấy giờ, đến bảo ông thôi đi, đừng sưu tầm nữa. Rồi cả chuyện những cú điện thoại hăm dọa, “chắc là của bọn phản động”- ông cho biết như thế. Từ những chuyện như thế, vợ ông cũng nhiều lần khuyên ông dừng việc sưu tầm. Nhưng ông nghĩ theo lối nghĩ đơn giản nhất, Bác Hồ là người khai sinh ra đất nước, giải phóng đất nước, lo cho cuộc sống ấm no hôm nay thì việc sưu tầm hình ảnh, tư liệu về Bác Hồ, chắc sau này người ta sẽ hiểu. Nghĩ như thế nên ông cứ miệt mài, cần mẫn. Và trong suốt 40 năm qua, ông vẫn duy nhất theo đuổi niềm đam mê tột cùng ấy.
Làm hướng dẫn viên bất đắc dĩ…
Cho đến bây giờ, trong nhà ông có trên một ngàn hình ảnh về Bác Hồ. Những hình ảnh từ ngày Bác còn bôn ba trên tàu Đô đốc La-tu-sơ Tơ-rê-vin, đến những hoạt động của Người trên đất Pháp, rồi về lại Tây Bắc để bắt đầu cuộc chiến giải phóng dân tộc. Trong kho ảnh của ông là một câu chuyện hoàn hảo về cuộc đời, và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong đó, ông thích nhất là hình ảnh Bác Hồ bên cây vú sữa, gợi nhớ hình ảnh miền Nam ruột thịt luôn trong trái tim Người.
Niềm đam mê sưu tầm tư liệu về Bác Hồ cứ hiện hữu trong ông vô tư như thế. Và mặt dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nỗi lo kinh tế gia đình còn đó, thế nhưng trong suốt 40 năm qua không bao giờ gián đoạn công việc sưu tầm. Từ niềm đam mê sưu tầm, tìm hiểu về Bác Hồ, ông Nhung kiêm luôn vai trò hướng dẫn cho người đến xem. Đặc biệt là học sinh trong khu vực luôn xem thư viện mini của ông là điểm đến để tìm hiểu thông tin giúp ích cho việc học.
Em Trần Minh Toàn (học sinh Trường THCS Thới An Hội huyện Kế Sách- Sóc Trăng) chia sẻ “con cảm thấy rất là vui vì mình có thể mở rộng kiến thức và biết thêm về Bác”. Còn em Mã Thiện Vy thì tâm đắc rằng việc tìm hiểu về Bác Hồ giúp em có động lực học giỏi hơn.
Thư viện mini của ông Nguyễn Văn Nhung mỗi ngày đón hàng trăm khách đến thăm, phần nhiều là học sinh của các địa phương lân cận. Và cứ như thế, mỗi bận học sinh đến thì các em như được truyền lửa, ngọn lửa ấm áp từ vị lãnh tụ vĩ đại nhưng rất gần gũi với học sinh, với mọi người.
Bác Hồ đã đi xa và di sản Người để lại là Tư tưởng Hồ Chí Minh vô giá. Tư tưởng ấy đã là kim chỉ nam, là động lực để các thế hệ hôm nay soi vào đó mà định hướng cho mình. 40 năm sưu tầm tư liệu và tuyên truyền cho nhiều người, có thể nói, ông Nguyễn Văn Nhung đã làm được một việc rất hữu ích là đưa được tư tưởng Hồ Chí Minh, tình cảm của Bác đến với người dân nghèo ở vùng sâu, vùng xa của quê mình.
Bài, ảnh: Phan
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin